Lễ Các Đẳng

CÁC LINH HỒN NƠI LUYỆN NGỤC ĐANG CẦN NHỮNG THỨ GÌ?

Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin cảnh sát tỉnh Sơn Đông vừa bắt giữ 11 đối tượng chuyên đào mộ trộm xác chết đem bán cho người khác để phục vụ cho hủ tục làm “đám cưới ma” ở nước này. Được biết nạn mua bán xác chết vì thế mà trở thành một "nghề" béo bở ở Trung Quốc, nhằm phục vụ cho những khánh hàng có người thân chết mà chưa lập gia đình. Người nhà mua xác chết để làm đám cưới cho thân nhân trong gia đình vừa mới qua đời, với quan niệm cho rằng người thân của họ sẽ không “cảm thấy” cô đơn nơi chín suối, khi bên cạnh họ có cả “cô dâu” hoặc “chú rể”. Xác “cô dâu” mua được sau đó sẽ được chôn cạnh “chú rể” cho có đôi, có cặp (x. tuoitre24h.net/kinh-hai-nan-dao-trom-xac-chet-dem-ban).

Các đối tượng sau khi bị bắt đã khai báo rằng “xác đã chết nhiều năm không có giá trị bằng những xác vừa được chôn. Giá một xác chết có lúc cao đến 20.000, thậm chí 30.000 nhân dân tệ (tương đương 5-7 chục triệu đồng).

Rõ ràng đây là một việc làm phi pháp, nặng tính mê tín dị đoan, vì xuất phát từ quan niệm cho rằng “trần sao thì âm vậy”.

Thế giới của cõi âm, tức là thế giới mai sau theo cái nhìn của Kitô giáo chúng ta, hoàn toàn khác. Và thứ mà người chết cần vì thế cũng khác hoàn toàn. Không phải là một cô dâu hay một chú rể, một người vợ hay một người chồng, cũng không phải là vàng bạc của cải, nhà lầu xe hơi, hay đồ ăn thức uống...

Những thứ đó thực sự khi chết đều không còn cần thiết nữa, vì chúng chỉ cần cho con người khi còn sống mà thôi. Khi chết, thân xác nằm lại trong lòng đất và chịu sự mục nát theo qui luật tự nhiên, nên những thứ thuộc về vật chất có mang theo cũng trở nên vô ích. Chuyện dựng vợ gã chồng, chuyện sinh con cái đều thuộc về thế giới này, thế giới vật chất hữu hình. Cả đồ ăn thức uống mà người thân cúng tế cũng không dùng được; có chăng chỉ là để tưởng nhớ về sự hiện diện của người đã khuất.

Vậy người chết cần những thứ gì? Người chết cần những thứ dành cho linh hồn. Mà linh hồn là thiêng liêng, vô hình, nên những thứ mà linh hồn cần cũng là những thứ thiêng liêng.

Những thứ thiêng liêng vô hình, người Kitô hữu chúng ta gọi là ơn Chúa. Linh hồn người thân chúng ta cần ơn thánh Chúa Kitô để được thanh luyện khỏi những vấn vương của bụi trần; linh hồn người thân chúng ta cần ơn thánh Chúa Kitô để được thứ tha những tội lỗi và hình phạt; và linh hồn người thân chúng ta cần ơn thánh Chúa Kitô để được tái sinh trong Vương Quốc Hằng Sống.

Nhưng ơn thánh Chúa ban qua cách thức nào? Ơn thánh Chúa ban cho người quá cố, qua thái độ lúc còn sinh thời, người đó hằng tin tưởng gắn bó với Chúa và tha thiết cậy trông. Ơn thánh Chúa ban qua lời cầu nguyện của những người thân đang còn sống nơi trần thế. Ơn thánh Chúa ban qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, các thánh và những người lành đã ra đi trước. Ta gọi đó là hiệp thông công đức, hay là “mầu nhiệm các thánh cùng thông công”.

Phật giáo cũng có lễ cầu siêu; Kitô giáo chúng ta có lễ cầu hồn. Cầu siêu tức là cầu nguyện cho hồn người chết được siêu thoát. Cầu hồn cũng có nghĩa là cầu cho linh hồn người đã qua đời sớm được siêu thăng. Có điều khác ở chỗ bên Phật giáo cầu cho âm hồn được siêu thoát, để tiếp tục đầu thai vào kiếp khác, có khi là một kiếp thấp hơn: một con vật nào đó, như chó mèo chẳng hạn. Còn ta cầu cho linh hồn được siêu thoát, tức là được giải thoát khỏi những tơ vương của bụi trần tục lụy, để được đi vào cõi phúc hạnh ngàn thu. Một khi được siêu thoát rồi thì sẽ được vĩnh viễn sống với Chúa muôn đời. Hơn thế nữa, cầu cho các linh hồn được siêu thoát cũng có nghĩa là cầu cho họ được thần hóa, tức là được nên thần thánh. Dĩ nhiên, ta không chỉ cậy dựa vào công trạng hay đức hạnh của mình không thôi, mà trên hết và quan trọng hơn hết vẫn là cậy trông vào hồng ân cứu độ của Đức Kitô.

Và Thánh lễ ta đang dâng là một phương thế giúp người thân chúng ta đón nhận được hồng ân cứu độ cách dồi dào hơn. Với niềm xác tín như thế, giờ đây chúng ta cùng sốt sắng dâng lời nguyện chung.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long