Từ thời xa xưa Giáo Hội Roma đã có truyền thống cử hành lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô trong cùng một ngày. Tiếp tục truyền thống đó, lúc 9:30 sáng thứ Bẩy 29 tháng Sáu, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Dịp này, ngài cũng làm phép dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục chính tòa được bổ nhiệm trong 12 tháng qua.

Theo một truyền thống tốt đẹp giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo, hàng năm Tòa Thượng Phụ Constantinople gởi một phái đoàn sang Rôma vào ngày 29 tháng Sáu để tham dự lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, bổn mạng của Giáo Hội Công Giáo. Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo cũng gởi phái đoàn sang Istanbul vào ngày 30 tháng Mười Một để mừng lễ thánh Anrê, bổn mạng của Giáo Hội Chính Thống.

Năm nay, phái đoàn Tòa Thượng Phụ Constantinople được hướng dẫn bởi Ðức Tổng Giám mục Telmissos Job, đại diện Ðức Thượng Phụ Constantinople tại Hội đồng Ðại kết các Giáo Hội. Ngài cũng là Đồng chủ tịch Ủy ban hỗn hợp quốc tế về Ðối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống.

Sáng ngày 28 tháng Sáu, Ðức Thánh Cha sẽ tiếp kiến phái đoàn và ngày hôm sau, phái đoàn sẽ tham dự Thánh lễ do Ðức Thánh Cha chủ sự.

Không chỉ “tham dự” mà thôi, các vị trong phái đoàn Chính Thống Giáo đóng một vai trò quan trọng trong lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Chẳng hạn như trước khi bắt đầu thánh lễ vị trưởng phái đoàn Chính Thống Giáo sẽ đi cùng với Đức Thánh Cha xuống hầm mộ Thánh Phêrô. Hai vị sẽ cùng cầu nguyện tại đây trước khi các dây Pallium được đưa lên từ đây.

Trên toàn thế giới có khoảng 260 triệu tín hữu Chính Thống Giáo thuộc 15 Giáo Hội độc lập với nhau là các Giáo Hội Constantinople, Alexandria, Antiôkia, Giêrusalem, Georgia, Cyprus, Bảo Gia Lợi, Serbia, Nga, Hy Lạp, Ba Lan, Rumani, Albania, Cộng Hòa Tiệp và Slovakia, và Ukraine.

Giáo hội Chính Thống Constantinople là Giáo hội Chính thống lâu đời nhất và Ðức Thượng Phụ Constantinople là Giáo chủ danh dự của toàn thể 15 Giáo hội Chính Thống.

Cuộc Đại ly giáo đầu tiên trong Kitô giáo đã diễn ra hơn 900 năm trước. Sự lạnh nhạt ngày càng tăng từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 11 giữa Giáo hội Đông phương có trụ sở tại Constantinople và Giáo Hội Công Giáo có trụ sở tại Rôma đã dẫn đến cuộc Đại ly giáo năm 1054, chia rẽ những người theo Chúa Kitô thành Chính thống giáo Đông phương và Công Giáo Tây phương.

Mong muốn hàn gắn xuất phát từ Giáo Hội Công Giáo vào thế kỷ 20 với Công đồng Vatican II, diễn ra từ 1962 đến 1965. Tuy nhiên, cần phải có sự can đảm, cởi mở và tầm nhìn xa của hai nhà lãnh đạo vĩ đại từ cả hai phía để phá bỏ những xấu hổ và tai tiếng tích lũy hơn 900 năm. Sự kiện lịch sử này đã diễn ra vào ngày 5 tháng Giêng năm 1964, khi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Thượng Phụ Đại kết Athenagoras của Constantinople gặp gỡ và ôm hôn nhau ở Giêrusalem.

Kể từ đó, hai Giáo hội đã tham gia đối thoại để tiến đến hiệp thông hoàn toàn.


Source:Vatican News