Sắp đến ngày tuyên thánh cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, nên có số báo, đài, cũng như một số người quen biết hỏi cảm tưởng và kinh nghiệm của tôi với Ngài như thế nào, vì biết tôi đã du học bên Roma và có ít lần được gặp Ngài, nên tôi ghi lại vấn tắt một vài cảm nhiệm như sau:

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hay Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, tên khai sinh của Ngài là Karol Józef Wojtyła. Ngài sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice, miền nam Ba Lan, Ngài lên ngôi Giáo hoàng vào ngày 16 tháng 10 năm 1978. Ngài là vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo Rôma và là người lãnh đạo tối cao của Vatican. Triều đại của Ngài đã kéo dài hơn 26 năm cho đến khi qua đời vào ngày 2 tháng 4 năm 2005, hưởng thọ 84 tuổi.

Ngài được tạp chí TIME bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 và cả những năm đầu thế kỷ 21.

Hầu như suốt cuộc đời linh mục của tôi sống dưới triều đại Giáo hoàng của Ngài nên đã để lại những dấu ấn không phai mờ. Đặc biệt là trong một số lần sang Roma được gặp gỡ Ngài khi thì riêng khi thì với phái đoàn hành hương, hay trong tổ chức Đại hội, v.v…, nhất nữa là từ khi khởi sự trang Web VietCatholic là trang báo điện tử đầu tiên bằng tiếng Việt nam gần 20 năm trước đây, vì do nhu cầu cần phải dịch các bài diễn văn, bài giảng, hay các huấn từ của Ngài, các tin tức từ Vatican nên cá nhân tôi được làm quen với linh đạo, huấn từ, hoạt động, các chuyến tông du của Ngài, và bị ảnh hưởng sâu rộng về lối sống và cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất nhiều.

  • Những chuyến tông du của Ngài đến 129 quốc gia đều đã được VietCatholic tường trình chi tiết củng với các sinh hoạt, gặp gỡ, diễn từ và hình ảnh. Không thể tóm luợc lại trong vài trang những sinh hoạt đa dạng và nổi bật của Vị Giáo Hoàng tong du nhiều nhất thế giới và đã ảnh hưởng sâu rộng tới biết bao nhiêu người – cả Công Giáo cũng như không Công Giáo.
  • Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo Hội trong quá khứ. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đứng ra hòa giải với Chính Thống Giáo Đông Phương, Do Thái Giáo và Anh giáo.
  • Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo của các tôn giáo khác như Phật Giáo, Khổng Giáo, Chính Thống Giáo Đông Phương, Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Cao Đài.
  • Phái đoàn Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ gồm có: Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành và Công Giáo cũng đã được mời sang Roma tham dự Ngày Họp Liên Tôn thế giới cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo Việt Nam khác đến từ các quốc gia Âu châu, họp tại Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Việt Nam hải ngoại.
  • Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên tổ chức ra Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm, và cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm vùng Thánh Địa Jerusalem.
  • Trong suốt triều đại của mình, Ngài đã lên tiếng phản đối chiến tranh và kêu gọi hòa bình, phản đối chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, chế độ độc tài, chủ nghĩa duy vật, các phương pháp phá thai, thuyết tương đối, chủ nghĩa tư bản và cách thức chết êm dịu.
  • Đức Giáo Hoàng cũng được coi là một trong những nguồn lực dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan và Đông Âu.
  • Tất cả các hoạt động tông đồ, liên tôn, ngoại giao, tôn giáo, xã hội, văn hóa, chính trị của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là những hoạt động tiên tiến và có sức ảnh hưởng vĩ đại, khai nguồn một trang sử mới của Giáo Hội trân ra thế giới bên ngoài. Đây là một kho sử học qúi hóa vô cùng.


Chính trong bối cảnh lịch sử và môi trường thuận lợi như vậy mà tôi được hân hạnh biết và gặp gỡ Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II một số lần và coi đó là ân huệ lớn lao trong đời sống linh mục của tôi. Thời còn là chủng
sinh tôi được gửi đi du học tại Đại học Giáo hoàng Urbano nằm trên đồi Gialicono nhìn xuống công trường Thánh Phêrô và được thụ phong linh mục tại Roma vào năm 1971. Sau đó sang Hoa Kỳ học xã hội học ở Fordham University, New York. Tới giữa năm 1976, tôi được Đại học Giáo hoàng Urbano cấp học bổng trở lại học ở Roma để hoàn thành luận án tiến sĩ Thần học. Chính trong thời gian này Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô tới thăm Đại học Urbano, ngôi trường Giáo hoàng này tượng trưng Giáo Hội hoàn vũ thu hẹp, vì nơi đây đại chủng sinh hay linh mục của chừng 60 quốc gia được cấp học bổng đến tu nghiệp, và coi như “trường con cưng của Giáo hoàng”. Ngài không những đến thăm trường mà còn cho ăn một bữa ăn thịnh soạn, gặp gỡ thân tình.

Tuy nhiên, lần gặp thứ hai của tôi với ĐTC Gioan Phaolô II ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn nhiều. Khi đó là mùa Hè 1980, sau khi học xong trờ lại Hoa Kỳ, tôi đã tổ chức chuyến Hành hương cho người Việt Nam thăm Thánh địa Do thái, và các nước Âu châu. Trong dịp này, tôi xin cho phái đoàn Hành hương Việt Nam chừng 40 người được gặp ĐTC Gioan Phaolô II. Và chúng tôi đã được toại nguyện. Tại công trường thành Phêrô, Phái đoàn Việt Nam được xếp ngồi trên các ghế danh dự, và sau khi ban huấn từ, ĐTC Gioan Phaolô II đã tiến lại chỗ phái đoàn Việt Nam để thăm hỏi và nói chuyện. Ngài nói “Cha yêu mến Việt Nam, và để trong trái tim Cha, Cha cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam luôn luôn”. Thật là một nghĩa cử “tình cha con” mà không ai trong phái đoàn nghĩ trước là sẽ được ân huệ này.

Lần gặp thứ ba trong thời gian tôi là thành viên của Ủy ban Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Trước thời kỳ phong thánh gần một năm tức năm 1987, có cuộc họp giữa các linh mục Việt nam đại diện các quốc gia có người Việt Nam định cư và với Đức Cha Nguyễn Minh Nhật khi đó là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đến Roma để cùng trình bầy về tiến trình Phong thánh cho Đức Thánh Cha. Phái đoàn được Đức ông Trần Ngọc Thụ khi đó làm bí thư riêng Đức Giáo Hoàng dàn xếp, không những được vào tiếp kiến riêng Đức Giáo Hoàng mà ban sáng còn được vào cùng dâng thánh lễ đồng tế với Ngài tại nguyện đường riêng của Đức Giáo Hoàng. Thật là cảm động khi thấy Ngài dâng thánh lễ với tâm tình kết hợp sốt sắng và sâu đậm với Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi cử chỉ, mỗi tâm tình là những ấn tượng khó phai nhòa cho những ai có dịp chứng kiến… Sau đó, trong buổi tiếp kiến Ngài đã đến bắt tay và thăm hỏi từng người cùng trao quà kỷ niệm.

Lần gặp khác với Ngài là chính trong ngày Đại lễ Phong Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào ngày 19.6.1988 tại Vatican. Buổi lễ khó quên với những kỉ niệm trang trọng và qúi mến. Lần đầu tiên có môt số đông người Việt Nam từ khắp năm châu hợp nhau tại Vatican để mừng ngày lễ trọng đại, không những chỉ là ngày thánh cho Việt Nam, và còn là dịp trình bầy những nét văn hóa, tôn giáo, văn nghệ, ca nhạc, lòng đạo hạnh của người Việt Nam cho khắp thế giới qua buổi Đại lễ và trước đó là buổi diễn nguyện cầu nguyện với chiêng trống, dâng hoa và các nét đặc trưng của sinh hoạt Công Giáo Việt Nam. Sau buổ Đại lễ lại có Văn Nghệ và có chính Đức Giáo Hoàng hiện diện để xem các màn trình diễn.

Năm 2002, nhân dịp Văn Phòng Phối Kết Mục Vụ cho CĐCG Việt Nam Hải Ngoại chuẩn bị tổ chức Hội Ngộ Niềm Tin, các vị trong các Ban tổ chức đại diện các quốc gia cũng được gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô lần nữa. Lần này Ngài đã làm phép 6 Thánh Tương Mẹ La Vang do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tặng cho các Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại ở 6 Châu lục.

Rồi đến năm 2003 khi Đại hội Niềm Tin cho người Việt Nam được tổ chức tại Roma, toàn thể anh chị em Công Giáo ở khắp năm châu về Roma trong Đại hội cũng được tiếp kiến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II lần nữa và Ngài chúc lành cho các Phái đoàn Việt Nam trong thánh lễ tại Đền Thánh Phêrô.

Trên đây là những kỷ niệm khó quên của tôi đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Hai vị Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đều là những vĩ nhân thế giới, và đặc biệt đối với những người Công Giáo hiện còn đang sống ngày hôm nay, không ít thì nhiều đều là những người đang được ảnh hưởng của 2 vị Giáo hoàng này khai lối và mở ra kỷ nguyện mới cho việc sống đạo ngày hôm nay.

Khi ĐGH Gioan XXIII triệu tập Công đồng chung Vatican II vào ngày 11/10/1962 Ngài có tuyên bố là Ngài muốn mở cánh cửa Giáo Hội ra “để có một luồng không khí tươi mát mới”. Và thực tế là như vậy! Ngài khai mở Công đồng chung, ai cũng ngỡ ngàng… nhưng rồi ai cũng nhìn ra rằng Giáo Hội cần phải được canh tân và nhập cuộc vào thế giới mới và hiện đại ngày hôm nay.

Kế tiếp công trình của Đức Gioan XXIII là ĐGH Phaolô VI. Chính Đức Phaolô VI đã họp với tất cả 2.904 nghị phụ (là Hồng Y và giám mục tham dự Cộng đồng) được mời tham dự. Trừ các vị già yếu, bệnh tật và các vị ở một số nước không được phép đi, 2.449 vị có mặt, đại diện cho 134 nước trên thế giới.

Các Văn kiện và Tuyên ngôn của Công đồng rất quan trọng và ảnh hưởng không những cho đời sống của người Công Giáo trong 40 năm qua mà còn cho cả thế giới. Chẳng hạn như:

• Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo;
• Hiến chế Tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa “Lời Thiên Chúa”;
• Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân;
• Tuyên ngôn về Tự do “Phẩm giá con người”;
• Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội “Đến với muôn dân”;
• Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay “Vui mừng và Hy vọng”.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời trong một hội nghị ở Vatican vào ngày 27-2-2000 rằng: “Công đồng Vatican II đã cho chúng ta nhiều phần thưởng quý hoá từ 35 năm qua và còn tiếp tục dẫn đưa chúng ta trong nhiều năm kế tiếp. Công việc của Giáo Hội bây giờ là học hỏi những điều đã đề ra trong các văn bản của Công đồng và đem ra thực hành cho có hiệu quả...”

Vì tầm quan trọng này và ảnh hưởng của 2 vị Thánh Giáo hoàng nêu trên mà người Việt Nam khắp nơi đã về Roma trong những ngày này, như hiện diện ghi dấu ấn một biến cố lịch sử, nhất là những người Việt Nam hiện đang sống tại Âu châu.

Ban Truyền thông VietCatholic TV hiện đã có mặt tại Roma do LM Phó Giám đốc VietCatholic là Cha Văn Chi hướng đẫn đã và đang tường trình trực tiếp các sự kiện xẩy ra tại Roma và Vatican. Cùng đi với Cha Văn Chi từ Hoa kỳ có xướng ngôn viên Thanh Thảo và kỹ thuật viên video Peter Nguyễn. Phái đoàn TV VietCatholic lần này đã xin được phép của Phòng Báo Chí Tòa Thánh ghi hình đại lễ và có chỗ dành riêng. VietCatholic đã từng cộng tác với Truyền hình Rome Report từ nhiều năm qua và với Vatican TV trong những biến cố đặc biệt. Lần này còn có thêm sự cộng tác của đài VFace TV.

Để hỗ trợ cho Chương trình TV VietCAtholic và DVD VietCatholic về biến cố Phong thánh 2 vị Giáo hoàng trong 6 tháng qua dưới sự điều động của kỹ sự Đặng Minh An một cuốn DVD về cuộc đời thánh Gioan XXIII đã hoành thành. Kỹ sư Đặng Minh An và các xướng ngôn viên của TV VietCatholic cũng đang làm việc hết mình cho biến cố này.

Ngoài ra còn có các Nhóm dịch thuật các tài liệu chính thức được phát hành từ Vatican về 2 vị Thánh Giáo hoàng đang hoàn tất các văn bản. Và chính tài liệu nghi lễ Ngày Phong Thánh cũng đang được hoàn tất qua tiếng Việt để giúp việc cho độc giả thấu hiểu mọi chi tiết liên quan tới nghi lễ và thánh lễ Phong thánh Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.

Sau đại lễ Phong Thánh, VietCatholic dự tính sẽ phát hành 3 cuốn DVD về Lễ Phong Thánh để những ai không có cơ hội chứng kiến tận mắt được có tài liệu tham khảo và chiêm ngưỡng những kì công mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi 2 vị thánh mới của Giáo Hội:

1. Cuộc đời ĐGH Gioan Phaolô II
2. Cuộc đời ĐGH Gioan XXIII
3. Lễ phong thánh Gioan XIII và Gioan Phaolô II


Những ai đã từng xem DVD của VietCatholic đều công nhận hình ảnh rõ ràng và chất lượng, tài liệu phong phú và xác thực, trình bầy và quảng diễn chuyên nghiệp. Được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và với ý thức trách nhiêm đạo đức tôn giáo hầu đáp ứng mong mỏi của qúi vị khan thính giả đã yêu mến và ủng hộ VietCatholic trong nhiều năm qua.