Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ có thể giúp thế hệ bị nghiện ngập không?

(EWTN News/CNA) Giới trẻ Hoa Kỳ hiện nay đang bị chết với một mức độ chưa từng thấy từ cuộc chiến tranh Việt Nam.

Không phải họ bị chết nơi trận mạc, nhưng họ bị chết do tác hại của uống thuốc quá liều lượng, nghiện rượu, bệnh thần kinh và tự tử, ở mức độ cao hơn 200 phần trăm so với thập niên 1980.

Một bản tường trình mới đây của viện nghiên cứu về sức khỏe Hoa Kỳ thì có tới 27 triệu người Mỹ có vấn đề về việc dùng thuốc theo toa, ma túy hay rượu. Trong số đó, chỉ khoảng 10 phần trăm là được giúp đỡ có hiệu quả.

Không phải chỉ việc nghiện ngập gia tăng mà những hành vi gây nên do nghiện cũng đang tăng lên tới mức báo động. Đặc biệt là việc nghiện xem phim, hình ảnh khiêu dâm đã leo lên tới mức được coi như khủng hoảng.

Một cuộc khảo sát của Viện Thông Tin Kỹ Thuật Sinh Học Quốc Gia cho biết rằng có vào khoảng 47 phần trăm tất cả những người trưởng thành ở Mỹ đã phải chiến đấu với ít nhất một trong 11 loại nghiện phổ biết nhất cả về nghiện hành vi hay nghiện chất thuốc.

Điều này có nghĩa là không loại trừ những người Công Giáo tham dự các Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, có thể chính họ hay người thân cũng đã trải qua những hình thức nghiện này.

Như thế Giáo Hội sẽ làm gì để giải quyết vấn nạn đó?

Hiểu được bệnh nghiện.

Tiến sĩ Gregory Bottaro là một nhà tâm lý, cũng là nhà sáng lập và giám đốc của Viện Tâm Lý Công Giáo ở tiểu bang Connecticut. Ông thường tiếp xúc với các khách hàng đang gặp phải bệnh nghiện hành vi hay nghiện chất thuốc.

Ông cho biết nghiện là do thiếu hiểu biết về chứng nghiện cũng như thiếu ý chí.

Ông nói với đài EWTN rằng “Bạn cần biết là bệnh nghiện thực sự đi từ não, do vậy cần phải thường xuyên ngồi xuống và nói về những vấn đề bạn đang gặp phải. Những hóa chất trong não làm bạn mất sự quân bình và một căn bệnh thực sự đang xảy ra trong não, vì thế tìm cách giải quyết tâm trạng này qua nhiều góc độ khác nhau là điều rất quan trọng.”

Tiến Sĩ Batto nói rằng sự lạm dụng hành vi hay chất thuốc đến một mức nào đó thì được coi như nghiện. Thông thường chứng nghiện xảy ra khi một người buộc phải lệ thuộc vào một chất thuốc hay hành vi và họ tiếp tục làm điều đó dù biết hậu quả tệ hại và có ý muốn dừng lại.

Người nghiện quen dần với chất thuốc và càng muốn hơn nữa để cho đã cơn thèm. Nghiện hành vi cũng vậy, người ta quen dần với việc coi phim hay hình ảnh khiêu dâm và càng muốn xem nhiều hơn nữa để thỏa mãn.

Erik Vagenius là sáng lập viên của Hội Giúp Lạm Dụng Chất Thuốc, viết tắt là SAM Scripts. Hội này giúp người nghiện nhận ra chứng nghiện để tìm sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn. Erik đã làm việc trong lãnh vực này trên mười năm và chính ông cũng từng thoát ra khỏi chứng nghiện rượu, nói rằng bước đầu tiên để chữa chứng nghiện là nhận ra mình đang nghiện.

Ông nói với EWTN rằng sự hậu thuẫn của cộng đồng dân Chúa sẽ góp phần trong việc giúp các người nghiện cũng như ai đó bị bệnh ung thư thoát khỏi mặc cảm.

Chứng nghiện không phải là vấn đề của Giáo Hội, nhưng người nghiện cũng hay viện những lý do để biện hộ cho mình, đó là kinh nghiệm của những người đã từng vướng vào các chứng nghiện.

Đức Tin phải làm gì với chứng nghiện.

Từ lâu đức tin đã là nguyên tắc cho nhiều chương trình phục hồi cai nghiện. Một trong những chương trình phổ biến nhất là Alcoholic Anonymous ( tạm dịch là Chương Trình Giúp Tự Cai Nghiện Rượu) dựa trên niềm tin Kitô giáo vì người đồng sáng lập là Bill Wilson, cũng đã phục hồi sau khi phải nhập viện vì chứng nghiện rượu vào năm 1934. Ông đã tham gia vào nhóm Oxford, một phong trào Kitô giáo có tiếng ở Mỹ và Châu Âu vào thời điểm đó và giúp thành lập Chương Trình Giúp Tự Cai Nghiện Rượu.

Nhóm Oxford khuyến khích và vận động nguyên tắc của chương trình AA là tự kiểm tra, nhận ra những sai phạm và phục hồi những thiệt hại gây cho người khác.

Hiện nay người tham dự chương trình không buộc phải có cùng niềm tin dù nhóm này vẫn tự coi mình là nhóm tâm linh. Bốn trong 12 giai đoạn trong chương trình AA nhắc đến Thiên Chúa và giai đoạn 12 mời gọi sự thức tỉnh của tâm linh như là kết quả của các giai đoạn trước.

Vagenisu cũng coi việc phục hồi chứng nghiện là một cuộc chiến tâm linh khi ông nói “Chúng ta đang phải đối diện với căn bệnh tâm linh và đó là lý do Giáo Hội cần tham gia vào.”

Trang mạng của SAM Scripts chỉ ra rằng “nghiện là một căn bệnh tâm linh, nó tách rời một người ra khỏi chính mình, những người thân yêu và Thiên Chúa. Nhiệm vụ của SAM là giúp những người này nối kết lại qua giáo dục, ngăn ngừa, giới thiệu và sự trợ giúp của gia đình.”

Tiến sĩ Battaro cho biết ông cũng kết hợp niềm tin trong các chương trình phục hồi cai nghiện của ông. Ông nói rằng ông đã rất phấn chấn sau khi nghe buổi nói chuyện của diễn giả Công Giáo là Christopher West, người chuyên về Thần Học Thân Xác.

Về cơ bản chúng ta có sự mong ước và những mong ước của chúng ta thì vô cùng. Vì Thiên Chúa tạo nên chúng ta với mong ước mãi như thế nên chúng ta có thể trở thành một trong ba loại người: người theo chủ nghĩa khắc kỷ, người nghiện hay người theo chủ nghĩa thần bí.

Người theo chủ nghĩa khắc kỷ bỏ qua hay cố đè nén các mong ước và coi như nó không hề có. Người nghiện thì cố sức thỏa mãn những mong ước với những gì có thể và người theo chủ nghĩa thần bí thì trao những mong ước của mình cho thượng đế vì sự huyền bí vượt ra ngoài sự hữu hạn của cuộc sống này.

Dù là cái nhìn trừu tượng về một chứng bệnh có thật nhưng vẫn có nhiều chương trình Công Giáo nhằm giúp đỡ thiết thực cho những người muốn cai nghiện ở mọi cấp độ.

Những chương trình phục hồi của Công Giáo.

Tiến sĩ Battaro đã có chương trình 8 tuần cai nghiện trên mạng gọi là Catholic Minfulness để ai cũng có thể truy cập vào. Để chữa trị cần sự nhận thức về việc quan phòng của Thiên Chúa.

Hãy nhìn vào sự nhận thức của mình, bạn đang chỉ cho não của bạn biết là bạn đang được an toàn, bởi vì tâm trạng lo lắng là cách Thiên Chúa ban cho bạn để phản ứng lại với sự nguy hiểm. Vấn đề là chúng ta xử dụng quá mức…chúng ta có tâm trạng lo lắng, nhưng rất nhiều khi chúng ta không thực sự ở trong tình trạng nguy hiểm. Do đó nhận thức là chỉ lo chú tâm vào những gì đang thực sự xảy ra lúc này để thuyết phục não của mình rằng mình đang an toàn và sự an toàn ấy điều chỉnh hóa chất trong não.

Đối với Giáo Hội Công Giáo thì chúng ta luôn được an toàn vì chúng ta có Cha là Đấng yêu thương và Cha luôn gìn giữ chúng ta trong vòng tay Ngài và chúng ta có lý do để tin rằng mọi việc sẽ đâu vào đó.

Vagenius giới thiệu những người trong nhóm SAM là những anh chị chia sẻ thời gian và tài năng của họ qua các buổi nói chuyện, gặp gỡ, đem lại hy vọng, sự chữa lành và hòa giải cho những người vướng vào nghiện. SAM cung cấp nơi chốn an toàn và tín cẩn cho những người tìm sự giúp đỡ và giới thiệu ở cấp giáo xứ.

Thành viên của nhóm không nhất thiết là đã phục hồi cai nguyện, nhưng cần phải quen thuộc với việc nghiện và phải được chấp thuận của cha xứ của mình.

Hình thức sinh hoạt có thể khác nhau tùy theo hoàn cảnh của các giáo xứ, lệ thuộc vào những người tham gia cũng như nhu cầu của cộng đồng đức tin. Việc huấn luyện của Vagenius đưa ra mẫu sinh hoạt cơ bản và rồi nhóm SAM của giáo xứ phát triển tùy theo nhu cầu của giáo xứ.

Tùy thuộc vào mỗi người, có người cần quan tâm đặc biệt hơn bao gồm trị liệu tâm lý ngoại trú và tư vấn của nhóm và nếu cần có thể đến tận nhà.

Trung tâm tĩnh tâm Gregory là một chương trình Công Giáo tại gia cho những người trưởng thành đang chiến đấu với nghiện ma túy ở Adair, tiểu bang Iowa.

Chương trình này cung cấp nơi ăn ở cho người nghiện, nam cũng như nữ và giúp sự tiếp cận toàn diện, kết hợp những nghiên cứu tốt nhất về tâm lý, sức khỏe, xã hội và những phương pháp khác.

Chương trình nhắm vào việc nghiện hành vi theo bốn khía cạnh khác nhau của cuộc sống: sinh học, tâm lý, xã hội và tâm linh.

Ngoài việc tư vấn, sinh hoạt xã hội và tập thể dục, người cai nghiện còn hàng ngày tham dự Thánh Lễ và thường xuyên chịu các phép bí tích.

Natalie Cataldo, Quản lý của trung tâm Gregory nói với đài EWTN rằng sự phối hợp tinh thần trong tiến trình phục hồi đã chứng tỏ có nhiều hiệu quả tốt, và thêm rằng những người cai nghiện thành công thường là họ đời sống tâm linh sống động.

Những người đến với chúng tôi thường không có một quá khứ tốt đẹp. Với bí tích hòa giải, họ có thể được tha thứ… cho họ có cảm giác là loại bỏ được quá khứ, tạo một thói quen tốt trong tương lai và họ có thể bắt đầu làm lại để có sự chọn lựa tốt hơn. Họ cũng tự suy nghĩ và tự đánh giá.

Những người đã phục hồi rồi thì có những chương trình giúp họ trở lại với cuộc sống thường nhật.

Tiến sĩ Battaro làm việc cho một cơ sở như thế, Ender’s Island ở Connecticut, một chương trình tại gia cho những bạn trẻ “có và không có đức tin” vừa xong chương trình phục hồi. Nó giúp thực tập 12 giai đoạn và hướng tới đời sống thường nhật như tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các phép bí tích.

Cái khó khăn nhất để giúp người nghiện là sự khước từ của chính bản thân họ và cái mặc cảm cần tìm sự giúp đỡ. Tăng cường giáo dục và sự hiểu biết của mọi người trong Giáo Hội sẽ giúp vượt qua những rào cản này.

Điều quan trọng để có sự hỗ trợ và sự hiểu biết là chúng ta có những cách khác để chiến đấu chống lại bệnh nghiện hơn là chỉ cầu nguyện, hay chỉ đặt vấn đề rồi không làm gì cả cho đến lúc qua trễ để được giúp đỡ.

Một khi bạn tìm kiếm sự giúp đỡ, thì luôn có cơ hội rộng mở.

Giuse Thẩm Nguyễn