HIỀN LÀNH và KHIÊM NHƯỜNG

1. Tôi đi trong dòng lịch sử. Lịch sử có nhiều quãng tối tăm. Chính tôi cũng lại mang trong mình nhiều bóng tối. Hôm nay, vượt qua được nhiều khoảng tối hãi hùng, được đi vào một tình trạng tương đối bình an tâm hồn, tôi cảm thấy mình mắc nợ với những người đã cho tôi ánh sáng.

Ánh sáng nói đây là những giá trị đạo đức. Hôm nay, tôi xin được nhấn mạnh đến một giá trị đạo đức quan trọng, đó là hiền lành và khiêm nhường.

2. Hiền lành và khiêm nhường là những giá trị đạo đức chung. Nghĩa là bất cứ ai, không phân biệt thuộc dân tộc nào, tôn giáo nào, văn hoá nào, hễ sống hiền lành và khiêm nhường, thường được đánh giá là đạo đức. Có thể nói: Hiền lành và khiêm nhường là vẻ đẹp gọi được là căn bản của bất cứ ai muốn sống nên người.

Hơn nữa, hiền lành và khiêm nhường nhiều nơi được coi như tinh hoa của nền văn hoá do các thánh hiền đã dạy, và được các thế hệ tổ tiên truyền lại.

3. Như để nhân loại quan tâm hơn đến những giá trị đạo đức đó, chính Chúa Giêsu đã nói: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Bài học Chúa Giêsu dạy tôi về hiền lành và khiêm nhường không được viết ra bằng chữ, nhưng bằng chính đời sống của Chúa.

Nhìn Chúa giáng sinh tại hang đá Belem. Nhìn vào cách Chúa sống tại Nadarét. Theo Chúa trên đường rao giảng giữa đủ loại người. Nhìn lên Chúa bị treo trên thánh giá. Đâu đâu, tôi cũng đọc được bài học hiền lành và khiêm nhường.

Hiền lành và khiêm nhường của Chúa là những ánh sáng đã soi đường chỉ lối cho tôi trong suốt hành trình cuộc sống trên thế gian này.

4. Những bài học đó, những cách sống đó, tôi đã nhận được có khi trực tiếp từ chính Chúa, có khi gián tiếp từ những con người. Thành thực mà nói, tôi hấp thụ được sức sống hiền lành và khiêm nhường từ rất nhiều người. Họ là những người tôi được thấy, được gặp, được đọc, được gần gũi. Họ toả ánh sáng hiền lành và khiêm nhường qua con người của họ, cách sống của họ, thái độ của họ, lời nói của họ.

Nơi họ có một cái gì rất bình dị, rất nhã nhặn, rất đơn sơ. Tôi đọc thấy nơi họ lời thánh Phaolô sau đây được ứng nghiệm: “Đừng làm chi vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3).

Sự hiền lành và khiêm nhường còn được thực hiện nơi họ ở mức cao hơn, khi họ “không tìm lợi ích cho riêng mình, mà tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4).

Cho dù họ có những thành công này nọ, họ vẫn nhìn nhận “kho tàng của họ lại chứa đựng trong những bình sành dễ vỡ” (2 Cr 4,7). Từ đó, họ thành thực nói như thánh Phaolô: “Tôi chỉ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2 Cr 12,5). Mọi sự tốt lành nơi họ đều được họ quy chiếu về Chúa, để cảm tạ và ngợi khen.

Một ân huệ lớn họ đã cho tôi, mà tôi không bao giờ dám quên, đó là họ chấp nhận tôi. Không những họ không loại trừ tôi, mà họ còn yêu thương và nâng đỡ tôi. Động cơ khiến họ làm thế, chính là đức hiền lành và khiêm nhường của họ.

Qua tiếp xúc với họ, tôi thấy là họ đang làm chứng cho Chúa bằng sự hiền lành và khiêm nhường. Nước Thiên Chúa được mở rộng một cách âm thầm lặng lẽ qua những con người hiền lành và khiêm nhường như họ.

5. Nói tới đây, tôi chợt nhớ lại những giai đoạn khủng khiếp đã xảy ra nơi này nơi kia trong lịch sử Hội Thánh, khi có những cá nhân và những tập thể đã dùng những phương thế độc ác và kiêu căng vì một mục đích mà họ gọi là bảo vệ và mở rộng Nước Chúa. Hiện nay những chuyện hách dịch, lạm dụng quyền bính, cũng như những chuyện sát hại danh dự người khác vẫn xảy ra tại nơi này nơi nọ trong Hội Thánh địa phương chúng ta. Nếu những chuyện như thế lại được coi là chuyện bình thường, thì đó là một thảm hoạ ghê gớm và nguy hiểm, vì những ai mắc thói quen độc ác và kiêu ngạo, dù là cá nhân dù là tập thể, thường rất khó ăn năn trở lại.

6. Nhiều khi thảm hoạ loại đó được cảnh báo, nhưng vẫn khó tránh được. Bởi vì hiền lành và khiêm nhường là những giá trị trên luật. Tôi gọi là giá trị trên luật, bởi vì chẳng luật nào trong đạo ngoài đời đã dám đưa những giá trị đó vào luật, để hễ ai sai phạm, thì sẽ bị phạt. Riêng tôi, tôi xác tín: Những giá trị đạo đức được Chúa in vào lương tâm mỗi người. Chính Chúa thấu suốt lương tâm mỗi người.

Một tập thể nếu chỉ căn cứ vào pháp luật, khoản mấy điều mấy, để giáo dục con người, mà không nhấn mạnh đến những giá trị nhân bản không ghi trong pháp luật, thì không chừng sẽ từng bước đi vào man rợ.

7. Tôi không biết và cũng không dám đoán Chúa sẽ phạt người ta về tội không sống hiền lành và khiêm nhường. Nhưng điều tôi dám chắc, đó là Chúa sẽ thưởng những ai sống hiền lành và khiêm nhường. Không phải Chúa sẽ thưởng họ ở đời sau, mà thưởng họ ngay ở đời này.

Thực vậy, tôi thấy nhiều người, khi nhận ra hiền lành và khiêm nhường là những giá trị đạo đức cao đẹp, họ đã cố gắng tập tành và cầu nguyện. Được những giá trị đó chừng nào, họ bảo vệ chừng đó. Họ coi những giá trị đó trong lòng họ như những kho báu, như những hạt ngọc, mà có lần Chúa Giêsu đã nhắc tới (x. Mt 13,44-46).

Bởi ưa thích hiền lành và khiêm nhường, họ ân cần lo cho việc chung với tất cả tinh thần trách nhiệm. Họ cảm thấy vui, khi mình được như của lễ dâng lên Chúa để cầu cho Hội Thánh và Dân Tộc.

Bởi ưa thích hiền lành và khiêm nhường, họ tế nhị chân thành với mọi người, đền đáp những người làm ơn, trân trọng những người lớn tuổi. Họ cảm thấy hạnh phúc thanh cao.

Bởi ưa thích hiền lành và khiêm nhường, họ siêng năng học tập, cần cù lao động, phấn đấu tự đào tạo, sống tinh thần khó nghèo. Họ cảm thấy sung sướng vì thấy mình chia sẻ được với những người nghèo khổ.

Bởi ưa thích hiền lành và khiêm nhường, họ luôn cầu nguyện, đặt trọng tâm đạo đức vào sự chu toàn thánh ý Chúa. Họ cảm thấy bình an sâu thẳm. Có thể tin rằng: Bình an đó đến từ Chúa. Chúa ở trong họ. Cái tâm của họ vì thế mà rực sáng.

8. Tới đây, tôi phải thú nhận điều này: Sống hiền lành khiêm nhường là điều không dễ chút nào. Đó là một cuộc chiến đấu cam go trường kỳ. Xác thịt, thế gian, ma quỷ là những lực lượng chống phá rất mạnh. Kết quả thực đáng ngại. Có những cơ chế tôn giáo trước đây dựa trên hiền lành và khiêm nhường, thì nay xem ra cũng bỏ nền tảng đó. Chủ nghĩa thực dụng đang tàn phá các tâm hồn. Phải chăng đây là dấu chỉ về một tình hình suy thoái trầm trọng về đạo đức có hại cho đời sống xã hội. Chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện rất nhiều. Chỉ có Chúa mới cứu được.

9. Để kết, tôi hết lòng cảm tạ Chúa đã cho nhiều người chúng ta cảm nhận được điều này, là bằng sự hiền lành và khiêm nhường khôn tả, Chúa đã yêu thương chúng ta là những kẻ tội lỗi hèn mọn yếu đuối. Như thể hiền lành và khiêm nhường chính là nơi biểu lộ vinh quang của Chúa. Đó là Tin Mừng cứu độ. “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Tin Mừng về hiền lành và khiêm nhường mà tôi đã được lãnh nhận do lòng thương xót Chúa.