TIẾT C: CÁC TỤC LỆ KHI ĐẶT TÊN CHÍNH.

Đời sống người Việt Nam lúc nào cũng thấm nhuần tinh thần tôn giáo, bàng bạc lòng mê tín dị đoan, và bị ràng buộc bởi muôn nghìn điều kiêng kỵ. Đời sống siêu hình ấy được thể hiện rất rõ trong các tục lệ đặt tên. Có 5 tục lệ khi đặt tên chính: (1) Đặt tên muộn, (2) Đặt tên xấu, (3) Ghét ai đặt tên người ấy, (4) Các điều kiêng kỵ khi đặt tên chính, (5) Đặt hai tên.

1. Đặt Tên Muộn: Ngày xưa, khi gia đình có trẻ sơ sinh, luật pháp cũng như tục lệ không bó buộc phải khai sinh ngay. Người ta chỉ gọi đứa bé bằng một tên rất chung như con trai gọi là thằng Cò, thằng Cu. Con gái gọi cái Đỏ, con Hĩm, Cái Tít. Trường hợp đặt tên muộn được chứng minh qua câu ca dao:

Hỡi thằng cu lớn, hỡi thằng cu Bé, cu Tí, cu Tị, cu Tỉ ơi!

Con dậy con ăn cơm với ông, để mẹ lấy chồng kiếm chút em con
.

Tại sao dân ta lại chọn các tên xấu và có ý nghĩa chung chung như thế? Để trả lời câu hỏi này thiết tưởng ta cần biết tục lệ đặt tên xấu.

2. Đặt Tên Xấu: Tục lệ đặt tên xấu đã được trình bày trong chương một, mục hai, tiết một với tiêu đề Tên Tục. Ở đây, xin tóm lược để độc giả tiện việc theo dõi. Một khi người Việt cần đặt tên rõ ràng cho trẻ sơ sinh, họ thường chọn tên thật xấu, đôi khi có ý nghĩa dơ dáy tục tĩu. Tục lệ này phát xuất từ sự mê tín dị đoan, cho rằng trẻ sơ sinh chết nhiều vì tà ma thích bắt những đứa trẻ đẹp. Vì vậy, họ tránh tên đẹp và không thích ai khen con họ đẹp. Dụng ý để tà ma tưởng lầm là đứa bé xấu, không đáng bắt. Các tên thường được dân gian chọn là Bùn, Sẹo, Muông, Cầy, Chó, Vện. Trường hợp gia đình đẻ nhiều con mà bị chết yểu cả thì đứa con mới sinh được đặt là Xin, với ý nghĩa đây là đứa con đi xin về nuôi, hoặc đây là đứa con của người ăn xin, ăn mày.

Các tên xấu thường được lấy trong các nhóm từ ngữ sau đây:

- Các từ ngữ chỉ khuyết tật: Lùn, Lé, Trọc, Hí, Mập, Tẹt, Tũn, Giồ.

- Các từ ngữ chỉ tính tình xấu: Ngáo, Ngơ, Dại, Khùng.

- Các từ ngữ chỉ giống vật: Cún, Vện, Khoang, Tí, Bê, Bò.

- Các từ ngữ chỉ thảo mộc: Mít, Bưởi, Chanh, Cam, Ổi.

- Các từ ngữ chỉ vật liệu nhà: Cột, Kèo, Tranh, Gạch, Bùn.

Ngoài việc đặt tên xấu vì mê tín dị đoan, người ta còn thấy các gia đình quyền quý ngày xưa có tục dùng những từ bóng bảy, đẹp đẽ để đặt tên cho con ruột, con đẻ, nhưng dùng từ xấu xa đặt tên cho con ăn, người ở hay nô tì trong gia đình. Mục đích để khách biết ai là con đẻ, con nuôi. Tục lệ này còn thấy chứng tích nơi tên hai nhân vật lịch sử hồi kháng chiến Nguyên Mông đó là Dã Tượng và Yết Kiêu. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi như sau:

Hưng Ðạo Vương có hai người nô tên là Dã Tượng và Yết Kiêu. Dã tượng nghĩa là voi rừng; Yết Kiêu là tên loài chó mõm ngắn. Dùng tên thú vật đặt tên cho con người nói lên cái địa vị làm nô thấp kép của họ

Tục lệ đặt tên xấu không chỉ có trong xã hội Việt Nam mà thấy có nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Đại Hàn, Hy Lạp, La Mã, Phi Châu. Những tên có ý nghĩa chung chung, và xấu chưa phải là tên chính thức. Đến khoảng 5, 3 tuổi người ta mới đặt tên chính thức cho con và lúc này lại bị ràng buộc bởi một số tục lệ khác, trong đó có tục ghét ai đặt tên người ấy.

3. Ghét Ai Đặt Tên Người Ấy: Tại Âu Mỹ, kính trọng ai, cảm phục ai, người ta lấy tên người ấy để đặt cho con. Hai cô con gái song sinh của Tổng Thống Bush một cô tên là Barbara Bush, cô kia là Jenna Bush. Barbara là tên của bà nội. Nhiều người tây phương vì kính trọng Chúa và Ðức Mẹ Maria nên lấy tên Jesus hay Maria làm tên chính.

Trái lại, tại Việt Nam, cha mẹ ghét ai, người hàng xóm chẳng hạn, cứ lấy ngay cái tên ông bà đó, hoặc thâm hiểm hơn, lấy tên ông bà, cha mẹ của người đó mà đặt cho con. Rồi, khi biết người mình không ưa đang quanh quẩn gần nhà, thì cứ réo gọi tên con mình mà chửi. Chiến thuật giận cá chém thớt làm cho địch thủ vô cùng ấm ức. Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã mô tả hiện tượng xã hội này :

Vợ chồng đang dở câu chuyện, bỗng bên hàng xóm có tiếng bác Trương Thi gái mắng con:

Thằng Yểng hư thật. Mày coi tìm xem nó ở đâu không. Ban sáng nó vừa lảng vảng ở đây mà.

Bác Trương trai ồ ồ nói:

-Tao thấy nó chui qua hàng rào nhà bác Pha ấy.

Bác Trương Gái gái lại the thé:

-Thế thì sang mà tìm, thấy đứa nào ăn cắp, đem mà đào mả bố nó lên.

Pha bị nói cạnh, bỗng nảy ra một ý kiến:

-Bu nó ạ! Phải rồi.

Rồi anh nói thầm.

Chị Pha cau mặt.

-Cái gì? Thì nói to lên nào.

-Tôi nghĩ ra tên thằng cu rồi.

-Tên là gì?

-Đặt tên nó là Bạch.

- Sao lại Bạch?

-Thì nhé, Trương Thi đặt tên con nó là Yểng, tội gì mình không gọi tên con mình là Bạch.

-Thế tên bố nó là Bạch à?

Pha vênh váo đáp:

-Ừ, ừ chỗ hàng xóm với nhau mà nó đi lấy tên bố mình để đặt cho con nó, thì tội gì mình không báo thù? Không thì làng nước lại bảo mình chịu lép
.

Khi đặt tên con, nhiều người đã vô ý đặt trùng tên người bà con, hoặc tên người hàng xóm nên đã sinh ra chuyện bất hòa, có khi đưa đến chuyện tuyệt giao. Do căn nguyên này mà có những điều kiêng kỵ khi đặt tên chính.

4. Những Điều Kiêng Kỵ Khi Đặt Tên Chính: Khi đặt tên chính cho con, phải tuyệt đối tránh tên ông tổ họ nội, họ ngoại, ông bà cha mẹ và tất cả những người trong gia tộc, những người cùng làng cùng xóm, kể cả tên vị thành hoàng làng xã. Vì phải tránh nhiều như vậy, nên vợ chồng mới cưới thường có tục bế con đầu lòng đến trước mặt ông bà xin đặt tên cho con. Tục lệ này vừa để tỏ lòng tôn kính bố mẹ, vừa tránh được những tên của họ hàng mà vợ chồng trẻ mới lấy nhau chưa biết. Tuy nhiên, về địa danh, ta thấy dân gian đi ngược lại tục kỵ húy là lấy tên người đặt cho một số vị trí. Ví dụ chung quanh thành phố Sàigòn, ta thấy các địa danh: Chợ Ông Tạ, Chợ Bà Chiểu, Chợ Bà Hom, Cống Bà Xếp, Ngã Ba Chú Ía, Bà Quẹo, Bà Rịa, Lái Thiêu, Bà Om (ở Trà Vinh), Cầu Ông Thìn, Giồng Ông Tố. Qua các địa danh trên, ta thấy toàn là các nơi nhỏ hẹp, và người được lấy tên là những người cư ngụ ở đó, thuộc giai cấp thấp trong xã hội. Trái lại, do ảnh hưởng của văn hóa tây phương, ngày nay, người ta lấy tên các vị vua chúa, danh nhân lịch sử, anh hùng dân tộc để đặt tên cho các đường phố, coi đó không phải là điều kiêng kỵ nữa.

Ngày xưa, những nhà học thức, khi đặt tên cho con, còn tránh cả những tên trùng hợp với địa danh. Các gia đình nho phong lễ giáo kiêng đặt tên con gái bằng những từ ngữ gợi lên ý nghĩa lả lơi, dâm đãng. Họ thường tránh các tiếng như Sương, Hoa, Nguyệt vì các từ này được hiểu một cách khắt khe là tà dâm. Ví dụ để chỉ một cô gái điếm, người ta dùng từ “gái ăn sương". Còn từ Hoa, Nguyệt đã được ca dao giải thích ý nghĩa như sau:

Thôi thôi, tôi van cậu rằng đừng!

Tuổi tôi còn bé chưa từng nguyệt hoa,

Tôi về gọi chị tôi ra,

Chị tôi đã lớn, nguyệt hoa đã từng.


Các tên như Sen, Nhài, Nụ cũng bị các gia đình kiểu cách không dùng đến vì các tiếng đó thường là tên các cô gái đi ở đợ cho các gia đình giàu sang, phú quý.

5. Đặt Hai Tên: Ngoài việc đặt tên xấu để tránh tà ma, người Việt Nam xưa còn có tục đặt thêm tên thứ hai, hoặc thứ ba. Ví dụ vua Quang Trung Nguyễn Huệ có tên là Thơm, là Bình. Vua Trần Thái Tông có tên là Cảnh, là Bồ. Có hai nguyên nhân giải thích tục lệ này.

Thứ nhất để tránh tên húy. Tên thứ nhất hay tên chính được gọi là tên húy. Giới trí thức thời xưa dùng tên tự để tránh tên húy. Còn trong dân gian, vì nguyên tắc đặt tên tự phức tạp nên người ta đặt tên thứ hai để tránh tên húy. Tên thứ hai không có giá trị về mặt hành chánh vì chỉ dùng để xưng hô.

Thứ hai để tránh phiền phức pháp lý: Thời xưa, khi làng xã có người phạm pháp, nhất là tội phạm chính trị, nếu gặp giới chức chính quyền ở đó tham nhũng, thì tất cả những người cùng tên đều bị bắt để điều tra. Nhằm tránh trường hợp này hoặc tránh bị vu oan giáng họa, dân gian đặt thêm tên thứ hai để nếu bị bắt, họ sẽ chứng minh bằng giấy tờ mình không phải là cá nhân đó.