Bộ trưởng các nước toàn vùng châu Á Thái Bình Dương nhóm họp tại hòn đảo Bali dự hội nghị chống khủng bố.

Địa điểm tổ chức hội nghị gần nơi từng bị nhóm Hồi giáo cực đoan đánh bom vào tháng Mười năm 2002, làm thiệt mạng hơn 200 người.

Việc cố tình chọn Bali làm nơi tổ chức hội nghị mang một ý nghĩa đặc biệt.

Trong lời phát biểu khai mạc hội nghị, tổng thống Indonesia, Megawati Sukarnoputri mô tả vụ đánh bom hộp đêm gây thiệt hại nặng nề cho hòn đảo Bali là một hành động đê tiện đã đánh thức thế giới.

Nhưng dù có đau đớn tới đâu, bà nói nó sẽ không làm mọi người giảm kiên quyết đối diện với nguy cơ làm hại nhân loại và nền văn minh.

Bài học thực tế rút ra từ thảm họa Bali là chủ đề chính của buổi bàn luận.

Điều này có nghĩa là việc hợp tác giữa cảnh sát Indonesia, Úc và các lực lượng tình báo là yếu tố quyết định hiệu quả của chiến lược điều tra được đánh giá thành công cao.

Hơn 30 kẻ tình nghi tham gia cuộc đánh bom Bali đã bị tòa án xét xử.

Ngoại trưởng Úc, Alexander Downer nhấn mạnh sự cấp bách của việc hợp tác giữa các nước trong và ngoài vùng.

Ông nói “chúng ta có mặt tại đây là vì chủ nghĩa khủng bố gây nguy cơ tác hại đến an ninh và sự thịnh vượng của tất cả các quốc gia. Chúng ta phải thắng cuộc chiến này, và chúng ta chỉ có thể làm được điều đó nếu như chúng ta sát cánh bên nhau”.

Hoa Kỳ và Hambali

Như theo lời Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, ông John Ashcroft nói rằng chúng ta cần phải hợp tác trên khắp các làn gianh giới vùng, và tại các biên giới quốc gia, vì những kẻ khủng bố hoạt động dọc những nơi đó.

Tuy nhiên một số người cho rằng Washington có thể làm nhiều hơn nếu chính họ hợp tác hơn nữa, đặc biệt là liên quan tới ông Hambali.

Ông này là một thành viên cao cấp của tổ chức Hồi giáo cực đoan trong vùng, tổ chức Jemaah Islamiyah, người hiện đang bị Hoa Kỳ giam giữ tại một vị trí bí mật.

Ông này là công dân Indonesia, bị bắt vì có dính líu tới các tội ác thực hiện trên đất Indonesia, kể cả vụ đánh bom vào CLB đêm tại Bali.

Tuy nhiên cho tới nay Indonesia vẫn bị từ chối không được tiếp xúc với ông này. Đây là vấn đề đang gây ra tình trạng không thoải mái giữa hai nước.

Tại cuộc họp này người ta nói nhiều tới sự cần thiết phải chia sẻ thông tin. Tuy nhiên trường hợp ông Hambali khiến có những nghi ngờ là các tin tình báo tối quan trọng đang bị giữ lại, không chia sẻ.

Bất chấp các hoạt động ngoại giao công khai, hiện có rất nhiều cuộc thảo luận thẳng thắn được tiến hành tại hậu trường. (BBC)