BÀI 7
LINH MỤC
VÀ ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN
LINH MỤC
VÀ ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN
Để có thể thi hành chức năng tiên tri, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, nói về lĩnh Yêu và Sự Sống của Thiên Chúa, linh mục cần phải không ngừng tiếp xúc với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện. Không ai có thể nói về Thiên Chúa cách chân thật và đúng đắn, nếu trước đó đã không nói với thiên Chúa.
Linh mục cũng không được phép quên rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của tư tế là không ngừng cầu khẩn cho Dân Chúa. Chỉ khi nào linh mục biết cầu nguyện cho những người mình phục vụ, bấy giờ thừa tác vụ của linh mục mới thật là phong phú, vì đích thực là thừa tác vụ của Thần Khí. Linh mục còn là thầy dạy cầu nguyện, điều mà linh mục không thể làm được nếu không có chút kinh nghiệm.
Đối với bất cứ người Ki tô hữu nào, cầu nguyện đều là hô hấp thiêng liêng, hít thở Thần Khí. Điều đó còn quan trọng hơn đối với linh mục, vì nếu thiếu Thần Khí thừa tác vụ của linh mục không thể mang lại sự sống.
Chúng ta sẽ nỗ lực tìm hiểu ý nghĩa thần học của việc cầu nguyện, là điều rất cần thiết cho một đời sống sâu xa và có ý thức . . .
CẦU NGUYỆN LÀ HỒNG ÂN:
Đối với Kitô-giáo, cầu nguyện là một hành vi siêu nhiên. Hành vi siêu nhiên không khởi sự từ bản thân con người. Tự mình, chúng ta không làm được hành vi siêu nhiên. Hành vi siêu nhiên bắt đầu từ Thiên Chúa, do sự khơi dậy của Chúa Thánh Thần.
Tuy là hành vi siêu nhiên, cầu nguyện vẫn là hành vi của chúng ta: chúng ta cầu nguyện. Cầu nguyện là do ơn Thiên Chúa ban cho, nhưng ơn ấy trở thành sở hữu của chúng ta. Cầu nguyện là hành vi tự do nhất, hành vi phát xuất từ thâm sâu tâm hồn, hoàn toàn tự nguyện. Trong việc cầu nguyện, ân sủng và tự do là một với nhau, nên một với nhau. Nếu ta xác tín ân sủng lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho ta là một Ngôi vị, chúng ta sẽ thấy rõ rằng không có mâu thuẫn giữa ân sủng và tự do. Trong việc cầu nguyện, chính Tình Yêu của Thiên Chúa khơi dậy tình yêu nơi ta (Chúa Thánh Thần khơi dậy tình yêu nơi ta ).
Theo cha Karl Rahner, khi cầu nguyện, chúng ta mở tâm hồn ra với Thiên Chúa. Nói cho đúng hơn, chúng ta để cho Chúa Thánh Thần mở cửa tâm hồn ta. Chúa Thánh Thần mở cửa và ta mở cửa.
Vì cầu nguyện là hồng ân, nên trước hết, ta hãy nài xin Chúa ban cho ta: Lạy Chúa, xin hãy dạy chúng con cầu nguyện. Vì cầu nguyện là một hồng ân, mà ơn Chúa là sự sống, nên có thể triển nở hay mất đi. Ta phải nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện bằng chính việc cầu nguyện, bằng Lời Chúa, bầng bí tích và phụng vụ. Chúng ta gìn giữ và phát triển ơn Chúa bằng sự đáp trả tự do.
Cầu nguyện là để cho Chúa Thánh Thần tác động trên ta, làm việc trong tâm hồn ta. Ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thánh Thần rên rỉ, cầu khẩn trong ta (Rm 8, 26-27).
Dựa vào câu chuyện người phụ nữ xứ Samaria, chúng ta biết được cầu nguyện là một sự gặp gỡ sâu xa giữa Chúa Ki tô và chúng ta (Ga 4, 1-42). Nhưng có được sự cầu nguyện là vì Chúa đến với ta. Chúa dùng nhiều cách để mở cửa tâm hồn chúng ta. Chúa khơi dậy tình yêu nơi ta, khơi dậy lòng khao khát nơi ta. Có được sự cầu nguyện là vì Chúa khao khát ta. Chúa đã biểu lộ điều đó tại bờ giếng Giacób và trên thập giá: Ta khát (Ga 19, 28). Theo GLC, cầu nguyện là gặp gỡ giữa hai sự khao khát (la rencontre des deux soifs): Chúa khao khát ta và ta khao khát Chúa. Đó là sự gặp gỡ giữa hai trái tim, hai tình yêu.
Cầu nguyện là tình yêu được Tình Yêu khơi dậy: Thiên Chúa muốn chúng ta khao khát Người (GLC). Chính vì thế mà phải có Thánh Thần, phải có Lời Chúa. Lời Kinh Thánh được coi như bức thư tỏ tình của Thiên Chúa. Càng đọc bức thư ấy, tình yêu càng được khơi dậy và nuôi dưỡng.
Có một số định nghĩa cổ điển về việc cầu nguyện rất có giá trị mà chúng ta cần nhắc lại:
Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa (sursum corda). Trong định nghĩa này, vai trò của Chúa Thánh Thần cũng hết sức quan trọng: tự mình chúng ta, chúng ta không thể nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa được; con người chúng ta yếu đuối, xác thịt chúng ta nặng nề. Phải có Chúa Thánh Thần nâng ta lên. Thiên Chúa Cha, Chúa Kitô lôi kéo chúng ta bằng Thánh Thần là Tình Yêu và Sức Mạnh của Người (Ga 6, 44; 6, 63=65).
Cầu nguyện là cầu xin những điều phải lẽ. Theo thánh Phao lô, chúng ta không biết cầu xin thế nào cho phải, nhưng chính Thánh Thần khẩn cầu trong ta (Rm 8, 26). Chúa Thánh Thần điều chỉnh tâm tình và tư tưởng của chúng ta rập theo thánh ý của Thiên Chúa khi chúng ta cầu nguyện.
Chúng ta có thể kết luận về việc cầu nguyện như sau: mọi sự đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, nên ngay cả lời cầu xin của chúng ta, thực ra cũng chỉ là sự đáp trả tình Yêu của Thiên Chúa, lòng khao khát của Chúa. Cầu nguyện là mở cửa tâm hồn đón Chúa.
CẦU NGUYỆN LÀ GIAO ƯỚC:
Cầu nguyện là hồng ân; hồng ân này không là sự vật, mà là tình yêu; đó là một hồng ân thiết lập tương giao.
Cầu nguyện là tương giao với Chúa, tiếp xúc với Chúa, gặp gỡ Chúa trong tâm hồn. Dĩ nhiên tương giao này không bắt đầu từ chúng ta, nhưng bắt đầu từ Chúa. Chúa thiết lập tương giao trước. Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Người mời gọi chúng ta và lôi kéo chúng ta vào trong tình yêu của Người nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.
Cầu nguyện được GLC coi là Giao ước (GLC 2562 -2564). Lịch sử Dân Thiên Chúa là một lịch sử Giao ước, là lịch sử của Mạc Khải, cũng là lịch sử của Cầu Nguyện. Cầu nguyện là sự hình thành và triển nở của Giao ước ghi khắc trong tim. Đấng ghi khắc Giao ước chính là Thần Khí.
Cơ bản của Giao ước là đồng ý thuộc về nhau. Thiên Chúa thuộc về chúng ta, vì Người đã tự hiến cho chúng ta trong Đức Giêsu-Kitô. Chúng ta thuộc về Thiên Chúa trong Đức Giệsu-kitô, Con của Người. Chính Đức Giêsu-Kitô là Giao ước ghi khắc trong tim. Do đó, cầu nguyện là để cho Đức Giêsu tỏ hiện trong tâm hồn ta, cầu nguyện là gặp gỡ Chúa trong tâm hồn.
Trong Giao ước nội tâm này, Danh Xưng quan trọng nhất là Chúa và là Giêsu-Kitô. Cầu nguyện là ghi khắc Danh Chúa trong trái tim, để không bao giờ quên nữa, khi ở nhà cũng như lúc đi đường, khi nằm ngủ, cũng như khi thức dậy. Trong Cựu ước, Thiên Chúa còn ban cho Lời Hứa. Nội dung của Lời Hứa là Sự Sống, là Hạnh Phúc và là Tình Yêu. Nội Dung của Lời Hứa là Chính Thiên Chúa. Chúa là phần gia nghiệp, phần chén của tôi. Giao ước bao hàm một điều kiện, một đòi hỏi, một lề luật. Khi chúng ta cầu nguyện, đòi hỏi của Thiên Chúa nảy sinh nơi ta. Đòi hỏi ấy là đòi hỏi yêu thương, nhưng bao hàm nhiều điều cụ thể, tùy từng người, tùy từng lúc (đòi hỏi từ bỏ, dấn thân, nhịn nhục, tha thứ...). Khi ta thi hành đòi hỏi của Chúa, ta sẽ nhận lãnh điều Chúa hứa, và tương giao giữa ta và Chúa lại mật thiết hơn.
Cầu nguyện là một hành vi thẳm sâu trong tâm hồn, nơi một mình Thiên Chúa nhìn thấy. Trong chiều sâu ấy, Thần Khí hoạt động. Thiên Chúa là Đấng dò thấu lòng dạ, biết hứng của Thần Khí (Rm 8, 26). Cầu nguyện là đón nhận hoạt động của Thần Khí, là để cho Chúa Thánh Thần thiết lập tương giao giữa Thiên Chúa và chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có tương giao với Thiên Chúa trong Đức Giêsu-Kitô. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thiết lập tương giao với Chúa Cha (Rm 8, 15-16; Gl 4, 6-7), với Chúa Kitô (1 Cr 12, 3). Chúa Thánh Thần còn đưa ta vào trong tương giao tình yêu và sự sống giữa Chúa Ki tô và Chúa Cha, và đó là mục tiêu cuối cùng của Giao ước giữa chúng ta với Thiên Chúa.
Giao ước không là một giao kèo bằng chữ chết, nhưng là một giao kèo sống động, một đối thoại không ngừng giữa Thiên Chúa với chúng ta. Một định nghĩa cổ điển khác về việc cầu nguyện cũng rất gần gũi và thực tế: cầu nguyện là chuyện vãn với Chúa. Chúng ta nói chuyện với Chúa, lắng nghe Chúa và đáp trả lời Chúa. Trong khi đáp trả, chúng ta có thể tâm sự với Chúa, kêu xin Chúa, cảm tạ Chúa, ngợi khen chúc tụng Chúa, bày tỏ tình yêu đối với Chúa. Tương quan giữa ta và ' Chúa là tương quan giữa người bạn với người bạn. Đấng thiết lập tình bằng hữu ấy là Chúa Thánh Thần.
Tóm lại, cầu nguyện giống như Giao ước ghi sâu trong tâm hồn ta. Chính ở trong thâm sâu của tâm hồn mà ta thuộc về Chúa, và Chúa thuộc về ta; ta là của Chúa, và Chúa là của ta. Ta dâng hiến đời ta cho Chúa, và Chúa ban sự sống Người cho ta, chia sẻ Thần Khí Người cho ta. Cầu nguyện là nội tâm hóa Giao ước. Và điều này chỉ thực hiện được nhờ Chúa Thánh Thần và trong Chúa Thánh Thần.
CẦU NGUYỆN LÀ HIỆP THÔNG:
Một định nghĩa quan trọng khác về cầu nguyện là : kết hiệp với Chúa, gắn bó và nên một với Người. Chúng ta chỉ có thể kết hiệp với Chúa trong Thánh Thần và nhờ Thánh Thần.
Cầu nguyện sâu xa hơn cả là nên một với Đức Kitô để trở nên con cái của Thiên Chúa. Cầu nguyện là được đưa vào, là bước vào tương quan làm con của Đức Giêsu-kitô. Và chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể đưa ta vào trong tương quan này. Kích thước của việc cầu nguyện là tình yêu đối với Đức Ki tô và là lòng mến của Đức Ki tô (rộng, dài, cao, sâu: Ef 3, 18-21).
Cầu nguyện là Hiệp Thông, mà Chúa Thánh Thần chính là ơn thông hiệp.
Hiệp thông là gì? Sự hiệp thông rất phong phú đa dạng, nhưng cũng rất thống nhất. Hiệp thông có khi là chia sẻ, có khi là đón nhận, có khi là dâng hiến. Nhưng dưới bất cứ hình thái nào, hiệp thông đều là yêu thương.
Cầu nguyện là nên một với Chúa. Hạnh phúc và niềm vui của chúng ta khi cầu nguyện nảy sinh từ việc nên một với Chúa. Nên một với Chúa, chúng ta sẽ nên một với Chúa Cha, cùng với Chúa và trong Chúa. Chúng ta ở trong lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là Thiên Đàng của chúng ta. Cầu nguyện là ở trong Thiên Đàng, nên cầu nguyện là đạt tới mục tiêu cuộc sống Kitô-hữu rồi. Chúng ta chỉ có thể nên một với Chúa nhờ Chúa Thánh Thần và trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần giống như chất keo tình yêu dán chúng ta dính vào Chúa Kitô, không tách rời được. Chúa Thánh Thần còn giống như chất men tình yêu làm cho ta say sưa ngây ngất trong sự kết hiệp với Chúa.
Vì cầu nguyện là Hiệp Thông, nên cầu nguyện đích thực luôn hướng về hiệp thông bí tích trong mầu nhiệm Thánh Thể. Hiệp thông là đón rước Chúa vào trong trái tim, vào trong cuộc sống, để Chúa ở trong ta. Nếu Chúa ở trong ta, thì Chúa Cha cũng ở trong ta (Ga 14, 23). Điều mà khoa Tu Đức gọi là trạng thái thụ động của tâm hồn chiêm niệm, chính là sự đón nhận trọn vẹn đến mức tôi không còn là tôi nữa, mà chỉ có Chúa sống trong tôi.
Có khi hiệp thông là dâng hiến ở mức độ cao nhất, trong đó chủ thể dâng hiến và đối tượng được dâng hiến là một, tư tế và lễ phẩm hoàn toàn đồng nhất. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là cao điểm dâng hiến, cũng là cao điểm hiệp thông. Đỉnh cao của hiệp thông là chết. Chúa Giêsu chết đi, không còn sống trong mình và cho mình nữa, mà là sống trong Chúa Cha và vì Chúa Cha. Khi cầu nguyện, chúng ta được Chúa Thánh Thần đưa lên đỉnh cao của Hiệp Thông, cho chúng ta cùng chết với Chúa để cùng sống lại với Người.
Hiệp thông cũng có thể là Chia sẻ. Chúng ta chia sẻ sự sống của Chúa, tình yêu của Chúa, chương trình của Chúa, lương thực của Chúa là thánh ý Chúa Cha. Điều mà Chúa không ngừng chia sẻ cho chúng ta theo lệnh của Chúa Cha, đó chính là Thần Khí của Chúa, cũng là Thần Khí của Chúa Cha.
Dù là đón nhận, dâng hiến hay chia sẻ, hiệp thông vẫn là nên một, chúng ta nên một với Chúa, nên một với nhau, giống như Ba Ngôi là Một. Con người cầu nguyện là hình ảnh sống động của Ba Ngôi Thiên Chúa, là hiện thân của Tình Yêu Ba Ngôi.
Bài giảng tĩnh tâm Giáo Phận Phan Thiết,
tháng 01 năm 2004