SAIGÒN - Buổi tối ngày 20/3/2015, một tác phẩm mới là Trường Ca Cha Trương Bửu Diệp của hai nhạc sĩ Hàn Thư Sinh – Vũ Đình Ân đã được trình bày tại Giáo xứ Đa Minh Ba Chuông, nhân kỷ niệm 69 năm ngày mất của cha Trương Bửu Diệp.

Hình ảnh

Trong bầu khí ấm cúng của hội trường giáo xứ, quí cha, quí sơ, quí thầy và cộng đoàn dân Chúa đã thưởng thức tác phẩm mới là một trường ca đầy cảm xúc gồm ba chương, mỗi chương được hai MC Minh Quân và Diễm Quỳnh giới thiệu rất truyền cảm.

Mở đầu là phần I với ba ca khúc viết về cha Trương Bửu Diệp của hai tác giả Hàn Thư Sinh và Vũ Đình Ân

“Này ai khốn khổ khóc than
Về bên cha Diệp bình an tâm hồn...”


Bài hát “Tình Cha Trương Bửu Diệp” do nhóm Bạch Dương, là ba chàng trai trẻ trình bày rất sinh động. Để giới thiệu bài kế tiếp là “Xin Ơn Cha Diệp” MC diễn giải: “Sống trên đời ai cũng có lúc lầm than, long đong, thất vọng, mỗi người chúng ta có một cách thể hiện, tâm sự vào người mình tin cậy yêu thương...”. Bài này do ca sĩ Diệu Hiền trình bày. Và MC giới thiệu bài “Cha Điệp Ơi” (do nhóm Hương Quê trình bày) bằng bốn câu thơ tha thiết:

“Ai về sông nước miền tây,
Nhớ về Tắc Sậy đất lành xin Cha,
Cha Diệp tình mến bao la,
Lòng ta tha thiết cầu Cha quan phòng”.


Tiếp theo là phần II, giới thiệu bản trường ca Cha Trương Bửu Diệp. Đây là tác phẩm được hai nhạc sĩ viết xong vào ngày lễ kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15/8/2014, tác phầm gồm:

Chương I: NGÔI SAO TẮC SẬY gồm hai đoạn. Đoạn 1 là Ánh Sáng Trần Gian và đoạn 2 là Thời Niên Thiếu.
Chương II: MÙA GẶT MỚI gồm ba đoạn. Đoạn 1 là Linh Mục Của Chúa; đoạn 2 là Mục Tử Nhân Lành và đoạn 3 là Chứng Nhân Nước Trời.
Chương III: CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA gồm ba đoạn. Đoạn 1 là Xin Cha Cầu Bầu; đoạn 2 là Phép Lạ Của Chúa và đoạn 3 là Lời Kinh Tạ Ơn.

Tác phẩm này do ca đoàn Thiên Thanh hợp xướng, ca sĩ Xuân Trường, Hoàng Kim lĩnh xướng, múa minh họa là quí Sơ Tu-Rê, biên đạo múa là Phanxicô Ass. Nguyễn Cao Trí, phụ trách dàn nhạc dân tộc là nghệ sĩ ưu tú Mạnh Hùng và chỉ huy là tiến sĩ - nhạc sĩ Vũ Đình Ân.

Với dàn hợp xướng hùng hậu, bản trường ca được diễn tả với những giai điệu du dương, trầm bổng phù hợp cho từng đoạn. Phần múa minh họa và từng phân đoạn hoạt cảnh của quí Sơ rất sinh động, thu hút người tham dự và như đưa cảm xúc vào lòng mỗi người về cuộc đời linh mục Diệp.

Thêm vào đó là những lời dẫn vào các đoạn của chương rấy hay:

“Kể từ ngày hạt giống Phúc Âm được gieo mầm trên giải đất Việt Nam màu mỡ từ thế kỷ 16, Giáo Hội Việt Nam đã không thiếu những mục tử tốt lành, hiến thân sống theo gương Chúa. Điển hình là cha chánh xứ họ đạo Tắc Sậy....Rồi kể từ đó đến nay, Thiên Chúa đã thương ban nhiều ơn lạ, cho những ai đến xin cha cầu bầu”.

“Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp quả thực là một mục tử nhân lành. Ngài luôn luôn sống cho đoàn chiên. Trong thời kỳ chiến tranh, Cha hy sinh và muốn được chia sẻ cảnh đau thương với con chiên và sẵn sàng chết thay cho các con chiên của mình”.


Hoặc là: “Sau khi cha qua đời, nhiều người tin tưởng rằng lời cầu bầu của cha rất công hiệu trước mặt Chúa”. “Quả thực, đã có nhiều ngàn người, không phân biệt tôn giáo, đã đến cầu khẩn cha. Các bảng tạ ơn cha đã được gắn đầy trên nhiều bức tường lớn quanh khu vực mộ của cha”.

Xen vào giữa chương trình là một lời chứng sống động: Có gia dình anh Hiền, chị Hồng, không Công Giáo đã cầu khẩn cha Diệp và chồng chị đã khỏi bệnh ung thư phổi thời ký cuối. Chị Hồng nói không dài nhưng đủ ý để người nghe hiểu được về ơn chữa lành từ lời xin cha Diệp cầu bầu.

Và lời dẫn cuối bản trường ca như sau: “Cha phanxicô Trương Bửu Diệp đã viết nên một trang sử oai hùng cho Giáo Hội của Chúa, đặc biệt là Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa đã gửi đến cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam, một vị mục tử nhân lành để coi sóc đoàn chiên của Chúa. Nhờ ơn phước và lời cầu bầu của cha, xin Chúa luôn che chở Giáo Hội và mỗi người chúng con.”

Để bế mạc, cha Giuse Đỗ Tuấn Linh, đặc trách thánh nhạc giáo xứ Đa minh Ba Chuông, đã phát biểu và ban phép lành cho người tham dự trước khi ra về.

Tác phẩm Trường Ca Cha Trương Bửu Diệp đóng góp thêm vào kho tàng âm nhạc của Giáo Hội, một kho tàng phong phú và không ngừng phát triển.