Thánh Gioan Tẩy Giả đã mô tả Đấng Kitô xuất hiện như một vị thẩm phán đến để “sàng sảy”, đến để phán xét trong uy quyền và thánh nhân không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài.

Thế mà bây giờ, thánh Gioan Tẩy Giả thấy Đấng Kitô đến xin chịu phép Rửa của mình (Mt 3, 13-17). Một điều xảy ra hoàn toàn bất ngờ, vượt hẳn mọi dự đoán ! Hành động của Chúa Kitô như thế cũng làm cho tín hữu của thánh Mátthêu thắc mắc: Chúa làm người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi, nghĩa là Ngài không mắc một tội lỗi nào dù nhỏ đến đâu, Ngài cũng không mắc phải khuyết điểm tội lỗi nào, thế mà Ngài tới xin chịu phép Rửa là gì ? Thắc mắc như vậy vì ai đến xin chịu phép Rửa của thánh Gioan, hay đến bất cứ vị Tư tế, Tiên tri nào cũng đều xưng mình có tội, thú tội một cách tổng quát rồi chịu phép Rửa. Câu cản ngăn của thánh nhân đã làm sáng tỏ vấn đề, giải toả mọi thắc mắc. Thánh nhân nói với Chúa: “chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến rửa nơi tôi sao ?”. Nói như vậy tức là thánh nhân đã biết Chúa Kitô không có tội gì, chính Chúa Kitô phải rửa cho thánh nhân. Chúa Kitô giải thích lý do Ngài đến xin chịu phép Rửa : “Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế”.

Chu toàn bổn phận nghĩa là gì ? - Ở đây có nghĩa là làm trọn, làm đầy đủ hết nghĩa công chính. Từ ngữ chu toàn hay là làm trọn có nghĩa là vừa duy trì vừa làm trọn vẹn. Từ ngữ công chính đối với người Israen là trung thành với Giao ước, là giữ hết mọi điều luật. Để làm trọn hết nghĩa công chính, Chúa Kitô chịu phép Rửa. Ngài liên kết số phận của Ngài với nhân loại, Ngài ra tay gánh vác tội của nhân loại, cụ thể là Ngài tự mình đồng hoá mình với các người Do thái tới xin chịu phép Rửa để xác nhận giá trị lòng trung thành với giao ước là tốt đẹp, đồng thời Ngài hướng mọi người tới đỉnh cao hơn là trung thành với Thánh Ý Chúa, làm trọn Thánh Ý Chúa.

Việc làm của Chúa Kitô đã được đánh giá hết sức cao bằng biến cố thần hiện: trời mở ra, Thánh Thần Chúa lấy hình chim bồ câu đậu xuống trên Ngài, và có tiếng từ trời phán: “Nầy là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”. Nhờ Cựu Ước, chúng ta sẽ biết rõ ý nghĩa biến cố nầy:

- Trước hết hình ảnh Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đáp xuống là hình ảnh tiên tri Isaia loan báo về Đức Kitô: “Sẽ đậu trên Ngài, Thần khí Giavê, Thần khí khôn ngoan và trí tuệ…” (Is 11,2).

- Tiếp đến là lời phán lấy lại lời của thánh vịnh 2,7: “Con là Con Ta, hôm nay Ta sinh ra Con”, và lời của Tiên tri Isaia đã viết: “Nầy là tôi tớ của Ta… mà Ta hết lòng sùng mộ” (Is 42,1).

Như vậy, biến cố Chúa chịu phép Rửa đã trở nên một cảnh phong vương, vinh quang và sứ mệnh công khai được trao cho Chúa Giêsu. Ngài là Con của Chúa Cha như vậy Ngài đồng bản tính với Chúa Cha, tức là Ngài có bản tính Thiên Chúa, Ngài được sùng mộ hay là đẹp lòng Chúa Cha tức là Ngài là tôi tớ Thiên Chúa, là Đức Kitô, chịu đau khổ để cứu chuộc nhân loại. Biến cố nầy mạc khải rõ ràng bản tính của Chúa Giêsu (là Thiên Chúa), mạc khải sứ mệnh của Chúa Giêsu: là Đức Kitô, nghĩa là Đấng chịu xức dầu được phong làm Tư tế, làm Tiên tri và làm Vua, Đấng mà dân Israen mong chờ từ ba bốn thế kỷ, Đấng mà Cựu Ước hướng về để làm trọn mọi lời Tiên tri.

Quan trọng nhất trong bài Phúc âm nầy là Lời Chúa Cha phán. Đối với chúng ta, Chúa Cha cũng sẽ nói với chúng ta “là Con yêu quý, là kẻ làm đẹp lòng Ta” nếu ta “làm trọn nghĩa công chính”, nghĩa là sống theo Ý Chúa. Muốn thế, trước hết mọi công việc là ta đi chịu phép Rửa, thú nhận tội lỗi, tẩy sạch tội lỗi, và tiếp theo là quyết sống theo lời Chúa Kitô dạy.

Lm FX. Nguyễn Hùng Oánh.