THÁNH ANÊ LÊ THỊ THÀNH[1], GIÁO DÂN

1781-1841


Cuộc đời người phụ nữ Công Giáo có tên Anê Lê Thị Thành, quen gọi bà Đê, hẳn đã chìm vào quên lãng, nếu không có những cuộc bách hại đạo Công Giáo dưới thời các vua nhà Nguyễn. Thiên Chúa đã muốn cho tấm gương đạo hạnh của bà được muôn đời biết đến, nên đã xếp đặt để dung mạo một phụ nữ bình dị trở nên gương mẫu đức tin cho nhiều người. Phần cuộc đời bà Đê được thuật lại dưới đây là những chắp nối từ những ký ức thủa ấu thơ của bà Luxia Nụ và Anna Năm, hai người con của bà Đê.

Tuổi trẻ nhiều biến động

Anê Lê Thị Thành sinh khoảng năm 1781 tại Bái Đền[2], cũng còn gọi là Gia Miêu[3], thuộc trấn Thanh Hoa nội. Cha mẹ bà đều thuộc các gia đình đã theo đạo từ lâu và sinh được hai con gái, bà Thành là chị, bà Thuộc là em. Thân phụ bà Thành là người khô khan, lại buồn vì không có con trai, nên đi lấy vợ lẽ. Vì sợ rằng ở lại quê nhà trong tình trạng gia đình như thế sẽ dễ mất đức tin, thân mẫu bà Thành đưa hai con trốn đi đến cư ngụ tại thôn Đồng, thuộc làng Phúc Nhạc, huyện Yên Khang, trấn Thanh Hoa ngoại. Mấy mẹ con buôn bán trầu cau, chè thuốc độ nhật.

Năm 17 tuổi, Anê Lê Thị Thành kết hôn với một nông phu cũng thuộc thôn Đồng, ông Nguyễn Văn Nhật[4]. Ông bà sinh con đầu lòng, đặt tên là Đê, từ đó, dân làng quen gọi ông bà theo tên người con trưởng. Ông bà sinh hạ được hai con trai, Đê và Trân[5], và bốn con gái, Thu, Năm, Nhiên và Nụ[6].

Gia đình đạo đức

Cả hai ông bà Đê đều hiền lành, sống rất hòa thuận với nhau. Không giống đa số các gia đình miền quê, ông bà không cãi cọ nhau, cũng không bao giờ lăng xăng xen mình vào chuyện của người khác. Bà Đê rất siêng năng các việc đạo đức, chăm chỉ đọc kinh tối sáng, thường xuyên đi nhà thờ, xưng tội rước lễ đều đặn. Bà thường xưng tội hai tháng một lần.

Cô Luxia Nụ kể rằng:

- Thân mẫu chúng tôi rất để tâm dạy dỗ chúng tôi. Chính bà dạy chúng tôi tập đọc và dạy chúng tôi học giáo lý. Khi chúng tôi đã lớn khôn, bà dạy chúng tôi cách dự lễ, rước lễ. Không ai trong các anh chị em chúng tôi được phép lơ là xưng tội. Khi chúng tôi tỏ ra hơi chần chừ, bà không để cho chúng tôi được yên cho tới khi nào chúng tôi đến với tòa giải tội. Thân mẫu chúng tôi cũng để tâm cả đến lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà không chịu nổi sự xao lãng của con cái đối với những việc đọc kinh tối sáng ngày thường. Thân mẫu cũng cho chúng tôi gia nhập nhóm các trinh nữ và tham gia nhóm các thiếu nữ thưa kinh.

Cô Anna Năm cũng kể lại rằng:

- Cha mẹ chúng tôi lo gả chúng tôi cho những người đạo hạnh. Sau khi chúng tôi lấy chồng, thân mẫu chúng tôi thường đến thăm, khuyên nhủ những điều tốt lành. Tôi nhớ thân mẫu từng nói rằng: “Con lấy chồng theo thánh ý Chúa, đó là một gánh rất nặng. Con phải sống tốt lành, đừng cãi lại bố mẹ chồng. Hãy quảng đại đón nhận thánh giá Chúa gửi đến”. Thân mẫu cũng bảo vợ chồng tôi: “Các con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe thấy các con cãi cọ nhau.”

Vốn thương người bất hạnh, bà Đê hay bố thí cho họ. Lòng bác ái của ông bà Đê biểu lộ rõ nét nhất đối với các linh mục người Việt cũng như người ngoại quốc. Trong thời cấm đạo, nhà ông bà là nơi ẩn trốn cho nhiều vị như cha Khoan, cha Kim, cha Ngân, cha Thành. Các vị này thường ở chỗ riêng trong nhà. Mỗi đêm, các vị âm thầm dâng thánh lễ, thường có bà Đê tham dự. Chính việc bác ái này đã khiến bà Đê bị bỏ tù, sau đó chịu chết rũ tù.

Liệt nữ kiên trung

Vào tháng 3-1841, bốn linh mục ẩn trốn tại xứ đạo Phúc: hai vị là những thừa sai người Pháp vừa đặt chân tới Việt Nam, cha Berneux và cha Galy, hai vị kia, cha Thành và cha Ngân, là người Việt. Các tín hữu đã đưa cha Berneux tới trốn trong Dòng Mến Thánh Giá tại Yên Mối[7]. Nơi trú ẩn của cha vừa thấp, vừa tối, khiến cha phải khốn khổ. Cha Berneux viết cho cha Thành như sau: “Con chẳng thể ra ngoài cả ngày lẫn đêm. Cả ngày con phải ngồi gò người xuống. Chỉ đôi khi mới có vài tia sáng lọt vào qua khe cửa. Con xin Cha liệu cho con một chỗ trú ẩn tiện lợi hơn”.

Cha Thành lúc đó đang ở nhà ông Phaolô Thức[8], liền nhường chỗ trú của mình cho vị thừa sai và đến xin trú ở nhà bà Đê. Bà Đê nhận lời ngay.

Tai họa ập tới theo cách không ai ngờ tới. Cha Thành có người giúp việc cũng là một thầy giảng[9] tên Để, không hiểu vì quá giận hay tham tiền, đã tố cáo với quan tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh rằng có linh mục Tây dương trú ẩn tại Phúc Nhạc. Quan tổng đốc liền dẫn đông đảo quân lính bất ngờ ập tới Phúc Nhạc đúng vào sáng ngày Lễ Phục Sinh. Quân lính bao vây làng, từ phía tây đến nhà một trong những thân hào trong làng là ông Tịch[10]. Cha Berneux và cha Galy bị lọt giữa vòng vây. Cha Thành và cha Ngân ẩn trốn ở những nơi nằm bên ngoài vòng vây.

Quan truyền cho mọi người đàn ông ở trong vòng vây phải ra trình diện và phải lên tiếng khi được gọi tên. Lúc này cha Berneux đang dâng lễ ở nhà ông tổng Thức. Ông Thức tới báo cho cha:

- Cha ơi, các quan đem quân đến bao vây kín rồi, cha con ta không thể thoát được.

Cha Berneux vẫn bình tĩnh tiếp tục dâng lễ, gương mặt ngời sáng niềm vui siêu nhiên. Xong thánh lễ, ông tổng Thức thận trọng dẫn cha tới nhà lẻ của Dòng Mến Thánh Giá tại Phúc Nhạc. Ông đưa cha lên trốn ở gác bếp. Chẳng may, gấu quần của cha thò xuống. Khi quân lính đến khám xét, họ phát hiện ra gấu quần của cha và lôi cha ra. Mặt mũi và quần áo cha nhọ nhem đầy bồ hóng. Hai chị Dòng Mến Thánh Giá, chị Khiêm và chị Thanh, núp ở bụi tre trong vườn nhà dòng, òa lên khóc khi thấy cha Berneux bị bắt. Quân lính liền bắt cả hai chị và giải cả ba người đến chỗ quan tổng đốc.

Cha Galy lúc đó trốn ở nhà ông trùm Cơ[11]. Ông trùm dẫn cha chạy đôn chạy đáo tìm chỗ trú ẩn, nhưng nhà nào cũng từ chối. Ông trùm Cơ lại dẫn cha trở về nhà, rồi đưa cha sang vườn nhà bà Đê vốn ở gần nhà ông. Bà Đê chỉ cho cha một cái rãnh và nói:

- Xin cha ẩn ở đây. May ra chỉ có phép lạ mới cứu cha thoát khỏi tay quân lính. Nếu họ bắt được cha, họ cũng sẽ bắt cả con nữa.

Rồi bà Đê và cô Nụ lấy chà rào và rơm rạ che chỗ cha ẩn núp. Thế nhưng quân lính đã nhìn thấy vị thừa sai. Họ ào tới bắt cha và bắt luôn cả bà Đê, vì tội đã cho vị thừa sai ẩn trốn trong đất nhà bà. Những đầu mục ngoại giáo trong làng như ông tư Phác, ông chánh tổng Cơ, ông phó tổng Dư, ông khán Lễ và những người đứng đầu họ đạo như ông trương Oai, ông Khán Hiếu, ông trùm Cơ và ông xã Tuệ cũng cùng bị bắt với ông bà Đê[12]. Tất cả bị giải ra đình làng. Quân lính trói tất cả lại, đàn ông hai tay bị trói trước ngực, đàn bà tay bị trói giật ra sau lưng. Tất cả bị đóng gông. Quân lính tràn vào cướp phá nhà bà Đê. Họ lấy đi lúa gạo, quần áo.

Khi hay tin bà Đê bị bắt, hai người con gái lấy chồng ở làng bên tìm cách tiếp tế chút lương thực cho bà. Họ bị quân lính đánh đập giã man. Hai cô lại tìm cách chuyển thức ăn cho ông Đê và ông lén lút đưa cho bà.

Đoàn người bị giải đi Nam Định. Họ phải đi bộ hầu như suốt đêm. Vì gông quá nặng, bà Đê không mang nổi, nhiều lần những người khác phải đỡ cho bà.

Khi tới Nam Định, bà Đê bị giam chung với hai chị Dòng Mến Thánh Giá, chị Anna Khiêm và Anê Thanh, ở phòng giam gần dinh quan án sát.

Ít ngày sau, bà Đê bị dẫn ra công đường. Trước những lời đe dọa, những lệnh truyền chối đạo của các quan, bà Đê trả lời:

- Bẩm quan lớn, tôi tôn thờ Thiên Chúa, tôi chẳng bao giờ chối bỏ đạo của Chúa Cả vạn vật.

Các quan truyền đánh bà rất tàn bạo. Quân lính còn làm quá những gì các quan truyền cho họ khi dùng khúc củi đánh bầm tím chân tay bà. Bà Đê không hề lùi bước. Khi gặp ông trong nhà giam, bà giải thích với ông như sau:

- Đúng là họ đánh tôi tàn bạo quá lẽ. Ngay cả đàn ông có lẽ cũng không đủ sức chịu đựng những cực hình như thế, nhưng tôi được Đức Mẹ thêm sức nên tôi chẳng cảm thấy đau đớn gì cả.

Trong cuộc thẩm vấn thứ hai và thứ ba, bà Đê vẫn luôn tỏ ra mạnh mẽ. Các quan truyền cho quân lính lôi bà qua thập giá, trong khi những tên quân khác vẫn đánh đạp bà. Nghe lệnh này, bà Đê nằm lăn ra đất và nói:

- Lạy Chúa, con nài xin Chúa giúp con. Con không muốn chối bỏ đức tin vào Chúa, nhưng con chỉ là đàn bà yếu đuối, mà họ lôi con qua thập giá.

Các quan lại truyền đánh bà dữ hơn, rồi giải bà vào trong ngục. Những trận đòn đã bào mòn sức lực của bà Đê. Bà không đi nổi mà phải có người dìu đi. Ông Đăng[13], một người chứng kiến những cảnh này kể lại:

- Bà Đê đã chịu biết bao nhiêu cực hình, đến nỗi khắp thân thể bà chỗ nào cũng đầy máu me sưng tấy. Tuy vậy, bà vẫn luôn vui vẻ, lại còn muốn chịu khổ nhiều hơn.

Thế nhưng, vì bà đã nhiều tuổi, các quan không dám đối xử với bà tàn bạo như đối với hai chị Dòng Mến Thánh Giá. Chị Thanh và chị Khiêm đã bị lột quần áo giữa công đường. Một chị đã nói thẳng với quan:

- Quan làm thế là sỉ nhục chúng tôi, quả đúng như vậy, nhưng quan cũng sỉ nhục cả vợ quan nữa.

Quan nghe thế lại cho các chị mặc quần áo vào, rồi sai lính túm ống tay áo và ống quần lại và thả rắn vào người các chị. Những bản tường thuật không cho chúng ta biết bà Đê có phải chịu kiểu hành hạ này hay không. Bà Đê và hai chị dòng lại bị dẫn vào ngục. Lúc đó, cô Luxia Nụ, con gái bà Đê tới thăm, tới thăm bà. Thấy áo quần thân mẫu bê bết máu, cô Nụ òa lên khóc. Bà Đê liền an ủi con gái rằng:

- Con ơi, làm sao con lại khóc? Mẹ được mang những bông hoa hồng đấy.

Bà Đê còn nói thêm với cô rằng:

- Con về coi sóc cửa nhà, đừng lo cho mẹ. Mẹ biết tự lo cho mình.

Khốn cực chốn lao tù và những đòn roi dữ dội đã khiến bà Đê kiệt sức, thêm vào đó, bà còn bị căn bệnh kiết lỵ hành hạ.

Các vị thừa sai gửi đến cho bà thuốc trị bệnh. Hai chị Dòng Mến Thánh Giá cũng hết lòng tận tụy săn sóc bà. Một vị linh mục tới cho bà lãnh nhận bí tích hòa giải và giúp bà dọn mình đón nhận cái chết. Vị linh mục này cho rằng thực ra mình đến để được chiêm ngưỡng thái độ sẵn sàng đầy thánh thiện của bà. Các bạn tù thường nghe bà lặp đi lặp lại như sau:

- Lạy Chúa, Chúa đã chịu đóng đinh vì con, con xin bằng lòng vâng theo ý Chúa. Con xin phó linh hồn con trong tay Chúa. Xin Chúa tha thứ tội lỗi con.

Cái chết thánh thiện

Khi bà lâm cơn hấp hối, ông Đê và hai chị dòng tới đọc kinh cầu nguyện và phó linh hồn bằng công thức quen dùng: “Giêsu, Maria, Giuse, xin cứu linh hồn Anê!” Bà Đê cũng thầm đọc theo những lời này. Rồi ba mở miệng lẩm nhẩm lời cầu nguyện mà bà ưa thích: “Lạy Chúa, con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa. Xin cho con được ơn vâng theo thánh ý Chúa mọi nơi mọi lúc”. Cứ như thế, bà Đê trút hơi thở sau cùng vào ngày 12-7-1841.

Mộ các vị tử đạo tại nhà thờ Phúc Nhạc GP. Phát Diệm
Theo thông lệ triều đình lúc đó, để nhận thật phạm nhân đã chết, các quan truyền lấy lửa đốt bàn chân bà, xác bà không hề động đậy. Các quan liền tuyên bố bà đã chết thật. Quân lính đặt xác bà trong quan tài do Nhà Chung mua, rồi đưa quan tài đến pháp trường Năm Mẫu và chôn cất bà ở đó. Sau này, một người dân Nam Định kể lại rằng:

- Sau khi nhận thi hài bà Anê Đê, chúng tôi đem thi hài tới trại lính, ở đó, chúng tôi đã dọn sẵn một cỗ quan tài. Từ thi hài bà tỏa ra hương thơm dễ chịu, gương mặt bà còn đẹp đẽ và tươi tỉnh hơn lúc còn sống.

Một thời gian sau, giáo dân đã lén lút đào xác vị chứng nhân anh hùng và đưa về chôn cất ở vườn nhà bà tại Phúc Nhạc. Ký ức về cái chết thánh thiện của bà đã mãi in sâu trong lòng giáo dân Phúc Nhạc. Nhiều người vẫn luôn lặp lại rằng: “Xin Chúa cho con được chết như bà Anê Đê!” Những người khác nhận xét rằng: “Dù bà Anê Đê đã không bị chém đầu, nhưng rõ ràng bà đã chết vì đức tin. Vậy phải kể bà vào số những đấng tử đạo”.

Năm Tự Đức thứ 30, 1881, cha thừa sai Bản đưa di cốt bà Anê Đê đặt chung với bẩy vị tử đạo khác trong một ngôi mộ nằm ở khuôn viên nhà thờ giáo xứ Phúc Nhạc.

Ngày 2-5-1909, Đức Piô X tuyên bố bà Anê Đê thuộc bậc chân phúc. Ngày 19-6-1988, Đức Gioan Phaolô II đã tuyên thánh bà Anê Đê.

Kim Ân

[1]Phần về thánh Anê Lê Thị Thành, chúng tôi phỏng dịch theo Adrien Launay, Les trente-cinqvénérables serviteurs de Dieu, Paris 1907. Chúng tôicó tham khảothêm một sốtài liệu khác, trong đó có cuốn Quan Quang Nam Việt – II, truyện sáu thánh tử vì đạo địa phận Hanoi, Hà Nội 1931; và cuốn của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Sách truyện các thánh tử đạo Việt Nam. Tập I-II. Hà Nội 1990.

[2]Tên địa danh xuất hiện trong bản tiếng Pháp đã ghi trên đây là Bai-den. Chúng tôi ghi tên gọi Bái Đền theo bản văn của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Chúng tôi cũng xin ghi nhận thêm rằng A. Launay, Histoire de la mission du Tonkin. Documents Historiques. I. 1658-1717. Paris 1927, 441, khi nói đến các giáo xứ ở trấn Thanh Hoa nội do các cha Dòng Tên phụ trách, vào năm1701, có nhắc đến Bai-dien. Xem thêm Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, Hà Nội 2008, 380-381.

[3]Theo bộ Đồng Khánh địa dư chí, tổng Thượng Bạn thuộc huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Tổng Thượng Bạn có trang Gia Miêu Ngoại, Gia Miêu Nội, và Gia Miêu Thượng.

[4]Tên gọi trong bản văn tiếng Pháp là Nguyen-van-Nhat, chúng tôi ghi thành Nhật theo bản văn của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, dẫu biết rằng đôi Đức Hồng Y chuyển sai tên tiếng Việt, do bản văn tiếng Pháp không có dấu.

[5]Bản tiếng Pháp là Tran.

[6]Adrien Launay, Les trente-cinq, 274 ghi tên bốn người con gái là Thu, Nam, Nhien, Nu. Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, sđd, 218 cho biết ông bà sinh được ba trai và ba gái, nhưng không ghi rõ tên. Chúng tôi ghi tên các con bà thánh Đê theo trang điện tử https://dongten.net/2018/03/06/nguoi-phu-nu-viet-nam-la-thanh/, tra cứu ngày 9-5-2018.

[7]Thời đó Dòng Mến Thánh Giá được gọi là Dòng chị em mến câu rút. Yên Mối xưa hiện là giáo xứ Gia Lạc, giáo phận Phát Diệm.

[8]Bản tiếng Pháp ghi “Paul Thuc”, chúng tôi dựa theo bản của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn ghi là “ông tổng Thức”.

[9]Bản của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn ghi là “chú Để”. Chúng tôi dựa theo bản tiếng Pháp “domestique ou catéchiste un certain De”.

[10]Bản tiếng Pháp ghi “Tich”, chúng tôi tạm ghi là Tịch.

[11]Bản tiếng Pháp ghi “le chef de la chrétienté, Co”, chúng tôi dựa theo bản của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn ghi là “ông trùm Cơ”.

[12]Tên những người bị bắt được ghi theo bản của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn.

[13]Bản tiếng Pháp ghi “Dang”, chúng tôi tạm ghi là Đăng.

[14]Bốn chữ Hán lớn: “Thiện đạo thủ tử”, tạm dịch “chết vì đạo lành”. Các ô nhỏ có các chữ Hán lần lượt như sau: “Gioan cụ Đạt – Bảolộc cụ Khoan – Gioan Baotixita Văn Thanh – Inê bà Đê”. Dòng chữ Latinh với những phỏng đoán có thể được đọc như sau: “HIC JACENT VEN. SERVI DEI JOANNES ĐẠT, SACERDOS. PAULUS PHẠM KHẮC KHOAN, SACERDOS. J. B. ĐINH VĂN THANH, CATECHISTA.”, tạm dịch “Nơi đây an nghỉ những tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa Gioan Đạt, linh mục – Phaolô Phạm Khắc Khoan, linh mục – Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh, thầy giảng”. Nếu ngôi mộ này có di cốt của tám vị tử đạo, chúng tôi cho rằng ở những mặt bên còn ghi danh tính của các vị khác nữa.