Riêng người đồng tính Công Giáo, ngoài các cố gắng nhân bản, họ còn dựa vào yếu tố tâm linh để lội ngược dòng, khắc phục khuynh hướng đồng tính. Theo tin CNA/EWTN ngày 11 tháng 5, 2014, những người này đã nói về các cuộc chiến đấu bản thân của họ và niềm an ủi họ gặp được nơi giáo huấn của Giáo Hội trong một cuốn phim tài liệu mới nói về tình yêu Kitô Giáo như “con đường thứ ba” trong cuộc tranh luận về đồng tính luyến ái.

Trong cuốn phim này, David, một người Công Giáo, cho hay: “Những người bị lôi cuốn vào người đồng giới tính không bị yêu cầu phải làm bất cứ điều gì khác với người dị giới tính. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi sống trong sạch, ai trong chúng ta cũng thế”.

Khát mong những đỉnh đồi vĩnh cửu

Melinda, một người trở lại Công Giáo, nói rằng cô từ bỏ mối liên hệ đồng giới tính của cô khi cô trở lại Đạo. Cô nói: “tôi biết: nếu tôi trở thành người Công Giáo thì chuyện đồng tính luyến ái là điều phải ra đi. Và tôi nói với Thiên Chúa rằng tôi bằng lòng với việc này vì nay tôi đã say mê Đấng Hóa Công của tôi rồi. Bản sắc và mối liên hệ của tôi với Thiên Chúa trở nên quan trọng hơn là bản sắc và mối liên hệ của tôi với người bạn gái của tôi”.

Cuốn phim tài liệu dài 38 phút này, tựa là Desire of the Everlasting Hills, được đạo diễn bởi John-Andrew O’Rourke thuộc Hãng Phim Blackstone Films, đặt trụ sở tại Indianapolis. Cha John Hollowell, một linh mục của Tổng Giáo Phận Indianapolis, là giám đốc sản xuất của cuốn phim. Nữ tu Helena Burns và Chris Stefanick góp lời bình luận cho cuốn phim.

Joseph, một giáo dân Công Giáo, cho hay: anh thổ lộ đời anh và kinh nghiệm đồng tính luyến ái của anh trong tòa giải tội Công Giáo. Anh bày tỏ lòng biết ơn đối với vị linh mục giải tội đã đáp ứng lời thổ lộ của anh một cách tích cực. Anh bảo: “Ngài sẵn sàng có đó cho tôi hơn hẳn bất cứ ai khác. Ngài thực sự là một người cha đối với tôi, và tiếp tục như thế hoài hoài. Tôi không thể làm bất cứ điều gì để trả ơn ngài cho hết”.

Trong cuốn phim, Cha Michael Schmitz, một linh mục phục vụ tại Giáo Phận Duluth ở Michigan, giải thích rằng Đạo Công Giáo theo một con đường khác, một con đường bác bỏ cả việc kết án hoàn toàn người đồng tính lẫn việc khẳng nhận hoạt động đồng giới tính.

Ngài cho hay: “chúng tôi không hề kỳ thị hay kết án hoặc sợ sệt hay muốn cô lập các bạn. Nhưng đồng thời, chúng tôi không thể ủng hộ mọi điều các bạn lựa chọn. Thành thử chúng tôi xin đi theo con đường thứ ba. Và con đường thứ ba này chính là tình yêu. Chúng tôi xin yêu thương các bạn. Các bạn thuộc nơi đây với chúng tôi. Các bạn có thể chia sẻ với chúng tôi cuộc chiến đấu của các bạn, các bạn có thể chia sẻ với chúng tôi sự lôi cuốn của các bạn, và chúng tôi vẫn cứ yêu thương các bạn”.

Các người nam nữ có khuynh hướng đồng tính luyến ái nói về đức tin và đời sống họ. Một số đề cập tới các vấn đề thích ứng trong lúc đang lớn lên, vì cảm thấy mình khác người, bị cô đơn lạ lùng hay bị bạn cùng trang lứa xách nhiễu. Một số thuật lại quá khứ khó khăn của họ, trong đó có việc bị cha mẹ bạo hành hay lạm dụng tính dục.

Cha Schmitz nhấn mạnh tới việc Giáo Hội kết án việc kỳ thị bất công người đồng tính hay bắt nạt họ. Ngài cho biết “Giáo Hội minh xác rất rõ. Mọi người nam nữ có khuynh hướng đồng tình luyến ái phải được cư xử với lòng cảm thương, phẩm giá, và kính trọng”.

Cha Hollowell, giám đốc sản xuất cuốn phim cho CNA hay cuốn phim này nhằm kể lại câu truyện của “những người từng trải nghiệm sự lôi cuốn đồng giới tính nhưng vẫn tìm được an ủi lớn lao trong giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về chủ đề này”.

Theo ngài, Đạo Công Giáo bác bỏ cả “nền văn hóa hưởng lạc”, tức nền văn hoá cho rằng “hãy làm bất cứ điều gì bạn muốn, hãy làm tình với bất cứ ai bạn muốn” lẫn phương thức của “những người duy cực đoan Thánh Kinh, tức những người nói rằng chỉ có khuynh hướng đồng tính thôi cũng đủ có nghĩa bạn là một kẻ tội lỗi”.

Vị linh mục này cho hay động lực khiến ngài thực hiện cuốn phim là do kinh nghiệm giảng dạy thần học tại Trung Học Đức Hồng Y Ritter ở Indianapolis lúc mới chịu chức. Ngài bảo: “Ngay năm đầu dạy học, tôi rất ngạc nhiên thấy phần lớn học sinh rất cởi mở đối với các giáo huấn của Giáo Hội. Tuy nhiên, khi nói tới giáo huấn về đồng tính luyến ái, tôi thấy họ tỏ ra chống đối ra mặt”.

Thoạt đầu, ngài không có tư liệu nào giúp các học sinh hiểu giáo huấn của Giáo Hội. Sau đó, ngài mới có dịp đọc được các tham luận của các người Công Giáo từng trải qua kinh nghiệm đồng tính. Lúc ấy “tôi hiểu tôi cần phải đặt những câu truyện của họ lên màn ảnh vì càng ngày càng ít có người đọc tham luận. Tôi bắt đầu nghĩ cách để chính những người từng sống với sự lôi cuốn đồng giới tính nhưng vẫn ôm áp Đạo Công Giáo tự kể ra các câu truyện của chính họ”.

Cuốn phim này là thành quả của một dự án do công chúng tài trợ, lôi cuốn được 879 người đóng góp trong 20 ngày quyên góp.

Đức Cha Christopher Coyne, giám mục phụ tá của Indianapolis, hướng dẫn cho cuốn phim và cuốn phim này được sự khuyến khích của Cha Paul Check thuộc tổ chức tông đồ Courage chuyên phục vụ các người Công Giáo có khuynh hướng đồng tính. Nó ra mắt lần đầu tiên tại hội nghị của tổ chức này tại Pennsylvania hồi tháng Bẩy năm 2014.

Đức Cha Patrick Dunn của Auckland, thư ký Hội Đồng Giám Mục Tân Tây Lan cho biết: ngài sẽ sử dụng cuốn phim này tại xứ sở ngài để phục vụ các người Công Giáo có khuynh hướng đồng tính.

Văn phong đơn giản với các chủ đề phổ quát về tình yêu và khát mong nhân bản của cuốn phim đã biến nó trở thành một trải nghiệm gây xúc động đối với các cử tọa nói chung. Các người tham gia cuốn phim cho rằng thoạt đầu họ rất ái ngại vì không biết gia đình, bạn hữu và những người trong cộng đồng đồng tính nghĩ gì.

Dan chẳng hạn nói với CNA ngày 19 tháng Bẩy, 2014 rằng “tôi rất sợ khi tham gia cuốn phim này”. Là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, anh lo lắng không biết giới nhạc sĩ sẽ nghĩ gì. Anh không muốn bị nhìn là “anh chàng Dan đồng tính”. Trước cuốn phim này, anh chưa bao giờ ra công khai, có lần còn hẹn hò với một phụ nữ nữa. “Nhưng rồi tôi nhớ tới Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô chương 3 câu 15, trong đó, Thánh Tông Đồ nói rằng ‘anh em hãy luôn sẵn sàng giải thích lý do của niềm hy vọng đang có trong anh em’. Với việc Thiên Chúa đã xử tốt biết bao đối với tôi, nếu tôi có thể giúp được người khác qua câu truyện đời mình, đó là lý do tôi quyết định tham gia cuốn phim này”.

Dan đặc biệt muốn giúp những người trẻ đang trải nghiệm sự lôi cuốn đồng tính. Dù là người Công Giáo lúc còn nhỏ, nhưng khi bước vào tuổi thiếu niên, gia đình anh đi theo Thệ Phản. Anh nhớ hồi đó cảm thấy như không có ai để nói về những gì anh đang trải nghiệm.

“Tôi còn nhớ lúc ấy vị mục sư nhân khi trình bầy một loạt bài về sự trong sạch tính dục, có nói đến việc thèm khát phụ nữ. Tôi nghĩ trong bụng ‘biết nói với ai rằng cái anh chàng ngồi trước tôi hai hàng ghế mới là người tôi thèm khát?’”

Trong phim, Dan thuật lại câu truyện tới một câu lạc bộ khỏa thân để thử nghiệm. Kết cục, anh đã nói chuyện rau cỏ với một nữ vũ công, và cho tới lúc này, anh vẫn còn sử dụng các chỉ dẫn của cô về cách làm vườn.

Sau đó, anh quyết định hẹn hò với Jason và hai người có mối liên hệ với nhau trong vòng một năm. Nhưng ý muốn có gia đình và làm cha về phương diện sinh học đã sống dậy trong anh khi anh phải lòng Kelly, một phụ nữ tại sở làm. Khi mối liên hệ với Kelly chấm dứt, Dan cho hay anh lại bị cám dỗ đi tìm mối liên hệ với một người đàn ông khác.

“Nhưng rồi tôi bước qua một ngưỡng cửa nơi tôi tìm được đường tiến tới bình an… con đường này không có lối trở lui nữa”.

Rilene tham dự cuốn phim vì cô cảm thấy cô có bổn phận phải nói bộc trực về Người cũng như nói bộc trực về tình trạng đồng tính của mình. Cô cho hay: “khi còn là người thực hành đồng tính, tôi muốn kéo người tình đồng tính của tôi ra khỏi chỗ kín đáo. Nay tôi cảm thấy ít nhất tôi cũng nợ Thiên Chúa cùng một mức độ tiết lộ đầy đủ như thế, đó là lý do tôi đã công khai trở về với Giáo Hội và từ bỏ bản sắc đồng tính của mình”.

Trong phim, Rilene kể lại rằng thoạt đầu, cô muốn được một người đàn ông thương yêu và muốn có một gia đình. Nhưng sau một thời kỳ không kiếm ra người đàn ông nào để hẹn hò và vì có một phụ nữ “tấn công” cô trong một tiệc vui, nên cô bắt đầu thắc mắc không hiểu mình có thực sự bị đàn bà quyến rũ hay không.

Thế rồi trong một cuộc du hành vì công việc, cô gặp một phụ nữ tên Margo, cô này trở thành người bạn đời của cô trong suốt 25 năm trời. Rilene cho biết: “theo tôi, Margo giống tôi nhiều phương diện, dù sao cô cũng là một người chuyên nghiệp và rất thương tôi, một cách trung thực. Mà tôi thì thực sự rất khát khao được yêu thương.”

Nhưng suốt trong mối liên hệ này, Rilene nói cô luôn cảm thấy bất an và thường cô đơn. Sau một loạt xuống dốc về tài chánh và đề nghị cưới xin của Margo, cô rời bỏ mối lien hệ và cuối cùng tìm đường trở lại với Giáo Hội Công Giáo.

Cô cho rằng cuốn phim là cơ hội tốt để cô và nhiều người như cô rà xét lại tâm tư cũng như đời mình. “Có rất nhiều ơn phúc đối với chúng tôi trong cuốn phim này, lời đàm đạo thực sự, các câu hỏi đã giúp tập chú mọi tâm tư chúng tôi dành cho nhau vào nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống mà trước đây chưa hề được xem xét cận kề như thế.”

Paul can dự vào lối sống đồng tính sau khi chuyển tới New York vào thập niên 1970. Anh giành được một việc làm rất tốt: người mẫu quốc tế; trong tư cách này, anh gặp gỡ rất nhiều người nổi tiếng tại các câu lạc bộ trong Thành Phố.

Trong cuốn phim, anh thổ lộ: “Phòng Quay 54, nhất là khi bạn trẻ, lôi cuốn, bạn có thể tới đó, hoàn toàn như thiên đường. Ánh sáng, cách người ta ăn diện, âm nhạc, các minh tinh màn bạc… Y hệt như điều bạn từng được nghe.”

Những lúc không ở phòng quay hay ở phòng thể dục, Paul dành thì giờ đi kiếm bạn tình. Anh đã sống qua với hàng tá, rồi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người yêu. “Chuyện này trở thành như phát cuồng, và tôi không hề có ý này… nhưng riết, tôi trở thành vô cảm đối với việc ở với một bạn tình”.

Khi dịch AIDS gây hại tới 90% các bạn hữu của anh, Paul quyết định di chuyển tới San Francisco để thử vận mới. Anh gặp người bạn tình tên Jeff ở đấy và họ dọn tới một nhà gỗ nhỏ tại Sonoma County. Một ngày kia, nhân coi truyền hình, Paul thấy một hình ảnh lạ, bèn gọi Jeff vào coi để cười ồ với nhau.

Anh bảo: “tôi cười chế riễu vị nữ tu với chiếc nón che cả mắt, một khuôn mặt méo mó (lúc đó, tôi không biết bà bị đột qụy) và bộ áo hoàn toàn cổ lỗ sĩ”.

Vị nữ tu đó chính là Mẹ Angelica của Đài EWTN.

Jeff và Paul cùng cười chế riễu “những Kitô hữu điên khùng này” nhưng khi Jeff rời khỏi căn phòng, Paul vẫn tiếp tục coi chương trình. “Khi tôi toan đổi đài, thì bỗng nhiên bà nói một câu thông minh và có thực chất và tung thực đến độ làm tôi ngỡ ngàng”.

Mẹ Angelica bảo anh: “Bạn thấy đó, Thiên Chúa dựng nên bạn và tôi để chúng ta được hạnh phúc ở đời này và ở đời sau. Người quan tâm tới bạn. Người theo rõi mọi bước bạn đi. Không ai yêu thương bạn đã có thể làm như thế”.

Từ đó trở đi, Paul say mê theo dõi Mẹ Angelica. Tuy nhiên, anh vẫn dấu kín sự say mê mới này. Anh sẽ đổi đài sau khi nghe Mẹ để Jeff hay bất cứ ai sử dụng máy truyền hình không thấy Mẹ.

Đối với cuốn phim, Paul dự đoán sẽ có phản ứng tiêu cực từ nhiều người. Cho dù cuốn phim chưa công khai lúc diễn ra cuộc phỏng vấn, nhưng Paul cho biết anh đã thấy có phản ứng tiêu cực rồi. “Tôi bị phản dội vì đã bước lên cầu thang… của một Giáo Hội là Giáo Hội Công Giáo. Tôi mất cả khách hang lẫn bạn bè. Họ ngỡ ngàng khi thấy một người có học, tương đối thông minh mà lại có thể tin Chúa Giêsu Kitô. Đó là một số bằng hữu biết tôi trở lại với Giáo Hội.”

Dan cũng cùng một nhận định như Paul. Anh bảo: “Theo tôi, các đồng nghiệp của tôi chẳng có vấn đề gì khi tôi nói cho họ nghe tôi là người đồng tính. Nhưng họ hoàn toàn té ngửa khi thấy tôi là người Công Giáo.”

Cả ba người trên cho biết khi họ đã trở lại với Giáo Hội, họ bắt đầu tránh dùng các nhãn hiệu như “gay” hay “lesbian”. Trong Giáo Hội, các kiểu nói này không được ưa chuộng vì chúng có khuynh hướng đóng khung người ta theo xu hướng tính dục.

Dan tâm sự: “tôi có tới một hội nghị của Thệ Phản và ở đấy có người nói: ‘có lẽ bạn nên xem xét sự kiện này nhãn hiệu ‘gay’ không hề xác định được bạn,’ và đó quả là một trong những điều có tính giải thoát hết sức. Theo tôi, nguyên sự kiện Giáo Hội tránh dùng các hạn từ ‘gay’ và ‘lesbian’đã nói lên sự thật về con người nhân bản rồi.”

Khi được hỏi: Giáo Hội phải làm gì để phục vụ người đồng tính tốt hơn, câu trả lời gần như đồng thanh là các linh mục và người của Giáo Hội cần được giáo dục tốt hơn về chủ trương của Giáo Hội.

Rilene cho biết: trong mấy năm đầu sống với Margo, một linh mục có đến gõ cửa để làm một cuộc thăm dò cho giáo xứ. Khi cô bật khóc và cho linh mục biết cô vốn là người Công Giáo nhưng cảm thấy bị Giáo Hội bỏ rơi chỉ vì cô là người sinh hoạt đồng tính, vị linh mục không biết phải nói gì với cô.

“Ngài chỉ bảo: ‘không, chúng tôi muốn cô!’ Nhưng đàng sau câu nói đó, không có gì khác… ngài không có dụng cụ nào cả. Thành thử, tôi nghĩ các linh mục của chúng ta cần được huấn luyện, được đào tạo. Tôi biết có những linh mục không biết cả đến chủ trương của Giáo Hội đối với vấn đề này.”

Tình bạn như một ơn gọi đồng tính

Trong khi ấy, Eve Tushnet, một người mới trở lại Đạo Công Giáo và vốn là một người có khuynh hướng đồng tính nhưng sống độc thân, vừa cho xuất bản một cuốn sách tựa là Gay and Catholic: Accepting My Sexuality, Finding Community, Living My Faith, nói về kinh nghiệm của mình. Trong cuốn sách này, Tushnet chủ trương rằng phục hồi quan điểm coi tình bạn như một ơn gọi sẽ là phương cách tốt nhất để Giáo Hội giúp những người đồng tính vượt thắng cảm thức bị cô lập của họ.

Cô nói với CNA rằng “Tình bạn là một ơn gọi có thể nói lên lòng tận tụy và cam kết suốt đời”. Cô đề nghị: ngoài ơn gọi hôn nhân và tu sĩ linh mục ra, các nhà lãnh đạo Giáo Hội nên nói tới các ơn gọi khác nữa. Việc này hoàn toàn phù hợp với Thánh Kinh và ta nên đi bước trước trong vấn đề này thay vì để cho văn hóa dẫn ta đi vòng quanh và hành động như thể tình bạn chỉ là chuyện tương đối tầm phào trong trật tự sự việc”.

Trong số các chủ đề của sách, Tushnet nói tới cảm thức bị cô lập theo nghĩa không được kêu gọi bước vào hôn nhân lẫn cuộc sống tu trì, và do đó cảm thấy bị bỏ rơi, phải sống cuộc sống cô đơn.

Thành thử, trong cuộc phỏng vấn của CNA, cô đề nghị nên tổ chức một “ơn gọi sống tình bạn” như một phương thức giải quyết.

Tushnet lý luận rằng nền văn hóa hiện đại không kính trọng và thảo luận về tình bạn như họ kính trọng và thảo luận về liên hệ tính dục “hay các liên hệ có tiềm năng trở thành tính dục”. Thay vào đó, xã hội coi tình bạn gần như một “liên hệ có cho tiện” (relationship of convenience) chứ không phải là một “liên hệ cam kết hay hiến thân hoặc hy sinh”.

Cô nói thêm: ngược lại, nếu ta nhìn vào lịch sử Giáo Hội, ta sẽ thấy tình bạn chiếm một chỗ đứng nổi bật và công khai trong sinh hoạt Kitô Giáo. Cô nhận định rằng các ghi chép của Giáo Hội thời sơ khai cũng như thời trung cổ cho thấy bạn hữu từng sống với nhau và nâng đỡ nhau, cũng như thương yêu hy sinh cho nhau trong một “tình bạn tiêng liêng”.

Tushnet cũng nhấn mạnh tới cuộc đời Chúa Kitô, Đấng không có con cái cũng như người phối ngẫu, và cho rằng cái chết hy sinh của Người là hành vi thí mạng sống mình vì bạn hữu.

Theo cô, Chúa Kitô nhấn mạnh tới mối liên hệ bằng hữu và cho hay: đây là mối liên hệ hy sinh và hiến thân.

Sự vươn tay ra với người đồng tính tại Thượng Hội Đồng gần đây đã làm các phương tiện truyền thông lưu ý rất nhiều tới Giáo Hội. Nhưng, theo Tushnet, trong khi các tường thuật của truyền thông chú mục vào giáo huấn chống các hành vi đồng tính và “hôn nhân đồng tính” của Giáo Hội, thì ta lại đánh mất cơ hội thảo luận về quan niệm “ơn gọi sống tình bạn” dành cho lớp người này.

Cô cho rằng Giáo Hội cần đưa ra hình ảnh đời họ sẽ như thế nào cho những người Công Giáo có khuynh hướng đồng tính, giúp họ một cách cụ thể để họ cố gắng sống cuộc sống tính dục của họ một cách có hiệu quả.

Dù có ý hướng tốt bao nhiêu, nhưng nếu chỉ chú tâm tới việc phải tránh điều gì thay vì phải nên làm gì liều mình khiến ta “đẩy người ta vào chỗ bị cô lập”. Cô bảo: “cô lập luôn luôn là điều chẳng hay ho gì đối với cuộc sống thiêng liêng của bạn… Bạn rất dễ bị ngã lòng.”

Nhưng tình bạn hiện nay có nghĩa gì? Cô cho hay: chỉ cần cho người ta biết: quả có một lối sống có ý hướng cộng đoàn, nơi các người độc thân sống chung với nhau và chăm sóc lẫn nhau cũng đủ giúp người ta có một viễn kiến khác về ơn gọi dành cho những Kitô hữu không kết hôn.

Cô cũng cho rằng ta không nên chỉ tập chú vào vấn đề tính dục khi phục vụ những người tự nhận mình là đồng tính. Theo cô, người ta thường cho rằng điều họ lưu ý một cách tích cực hay tiêu cực luôn là chuyện liên quan tới tính dục, nhưng thực tế, còn rất nhiều điều để chiến đấu nữa như kiêu căng, lười biếng và nhiều thói hư khác có thể tác động tới mọi người, bất luận thuộc khuynh hướng tính dục nào.