Người Kitô hữu biết rằng có thể tìm thấy trong học thuyết xã hội của Giáo Hội những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động là điểm khởi đầu để thăng tiến một nền nhân bản toàn diện và liên đới. Bởi thế, việc phổ biến học thuyết này là một ưu tiên mục vụ đích thực, để mọi người nhờ học thuyết này soi sáng sẽ có thể giải thích các thực trạng hiện nay và tìm ra những con đường hành động thích hợp: “Giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội là một phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội” (Tómlược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, 7)

Thư Mục vụ 2016 của Hội đồng Giám mục Việt Nam (Thư Mục vụ) viết: “Để xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống, người Công Giáo có tấm bảng chỉ đường cụ thể là Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Đây là tài liệu đúc kết và hệ thống hóa những chỉ dẫn của Giáo Hội, nhằm đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập các lãnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta không thể Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội mà lại không biết gì về Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Vì thế, anh em linh mục đang phục vụ tại các giáo xứ hãy tạo điều kiện cho mọi thành phần dân Chúa được tiếp cận, học hỏi, thảo luận và giúp nhau sống những giáo huấn này” (4).

Để “tạo điều kiện cho mọi thành phần dân Chúa được tiếp cận, học hỏi, thảo luận và giúp nhau sống những giáo huấn này”, tiên vàn các “linh mục đang phục vụ tại các giáo xứ” phải nắm vững “tấm bảng chỉ đường” vì “không ai có thể cho điều mà mình không có” (Nemo dat quod non habet).

Một trong những “tài liệu đúc kết và hệ thống hóa những chỉ dẫn của Giáo Hội, nhằm đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập các lãnh vực của đời sống xã hội” là tài liệu Hướng dẫn Nghiên cứu và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục (viết tắt Tài liệu Hướng dẫn) do Bộ Giáo dục Công Giáo biên soạn xong năm 1988 và phổ biến ngày 27.6.1989.

Trong lời nói đầu, Tài liệu Hướng dẫn giải thích rằng hai thuật ngữ “học thuyết xã hội” và “giáo huấn xã hội” đều có thể dùng thay thế lẫn nhau mặc dù thừa nhận “học thuyết” nhấn mạnh khía cạnh thần học còn “giáo huấn” nhấn mạnh khía cạnh lịch sử và thực tiễn, nhưng cả hai đều là một (Tài liệu Hướng dẫn, 1). Bản dịch tiếng Hán quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội (viết tắt “Tóm lược Học thuyết”) thì không phân biệt như thế trong dịch thuật: “học thuyết xã hội” (social doctrine) hay “giáo huấn xã hội” (social teaching) đều dịch là “xã hội huấn đạo”[1] (社會訓導), tuy nhiên có vẻ thiên về thuật ngữ thứ hai hơn vì “huấn đạo” nghĩa là “dạy bảo” (“huấn” là “dạy”, đạo” là “chỉ bảo”).

Tài liệu Hướng dẫn gồm sáu chương và hai phụ lục. Chương đầu bàn về bản chất của học thuyết xã hội của Giáo Hội. Chương hai nói về “chiều kích lịch sử”, nghĩa là sự phát triển của học thuyết xã hội trong Giáo Hội. Chương ba đến Chương năm giải thích định nghĩa ba mặt về nội dung của giáo huấn xã hội do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phát biểu và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường lặp lại: i) các nguyên tắc bền vững, ii) các tiêu chuẩn phán đoán và iii) các chỉ dẫn hành động và đây cũng là nội dung chính của bài này. Chương sáu đề cập đến việc đào tạo ứng sinh cho chức linh mục về môn học giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Phụ lục một là một “Chỉ mục các Đề tài có thể hữu ích trong việc giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo Hội trong các Chủng viện”, tức là một chương trình giảng dạy đề nghị với các giáo sư, có thể thích nghi theo nhu cầu cụ thể. Phụ lục hai gổm những bản văn trích dẫn từ các văn kiện của các giáo hoàng được nhắc đến trong cước chú.

Ở đây xin được bàn một chút về chương trình giảng dạy giáo huấn xã hội. Cha Phan Tấn Thành đối chiếu các đề tài do Bộ Giáo dục Công Giáo đề nghị trong Tài liệu Hướng dẫn và thực tế Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã đưa ra như sau[2]:

Danh mục các đề tài trong Tài liệu Hướng dẫn gồm:

1/ Gia đình, 2/ Kinh tế, 3/ Tư hữu, 4/ Lao động, 5/ Doanh nghiệp, 6/ Chính trị (Nhà nước), 7/ Văn hóa, 8/ Khoa học và kỹ thuật, 9/ Cộng đồng Quốc tế, 10/ Môi sinh, 11/ Thế giới thứ ba.

Sau phần tổng quát (4 chương đầu), sách Tóm lược Học thuyết trình bày các đề tài chuyên biệt:

1/ Gia đình (chương 5), 2/ Lao động (chương 6), 3/ Kinh tế (chương 7), 4/ Cộng đồng chính trị (chương 8), 5/ Cộng đồng quốc tế (chương 9), 6/ Môi sinh (chương 10), 7/ Hòa bình (chương 11).

Cha nhận xét: “Chúng ta có thể nhận thấy sách TLHT liệt kê gia đình vào số những đề tài của GHXH (nhiều tác giả không đả động đến vấn đề này); đối lại, xem ra đề tài văn hóa, truyền thông xã hội đã không được nhấn mạnh, đó là chưa nói tới các đề tài: nghèo đói, thi đua vũ trang…”

“DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN”

Chương đầu, nói về bản chất học thuyết xã hội của Giáo Hội, nhấn mạnh học thuyết vừa có tính bền vững, bất biến vì dựa trên Tin Mừng, dựa trên Lời Chúa bất biến và các nguyên tắc đạo đức rút ra từ Lời Chúa, vừa có tính thay đổi vì “phát triển cùng với những hoàn cảnh đổi thay của lịch sử và chủ yếu hướng tới ‘hành động hay thực hành Kitô giáo’” (Tài liệu Hướng dẫn, 3).

“Học thuyết xã hội luôn cần phải được cập nhật hóa và có khả năng đáp ứng những tình huống mới của thế giới và lịch sử. […] Ngày nay, “vấn đề xã hội” không còn giới hạn theo những vùng địa lý riêng, nhưng mang tầm vóc toàn cầu, và bao gồm rất nhiều mặt, kể cả chính trị, liên quan tới tương quan giữa các giai cấp và tới việc xã hội đã và đang chuyển mình” (Tài liệu Hướng dẫn, 11).

“Trong sự phát triển học thuyết xã hội, điều quan trọng cần nhấn mạnh là tuy vẫn luôn là một ‘bộ sưu tập’ (corpus) giáo huấn vốn rất chặt chẽ, học thuyết này không tự bó mình trong một hệ thống khép kín, trái lại luôn bén nhạy trước tiến hóa của tình thế và tỏ ra có khả năng đáp ứng tương xứng những vấn đề mới, với cách thức mới, mà những vấn đề được đặt ra. Có được như thế là nhờ biết khách quan xem xét các văn kiện của các triều Giáo hoàng từ Đức Lêô XIII đến Đức Gioan Phaolô II, và điều đó càng rõ nét kể từ Công đồng Vatican II trở đi” (Tài liệu Hướng dẫn, 11).

Sách Tóm lược Học thuyếtthì viết thế này: “Các cộng đồng Kitô hữu sẽ có thể tìm sự hỗ trợ trong tài liệu này để phân tích các hoàn cảnh một cách khách quan, làm rõ các tình huống đó dưới ánh sáng những lời bất biến của Tin Mừng” (11).

“[Tin Mừng của Chúa] là phần cốt lõi nền tảng và thường xuyên của học thuyết xã hội của Giáo Hội, nhờ đó, học thuyết trải qua dòng lịch sử mà vẫn không bị lịch sử chi phối hay có nguy cơ phai nhạt dần” (85).

Nói tóm lại, học thuyết xã hội giúp người môn đệ Chúa “dĩ bất biến” – lấy ánh sáng bất biến của Lời Chúa soi chiếu vào hoàn cảnh lịch sử luôn thay đổi – để “ứng vạn biến” – tìm ra các ứng phó với mọi sự thay đổi, đổi thay, thiên biến vạn hóa trong dòng đời.

NHỮNG NGUYÊN TẮC SUY TƯ

Chương ba của Tài liệu Hướng dẫn bàn về “‘những nguyên tắc bền vững’ và ‘những giá trị nền tảng’ không bao giờ được bỏ qua trong khi giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo hội” (29).

“Những nguyên tắc suy tư” được cả đức Phaolô VI và đức Gioan Phaolô II nhắc đến (Tông thư Bát thập niên, 4; Thông điệp Quan tâm tới những Vấn đề Xã hội, 8,41), xem đó là là một trong ba thành tố của giáo huấn xã hội.

“Những nguyên tắc suy tư của học thuyết xã hội của Giáo hội, với tính cách là những luật điều chỉnh đời sống xã hội, không độc lập với sự nhìn nhận thật sự những giá trị cơ bản gắn liền với phẩm giá con người. Các giá trị này chủ yếu là: chân lý, tự do, công bình, liên đới, hòa bình, bác ái hay tình thương Kitô giáo” (Tài liệu Hướng dẫn, 43).

Những nguyên tắc này không được rút ra từ một văn kiện duy nhất nào, mà từ toàn bộ các văn kiện mang tính huấn quyền của Giáo Hội. Tài liệu Hướng dẫn viết: “Trong số những nguyên tắc này, những nguyên tắc về nhân vị, công ích, liên đới và tham gia được xem là nền tảng. Còn những nguyên tắc khác thì gắn chặtvà phát xuất từ những nguyên tắc này” (Tài liệu Hướng dẫn, 30).

Sách Tóm lược Học thuyết xem ra có vài điểm chỉnh sửa Tài liệu Hướng dẫn về phần các nguyên tắc[3]:

Bốn nguyên tắc chính các học thuyết xã hội là 1/ Nhân phẩm; 2/ Công ích; 3/ Bổ trợ và 4/ Liên đới còn hai nguyên tắc phụ là “mục tiêu phổ thông của mọi tài sản” hệ luận rút ra từ nguyên tắc “công ích” và “tham gia” là hệ luận từ nguyên tắc “bổ trợ”.

Còn Tài liệu Hướng dẫn thì xếp thứ tự các nguyên tắc như sau: Nhân vị (31), Công ích (37), Liên đới và Bổ trợ (38), Tham gia (40), Mục tiêu phổ quát của các tài nguyên (42).

NHỮNG TIÊU CHUẨN PHÁN ĐOÁN

“Học thuyết xã hội của Giáo Hội có mục đích thông truyền kiến thức không chỉ có tính lý thuyết mà còn thực tế và có khả năng hướng dẫn hoạt động mục vụ. Chính vì thế mà ngoài những nguyên tắc bền vững để suy tư, Giáo Hội còn cống hiến những tiêu chuẩn để đánh giá tình hình, các cơ cấu và thể chế tổ chức đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và công nghệcũng nhưchính các hệ thống xã hội nữa. […]

“Để có khả năng nhận định một cách đúng đắn về phương diện này, Giáo Hội phải hiểu biết hoàn cảnh lịch sử của địa phương, của quốc gia cũng như quốc tế, hiểu biết bản sắc văn hóa của từng cộng đồng và từng dân tộc. Cho dù dùng hết mọi phương tiện khoa học để hiểu biết thực tại xã hội, chắc chắn là Giáo Hội phải quy chiếu chủ yếu về những giá trị căn bản để có được “những chuẩn mực phán đoán”rất chính xác cho việc biện phân theo tinh thần Kitô giáo. Những chuẩn mực này, theo các tuyên bố chính thức, được bao gồm trong học thuyết xã hội, là không thể thay thế được và vì thế phải làm cho mọi người hiểu biết và đánh giá cao trong việc giảng dạy tại các Chủng viện và các Phân khoa Thần học” (Tài liệu Hướng dẫn, 47).

Tài liệu Hướng dẫn kể ra một số ví dụ về các phán đoán thực tiễn của các văn kiện mang tính huấn quyền: “Rerum Novarum nói đến những nguyên nhân gây bất ổn cho công nhân và xét đến cái “ách” do “một thiểu số những kẻ rất giàu” áp đặt lên họ; Quadragesimo Anno nhận định rằng tình trạng xã hội thời đó thiên về bạo động và các cuộc đấu tranh; Công đồng Vatican II mô tả các tình trạng bất quân bình trong thế giới ngày nay và kết luận bằng cách khẳng định rằng các tình trạng đó dẫn đến sự mất lòng tin, xung đột và thảm họa chống lại con người;Populorum Progressio không ngại tuyên bố về tình trạng bất công giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển;Laborem Exercens nói rằng hiện nay vẫn còn những hệ thống ý thức hệ khác nhau là nguyên nhân gây nên các tình trạng bất công hiển nhiên;Sollicitudo Rei Socialis phê phán việc phân chia thế giới thành hai khối (Đông-Tây), từ đó nảy sinh những hậu quả tiêu cực cho các nước đang phát triển” (Tài liệu Hướng dẫn, 49).

NHỮNG CHỈ DẪN HÀNH ĐỘNG

“Học thuyết xã hội của Giáo Hội, với tính cách kiến thức lý thuyết-thực hành, nhằm hướng đến việc Phúc âm hóa xã hội. Như vậy, học thuyết nhất thiết bao hàm lời mời gọi tham gia hoạt động xã hội bằng cách đưa ra, cho các tình huống khác nhau, những chỉ dẫn thích ứng được gợi hứng từ những nguyên tắc nền tảng và những tiêu chuẩn phán đoán, đã được diễn giải ở trên. Hành động được đề nghị không được suy diễn một cách tiên thiên một lần cho tất cả từ những suy xét triết lý và luân lý. Thay vào đó, nó được xác định tùy từng trường hợp bằng sự biện phân Kitô giáo về thực tạiđược giải thích dưới ánh sáng của Tin Mừng và giáo huấn xã hội của Giáo Hội, giáo huấn này lại được cập nhậtở mỗi thời khắc lịch sử. Do đó, thật là một sai lầm nghiêm trọng về lý thuyết cũng như về phương pháp luận nếu, trong việc giải thích các vấn đề của mỗi giai đoạn lịch sử, người ta không quan tâm đến kinh nghiệm phong phú mà Giáo Hội thủ đắc và diễn tả trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Vì lý do đó, tất cả các Kitô hữu cần phải tự đặt mình trước những tình hình mới với một lương tâm được đào tạo kỹ theo các đòi hỏi đạo đức của Tin Mừng và với một cảm thức xã hội đích thực Kitô giáo đã chín chắn nhờ tích cực học tập những tài liệu Huấn quyền khác nhau được công bố[người viết nhấn mạnh]” (Tài liệu Hướng dẫn, 54).

Việc thủ đắc “một lương tâm được đào tạo kỹ theo các đòi hỏi đạo đức của Tin Mừng và với một cảm thức xã hội đích thực Kitô giáo”, có thể gọi ở đây là “lương tâm xã hội”, không phải chỉ là thuộc lòng các nguyên tắc và giá trị xã hội mà bằng cách nhìn xem Giáo Hội đã sử dụng các nguyên tắc và giá trị bền vững để hình thành những phán đoán cụ thể. Bằng cách học nhìn xem những phán đoán cụ thể, nhận ra các nguyên tắc và giá trị ẩn chứa bên dưới, người Kitô hữu sẽ hình thành một cảm thức về các vấn đề xã hội theo cách tiếp cận Công Giáo, nói vắn gọn đó là sự đào tạo lương tâm xã hội.

Trong tiến trình đào luyện đó, người Kitô hữu sẽ nhận ra rằng học thuyết xã hội là một cách áp dụng Lời Chúa trong thế giới ngày nay.

HỌC THUYẾT XÃ HỘI LÀ MỘT “CÔNG TRƯỜNG”

“Học thuyết xã hội của Giáo Hội được trình bày như một “công trường”, tại đó công việc luôn luôn diễn ra, chân lý muôn đời thâm nhập và lan toả vào các hoàn cảnh mới, chỉ dẫn những con đường dẫn tới công lý và hòa bình. Đức tin không có ý định giam hãm các thực tại chính trị và xã hội luôn thay đổi trong một khuôn khổ đóng kín. Trái lại, đức tin là chất men tạo ra sự đổi mới và sáng tạo. Giáo huấn này luôn lấy đó làm điểm xuất phát, rồi ‘phát triển qua suy tư được áp dụng vào các tình thế luôn thay đổi của thế giới, dưới lực đẩy của Tin Mừng là nguồn của sự đổi mới’”(Tóm lược Học thuyết, 86).

Học thuyết xã hội là một“công trường”, câu này có thể hiểu trên con đường tiến đến nền văn minh tình thương, “Giáo Hội tiếp tục cụ thể hóa các giáo huấn và các giá trị của học thuyết xã hội Giáo Hội bằng cách đề nghịcác nguyên tắc suy tư và các giá trị bền vững, các tiêu chuẩn để phán đoán và các chỉ dẫn để hành động” (Tài liệu Hướng dẫn, 28).

Thật vậy, Tài liệu Hướng dẫn là văn kiện được phát hành năm 1989, từ đó đến nay đã có nhiều tiến triển trong giáo huấn xã hội, điển hình là trong Thông điệp Centesimus Annus, Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội(có nhiều trưng dẫn văn kiện này), Thông điệp Caritas in Veritate và gần đây nhất, Thông điệp Laudato Si’.

Centesimus Annus được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành nhân kỷ niệm 100 năm thông điệp xã hội đầu tiên. Ngài mời gọi “đọc lại” thông điệp thời danh của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII để tái khám phá vẻ phong phú của các nguyên tắc mà Đức Giáo Hoàng Lêô đưa ra để ứng phó với vấn đề thảm trạng công nhân và nền kinh tế nói chung.

Gần 115 năm sau Rerum Novarum, Giáo Hội biên soạn và tóm lược giáo huấn xã hội thành một bộ tổng lược các giáo huấn xã hội hiện đại của mình. Năm 2004, Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình phát hành quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hộilàm “cẩm nang” tham khảo rất tiện dụng cho mọi tín hữu Công Giáo.

Năm 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI ban hành Thông điệp Caritas in Veritate.“Tình yêu trong chân lý” nghĩa là tình yêu đầy tràn chân lý. Đây là “động lực thúc đẩy chính yếu’’ khiến ta dấn thân phát triển con người. Tình yêu là sức mạnh dẫn dắt ta “can đảm và đại lượng dấn thân trong lĩnh vực công lý và hòa bình”. Chân lý hòa hợp với “kế hoạch Thiên Chúa”. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, con người tìm thấy chân lý. Tình yêu nằm “tại trung tâm giáo huấn xã hội của Giáo Hội”. Tình yêu trong chân lý “là nguyên tắc mà học thuyết xã hội xoay quanh”.

Sau cùng, Thông điệp Laudato Si' về Chăm sóc ngôi Nhà Chung của Chúng ta,do Đức Giáo Hoàng Phanxicôban hành năm 2015, là một “Rerum Novarum” trong thời hiện đại của chúng ta. Thông điệp ngỏ với hết thảy mọi người trên hành tinh này, kêu gọi họ lắng nghe những tiếng than thống thiết của hành tinh, cũng như tiếng kêu gào của người nghèo. Cũng như các thông điệp xã hội trước đó, Laudato Si’ mạnh mẽ phản bác cái ý tưởng hoạt động kinh tế hoàn toàn thuần túy thương mại và kỹ thuật, không phải là vấn đề luân lý, và thị trường và đồng tiền là những vị thần ngự trị trên thương trường. Giáo huấn xã hội nêu rõ mục đích của kinh tế là nhằm cung cấp các nhu cầu chính yếu cho cả nhân loại. Khi lòng dạ con người được sứ điệp Tin Mừng biến cải, con người cần hành động để biến đổi “các cấu trúc tội lỗi”, nghĩa là các cơ cấu xã hội bất công, trở thành “các cấu trúc liên đới”.

Khi soạn thảo văn kiện Hướng dẫn Nghiên cứu và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục,Giáo Hội-Mẹ và Thày nhắm mục đích giáo dục những chủng sinh – các linh mục trong tương lai – thêm chú ý, quan tâm đến nhu cầu của nhân loại và nhờ đó có thể khuyến khích, hướng dẫn giáo dân tham gia vào các sinh hoạt xã hội trong trần thế. Các thông điệp xã hội từ thông điệp xã hội đầu tiên Rerum Novarumcho đến thông điệp xã hội mới nhất Laudato Si’ đều nhằm khuôn đúc mọi Kitô hữu, trong đó có các linh mục và giáo dân, theo gương mẫu Đức Kitô,quan tâm đến người nghèo, người bị áp bức và những người bị lãng quên, bị gạt ra bên lề xã hội.Hãy chú ý hơn nữa đến các vấn đề xã hội và cơ cấu xã hội và hãy quan tâm chăm sóc số phận các anh chị em mình, đặc biệt là “những anh em bé nhỏ nhất” của Đức Kitô (Mt 25, 40).

Tài liệu tham khảo:

1. Congregation for Catholic Education, Guidelines for the Study and Teaching of the Church's Social Doctrine in the Formation of Priests

http://www.iustitiaetpax.va/content/giustiziaepace/en/social-magisterium/guidelines.html

2. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2007

3. “Guidelines for the Study and Teaching of the Church's Social Doctrine in the Formation of Priests”: A Commentary, John N. Schumacher, S.J.

journals.ateneo.edu/ojs/landas/article/download/1066/1096

4. Phan Tấn Thành OP, Đời sống tâm linh XIII: Mang Tin Mừng vào các thực tại trần thế, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2015

Đan Quang Tâm

[1]Phải chăng “học thuyết là một từ “nhạy cảm” bên Trung quốc?

[2]Xem Đời sống tâm linh XIII, trang 45.

[3]Xem Đời sống tâm linh XIII, trang 126 (cước chú 39).