XEM BẦU CỬ ĐẢNG NHỚ THỜI VNCH

Bầu cử Quốc Hội XIV của đảng Cộng sản Việt Nam ngày 22 tháng 05 năm 2016 vẫn chỉ là thứ “đảng cử dân bầu” nên nỗi nhớ về một nền Dân chủ đã mất thời Việt Nam Cộng hòa lại dội về vào dịp 30 tháng 4 thứ 41 (1975-2016).

Nhưng không chỉ có bấy nhiêu. Người dân của nửa nước ở trong Nam còn nuối tiếc đã mất tự do và không còn được sống dân chủ với nền văn hóa và xã hội nhân bản như trước năm 1975. Người miền Nam cũng biết đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) chưa đòan kết được tòan dân, sau 41 năm chiếm Việt Nam Cộng hòa để thống nhất đầt nước. Vết thương chiến tranh do họ gây cho đồng bào cùng chung nòi giống vẫn còn đang rỉ máu trong lòng kẻ Bắc người Nam.

Vì vậy tình trạng bằng mặt mà chưa bằng lòng giữa dân và chính quyền đã lan rộng từng ngày. Người miền Nam vẫn coi mình bị người miền Bắc cai trị. Mối liên hệ máu thịt giữa đảng và dân lại càng nhạt nhòa vì sự cách biệt giầu nghèo giữa thành thị và nông thôn, vùng cao, vùng xa.

Phát triển kinh tế thiếu bền vững kéo dài vì thiếu khả năng tự lực. Chủ trương “đổi mới”, sau 30 năm, vẫn chỉ biết lệ thuộc phần lớn vào làm thuê cho nước ngoài nên đời sống người dân tiếp tục tụt hậu xa hơn các nước trong khu vực.

Báo cáo từ Việt Nam cho thấy: “ Mặc dù GDP (mức tăng trưởng)bình quân đầu người đã tăng 57 USD so với năm 2014, song Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988, của Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.”

Như vậy, phải đến năm 2035 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới có thể đạt hơn 10.000 USD, tức là chỉ tương đương GDP/người của Malaysia hiện nay.

Đáng chú ý là khoảng cách GDP/người của Việt Nam ngày càng xa so với thế giới. Nếu như năm 1990 khoảng cách GDP/người của Việt Nam so với thế giới là 4.000 USD thì đến nay khoảng cách này đã tăng lên gấp đôi với 8000 USD. GDP/người của Việt Nam tăng lên mức trên 2.109 USD, nhưng GDP/người của thế giới tăng vượt lên mức trên 10.000 USD. Theo Cafef.vn, 27/12/2015)

Từ một nền kinh tế bị xói mòn bởi quốc nạn tham nhũng đã vô phương cứu chữa và sự bất lực không kiểm soát được lãng phí của nhà nước, nhân dân là thành phần bị thiệt thòi nhất trong xã hội nhưng không biết nhờ cậy vào ai.

QUỐC HỘI LÀM GÌ ?

Ở các nước dân chủ và tự do thì dân sẽ gõ cửa Quốc hội và đòi các đại biểu phải tìm giải pháp. Ngược lại ở Việt Nam thì vì việc gì cũng phải do đảng quyết định nên Quốc hội biến thành bù nhìn. Hầu hết Đại biểu Quốc hội là đảng viên nên không dám tự viết luật hay tự quyết định các giải pháp khi chưa có các cơ quan liên hệ của đảng và nhà nước đồng ý. Hơn nữa, một số không nhỏ cấp lãnh đạo bên Hành pháp và Tư pháp cũng là người Đại biểu Lập pháp nên không ai bảo được ai. Làm gì họ cũng sợ bứt giây động rừng và không dám cả gan “quân ta bắn quân mình” trước mặt Quốc hội.

Vì vậy từ Quốc hội khoá VI sau ngày thống nhất đất nước (1976-1981) cho đến Khoá 13 (2011-2016), cũng như các khóa trước đó, chỉ làm nhiệm vụ “đóng dấu” cho các quyết định của đảng.

Thậm chí có những vấn đề khẩn trương của đất nước như khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và chiếm biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông từ 1974 đến nay mà Quốc hội không dám có thái độ quyết liệt như dân đã yêu cầu chỉ vì Bộ Chính trị, cơ chế cầm cân nẩy mực toàn diện, sợ chạm đến chân lông Bắc Kinh ! Vì vậy, Khóa Quốc hội XIV sẽ không làm được gì hơn 13 Khóa trước.

Chỉ vài chuyện nhỏ thôi cũng thấy cái gọi là Quốc hội của Nhà nước Cộng sản Việt Nam không sao bám được gót chân của các Khóa Quốc hội dưới thời Đệ I và Đệ II của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) trước năm 1975.

Quốc hội thời VNCH được bầu lên bởi dân, do dân và vì dân thật sự qua các chu kỳ tự do ứng cử, tự do vận động tranh cử và tự do bầu cử mà không phải vượt qua bất cứ hình thức lấy ý kiến nào của cử tri, chỗ làm hay phải qua cầu gọi là “hiệp thương” để chọn người nhà nước muốn !

Ngược lại, cũng như những lần gọi là bầu cử trước, đảng CSVN đã dành quyền tổ chức bầu cử ngày 22/05/2016 cho Hội đồng Bầu cử Quốc gia do Quốc hội (của đảng) thành lập. Hội đồng này gồm có “21 thành viên là thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ, có nhiều nhiệm vụ và quyền hạn tổ chức, lãnh đạo cuộc bầu cử trong cả nước, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các quy định pháp luật về bầu cử Quốc hội.”

Mặt trận Tổ quốc, tổ chức ngọai vi của đảng, còn có quyền: ”Tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.”

Như thế là đảng vừa đá bóng vừa thổi còi còn gì nữa ? Người dân chỉ phải “diễn trò bỏ phiếu” cho người đảng muốn, công khai hay đã được cán bộ rỉ tai từ trước, nên kết qủa thông thường là tốt đẹp và đắc cử trên 90%.

TIÊU CHUẨN THẬT VÀ GỈA

Nhưng để cho thêm phần long trọng và giúp cho Tổng Bí thư đảng tái cử khóa XII Nguyễn Phú Trọng phấn khởi, Luật Tổ chức Quốc Hội (57/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014) đã đòi hỏi ứng cử viên phải:

1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.”

Vào ngày 2-2-2016, ông Trọng còn nói thêm ý riêng rằng cần phải: Lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.”

Các tiêu chuẩn này nghe qua đều đúng đứt đuôi con nòng nọc, nhưng có mục Ứng cử viên phải kê khai tài sản để chứng minh không tham nhũng thì không thấy cơ quan nào công bố cho dân biết.

Chuyện này cũng không mới vì từ năm 2007, khi lệnh kê khai bắt đầu, có bao giờ đảng phổ biến cho dân biết đâu. Người dân thường kháo với nhau “truyền thống của đảng là thế”, chỉ làm cho có hình thức thôi nên không ai dám thắc mắc.

Bằng chứng là ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ đã tuyên bố ngày 16/12/2015: “Kê khai tài sản đang là hình thức”

Báo trong nước viết:”Thống kê mới nhất của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về kê khai tài sản từ năm 2007 đến 2014 cho biết đã có trên 5,55 triệu lượt kê khai, xác minh được 2.632 trường hợp...

Tuy nhiên, số người sau kê khai bị phát hiện vi phạm, bị xử lý kỷ luật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, từ năm 2007-2014, chỉ có... 18 cán bộ bị xử lý kỷ luật vì kê khai không trung thực. Trong đó, năm 2009 kỷ luật 3 người, năm 2010 cao nhất với 9 người, còn lại năm 2013 và 2014 mỗi năm 3 người.”

Như vậy thì tiến trình bầu cử của đảng CSVN có đúng là của dân, do dân và vì dân không hay nó đích thực là thứ “đảng cử dân bầu” ?

Trước những chê bôi bầu cử như thế là dân chủ gỉa hiệu của nhiều giới từ trong nước ra hải ngọai, Báo Quân đội Nhân dân đã phản bác và bênh vực cho phương pháp tổ chức của đảng. Báo này nói việc tổ chức bầu cử “đang bị một số người bóp méo, xuyên tạc đến mức thô thiển” ? (QĐND, 25/04/2016)

Bài viết lập luận: “Trước hết, để không sa vào ma trận xuyên tạc, cần khẳng định ngay rằng, cách gọi “Đảng cử dân bầu” có phần nôm na, chưa phản ảnh đúng hoàn toàn nội dung, phương thức Đảng lãnh đạo bầu cử. Trên thực tế, theo Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành, số lượng, cơ cấu, thành phần, nhân sự ứng cử, đề cử đại biểu Quốc hội và HĐND được xác lập theo một quy trình chặt chẽ, đúng pháp luật, do các cơ quan bầu cử, tổ chức chính trị, xã hội khác nhau thực hiện, triển khai, hoàn toàn không phải chỉ do “Đảng cử” rồi “dân bầu” như cách hiểu cơ học, máy móc ai đó nêu ra.”

Lạ chưa, tất cả mọi chuyện liên quan đến tổ chức bầu cử, từ việc cơ cấu người của Trung ương gồm Bộ Chính trị,các Cơ quan nhà nước, Tổ chức của đảng đến việc chọn ứng cử viên cho các đơn vị bầu cử đều do Quốc hội phân chia rồi Mặt trận Tổ quốc bầy trò “hiệp thương” lấy người cho ra thì không phải “do đảng” làm thì ai làm ?

Theo lời Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc ( Tổng thư ký Quốc hội Khóa XIII), Mặt trận Tổ quốc đã chọn xong 870 Ứng cử viên Quốc hội khoá XIV gồm 11 người tự ứng cử, 97 người ngoài Đảng, 339 người là phụ nữ, 204 ngươi dân tộc thiểu số, 168 người tái cử và 268 người dưới 40 tuổi. Không có ứng cử viên “Việt kiều” nào được chui đầu vào trò xiếc bầu cử này.

Số Đại biểu được chọn sẽ là 500 người, nhưng ưu tiên được đảng “đặt đâu dân bầu đó” đã quy họach xong từ trước ngày bầu cử cho tất cả 19 Ủy viên Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Trọng là một trong số 4 Lãnh đạo chủ chốt, đã được bố trí ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội, gồm quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ.

Kế đến là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1, TP Cần Thơ, gồm quận Ninh Kiều, Cái Răng, và huyện Phong Điền.

Người thứ ba là Chủ tịch nước Trần Đại Quang ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 TP HCM, gồm quận 1, quận 3 và quận 4.

Và thứ tư là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3, TP Hải Phòng gồm quận Kiến An, Đồ Sơn và các huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.

15 Ủy viên Bộ Chính trị còn lại từ Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh cho đến Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cũng đã được chia ghế từ Bắc vào Nam.

Như vậy thì bầu cử làm gì cho tốn tiền và phí phạm thời giờ vàng ngọc của dân ? Nhân dân cũng muốn thách đố xem có đơn vị bầu cử nào nào dám đánh trượt người của Bộ Chính trị không để chứng minh cho câu nói “dân chủ thế này là cùng, không thể dân chủ hơn” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 18/1/2016 ?

Ngặt nỗi đảng đã mắc bệnh đãng trí nên quen chứng nói trước quên sau. Chính báo QĐND cũng đã viết ngày 25/4 (2016):” Nghị quyết số 1135/2016/UBTVQH13, ngày 22-1-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV, quy định chi tiết phân bổ ứng cử viên tới từng bộ, ngành, địa phương, người trong Đảng và ngoài Đảng.”

Nhưng báo này đã ma mãnh tìm cách đánh lừa dư luận qua mánh khoé tách vai trò Tổ chức, chọn người và giám sát bầu cử của Mặt trận Tổ quốc, một cơ quan chính trị ngọai vi của đảng, ra khỏi sự lãnh đạo của đảng. QĐND thanh minh khờ khạo rằng: ”Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử… Rõ ràng ở đây, không thấy có quy định nào nêu liên quan đến vai trò của tổ chức đảng hay cho phép Đảng “đạo diễn”, “lũng đoạn” bầu cử.”

Nếu không “đạo diễn”, không ” lũng đoạn bầu cử” thì tại sao Mặt trận Tổ quốc địa phương đã kéo công an, gia đình họ và những cư dân lạ mặt đến tham gia các cuộc đấu tố các ứng cự viên tự do để loại họ ?

Tiêu biểu trong số nạn nhân có những người nổi tiếng như Tiến sỹ Nguyễn Quang A, Tiêc sỹ Nguyễn Xuâ Diện, Nhà Thơ Bùi Minh Quốc, thầy Đỗ Việt Khoa (một thời nổi tiếng là “Người Đương thời” vì đã có công tố cáo gian lận thi cử và tham nhũng trong Học đường) và Nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy.

MẶT THẬT-MẶT GỈA

Bằng chứng đảng đạo diễn bầu cử đã được Nhà báo tự do (Blogger) Ngô Thanh Tú phản qua lời nói thật của ông Hồ Ngọc Nhuận, nguyên Dân biểu đối lập (nhưng ngấm ngầm thân Việt Cộng) thời Đệ II VNCH.

Ông Nhuậm cũng từng là phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Chính quyền Cộng sản ở Sài Gòn sau năm 1975.

Ông nói:”Tự ứng cử thì cứ tự thôi nhưng có lọt vô danh sách 'bầu' hay không là do họ vì cho dù ai ứng cử thì vẫn phải theo luật của họ. Nếu họ không loại anh được ở nơi làm việc (bỏ phiếu tín nhiệm) thì họ loại anh ở tổ dân phố; nói là tổ dân phố nhưng mời ai là do họ, tùy họ muốn đánh hay ủng hộ anh. Ngay cả khi được đưa vào danh sách thì để trúng hay để làm quân xanh là cũng do họ hết". (Facebook Ngô Thanh Tú, 31/03/2016)

Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, dù trong chiến tranh nhưng không làm gì có các trò ma bùn và lạc hậu này. Câu nói “đảng lãnh đạo bầu cử nhưng không làm thay” chỉ đúng nếu các cơ quan được trao trách nhiệm làm thay đảng không phải của đảng, do đảng và vì đảng mà làm như từ mấy chục năm qua.

Các Đại biểu Quốc hội thời VNCH, cả đối lập, độc lập và thân Chính phủ đều đã có những đóng góp lập pháp gía trị lịch sử trong tất cả mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế cho đến văn hoá và xã hội.

Vì vậy trong suốt 20 năm, dù phải hy sinh xương máu để bảo vệ chế độ chống lại cuộc xâm lăng của đảng CSVN từ miền Bắc được Nga-Tầu và Cộng sản Quốc tế đứng sau yểm trợ thúc đẩy, nhân dân miền Nam vẫn nghiêm túc thi hành luật pháp để xây dựng và củng cố nề nếp sinh họat của một Chế độ Dân chủ Pháp trị.

Các Dân biểu và Nghị sỹ thời VNCH đã tranh luận thẳng thắn, đôi khi gay gắt và chỉ trích Chính phủ không tiếc lời, hoặc xa hơn còn mở các cuộc điều tra, đề nghị cách chức các viên chức Hành pháp và Tư pháp phạm pháp luật.

Ngược lại thì như lịch sử “vàng son” của Quốc hội nhà nước CSVN đã chứng minh, trong tất cả các khóa Quốc hội chỉ có một số rất nhỏ, chừng dưới 20 người trong tổng số 500 Đại biểu hay ít hơn, đã dám chất vấn Thủ tướng hay các thành viên của Chính phủ khi họ ra điều trần trước Quốc hội. Số đông còn lại chỉ biết “ngồi chơi xơi nước” hay “ngậm miệng ăn tiền dân”. Tệ hại hơn, không thiếu Đại biểu “mở Ipad chơi game” hay làm việc riêng cho hết giờ rồi đi mánh mung hay chạy áp phe.

Thậm chí có rất nhiều Đại biểu đã “tịnh khẩu” trong suốt nhiệm kỳ dài 5 năm mà cử tri không dám đòi họ từ chức thì chỉ có ở Việt Nam thời Cộng sản mới có một Quốc hội “của dân, do dân và vì dân” tốt đến thế.

Đặc biệt hơn, tất cả các Đại biểu của cơ quan quyền lực cao nhất nước là Quốc hội không bao giờ dám chạm đến chân lông Tổng Bí thư đảng, dù người này cũng là Đại biểu Quốc hội. Hễ nhìn thấy ông ta, dù đang tại chức hay đã nghỉ hưu, là cả đám Đại biểu tỏ ra khiêm cung lễ phép không dám tỏ ra thiếu thân thiện.

Thế mới biết trong chế độ Cộng sản độc quyền ở Việt Nam thì người dân chả có việc gì phải làm, mọi việc đã có Quốc hội và nhà nước lo.

Sướng thật ! -/-

Phạm Trần

(04/016)