Ăn chay theo ý Chúa

Mùa chay thường nói đến việc ăn chay và người ta kể cả người Công Giáo lẫn ngoại giáo đều thắc mắc về cách ăn chay của Đạo Công Giáo. Ta cùng nhau tìm hiểu về cách ăn chay này. Cách ăn chay này dựa trên hai bản văn Kinh Thánh của Cựu Ước là Is 58,3-7và của Tân Ước là Mt6, 16-18.

Trong bản văn của Cựu Ước có ghi:”Chúng nói: chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy; chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay? Này ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiến lợi; vẫn áp bức kẻ làm công cho mình. Này các ngươi ăn chay để đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay, để tiếng các ngươi kêu thấu tới trời thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng, trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mới gọi là ăn chay. Cách ăn chay mà ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm. Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước anh em cốt nhục”(Is58,3-7).

Theo bản văn Kinh Thánh của Chúa này thì đấy chính là cách ăn chay mà Chúa muốn, nó nặng về tinh thần hơn xác thịt; nặng về cái đầu hơn cái bao tử. Cách ăn chay của con người hay các tôn giáo khác thường nặng về cái bao tử hơn tinh thần. Họ không ăn hay chỉ ăn chút ít mà thôi. Ta thử tìm hiểu xem cách nào tốt hơn.

Xét về mặt xác thịt, về cơ thể con người, chẳng có gì là xấu xa hay tội lỗi cả; nó cứ đói là đòi ăn, khát là đòi uống; thèm khát tính dục thì đòi thỏa mãn, để duy trì sự sống và nòi giống. Nhưng trong các việc đó thì cái gì chỉ huy, cái đầu hay bao tử? Chắc chắn là cái đầu rồi. Cái đầu cho biết ăn uống thế nào thì được, ăn bao nhiêu thì tốt; thỏa mãn thế nào thì hạnh phúc. Chúa đã nói mà: “Thần Khí mới làm cho sống chứ xác thịt nào có ích chi”(x.Ga 6,36). Có thể nói Thần khí đây là cái đầu, là tinh thần, là thần khí của con người, mới làm làm cho ta sống vui và sống khỏe. Vậy thì ăn chay cái đầu hơn là ăn chay cái bao tử.

Mọi sự độc ác, xấu xa; tham lam, bất chính; bất công, bất nhân đều từ cái đầu mà ra chứ không phải từ cái bao tử. Cho nên cách ăn chay mà Chúa muốn là ăn chay cái đầu chứ không phải cái bao tử. Và Giáo Hội theo ý Chúa, chỉ ăn chay và kiêng thịt có hai ngày là thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh. Mặc dù Đức Giê-su ăn chay 40 đêm ngày, nhưng Giáo Hội không bắt các tín hữu ăn chay như vậy mà chỉ kêu mời các tín hữu sống 40 ngày trong mùa chay thôi. Ngày thứ tư lễ tro là để bắt đầu vào mùa chay và ngày thứ sáu tuàn thánh là để tưởng niệm việc Chúa chịu chết, nên các tín hữu ăn chay và kiêng thịt trong hai ngày đó.

Việc kiêng thịt, thì những ai từ 14 tuổi trở lên cho đến hết đời phải kiêng thịt(x.Gl 1251). Tuy nhiên những ai vì lý do bệnh tật hay vì khả năng lao động cần phải ăn thịt hoặc những ai bị ông chủ không cho ăn thức nào khác thì không buộc phải kiêng thịt.

Kiêng thịt là kiêng không ăn thịt. “Luật kiêng thịt cấm ăn các sản phẩm làm từ thịt, tủy và máu các động vật và các loài chim làm thành thịt”(Zenit.org 1-3-2016). Không được ăn thịt nhưng được ăn trứng; được dùng các thức ăn làm với sữa hay các loại nước chấm làm bằng mỡ động vật. Thịt bị cấm là các loại động vật hữu nhũ như bò, heo, trâu, cừu,… và các loại gia cầm như gà, vịt, chim,… Không được xem là thịt cấm sử dụng như các loài cá và các thức ăn biển, những loài máu lạnh như ếch, trai, hến, sò, rùa,… và các loài bò sát như rắn,…(Trích “ Ăn chay và kiêng thịt” trong Hội thánh Công Giáo”).

Thế nhưng có thể thay thế việc kiêng thịt bằng một hình thức khác mà Hội Đồng Giám Mục qui định(x.Gl 1253), cho các ngày thứ sáu trong tuần. Hội Đồng Giám mục Việt Nam khóa họp tháng 4 năm 1991 đã ấn định: “Các ngày thứ sáu có thể thay việc kiêng thịt bằng một việc đạo đức hay từ thiện bác ái như nghe hay đọc một đoạn Lời Chúa, làm một việc hãm mình đền tội; bố thí cho người nghèo; làm một việc công ích,…”. Bản văn này không có giá trị cho ngày thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh, nghĩa là hai ngày này không được thay thế việc kiêng thịt bằng các việc đạo đức và bác ái. Ai vi phạm thì mắc tội hay phải kiêng thịt vào ngày khác.

Người ta thắc mắc: kiêng thịt mà ăn nước thịt thì được, nghĩa là sao?

Kiêng thịt, có nghĩa là kiêng cữ(abstinentia), có nghĩa là từ bỏ những thức ăn khoái khẩu, như thịt, còn nước thì không. Và vì đặt nặng về tinh thần nên ăn nước thịt vẫn được. Nhưng không vì thế mà say thịt thành nước mà ăn. Kiêng thịt về phần xác là ta hy sinh một chút khoái khẩu khi ăn thịt, cái chính là tinh thần của ta. Cái đầu của ta chú ý một chút và muốn hy sinh một tí để làm chủ thân xác.

Còn ăn chay, luật ăn chay có nghĩa là được ăn một bữa no và hai bữa còn lại ăn chút ít. Theo đó ta có thể ăn bữa sáng, hoặc bữa trưa hay bữa tối no, còn hai bữa còn lại ăn ít hơn. “Trong khi việc ăn các thực phẩm “rắn” giữa các bữa bị cấm, nghĩa là không ăn gì ngoài bữa ăn như bánh kẹo, thì các thức ăn “lỏng”, như sữa, trà, cà phê và nước trái cây, có thể được dùng bất cứ lúc nào”(x.Zenit.org1-3-2016). Theo đó thì thậm chí cả rượu, bia cũng được uống, nhưng chỉ được dùng như một loại giải khát, chứ không phải là được nhậu nhẹt. Vì có người mỗi ngày thường uống một chum rượu cho khỏe hay một lon bia như một loại giải khát.

Những ai từ 18 tuổi đến tròn 59 tuổi buộc phải ăn chay(x.Gl 1252). Theo đó các trẻ em, thanh thiếu niên và những người từ 60 tuổi trở lên không buộc phải ăn chay, nếu tự ý ăn chay để hãm mình đền tội thì đánh hoan nghênh.

Ăn chay theo nguyên ngữ là Jejunium, có nghĩa là hạn chế lượng thức ăn được đưa vào, vào những ngày cụ thể. Như vậy, ăn chay là bớt ăn chứ không phải là không ăn gì. Có người ăn chay chỉ ăn chút ít một bữa hay không ăn gì, nên mệt lả, không làm việc gì được, có khi nguy hiểm đến tính mạng nữa thì không phù hợp với tinh thần ăn chay của Chúa.

Cắc cớ là ngay chay ta lại hai bị cám dỗ, cái gì cũng muốn ăn, cũng thích ăn mà ngày thường thì không đếm xỉa gì tới. Có khi ta bỏ vào miệng rồi mới sực nhớ là ngày chay. Nếu ta chưa nuốt thì nhổ ra; nếu sợ phí của trời thì nuốt. Nuốt khỏi cổ rồi, thì coi như xong; coi như mất chay, phải đi xưng tội hay phải ăn chay vào ngày khác.

Thế đấy, ăn chay là để ta ý thức việc ăn uống và làm việc của mình, để tinh thần làm chủ thân xác; ăn chay là để ta biết suy nghĩ những điều hay lẽ phải mà thực hành; để ta làm chủ lấy mình, muốn ăn là ta ăn; không ăn là ta không ăn và để ta kiên trì làm việc và làm cho tới cùng.

Qua đó ta thấy “chay tịnh phần xác để ta kiềm chế các lỗi lầm, nâng cao tâm hồn và dành được đức hạnh và phần thưởng của nó”(Kinh tiền tụng IV mùa chay” và việc kiêng thịt là để “thanh luyện tâm hồn, nâng cao tâm trí, làm cho xác thịt phụ thuộc tâm hồn; sinh ra một tâm hồn khiêm nhường và thống hối; phân tán các đám mây của nhục dục, dập tắt ngọn lửa của sự ham muốn và kích động ánh sáng thật của đức khiết tịnh”(St. Augustino).

Mục đích của của việc kiêng thịt là giúp ta làm chủ con người của mình và Ăn chay là để hãm mình, ép xác và làm việc bố thí. Đó là một hy sinh dù không lớn lao nhưng cũng là một thành ý.

Cách ăn chay theo ý Chúa muốn là đừng lo kiếm lợi đời này mà lo kiếm lợi đời sau; kiêng đừng áp bức người khác, đừng đôi co, cãi vã, hơn thua và đánh đập người khác. Cũng không cúi rạp như cây sậy, cây lau; không cần nằm trên tro, trên bụi, đó chỉ là những việc xáo rỗng nếu ta không có lòng ăn năn thống hối thật. Chúa Giê-su đã nói: “Khi ăn chay chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả, chúng làm cho ra vẻ thểu não để thiên hạ thấy là chúng ăn chay”. Không, ngàn lần không. “Khi ăn chay nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm” cơ(x.Mt6,16-18). Đó chẳng phải là việc tích cực, nhẹ nhàng và phấn khởi sao? Đúng, đó là ý Chúa muốn.

Khi tâm hồn ta nhẹ nhàng ta sẽ “mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm” nghĩa là ta mở lòng từ bi đối với người khác, tháo gỡ mọi khó khăn, giúp đỡ người ta khi họ thiếu thốn hay chạy đến kêu cứu ta. Ta làm, ta giúp trong tình người, trong sự yêu thương và tôn trọng. Đừng bao giờ giúp người ta mà đòi hỏi này nọ.

Khi con người của ta phấn khởi ta sẽ “chia cơm cho người đói, rước vào nhà cho những người không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần cho áo che thân; không ngoãnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”, nghĩa là ta có lòng nhân từ và thương xót đến người khác, nhất là những người anh chị em ruột thịt của ta. Ta chia sẻ com bánh, tiền bạc, Lời Chúa, kinh nghiệm,…về phần xác cũng như phần hồn. Ta không theo chủ nghĩa Mac-ke-no, nhưng ra tay cứu khổ, cứu nạn với tình người, với lòng bác ái chân thật.

Ta làm được như thế là ăn chay theo ý Chúa muốn đấy, chứ không phải ăn no hay ăn đói; ăn ít hay ăn nhiều. Ăn chay chỉ là cách ta biểu lộ ra ngoài thôi. Sống như thế là ta kiêng thịt theo ý Chúa muốn đấy chứ không phải ăn con 4 chân hay 2 chân; trên cạn hay dưới nước, ăn thịt hay ăn nước. Kiêng thịt, đó chỉ là một cách biểu lộ sự kiêng khem chút thôi.

Quả thật ăn chay, kiêng thịt của Đạo Công Giáo chúng ta tích cực và nặng về tinh thần, nặng về cái đầu hơn là cái bao tử. Điều đó giúp ta ăn năn sám hối; giúp ta nên thánh, nên thiện; nên từ bi, nên thương xót, nên nhân từ như cha chúng ta trên trời; đồng thời làm cho ta thêm phấn khởi, hăng say để sống và làm việc. Như thế ta muốn ăn chay theo ý Chúa hay theo con người đây? Cái nào tốt hơn, cái này hay hơn, cái nào ích lợi hơn? Chắc là theo ý Chúa thì tốt hơn rồi. Vậy chúng ta hãy ăn chay, kiêng thịt theo ý Chúa muốn nha.