MỪNG NGỌC KHÁNH LINH MỤC CHA CỐ PHÊRÔ VŨ VĂN TỰ CHƯƠNG

Sáng nay thứ Năm 29.12/2016, vào lúc 9g30, tại nhà nguyện của An Dưỡng Viện Phát Diệm Xóm Mới đã diễn ra thánh lễ lễ mừng Ngọc Khánh Linh Mục của cha già Phêrô Vũ Văn Tự Chương.

Chủ tế thánh lễ là Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, nguyên Giám mục Phát Diệm, cha GB. Nguyễn Văn Luyến – Giám đốc An Dưỡng Viện Phát Diệm, cha Giuse Phạm Bá Lãm, Quản Hạt Phú Thọ - Đại diện các linh mục, tu sĩ Phát Diệm tại miền Nam, Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, cha GB. Vũ Mạnh Hùng - Quản Hạt Xóm Mới, quý cha Đại diện giáo phận Nha Trang và gần 30 linh mục linh tông huyết tộc.Hôm nay các cha đến đông như vậy chứng tỏ các ngài rất kính trọng và thương cha già nhiều lắm. Đông đảo các tu sĩ nam nữ, con cái ngài rất nhiều nơi, giáo dân nhiều giáo xứ ngài đã phục vụ cùng đến chung lời tạ ơn Chúa.

Năm nay, cha già 88 tuổi (1928-2016) vẫn còn minh mẫn. Ngài đã bước qua tuổi “Bát thập như đại phúc”, sắp bước tới tuổi “Cửu thập như nhân tiên”. Với 60 năm Linh mục (1956-2016), ngài đã phục vụ giáo phận Qui Nhơn và Nha Trang, dạy Chủng viện, coi trường, dạy học, coi xứ…, những năm nghỉ dưỡng tại tại An Dưỡng Viện Xóm Mới: nghỉ ngơi không có nghĩa là không làm gì. Vẫn tiếp tục giảng dạy, viết sách, tham gia việc chung của ADV, đã từng được tín nhiệm là Giám đốc ADV một thời gian dài… Cha cố đã viết sách “Sử dụng tốt thời gian Chúa ban” và đã thực hiện: tận dụng thời gian thật tốt để phục vụ về tu đức và văn hoá. Thời gian ngài thật hạnh phúc nghỉ ngơi bên Chúa trong cầu nguyện tĩnh tặng, hy sinh hãm mình. Người ta thường nói “Tên là người”, nên danh xưng “Vũ Văn Tự Chương” thể hiện đúng con người sành sỏi Văn Chương: xuất khẩu thành chương, có lẽ phải nói: xuất não thành chương!

Cha Lm. Giuse Phạm Bá Lãm - Đại diện các linh mục, tu sĩ Phát Diệm tại miền Nam giảng trong Thánh lễ, qua đó cho thấy Ơn Chúa thật kỳ diệu nơi một con người, một linh mục đã phục vụ nhiều giáo phận, giáo xứ, hoạt động rất nhiều lãnh vực nhất là giáo dục và truyền giáo:

“Cha già Phêrô Chương hôm nay tạ ơn Chúa vì những hồng ân chan chứa, và xin ơn Chúa gìn giữ ngài trong tuổi già hạnh phúc.

Cha già Phêrô là một linh mục tiến sĩ và văn sĩ, nên tôi mày mò nói một câu tiếng Pháp một câu tiếng Anh cho thêm phần trí tuệ. Xin cha cố mừng Ngọc khánh hãy cùng với cha Karl Rahner trong dịp kỷ niệm thụ phong LM tuyên xưng “Nous n’avons pas regretté d’être prêtres” (Chúng tôi đã không hối tiếc vì được làm linh mục). Hôm nay cha già Phêrô xác tín như thế, người ta ăn đời ở kiếp với nhau cũng không tiếc nuối.

Tác phẩm điện ảnh “Love Story” của Erich Segal đưa ra định nghĩa rất hay về tình yêu “Love means never having to say you’re sorry” (Tình yêu có nghĩa là không bao giờ nói rằng mình hối tiếc). Tình yêu của cha cố đối với Thiên Chúa và Giáo Hội trước sau như một: không đổi thay, không hối tiếc.

Cha già Phêrô đã không hối tiếc về cuộc sống do tay Chúa dẫn đưa. Sinh trưởng trong một gia đình đức hạnh tại họ Phát Ngoại xứ Phát Diệm, nơi xuất thân Đức Giám Mục Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, nguyên Giám mục Đà Nẵng và Đức Ông Nguyễn Định Tường, nhà văn hoá tiên phong… đều là họ hàng của cha già Phêrô. Từ tấm bé tu học tại TCV Phúc Nhạc Phát Diệm, được du học tại Rôma và Anh quốc, thụ phong Linh mục, nhận bằng cấp Tiến sĩ, gia nhập Gp. Qui Nhơn và Nha Trang, dạy Chủng viện, coi trường, dạy học, coi xứ…

Những năm đầu đất nước thống nhất, các linh mục, tu sĩ và giáo dân không liên lạc với ngoại quốc, không biết tin Giáo Hội và không được gửi sách đạo, nên cha già Phêrô thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh đã nghe đài ngoại quốc rồi đánh máy gửi cho các cha… làm người truyền thông tiên phong cho việc loan báo Tin mừng. Ở Sàigòn cha giáo Louis Trần Phúc Vỵ cũng nghe đài ngoại và đánh máy phân phát y như vậy. Đúng như người Pháp nói: “Les grands esprits se rencontrent”: những bậc cao kiến thường gặp nhau.

Khi về nghỉ dưỡng tại An Dưỡng Viện Xóm Mới, cha già Phêrô đã viết sách “Sử dụng tốt thời gian Chúa ban” và đã thực hiện: tận dụng thời gian thật tốt để phục vụ về tu đức và văn hoá.

Thiệp mời đã ghi nhận 28 tác phẩm của cha già Phêrô, nhiều không kém số sách của cha Trần Công Hoán, linh mục gốc Phát Diệm. Điều lạ lùng là những năm gần đây cha cố sáng tác ngay trên giường bệnh. Thu tích kiến thức lúc trước nay có dịp bung ra, giống như “tằm nhả tơ”. Việc này giống như cha giáo Trần Văn Kiệm gốc Phát Diệm ở Mỹ, đã trên 90 tuổi vẫn sáng tác về Hán Nôm.

Các tác phẩm của cha già Phêrô hoàn toàn về lãnh vực đạo đức: Kinh Thánh, Linh mục, Nữ tu, giảng thuyết, suy niệm đến chiêm niệm, đời sống nội tâm, cầu nguyện, gương các thánh… Vì là “thời gian Chúa ban”, nên cha già Phêrô đã sử dụng tốt để làm việc của Chúa và làm theo ý Chúa. Người ta thường nói “Ăn cơm Chúa, múa tối ngày”. Cha già Phêrô không múa máy mà là múa bút cho Chúa, múa bút cho các thánh !

Ngày 28.08.1963 Mục sư Luther King đã có một bài diễn thuyết đầy ấn tượng với một câu nói để đời “I have a dream”. Tôi có một ước mơ ! Ai cũng có ước mơ, người đời mơ: vợ đẹp con khôn, nhà giàu xe hơi, còn các linh mục thì sao? Có cha ước mơ 3 điều trong đời: làm sao nuôi một linh mục nghĩa tử, xây được một nhà thờ và lập một dòng tu! Một cha ở Cali bên Mỹ ước mơ: mỗi năm sinh thêm một nghĩa tử, khi mừng ngân khánh 25 năm Linh mục có đủ 25 linh mục nghĩa tử cùng đồng tế! Cha già Phêrô Chương thì có khác, ngài muốn có những người con tinh thần: làm sao cứ hai năm viết được một quyển sách, nay ngài có gần 30 đứa con đẻ của mình, coi như đạt được ước mơ.

Ngọc Khánh Linh Mục tức là Lễ cưới kim cương. Kim cương là báu vật cứng nhất, đẹp nhất, hiếm nhất, quý nhất. Kim cương đạt đến độ tuyệt mỹ là nhờ được mài giũa cắt tỉa thật công phu. Đời Linh mục của cha già Phêrô cũng được tôi luyện, mài giũa với bao khó khăn hy sinh nhẫn nại, nay mới thành quả. Thật là một tấm gương phục vụ quên mệt mỏi, quên bệnh tật : tất cả vì danh Chúa và ích lợi các tâm hồn.”

CÁC TÁC PHẨM CỦA CHA PHÊRÔ VŨ VĂN TỰ CHƯƠNG

1. Suy niệm Tin mừng theo thánh Mátthêu

2. Suy niệm Tin mừng theo thánh Máccô

3. Suy niệm Tin mừng theo thánh Luca

4. Suy niệm Tin mừng theo thánh Gioan

5. Bóng dáng người tu sĩ hôm qua và hôm nay

6. Làm nữ tu sĩ với tất cả tâm hồn

7. Về sự thánh thiện của ngọn cỏ

8. Giảng thuyết một nghệ thuật

9. Từ suy niệm đến chiêm niệm

10. Một ngày trong đời sống đời thường của người môn đệ

11. Thinh lặng để gặp gỡ Thiên Chúa

12. Qua thập giá đến vinh quang

13. Đời sống nội tâm, la vie intérieure, dịch

14. Linh mục quản xứ

15. Đặc sủng của đời linh mục

16. Linh mục ngài là ai ?

17. Thánh vịnh đóng vai trò nào trong lời cầu nguyện của chúg ta

18. Một suy tư và thánh Inhaxiô Loyola

19. Suy niệm các chặng đàng thánh giá theo nghi thức mới

20. Để trở nên môn đệ Chúa

21. Sử dụng tốt thời gian của Chúa

22. Khi Thiên Chúa đến với con người

23. Đời sống nội tâm

24. Vậy hãy cầu nguyện

25. Cuốn sách của các vị bề trên

26. Sự khổ chế và sự không dính bén

27. Những mẫu gương thánh thiện hôm qua và hôm nay

28. Cho dù chúng ta không ra sao

Có lẽ bí quyết sống thọ của cha già là cầu nguyện và như người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa, làm việc hết sức mình dù có phải ngồi xe lăn di duyển.

“Biết lấy chi đền đáp CHÚA bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 116,12; 136,1). Hàng ngày, con chầu Thánh Thể. Đó là nguồn mạch mọi sự sống cho Hội Thánh và cho con. Xin được tắm mãi trong đại dương tình yêu của CHA qua Con Chí Thánh của CHA, nhờ Chúa Thánh Thần và trong sự hộ phù của Đức Mẹ Maria.

Xin được cùng với cha già Phêrô Tạ Ơn Thiên Chúa và kính chúc cha già “phúc như Đông hải, thọ tỉ Nam sơn”.

Bài viết : Martino Lê Hoàng Vũ