Tôi đã gặp và nói chuyện với một vị Thánh

Nhìn vào lịch sử Giáo Hội Công Giáo, chúng ta thấy rằng từ 150 năm qua đa số các vị Giáo Hoàng đều được lập án phong thánh. Hoàn toàn khác với một số các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm thời trung cổ và thời phục hưng hãy còn vấn vương ít nhiều bụi trần, hầu hết các vị Giáo Hoàng thời tân đại đã sống một cuộc đời Kitô giáo đầy nhân đức, thánh thiện và gương mẫu.

Án phong thánh của Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II (1978-2005), Vị Giáo Hoàng thứ hai đã cai quản Giáo Hội lâu nhất trong suốt lịch sử Kitô Giáo, là một trong những trường hợp hy hữu nhất, vì chỉ sau một thời gian ngắn, Giáo Hội – với sự chứng thực của Trời Cao qua các phép lạ nhãn tiền, bất khả phủ nhận đã xảy ra do sự bầu cử của thánh nhân – đã có thể công khai tuyên xưng sự thánh thiện gương mẫu đích thực của ngài. Vâng, chỉ chín năm sau khi băng hà, vị Giáo Hoàng thánh thiện người Ba-lan Karol Wojtyla đã cùng với Đức Gioan XXIII (1958-1963), vị Giáo Hoàng nhân hậu của Công Đồng Vatican II, được Giáo Hội long trọng đặt lên bàn thờ vào ngày Chúa Nhật 27.4.2014 tại Roma trước sự chứng kiến của hơn một triệu khách hành hương từ khắp thế giới kéo về.

Riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy tận đáy lòng sâu thẳm mình tràn ngập niềm hạnh phúc và vui mừng khôn tả, vâng, lẫn chút tự hào, vì từ nay tôi sẽ được xưng tên Đức Gioan Phaolô II là Thánh Giáo Hoàng, vị đại thánh của thời đại tân tiến hôm nay, vị đại thánh mà tôi đã được diễm phúc gặp mặt và nói chuyện trong hai lần yết kiến tư vào các năm 1990 và 1994 tại Vatican.

Đặc biệt nhất là trong lần yết kiến tư lần thứ hai. Vì do công tác Mục Vụ đột xuất nên tôi đã có dịp đến Roma chỉ trong vòng hai ngày, và tôi đã không bao giờ dám nghĩ là mình sẽ được diễm phúc vào chầu Đức Thánh Cha. Nhưng sau đó, qua sự trung gian của Đức Ông Trần Ngọc Thụ, vị thư ký khả kính của Đức Gioan Phaolô II, tôi đã bất ngờ nhận được hạnh phúc không chờ đợi trên.

Nhưng cũng vì không hề nghĩ mình sẽ được diễm phúc vào chầu Đức Thánh Cha khi đến Roma, nên tôi đã không có sự sửa soạn trước. Vì thế, khi bất ngờ được diễm phúc vào chầu Đức Thánh Cha như thế, tôi vô cùng bối rối, vì áo quần mặc chẳng những rất bình thường mà tôi còn không mang theo cả cổ áo giáo sĩ „Col Cleriman“ nữa, một điều mà khi một vị Linh Mục vào chầu Đức Thánh Cha không thể thiếu được. Thế là tôi đành phải đi tìm mượn cổ áo của người khác vậy. Nhưng đáng tiếc thay, tất cả các vị Linh Mục có mặt tại nhà nghỉ „Foyer Phát Diệm“ vào thời điểm ấy, đều không có vị nào có cổ áo giáo sĩ vừa với „Size“ của tôi cả. Thật „họa vô đơn chí.“

May thay, vào lúc quá thất vọng như thế, Đức Ông Hiền, thư ký của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, mới bảo tôi hay cha thử mặc cổ áo của Đức Tổng xem sao, vì hiện ngài đang đi vắng. Thật là may mắn, tất cả hoàn toàn vừa vặn khít khao, không dư không thiếu một ly. Và trước khi vào chầu tôi đã chuẩn bị rất kỹ trước một vài điều để thưa cùng Đức Thánh Cha. Thế nhưng khi trực diện vị Cha Chung thánh thiện khả ái và được bắt tay ngài, tôi quá vui mừng và xúc động, nên chỉ nói được một câu ngắn gọn: „Xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho quê hương Việt Nam của con với, vì quê hương con cũng trong cùng một tình trạng như quê hương Ba-lan của Đức Thánh Cha.“ Và Đức Thánh Cha đã mỉm cười gật đầu và nói: „Nhưng cha đang ở Đức mà!“ Nhưng niềm hạnh phúc của tôi chưa dừng lại tại đó!

Và sau đó, trong buổi cơm trưa tại Foyer Phát Diệm tôi đã „thú tội“ với Đức Hồng Y Thuận, để nếu ngài có quở trách thì tôi cũng xin vui lòng chấp nhận: „Thưa Đức Tổng, sáng nay con được diễm phúc vào chầu ĐTC, nhưng chỉ có đầu và thân mình là của con, còn cổ lại là của Đức Tổng.“ Nghe thế, chẳng những Đức Hồng Y không tỏ ý trách móc gì cả, trái lại ngài còn mỉm cười bảo: „Vậy thì cám ơn cha nhiều, vì nhờ cha mà cổ của tôi cũng được vào chầu ĐTC sáng nay.“

Qua những sự kiện hy hữu trên đây, tôi đã ngộ ra được một điều là những vị Tôi Tớ chân chính của Thiên Chúa – như trường hợp ĐTC Gioan Phaolô II và ĐHY Thuận – luôn mang đầy trong mình tâm tình yêu thương, nhân hậu và quảng đại của Chúa Cứu Thế.

Đức Gioan Phaolô, vị thánh của thời tân đại

Hôm nay, trong khi nóng lòng chờ ngày Giáo Hội truy phong Chân Phước cho tôi tớ Chúa là ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận mà tôi rất kính mến, tôi vô cùng vui mừng cảm tạ Chúa đã ban cho nhân loại nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng một vị đại thánh: Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Và hôm nay, trong ngày hồng phúc Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II được suy tôn lên bậc Hiển Thánh, tôi đã có dịp suy gẫm qua cuộc đời thánh đức của ngài, và cũng xin được phép chia sẻ cùng các bạn đọc bốn phương một vài suy gẫm ấy.

Khởi đầu một triều đại mới

Một điều quá hiển nhiên, khó có thể phủ nhận được đó là trong suốt hai mươi sáu năm lèo lái con thuyền Giáo Hội, tinh thần „anh em đừng sợ“ và „hãy mở tung các cửa ra cho Chúa Thánh thần“ của thánh Giáo Hoàng Phaolô II đã ăn sâu trong lòng Giáo Hội. Ngài đã mang lại cho Kitô giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng một diện mạo mới giữa lòng trần thế, đã củng cố lại uy thế và các giá trị đạo đức luân lý chân chính, đặc biệt trong cuộc sống Giáo Hội, qua nhiều Thông Điệp và Tông Thư quan trọng. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặc biệt cổ vũ và thăng tiến công cuộc đại kết giữa các Giáo Hội Kitô giáo, phong trào đối thoại liên tôn, và nhất là mối tương quan giữa Giáo Hội Công Giáo với Do-thái giáo và nước Ít-ra-en. Ngoài ra, ngài còn tạo cho Tòa Thánh Vatican có được một vai trò quan trọng nhất định trong các biến cố chính trị, đến nỗi cả thế giới, kể cả các nhà nước vô thần hay thù nghịch với Giáo Hội Công Giáo, đều trân trọng lắng nghe những lời cảnh báo của Đức Giáo Hoàng trước các bất công và áp bức chống lại con người trên thế giới, cũng như những lời kêu gọi kiến tạo hòa bình và tự do của ngài.

Góp phần vào sự giải thể khối Đông âu

Tên „Gioan Phaolô II“ chắc chắn đã đi vào lịch sử nhân loại qua sự góp phần rất lớn của ngài vào biến cố chấm dứt toàn bộ các chế độ cộng sản độc tài ở toàn khối Đông Âu, tức Liên Sô và các nước chư hầu. Ở đây, đặc biệt nhất là cách thế và phương tiện Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã sử dụng trong việc ủng hộ công đoàn Đoàn Kết „Solidarnosc“ tại Ba-lan và đồng thời việc ngài ra tay cứu vớt công đoàn ấy đang trên bờ vực thẳm của sự chia rẽ và hỗn loạn, là cả một công trình thần kỳ, khiến cả thế giới phải nghiêng mình khâm phục.

Tuy nhiên, mãi cho tới nay người ta vẫn chưa biết rõ được toàn bộ các hoạt động của Đức Gioan Phaolô II trong việc nâng đỡ công đoàn Đoàn Kết „Solidarnosc“. Phải chăng ngoài những lời kêu gọi công khai và những thương lượng ngoại giao kín đáo, còn có cả sự giúp đỡ tài chính nữa? Tất cả đều chưa có câu trả lời.

Nhưng bên cạnh sự thành công vĩ đại đó, ngài cũng đã phải đau lòng nhìn thấy mọi nỗ lực của ngài trong việc ngăn chặn trận chiến tàn khốc tại Irak vào năm 2003 hoàn toàn trở nên mây khói. Tuy nhiên, không lâu sau đó Tòa Thánh Vatican đã bỗng chốc trở thành nơi hành hương thăm viếng của các nhà chính trị hàng đầu thuộc các phe tham chiến cũng như thuộc các nước làm trung gian, nhân dịp Đức Gioan Phaolô II lâm trọng bệnh. Điều đó hầu như là một phép lạ nhắc nhủ con người không nên đánh mất niềm hy vọng vào nền hòa bình chân chính của các dân tộc.

Một điều chắc chắn rằng, không phải mọi hoạt động mang màu sắc chính trị của Đức Gioan Phaolô II đều được mọi người đồng tình. Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Bênêđíctô XVI, Đấng Kế Vị của ngài, đã tìm cách hướng dẫn các hoạt động xã hội của Giáo Hội quay trở lại với nguồn cội Kitô giáo một cách có hệ thống.

Nói chung, suốt hai mươi sáu năm trên ngôi vị Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã thổi vào lòng Giáo Hội một luồng gió mới và một cách thức điều hành Giáo Hội hoàn toàn mới mẻ. Và người ta đã không quá ngạc nhiên về điều đó, vì sau khi Đức Phaolô VI, một vị Giáo Hoàng thường được đánh giá là đầy âu lo và do dự, băng hà thì Giáo Hội lại được trao phó cho một vị Tân Giáo Hoàng người Ba-lan mới 58 tuổi, trẻ trung, năng động và đầy tràn sức sống.

Tông du khắp thế giới như một thánh Phaolô tân thời

Trên ngôi vị Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã loại bỏ rất nhiều những truyền thống và thói quen nặng hình thức, rườm rà và mang tính cách phô trương trong các sinh hoạt của giáo triều. Với tư cách là Giáo Hoàng, ngài vẫn có những hoạt động thể thao, nhất là ngài đã tông du khắp thế giới như một thánh Phaolô tân thời vậy. Với khả năng truyền thông thiên phú, Đức Gioan Phaolô II đã thu hút sự ngưỡng mộ của mọi tầng lớp quần chúng trên khắp thế giới, và đồng thời ngài cũng đã gây được những ấn tượng tốt nơi những giới truyền thông hay phê bình chỉ trích, ở Ý, ở Âu châu cũng như ở Hoa Kỳ. Nhưng qua thái độ đầy cảm tình đó, Đức Gioan Phaolô II đã thành công trong việc giới thiệu quan điểm chân chính về đức tin Kitô giáo và về luân lý đạo đức của Giáo Hội.

Tại một số giáo phận quan trọng trên thế giới, như ở Köln (Đức), ở Wien (Áo), v.v… chính Đức Thánh Cha đã đích thân bổ nhiệm các vị Chủ Chăn mới, chứ không chiều theo khuynh hướng „dân chủ“ tại các địa phương này, nên đã không tránh được một số chống đối. Đặc biệt nhất là các cuộc tranh cãi sôi nổi về việc thành lập các văn phòng tư vấn cho các phụ nữ mang thai đang gặp khủng hoảng, Vatican liền lên tiếng đòi buộc phải chấm dứt ngay, dĩ nhiên điều đó đã gây nên những bất mãn nhất định nơi một số thành phần trong Giáo Hội. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, trong các khủng hoảng trên đây cũng như trong các vấn đề khó khăn khác, Đức Hồng Y Josef Ratzinger, Tổng trưởng Thánh Bộ Đức Tin, vị cộng tác đắc lực nhất của Đức Gioan Phaolô II và sau này là Đấng Kế Vị của ngài, đã đưa ra những quyết định hết sức thẳng thắn và dứt khoát.

Nói một cách tổng quát thì vào thập niên 1990, Tòa Thánh nói chung và Đức Gioan Phaolô II nói riêng đã phải đối mặt với một số vấn đề gai góc, chẳng hạn:

• Tình hình Kitô Giáo tại các nước thuộc khối Đông Âu trước kia: Thái độ đối nghịch, ghen tỵ và cạnh tranh thiếu tinh thần Kitô giáo giữa Giáo Hội Chính Thống và Giáo Hội Công Giáo tại các địa phương ấy mỗi ngày một gia tăng.

• Tiếp đến là phong trào Công Giáo bảo thủ quá khích của cựu Tổng Giám Mục Marcel Lefèbvre đã càng ngày càng gây nhức nhối cho Mẹ Giáo Hội qua thái độ cố chấp, chối bỏ toàn bộ các giáo huấn của Thánh Công Đồng Vatican II một cách hết sức vô lý.

• Một nỗi khổ tâm khác của Đức Gioan Phaolô II cũng không nhỏ, đó là trường hợp mập mờ của vị sáng lập phong trào „Legionäre Christi“ - Binh Đoàn Đức Kitô, Marcial Marciel Degollado (1920-2008). Nói chung, người ta cho rằng Đức Gioan Phaolô II đã phản ứng quá chậm trễ trước những sai trái quá đà của nhóm này.

• Tiếp đến, người ta cũng phàn nàn là Đức Thánh Cha đã thả lỏng quá nhiều cho một số giáo chức trong giáo triều.

Điểm đặc biệt nơi con người Đức Gioan Phaolô II là tình yêu mãnh liệt của ngài đối với sứ vụ Phêrô mà ngài đã được trao phó. Vì thế, kể từ năm 2000, mặc dù bệnh rung chân tay, mà tiếng chuyên môn gọi là Parkison, mỗi ngày một thêm trầm trọng, có lẽ phần lớn do ảnh hưởng của cuộc ám sát tại quảng trường Thánh Phêrô vào năm 1981, Đức Thánh Cha vẫn không chút mỏi mệt trong việc chu toàn thừa tác vụ Chủ Chăn Hoàn Vũ của ngài: Ngài vẫn tiếp tục các cuộc tông du khắp nơi trên thế giới, biên soạn các Tông Thư, các Thông Điệp, giữ các cuộc yết kiến chung hằng tuần, tiếp xúc với các quốc trưởng và ngoại giao đoàn, vẫn tiếp tục giảng lễ, mãi cho tới giây phút cuối cùng khi ngài không còn đủ sức đi lại và nói lên lời nữa mới thôi. Hình ảnh cuối cùng hoàn toàn kiệt lực của ngài xuất hiện trên cửa sổ phòng làm việc của ngài trước sự chứng kiến của hằng trăm ngàn khách hành hương, đã minh chứng rõ ràng tâm tình mục tử của ngài, và đồng thời cũng đã ghi sâu vào trong lòng kính trọng và yêu mến của mọi người đối với ngài.

Bởi vậy, ngay trước khi ngài qua đời, nhiều người đã muốn tôn Đức Gioan Phaolô II làm thánh sống. Đặc biệt trong Thánh Lễ an táng của ngài, hầu như tất cả các tín hữu hiện diện đã đồng thanh hô to: „santo subito!“ „santo subito!“ – Hãy phong thánh ngay lập tức! Hãy phong thánh ngay lập tức!

Từ làn sóng sùng kính này, án phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II đã được tiến hành rất mau chóng. Nhưng trước hết, đó là nguyện vọng sâu xa và to lớn của Giáo Hội Công Giáo tại Ba-lan và của Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Giáo phận Krakauer/Ba-lan, và là vị thư ký lâu năm của Đức Thánh Cha. Đức Bênêđíctô XVI đã thu ngắn một vài thủ tục không cần thiết của án phong Chân Phước cho ngài, dù rằng Đức Bênêđíctô XVI luôn đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm nhặt mọi công tác của án phong Chân Phước này. Sau cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hoàn toàn xác tín rằng Đức Giaon Phaolô II quả thực đã sống một cuộc sống Kitô giáo gương mẫu, nên đã long trọng ghi tên ngài vào sổ bộ các bậc Hiển Thánh cùng với Đức Gioan XXIII vào ngày Chúa Nhật 27.4.2014 vừa qua.

Lạy Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô, xin cầu cho chúng con! Amen