(Vatican 27/11/2004). Lúc 11 giờ sáng thứ Bẩy 27/11/2004, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự một nghi thức long trọng trao lại thánh tích Thánh Gioan Kim Khẩu và Thánh Grêgôriô Nazianzen cho Chính Thống Giáo cùng với Đức Thượng Phụ Danh Dự của Chính Thống Giáo Barthôlômêô I, trước sự hiện diện của ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, các vị Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục của các cơ quan Tòa Thánh, các vị Giám Mục, Linh Mục Chính Thống Giáo từ Istanbul, Rôma và các nước lân cận, cùng với hơn 10,000 anh chị em giáo dân Công Giáo và Chính Thống Giáo.

Đức Thượng Phụ Barthôlômêô I đã đáp máy bay sang Rôma vào chiều tối ngày thứ Sáu và được tiếp đón long trọng tại Vatican. Tại phi trường quốc tế Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Thượng Phụ cho thông tấn xã Anatolia biết:

“Đây là một biến cố quan trọng đối với chúng tôi. Giáo Hội Chính Thống Giáo dành một vị thế quan trọng cho những thánh tích này và chúng tôi tri ân cử chỉ này của Đức Thánh Cha. Đây là biểu tượng của mối quan hệ càng ngày càng tốt đẹp giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo. Do đó, chúng tôi rất vui mừng và cám ơn Đức Thánh Cha”.

Trong phần đầu lễ Đức Thánh Cha đã long trọng đón tiếp Đức Thượng Phụ và hai vị đã ngồi cạnh nhau. Hài cốt của hai vị thánh được để trong các lồng kính thuỷ tinh trong suốt đã được kính cẩn rước lên bàn thờ trong khi ca đoàn hát các bài hát bằng tiếng Hy Lạp và La Tinh. Sau đó, cộng đoàn cùng quỳ đọc kinh cầu các Thánh. Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ đã cùng làm phép và bắt đầu phần tôn vinh thánh tích với những bài hát của Công Giáo và Chính Thống Giáo.

Tiếp theo đó là các bài đọc từ Thánh Kinh và từ các Nghị Phụ (trong đó có bài của hai thánh). Cả hai Thánh Gioan Kim Khẩu (349- 407) và Thánh Grêgôriô Nazianzen (330- 390) đều là tiến sĩ Hội Thánh đã nổi tiếng vì bảo vệ đức tin Kitô Giáo trước bè rối Arian. Cả hai vị đã từng là Thượng Phụ thành Constantinople. Chính vì thế, Chính Thống Giáo tôn kính đặc biệt hai vị.

Đức Thánh Cha trông mạnh khoẻ và hân hoan. Bài diễn văn của ngài do một vị phụ tá đọc. Trong đó, Đức Thánh Cha nhận định rằng đây là “một dịp hồng phúc để thanh tẩy ký ức” và “củng cố con đường hòa giải của chúng ta”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tôi không bao giờ mệt mỏi trong những cố gắng để đạt được điều này”.

Trong phần đáp từ, Đức Thượng Phụ, nói bằng tiếng Ý, nhấn mạnh rằng cử chỉ này của Đức Thánh Cha hôm nay đây chứng tỏ “không có vấn đề nào mà không vượt qua được trong Giáo Hội của Chúa Kitô”.

Sau đó là các lời nguyện trong đó có kinh nguyện troparion theo nghi lễ Byzantine, kinh Lạy Cha và lời nguyện kết thúc thánh lễ.

Đức Thánh Cha đã ôm hôn từ biệt Đức Thượng Phụ Barthôlômêô I trong khi một đội danh dự hỗn hợp của Công Giáo và Chính Thống Giáo trong những bộ veston mầu đen long trọng rước thánh tích của hai vị thánh đã được để trong hòm kính niêm phong ra phi trường. Một chiếc máy bay đặc biệt của không lực Italia sẽ đưa thánh tích về Istanbul nơi đây vào buổi chiều cùng ngày sẽ có nghi thức đón tiếp thánh tích tại Vương Cung Thánh Đường Constantinople. Trong nghi thức này có sự hiện diện của các giáo sĩ Chính Thống Giáo và Công Giáo.

Cùng đi với Đức Thượng Phụ về Istanbul có đoàn đại biểu Công Giáo gồm Đức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Vũ Đại Kết Kitô Giáo, đặc sứ của Đức Thánh Cha và các Giám Mục thay mặt cho Tòa Thánh.

Đã có những cáo buộc lịch sử cho rằng thánh tích của cả hai vị thánh đã được Thập Tự Quân lấy mang về Rôma trong vụ tấn công Constantinople vào năm 1204. Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Bẩy, tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls, trưởng phòng báo chí Tòa Thánh cho biết hài cốt thánh Grêgôriô Nazianzen đã được các tu sĩ dòng Biển Đức đưa sang Rôma từ thế kỷ thứ 8. Đồng thời Tòa Thánh minh định rằng ý hướng của Đức Thánh Cha trong việc trao trả lại thánh tích lần này là để tăng cường hiệp nhất giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo.

Từ trước đến nay hài cốt hai vị thánh đã được lưu giữ tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Việc trao trả thánh tích của hai Thánh Gioan Kim Khẩu và Thánh Grêgôriô Nazianzen là cử chỉ thiện chí thứ hai trong năm nay của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tháng 8/2004, Đức Thánh Cha đã gởi một đoàn đại biểu sang Mạc Tư Khoa để trao lại bức ảnh Đức Mẹ Kazan. Bức ảnh này đã được các tín hữu Chính Thống Giáo Nga tôn kính hàng nhiều thế kỷ.

Bức ảnh Đức Mẹ Thành Kazan đã có từ thế kỷ thứ 16 và được tin là đã ban nhiều phép lạ cho dân chúng Kazan, thủ đô của Tatarstan. Bức ảnh này có lẽ đã bị trộm vào năm 1904 và được một nhà buôn bán sang Anh trong thời xảy ra cuộc Cách Mạng Tháng Mười tại Nga vào năm 1917.

Bức ảnh đã xuất hiện tại Hoa Kỳ vào thập niên 1960 trong một cuộc đấu giá ảnh nghệ thuật quốc tế. Đạo Binh Xanh, một tổ chức Công Giáo tôn sùng Đức Mẹ Fatima đã mua lại và tặng cho Đức Thánh Cha vào năm 1993.

Đức Thánh Cha đã giữ bức ảnh này trong nhà nguyện của ngài để chờ cơ hội trao lại cho Chính Thống Giáo Nga khi ngài có dịp gặp gỡ Đức Thượng Phụ Alexy II. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga luôn coi bức ảnh này là tài sản Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.

Đức Thánh Cha đã nhiều lần bày tỏ lòng mong muốn được sang Nga để đích thân trao lại cho Đức Thượng Phụ Alexy II, đặc biệt là hồi cuối năm ngoái khi hoạch định chuyến tông du sang Mông Cổ và ghé lại Kazan. Tuy nhiên, Đức Thượng Phụ Alexy II luôn tìm hết cớ này sang cớ khác để thẳng thừng bác bỏ một cơ hội gặp gỡ Đức Thánh Cha.

Cuối cùng Đức Thánh Cha đành từ bỏ ao ước có thể gặp gỡ và đích thân trao lại cho Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga. Bức ảnh đã được trao lại cho Chính Thống Giáo Nga vào ngày 28/8/2004 là ngày lễ Đức Mẹ Yên Nghỉ theo lịch Chính Thống Giáo. Đức Thánh Cha đã bày tỏ “hy vọng rằng chuyến hành hương Rôma của bức ảnh Đức Mẹ Thành Kazan sẽ đóng góp vào sự hiệp nhất đáng ước ao giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo”.

Đức Giám Mục Brian Farrell, thư ký của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đại Kết Kitô Giáo nhận định rằng quyết định của Đức Thánh Cha trong hai lần trao trả vừa qua là “những dấu chỉ về sự hiệp thông sâu xa hiện hữu giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống Giáo”. Đức Cha cho biết các Giáo Hội địa phương cũng đã có những cử chỉ tương tự. Năm 2001, giáo phận Bari tại Ý đã trao thánh tích thánh Nicholas cho Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga. Tháng Tư năm 2000, thánh tích thánh Grêgôriô được giữ tại một tu viện ở Naples, Ý cũng đã được trao cho Đức Catholicos Karekin II, vị đứng đầu của Giáo Hội Tông Đồ Armenia.

Đức Cha Farrell nhận định là trong khi còn có những bất đồng về tín lý và cấu trúc Giáo Hội, chuyến viếng thăm Rôma lần này của Đức Thượng Phụ Barthôlômêô được coi là một bước tiến đáng kể nữa trong mối dây liên lạc giữa các nhà lãnh đạo hai Giáo Hội kể từ khi xảy ra biến cố Đại Ly Giáo năm 1054.