Họ đã chọn hướng đi quay lưng với Mặt Trời…

Tôi gọi ngày 19/9/2008 là ngày thứ Sáu đen tối. Đen tối cho Tổng Giáo Phận Hà Nội, khi mà công lý bị thản nhiên chà đạp và những người tranh đấu cho công lý bị đưa ra làm vật tế thần. Đó còn là ngày thứ Sáu đen tối cho một dân tộc mà dẫu chiến tranh đã đi qua ngót hơn ba thập kỷ, nhưng khát vọng ấm no xem ra vẫn còn diệu vợi.

Trở lại với cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời hội nhập: "Thời cơ Vàng - Hiểm họa Đen" và ở đây, tôi muốn viện dẫn bài thơ Đánh thức tiềm lực của tác giả Nguyễn Duy như một sự đồng điệu đặc biệt. Thật thế, với một dân tộc đã phải đánh đổi quá nhiều máu xương cho nền tự do thực sự, dân tộc đó có quyền được thụ hưởng những thành quả xứng đáng với những hy sinh, mất mát lớn lao của mình. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, một viễn cảnh tươi sáng với những thời cơ Vàng được hứa hẹn cho những người dân bao đời lam lũ trên dãi đất hình chữ S. Ấy nhưng, tất cả chỉ là nỗi xót xa trước một sự thật phũ phàng. Vì rằng, trên thực tế, chỉ có "bọn tham nhũng mới nắm được thời cơ Vàng, đất nước thì chưa". Cố nhiên ở đây, một lần nữa, xin đừng đánh đồng hai khái niệm "Nhà Nước" và "Tổ Quốc". Dưới một góc nhìn khác, hiểm họa Đen đã đến như những bóng ma rình rập, đe dọa thường trực đến đời sống của những người dân cụ thể:

"Có lẽ nào người lớn cứ ru nhau

Ru tiềm lực ngủ vùi trong thớ thịt

Tiềm lực còn ngủ yên

Trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng

Tiềm lực còn ngủ yên

Trong bộ óc mang khối u tự mãn
…"

(Đánh thức tiềm lực).

Từ hiểm họa đến thảm họa là một lằn ranh mong manh khác. Tôi không ngần ngại gọi hệ thống truyền thông Việt Nam hiện nay là một thảm họa thực sự. Dĩ nhiên, vẫn có nhiều thảm họa đen khác nhưng do khuôn khổ của bài viết, tôi không có dịp phân tích ở đây. Dẫu với bất cứ lời ngụy biện nào đi chăng nữa, bản chất của truyền thông vẫn là sự thật. Trong mọi trường hợp (hãy khoan bàn đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp), nguyên tắc tối thượng là phản ánh sự thật phải được đảm bảo. Thế nhưng, chúng ta thấy gì từ truyền thông Việt Nam trong những ngày qua? Một chiến dịch công phu được triển khai trên diện rộng với những miếng đánh "vỗ mặt" vào giáo xứ Thái Hà và Tổng Giám Mục Hà Nội. Những miếng đánh được thực hiện bằng những thủ thuật hạ đẳng, đê hèn và giảo hoạt. Công luận trong nước sẽ nghĩ sao khi hệ thống truyền thông vốn đang sống trên những đồng thuế của người dân lại trâng tráo trả ơn cho "ông chủ" của mình bằng những "tấm bánh vẽ", những trò hề rẻ mạt…Thảm họa từ việc làm băng hoại đạo đức và niềm tin còn nguy hiểm hơn gấp trăm vạn lần vụ bê bối sữa độc tại tập đoàn Tam Lộc (Trung Quốc), vụ Vedan "đầu độc" sông Thị Vải gần đây…

Trong một xã hội mà:

"Lời nói thật thà có thể bị buộc tội

Lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương

Đạo đức giả có thể thành dịch tả

Lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường



Có cái miệng làm chức năng cái lưỡi

Sau nụ cười là lởm chởm răng cưa



Có trận đánh úp nhau bằng chữ nghĩa

Khái niệm bắn đi không biết lối thu về"


(Đánh thức tiềm lực)

thì khái niệm "rồng bay" vẫn chỉ là một khát vọng xa vời, và tiềm lực cứ ngủ vùi trong quên lãng. Nguyễn Duy đã chính xác với những dự cảm xót xa của mình, và giới cầm quyền Hà Nội sẽ nghĩ gì khi đọc những dòng thơ đầy tâm huyết ấy:

"Cần lưu ý

Có lắm nghề lạ lắm

Nghề mánh mung cứa cổ bóp hầu nhau

Nghề chửi đổng, nghề ngồi lê, nghề vu cáo

Nghề ăn cắp lòng tin và chẹt họng đồng bào
…"

(Đánh thức tiềm lực).

"Đáng rủa sả thay" là bài viết đăng trên báo Lao Động số ra ngày 22/9/2008 của tác giả Hà Văn Thịnh - Giảng viên khoa Lịch Sử, trường Đại học Khoa học Huế. Là một trong những thế hệ học trò, tôi không quá xa lạ với ông giáo họ Hà. Chính ông đã làm chúng tôi ấn tượng bằng tuyên bố chỉ nói những sự thật nằm ngoài sách giáo khoa (?!). Và cũng chính ông, qua bài viết nói trên, đã đánh sập niềm hy vọng nhỏ nhoi ấy, khi đã không dám nói lên sự thật ngoài "SGK truyền thông" - vốn là nơi tập trung của rất nhiều nhà biên kịch và đạo diễn tài ba! Ai đó đã đúng khi nói rằng, một trăm lời đồn chưa hẳn là sự thật; nếu lời đồn nào đó là sự thật, thì biết đâu đằng sau sự thật đó còn có một sự thật khác. Ông đã không hiểu điều này, có chăng chỉ là sự ngộ nhận đến tội nghiệp! Tôi không trách giận ông, bởi biết đâu, ông cũng là một nạn nhân khác của giới truyền thông, là con rối đáng thương của lối "tư duy mặc đồng phục". Tôi buồn vì đã tin ông, cũng như đã từng tin vào ông Thủ tướng "yêu nhất sự trung thực, ghét nhất sự giả dối".

Họ đã chọn hướng đi quay lưng với Mặt Trời!...Có thể, trong những ngày tới, sự vụ ở Thái Hà và Tòa Khâm Sứ sẽ vẫn tiếp tục cho thấy những diễn biến khó lường. Nhưng sẽ là một sự xuẩn ngốc nếu ai đó ngây thơ tin rằng, việc huy động một lượng lớn cảnh sát, chó nghiệp vụ, hàng rào thép gai,… sự can thiệp của một loạt mệnh lệnh hành chính kết hợp với chức năng mở đường của giới truyền thông đủ sức làm chồn chân cuộc "xuống đường" vì công lý tại thủ đô Hà Nội.

"Điều đáng sợ duy nhất chính là bản thân sự sợ hãi"- là câu nói nổi tiếng của Franklin Roosevelt, vị tổng thống đã đi vào huyền thoại nước Mỹ. Vô cảm im lặng hoặc phó mặc buông xuôi trong lúc này đồng nghĩa với việc mặc nhiên công nhận địa hạt của tội ác, bất công, phi lý… Trong khi viết những dòng này, tôi đã nghe thấy tiếng đồng vọng từ những thập niên trước, của mẹ Têrêxa thành Calcutta: "Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối".