Trong lời nguyện nhập lễ của Thánh lễ ngoại lịch kính Chúa Giêsu Linh mục Thượng phẩm, bản văn phụng vụ viết như sau: “Lạy Chúa, để Danh Chúa được tôn vinh và để thế giới được cứu độ, Chúa đã đặt Đức Kitô làm Thượng tế của Giao Ước muôn đời. Chính Người đã hiến mình làm của lễ khi đổ máu đào trên thập giá để cứu chuộc muôn dân.”

Và trong lời Tiền tụng Thánh Thể II, bản văn phụng vụ đã ghi rõ: “Khi cùng với các Tông đồ dự bữa Tiệc Ly, Người muốn cho muôn thế hệ tưởng nhớ mầu nhiệm thập giá sinh ơn cứu độ, nên đã hiến mình cho Cha làm Con Chiên vẹn toàn và làm của lễ ngợi khen hoàn hảo được Cha chấp nhận.”

Như vậy, Hội Thánh hiểu mầu nhiệm cứu độ cao cả mà Đức Giêsu đã thực hiện là trong tư cách Vị Thượng tế của Giao Ước muôn đời, tự hiến mình làm của lễ, ở giữa các Tông đồ trong bữa Tiệc Ly và hoàn tất trong mầu nhiệm Thập giá.

Những sự kiện này đã được Thánh Gioan ghi lại một cách tuyệt vời trong cuốn Phúc Âm thứ tư với những lời sau đây:

“Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha - đã mến yêu các kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian - thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng” (Ga 13,1). “Vượt qua khỏi thế gian để đến cùng Cha” là cách diển tả cái chết của Đức Giêsu. Cái chết được hiểu như nghĩa cử yêu thương tột đỉnh (eis telos), yêu thương cho đến cùng, yêu thương ở mức độ hoàn hảo; cũng trong bài tường thuật về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, trước khi tắt thở trên thập giá, Ngài đã thốt lên: “mọi sự đã hoàn tất” (tetelestai); telos và tetelestai cùng một gốc với nhau, như đóng khung, làm nổi bật những gì Đức Giêsu đã thực hiện trong dịp lễ Vượt qua năm ấy; để rồi, khi diễn tả hơi thở cuối cùng, Thánh Gioan viết: “Ngài phó thác Thần Khí” (Ga l9,30).

ĐỨC GIÊSU KITÔ THƯỢNG TẾ

Trong toàn bộ Kinh thánh, chỉ có thư Do Thái là công bố Đức Kitô với tước hiệu là tư tế và là thượng tế. Để hiểu được tầm quan trọng về danh hiệu này, chúng ta thấy sau khi đã trình bày địa vị của Đức Kitô ở bên hữu Thiên Chúa (1,5-14), và mối liên đới của Người với chúng ta (2,5-16), tác giả kết luận: Người đã phải nên giống anh em mình trong mọi sự, để trở nên Vị Thượng Tế đầy lòng xót thương và trung tín đối với các việc liên quan đến Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân (2,17). Thật vậy, loài người chúng ta không thể đến gần Thiên Chúa, hầu thờ phượng Người cách chân thật, nếu không có một Vị Tư Tế xứng với danh hiệu ấy. Cứ theo những quan niệm thông thường, Đức Giêsu không phải là tư tế. Người không thuộc chi tộc tư tế; trong sách Gia phả, Người xuất phát từ dòng tộc Giuđa, một chi tộc mà Môsê đã không nói gì khi ông bàn đến các tư tế (7,14). Gioan Tẩy giả thuộc dòng dõi tư tế (Lc 1,5) nhưng Đức Giêsu thì không, và Phúc âm không bao giờ cho thấy Đức Giêsu có ý muốn chen chân vào việc phụng tự Do Thái.

Tuy nhiên, càng hiểu rõ Đức Giêsu, chúng ta sẽ khám phá ra sự “hoàn tất” những lời sách Thánh mà Đức Giêsu đã thực hiện. Đó là, khi đào sâu ý niệm về chức tư tế, chúng ta dần dần khám phá ra rằng địa vị của Đức Kitô vinh hiển, như chính Đức Giêsu đã diễn tả trước, khi trả lời cho vị thượng tế Do thái (Mt 26,24) và như các tông đồ đã nhận ra và công bố sau ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 2,33-34), địa vị đó thực sự là địa vị của vị thượng tế hoàn hảo: “trung tín và đầy lòng thương xót, theo kiểu Melkisêđê.”

“Trung tín và đầy lòng thương xót”

Trước hết, vị thượng tế phải được Thiên Chúa vui lòng chấp nhận, được phép cho ở trước nhan Ngài, bởi vì nhiệm vụ tư tế chính là can thiệp với Thiên Chúa, đảm bảo mối liên lạc với Ngài. Như vậy, không ai có thể đáp ứng được điều kiện đầu tiên này một cách thỏa đáng ngoại trừ Đức Kitô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa và được tuyên xưng là Con Thiên Chúa.

Nhưng còn một điều kiện nữa, đó là: vị tư tế phải thực sự liên đới với những kẻ Ngài thay mặt cho bên cạnh Thiên Chúa, nếu không thì hiển nhiên là không thể thiết lập mối giây liên lạc với Thiên Chúa một cách bền vững được. Như vậy, cũng chỉ có Đức Kitô là Đấng đã trở nên anh em với chúng ta cho đến chết trên thập giá, nên điều kiện thứ hai này cũng được Người thể hiện một cách hoàn hảo.

Liên kết với Thiên Chúa, liên kết với con người, đó chính là hai danh hiệu của Đức Giêsu; qua cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã kí kết tình liên đới với chúng ta và qua mầu nhiệm sống lại, lên trời, Đức Giêsu thực sự ở trong vinh quang của Thiên Chúa; đó là sự hoàn tất đích thực của chức tư tế. Đức Kitô đã trở nên thượng tế; Ngài thực sự là Vị Thượng tế.

Ngoài ra, Đức Giêsu khi trả lời cho những kẻ xét hỏi Người, Ngài đã trích dẫn Thánh vịnh 110 và đã tự áp dụng Thánh vịnh ấy cho mình, không chỉ nói đến việc ngồi bên hữu Thiên Chúa mà thôi, mà còn minh nhiên công bố chức tư tế vinh hiển của Ngài: Con là tư tế đến muôn đời theo kiểu Melkisêđê (Tv 110,4; Dt 5,6; 7,17).

Như vậy, Đức Giêsu là vị Thượng tế:

– “đầy lòng thương xót” diễn tả tâm tình của một người anh em đối với các anh em mình, diễn tả sự liên đới của Đức Giêsu đối với những kẻ phải chịu thử thách. Người không phải là một Đấng không thể cảm thông với những yếu đuối của ta, nhưng là Đấng đã chia sẻ mọi thử thách của ta, chỉ trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy tin tưởng tiến gần đến ngai ân sủng, để được thương xót và hưởng những ơn khi cần thiết.

– “trung tín trong những việc liên quan đến Thiên Chúa”, nói lên địa vị của Đức Kitô vinh hiển; Người trung tín, nghĩa là đáng tin, ta có thể tín nhiệm Người; bởi Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người. Người trở nên Đấng cai quản đầy tín cẩn mọi sản nghiệp của Chúa Cha; vì Đức Giêsu đáng tin, nên chúng ta hãy tin vào Người.

Sự đan quyện tuyệt vời giữa hai đặc điểm của chức tư tế của Đức Kitô khiến Người một đàng trung tín với Chúa Cha, nhưng không buộc Người phải cắt đứt mọi liên đới với chúng ta. Trái lại, nét đặc sắc của chức tư tế này khiến Người nối kết mối giây huynh đệ với chúng ta và thôi thúc Người yêu thương và liên đới với chúng ta đến tột cùng. Người đã trở nên vị thượng tế không phải là bằng cách tách rời chúng ta hay đứng lên chống lại chúng ta, nhưng bằng cách liên kết mật thiết số phận của Người với số phận chúng ta. Đó chính là ý định cứu độ của Thiên Chúa, một ý định diệu kỳ: “Quả là thích hợp việc Đấng có vạn vật vì Người và do bởi Người tra tay hướng dẫn số đông con cái về phúc vinh quang, thì đã dùng thống khổ luyện cho thành toàn Đấng khơi nguồn cứu rỗi; vì Đấng tác thánh và những người được thánh hóa do lai là một. Vì lẽ ấy Ngài không sượng gọi họ là anh em” (2,10-11).

Còn một điều căn bản mà Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước luôn nhắc tới: đó là tội lỗi và hậu quả do tội lỗi gây ra. Đã phạm tội, thì phải đưa tới cái chết. Nguyên là hậu quả và hình phạt của tội, cái chết tự nguyện trên thập giá của Đức Kitô đã trở nên một hành vi bác ái cao vời “Ngài đã yêu thương họ đến cùng”. Nguyên là cửa dẫn đến diệt vong, cái chết từ nay đã trở nên cửa dẫn đến vinh quang. Trung tín với Thiên Chúa và liên đới với chúng ta không còn có thể phối hợp với nhau chặt chẽ hơn.Như vậy, Đức Kitô thượng tế biểu lộ cho chúng ta lòng thương xót của Chúa Cha.

“Theo kiểu Melkisêđê”

Thêm vào đó, chúng ta còn ghi nhận một đặc điểm mới trong chức tư tế của Đức Kitô, đó là dựa trên lời tuyên bố của Thiên Chúa trong Thánh Vịnh 110,4: “Chúa đã thề và Người sẽ chẳng hề hối tiếc: Con là tư tế đời đời theo kiểu Melkisêđê.” Được Thiên Chúa gọi làm tư tế cũng như Aharon (Dt 5,4-5), nhưng Đức Kitô không phải là tư tế theo cách của Aharon, mà theo kiểu Melkisêđê: “Melkisêđê là Vua Salem, tư tế của Thiên Chúa Tối cao; ông đã đón gặp Abraham trở về sau khi đã đánh bại các vua và ông đã chúc lành cho Ngài; và Abraham đã chia cho ông một phần mười về mọi sự. Trước tiên tên ông có nghĩa là: Vua công chính; rồi ông còn là Vua Salem, tức là: Vua bình an. Không cha, không mẹ, không họ hàng; không khởi thủy tuổi đời, không mút cùng cuộc sống; ông khá ví được với Con Thiên Chúa, tại chức tư tế mãi mãi” (Dt 7,1-3; x. St 14,18-20). Qua dòng suy nghĩ này, rõ ràng khuôn mặt của Melkisêđê là tiền ảnh của Đức Kitô vinh hiển, vừa là Vua công chính và bình an, vừa là Tư Tế, lớn hơn cả Abraham, bỡi lẽ ông đã chúc lành cho Abraham (Dt 7,6-7; x. Ga 8,28); và vì thế lớn hơn mọi tư tế trong thời Cựu Ước. Thật vậy, Đức Kitô có quyền tư tế, không phải là vì thuộc về một gia đình tư tế, nhưng vì Người sở hữu sự sống của Con Thiên Chúa một sự sống bất diệt (7,16), sự sống nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Người (7,3-28). Do đó mối tương quan giữa Đức Kitô vinh hiển với Cha Người vượt hẳn tương quan của các vị thượng tế xưa với Thiên Chúa. Cách nhấn mạnh của Thánh Vịnh, khi nhắc đến lời thề của Thiên Chúa, làm nổi bật mối liên hệ này, như một “giao ước hoàn hảo và vĩnh viễn.”

Đức Hồng Y Albert Vanhoye SJ. có một nhận xét rất tinh tế về hình ảnh của Melkisêđê phóng chiếu vào “Đức Kitô vinh hiển”: “Chúng ta có thể nói về Đức Kitô vinh hiển, đó là một Đấng không cha, không mẹ, không họ hàng; vì việc thân xác Người sống lại từ cõi chết được xem như một sự tái sinh mà không có sự can thiệp của bất cứ người cha, người mẹ nào; từ đó, Người trở nên trưởng tử không bắt nguồn từ một họ hàng nào.”

“Tư tế theo kiểu Melkisêđê” còn giúp chúng ta hiểu thêm điều này về phẩm giá cao cả của chức tư tế của Đức Kitô: đó là chức vị tư tế không còn mắc phải những khuyết điểm như những tư tế cũ. Thực vậy dựa trên lịch sử của Dân Chúa, việc hiến thánh không biến đổi sâu xa các tư tế trong Cựu Ước, sau cũng như trước, họ vẫn bị lâm vào cảnh yếu đuối (Dt 7,28). Họ phải chết, và cái chết chấm dứt chức vụ của họ (Dt 7,23). Dù được nghi thức phụng tự tách biệt họ khỏi những kẻ tội lỗi, nhưng thực tế chính họ vẫn còn là những con người có tội; nên không thể thật sự sống thân mật với Thiên Chúa (Dt 9,8-10). Trái lại, nhân tính của Đức Kitô phục sinh đã được đổi mới toàn diện nhờ cuộc khổ nạn đưa đến vinh quang. Nhân tính ấy không còn lâm vào cảnh yếu đuối. Đức Kitô phục sinh không còn chết nữa, chức tư tế của Người vì thế sẽ vô cùng vô tận (Dt 7,24).

Nhưng bởi vì Người được thánh hiến bằng cách chết cho chúng ta, nên Người vẫn mãi luôn thuộc về chúng ta. Gần gũi Thiên Chúa, Người cũng vẫn gần gũi chúng ta. Người là Thượng tế của chúng ta.