‘Cả việc lạm dụng lẫn việc che đậy nó không thể được dung thứ và việc xử lý khác đối với các giám mục phạm tội và che đậy lạm dụng, thực tế nói lên một hình thức của chủ nghĩa giáo sĩ trị, là điều không còn có thể chấp nhận được’.



Theo tin Zenit, hôm nay, ngày 6 tháng 10, 2018, Đức Giáo Hoàng đã quyết định để Tòa Thánh công bố bản tuyên bố sau đây liên quan đến các hàm hồ và tranh luận liên quan đến lá thư Viganò và những điều đã được biết về tác phong xấu xa về tình dục với các chủng sinh của cựu Hồng Y McCarrick.

Đức Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức khỏi Hồng Y đoàn của Đức Cha McCarrick ngày 28 tháng 7, 2018. Bản tuuyên bố lúc ấy viết như sau: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của ngài khỏi Hồng Y đoàn và truyền cho ngài ngưng thi hành bất cứ thừa tác vụ công khai nào, cùng với nghĩa vụ cư trú tại một căn nhà sẽ được chỉ định cho ngài, để sống một cuộc sống cầu nguyện và đền tội cho tới khi các lời cáo buộc đưa ra chống lại ngài được cứu xét trong một phiên xử thông thường theo giáo luật”.

Sau đây là nguyên văn bản công bố của Tòa Thánh:

Sau khi công bố các cáo buộc liên quan đến hành vi của Đức Tổng Giám Mục Theodore Edgar McCarrick, Đức Thánh Cha Phanxicô, vì ý thức được và lo lắng trước sự hàm hồ mà những cáo buộc này đang gây ra trong lương tâm của tín hữu, đã xác minh rằng những điều sau đây cần được truyền đạt:

Vào tháng 9 năm 2017, Tổng giáo phận New York đã thông báo với Tòa Thánh rằng một người đàn ông cáo buộc cựu Hồng Y McCarrick đã lạm dụng anh ta trong thập niên 1970. Đức Thánh Cha ra lệnh một cuộc điều tra sơ bộ kỹ lưỡng về điều này, một cuộc điều tra được thực hiện bởi Tổng Giáo phận New York, vào lúc kết thúc cuộc điều tra này, các tài liệu liên quan sẽ được chuyển đến Bộ Giáo lý Đức tin. Trong thời gian đó, vì những dấu chỉ nghiêm trọng xuất hiện trong diễn trình điều tra, Đức Thánh Cha đã chấp nhận sự từ chức của Đức Tổng Giám Mục McCarrick khỏi Hồng Y đoàn, ra lệnh cấm ngài thi hành thừa tác vụ công khai và buộc ngài phải sống một cuộc sống cầu nguyện và đền tội.



Vào lúc thích đáng, Tòa Thánh sẽ công bố các kết luận của vấn đề liên quan đến Tổng Giám mục McCarrick. Hơn nữa, liên quan đến các cáo buộc khác được đưa ra chống lại Đức Tổng Giám Mục McCarrick, Đức Thánh Cha đã quyết định rằng thông tin thu thập được trong cuộc điều tra sơ bộ sẽ được kết hợp với một nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về toàn bộ tài liệu hiện có trong Văn Khố các Bộ Sở và Văn Phòng của Tòa Thánh liên quan đến cựu Hồng Y McCarrick, hầu xác định được tất cả các sự kiện có liên quan, đặt chúng trong bối cảnh lịch sử của chúng và đánh giá chúng một cách khách quan.

Toà Thánh ý thức được rằng, từ việc khảo sát các sự kiện và hoàn cảnh, rất có thể xẩy ra việc này là các quyết định đã được đưa ra không phù hợp với cách tiếp cận đương thời đối với các vấn đề như thế này. Tuy nhiên, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Chúng ta sẽ theo con đường sự thật bất chấp nó có thể đưa ta tới đâu”(Philadelphia, ngày 27 tháng 9 năm 2015). Cả việc lạm dụng lẫn việc che đậy nó không thể được dung thứ và việc xử lý khác đối với các giám mục phạm tội và che đậy lạm dụng, thực tế nói lên một hình thức của chủ nghĩa giáo sĩ trị, là điều không còn có thể chấp nhận được nữa.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời mời khẩn thiết của ngài phải hợp nhất mọi sức mạnh để chiến đấu chống lại tai họa nghiêm trọng của việc lạm dụng trong và ngoài Giáo hội, và để ngăn chặn các tội ác như vậy khỏi vi phạm trong tương lai, gây tổn hại cho những người vô tội và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Như trước đây đã phổ biến, Đức Thánh Cha đã triệu tập một cuộc họp các Chủ Tịch các Hội Đồng Giám Mục khắp thế giới vào tháng hai tới, trong khi các lời lẽ trong Lá Thư gần đây của ngài gửi cho dân Chúa vẫn còn vang vọng: “Cách duy nhất mà chúng ta phải ứng phó với sự ác từng làm tối tăm biết bao nhiêu đời sống là trải nghiệm nó như một nhiệm vụ liên quan đến tất cả chúng ta trong tư cách Dân Thiên Chúa. Ý thức mình là một phần của một dân và một lịch sử chung này sẽ giúp chúng ta có khả năng nhìn nhận tội lỗi và sai lầm trong quá khứ của chúng ta với một sự cởi mở có tính thống hối có thể giúp chúng ta đổi mới từ bên trong ”(20/8/2018).