Tiết 7: Nhưng Cứu Chúng Con Cho Khỏi Sự Dữ {1}

Lời cầu xin thứ bảy được "liên kết chặt chẽ" với lời cầu xin thứ sáu "về hình thức và ý nghĩa của nó" {2}. Nó đáp ứng lời cầu xin này như một tiếng vang.

Nhưng đồng thời nó là "một kết thúc tóm tắt ngắn gọn mọi lời cầu xin khác" {3}; bằng một nét duy nhất và cuối cùng, nó tóm lược tất cả các lời cầu xin ấy, và với chúng là lời cầu nguyện tuyệt vời của toàn bộ sáng thế. Đó là lý do tại sao nó chính xác tạo thành một lời cầu xin riêng biệt.

*

Các Giáo Phụ Hy Lạp nói chung hiểu chữ ponèros ở giống đực (ὁ πονηρός - ho ponêros), và nói: "Nhưng cứu chúng con khỏi Ma Qủy" {4}. Theo Cha Lagrange, tốt hơn là theo truyền thống phương Tây và hiểu từ này là trung tính (τὸ πονηρόν [to ponêron]). Trong bản Bẩy Mươi, nơi nó xuất hiện thường xuyên, thực sự nó biểu thị sự xấu hay sự ác, không bao giờ là ma quỷ cả. Cũng thế, Thánh Phaolô viết: ῥύσεται με ὁ ϰύριος ἀπὸ παυτὸς ἔργου πουηροῦ (hrusetai me / ho kurios apo pantos er gou ponêrou) "Chúa sẽ giải thoát tôi khỏi mọi công việc ác xấu (của kẻ thù của tôi)" {5}. Đúng là trong một đoạn văn của Mátthêu{6}, từ này được dùng ở giống đực để chỉ ma quỷ. Nhưng đó là đoạn duy nhất trong Mátthêu đã dùng như thế.

Tuy nhiên, trường hợp dùng duy nhất trên, đối với chúng ta, có vẻ hơi lay chuyển chủ trương của Cha Lagrange. Về phần chúng ta, chúng ta nghĩ rằng ý nghĩa thực sự của lời cầu xin thứ bảy là "Hãy cứu chúng con khỏi sự dữ" và nó không trực tiếp ám chỉ ma quỷ, nhưng vẫn đề cập đến hắn một cách gián tiếp; đến nỗi khi nói rằng, "Hãy cứu chúng con cho khỏi sự dữ", chúng ta cũng nói, mặc dù một cách mặc nhiên, "Hãy cứu chúng con khỏi ma qủy".

Vì hoàng tử của thế gian này là người đứng đầu mọi tà ác, {7} và chính hắn, khi cám dỗ và lật đổ Ađam, đã mang đến cho chúng ta tội lỗi và cái chết và mọi điều xấu khiến chúng ta đau khổ, và trong cuộc thi đấu với Chúa Kitô, hắn vẫn đòi thực hiện trên chúng ta những điều hắn vẫn coi là quyền của hắn. Khi xin cho được cứu khỏi sự dữ, chúng ta xin bằng cùng những chữ và cùng một lúc để được cứu khỏi ách và sự bạo ngược của hắn.

Sự dữ mà chúng ta xin được cứu khỏi rõ ràng là sự dữ luân lý, "mọi loại sự dữ luân lý" {8} mà sự cám dỗ khuyến khích chúng ta phạm.

Platông nhận định một cách không thể nào quên được rằng bị trừng phạt (dù và đặc biệt một cách bất công) tốt hơn là có tội. Thánh Tôma dạy rằng, sự dữ luân lý, hay sự dữ tội lỗi "là sự dữ nổi bật hay sự dữ theo nghĩa cùng cực nhất {9}. Qua nó, tôi thoát khỏi Đức Chúa Trời để không tạo ra được gì, tôi gây thương tích cho Tình Yêu sáng tạo, và tôi đóng đinh Chúa Kitô. Qua nó, nếu tôi không ăn năn, tôi sẽ mất linh hồn. Xin rằng, " Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ," là xin, " Hãy cứu chúng con cho khỏi tội lỗi".

Tuy nhiên, há không có một loại sự dữ nào khác ngoài sự dữ tội lỗi đó ư? Và há lời cầu xin của chúng ta để được cứu khỏi sự dữ bị giới hạn vào một loại sự dữ nhất định, dù đó có thể là sự dữ nổi bật nhất hay sao? Tiếng kêu của chúng ta để được cứu thoát không có giới hạn nào hơn là lòng thương xót của Chúa Giêsu. Ab omni malo, libera nos, Domine. Ab omni peccato, libera nos, Domine. A fulgure et tempestate, a flagello terrae motus, a peste, fame et bello, a morte perpetua libera nos Domine. Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, lạy Chúa. Xin cứu chúng con khỏi mọi tội lỗi, lạy Chúa. Xin cứu chúng con khỏi mọi sấm sét và bão tố, khỏi mọi động đất, mọi bệnh dịch, mọi đói kém và chiến tranh, khỏi cái chết đời đời, lạy Chúa.

Xin cứu chúng con khỏi nỗi buồn sầu vô song khi thấy những người chúng con yêu thương phải chịu đau khổ vô phương cứu chữa. Xin cứu chúng con khỏi bóng tối thiêng liêng. Xin cứu chúng con khỏi nỗi thống khổ, chắc chắn là trạng thái thống khổ mà Chúa Thánh Thần thương xót đặc biệt (há nó không luôn được nói đến trong Kinh Thánh một cách cảm thương đến thế đó ư?). Xin cứu chúng con khỏi địa ngục thiếu thốn trần gian. Xin cứu chúng con khỏi những tra tấn do con người hoặc do những chứng bệnh ác độc nhất gây ra.

Ở hàng thứ hai, chắc chắn thế - vì chúng là sự dữ theo một ý nghĩa kém triệt để và ít ghê sợ hơn – sự dữ đau khổ và sự dữ đau đớn cũng được bao gồm trong lời cầu xin cuối cùng của Kinh Lạy Cha.

Đây là điều Thánh Augustinô nghĩ khi ngài viết: nói xin cứu chúng con khỏi sự dữ hay nói như Thánh Vịnh gia thì cũng như nhau: " xin cứu con khỏi các kẻ thù của con, xin bảo vệ con khỏi những kẻ nổi dậy chống lại con" {10}. Thánh Augustinô giải thích thêm rằng bất kể người Kitô hữu chịu nỗi buồn khổ nào, lời cầu xin cuối cùng của Kinh Lạy Cha đều nhắc nhở họ rằng họ được tạo nên vì điều tốt này là họ sẽ không còn chịu bất cứ sự dữ nào nữa, và nó cũng cho họ thấy mục tiêu mà những rên rỉ và khóc than của họ nên nhắm tới{11}.

Vào thời Trung Cổ, người ta không để cho quan điểm của Thánh Augustinô rơi vào quên lãng. Nhân lời cầu xin thứ bẩy trong tác phẩm nhỏ của Thánh Tôma về Kinh Lạy Cha {12}, chúng ta đọc thấy “Chúa dạy chúng ta xin một cách chung chung được cứu khỏi mọi sự dữ, tội lỗi, bệnh tật, nghịch cảnh, phiền não…. Người cứu chúng ta khỏi các phiền não hoặc bằng cách miễn chúng cho chúng ta, một điều ngoại thường và chỉ liên quan đến những người quá yếu đuối - hoặc bằng cách an ủi chúng ta (Nếu Thiên Chúa không an ủi, không ai có thể đứng vững. Chúng ta đã phải chịu đựng quá mức, quá sức chúng ta {13} nhưng Thiên Chúa, Đấng an ủi người khiêm tốn, sẽ an ủi chúng ta '{14}) - hoặc bằng cách ban cho chúng ta những điều tốt đẹp cao hơn - hoặc bằng cách thay đổi chính nỗi thống khổ thành điều tốt qua sự nhẫn nại{15}; các nhân đức khác quả tình phục vụ những điều tốt đẹp, nhưng đức nhẫn nại làm sự dữ sinh lợi, và chính trong các sự dữ, nghĩa là trong các nghịch cảnh, mà nó cần thiết"{16}.

Máu của Chúa Kitô đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi; nhưng sự giải thoát này sẽ chỉ được thực hiện đầy đủ, cho mỗi người, vào lúc cuối đời - và với điều kiện họ không từ chối ơn thánh. Và đồng thời, chúng ta sẽ được cứu thoát khỏi mọi sự dữ thuộc bất cứ loại nào. Và vào ngày phục sinh, khi tất cả sẽ được nên trọn và Chúa Giêsu sẽ phục hồi mọi sự trong tay Cha Người, các trời mới và đất mới sẽ nhẩy mừng hân hoan vì vĩnh viễn được hoàn toàn thoát khỏi mọi tội lỗi và chết chóc, và khỏi mọi thống khổ và phiền não.

*

Có thể nói lời cầu xin cuối cùng của Kinh Lạy Cha quay lại ba lời cầu xin đầu tiên. Giống như chúng, nó hàm ngụ một ý nghĩa cánh chung tối hậu. Giống như chúng, nó sẽ chỉ hoàn toàn được thể hiện ở bên kia thế giới này và lịch sử của nó. Nó nêu lên sự phản kháng của nó chống lại sự dữ trong tất cả các biên độ của nó và dưới mọi hình thức của nó, chống lại gốc gác sự dữ, cũng như chống lại sự đe dọa của sư dữ ẩn nấp khắp mọi nơi, và chống lại đế chế sự dữ vốn cản trở thế giới trong cuộc đấu tranh chống lại sự dữ trong mọi ý nghĩa của hạn từ, mà sự thất bại cuối cùng sẽ đánh dấu sự chiến thắng của Đấng Thánh Thiên Chúa, của Nước Thiên Chúa và của thánh ý Thiên Chúa.

Khi chúng ta đọc lời cầu xin thứ bảy, điều trên môi miệng chúng ta là khát vọng sâu sắc nhất cho chính chốn sâu thẳm của tạo vật để được cứu thoát một cách siêu nhiên khỏi mọi thiếu sót và thất bại mà khả thể của chúng, một vũ trụ của bản chất được tạo dựng chắc chắn mang theo. Và chúng ta không chỉ cầu nguyện cho chính mình mà còn cho toàn bộ sáng thế, "rên siết và quằn quại như sắp sinh nở,... trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con” {17}.

Lời cầu xin cuối cùng của Kinh Lạy Cha không chỉ có ý nghĩa luân lý mà còn có ý nghĩa siêu hình và vũ trụ. Nó có những tiếng vang vô tận.

_______________________________________________________________________

{1} Alla hrusai hêmas apo tou ponêrou.--Mt. 6:13.

{2} Lagrange, Evang. selon saint Matthieu, p. 131, n. 13.

{3} Thánh Cyprianô, De Oratione Domin. n. 27, P.L., 4, 537.

{4} Đây là kiểu dịch theo Bible de Jérusalem (Paris: Editions du Cerf, 1956), p. 1296.

{5} 2 Tm. 4:18.

{6} Mt. 13:19.

{7} Thánh Tôma Aquinô, Sum. theol., III, 8, 7.

{8} Lagrange, Đã dẫn.

{9} Xem Thánh Tôma, Sum. theol., I, 48, 6.

{10} Qui dicit, Erue me ab inimicis meis, Deus, et ab insurgentibus in me libera me (Ps. 58:2), quid aliud dicit quam, libera nos a malo? (khi người ta đọc: ôi lạy Chúa, xin cứu con khỏi các kẻ thù của con; xin bảo vệ con khỏi những người nổi lên chống lại con, điều này đâu có nghĩa gì khác hơn là đọc: xin cứu chúng con khỏi sự dữ?) Thánh Augustinô, Ad Probam, P.L., 33, 503 (n. 22).

{11} "Cum dicimus, Libera nos a malo, nos admonemus cogitare, nondum nos esse in eo bono ubi nullum patiemur malum. Et hoc quidem ultimum quod in dominica oratione positum est, tam late patet, ut homo christianus in qualibet tribulatione eonstitutus in hoc gemitus edat, in hoc lacrymas fondat, hinc exordiatur, in hoc immoretur, ad hoc terminet orationem." (Khi chúng ta đọc: xin cứu chúng con khỏi sự dữ, chúng ta khuyên mình nhận ra điều này: chúng ta chưa được hưởng tình trạng trong đó ta không phải cảm nghiệm sự dữ. Và lời cầu xin này, một lời cầu xin nằm ở cuối Kinh Lạy Cha, có tính tổng hợp đến nỗi, người Kitô hữu, bất luận gặp phiền não nào, cũng có thể, trong khi dùng nó, nói lên các rên rỉ của mình và tìm được lối thoát cho dòng nước mắt của minh, họ có thể bắt đầu với lời cầu xin này, tiếp tục với nó và kết thúc lời cầu nguyện với nó) Ibid., cap. 11, n. 21, col. 502. Chúng tôi đã giữ nghĩa của đoạn này bằng cách viết tắt. -- Xem ibid., cap. 14, n. 26, col. 504: In his ergo tribulationibus quae possunt et prodesse et nocere, quid oremus, sicut oportet, nescimus; et tamen quia dura, quia molesta, quia contra sensum nostrae infirmitatis sunt, universali humana voluntate, ut a nobis haec auferantur, oramus." (Chúng ta không biết phải cầu xin điều gì cho xứng liên quan đến các phiền não của mình, những phiền não có thể tốt cho chúng ta mà cũng có thể gây hại cho chúng ta; ấy thế nhưng vì chúng khó chịu và đau đớn, và đi ngược lại các cảm quan tự nhiên của bản tính yếu đuối của chúng ta, nên chúng ta cầu xin với ước nguyện chung của nhân loại, để chúng được lấy đi khỏi chúng ta).

{12} "Ở đây, Thánh Tôma nại tới thế giá của Thánh Augustinô, nhưng không nhắc đến ngài. Đối với chúng ta, hình như có điều chắc đây là một vấn đề trong thư Ad Probam vì một trong các đoạn (cap. 11, n. 21) của lá thư mà chúng ta nhắc đến này đã được trích dẫn trong Catena aurea liên quan tới lời cầu xin thứ bẩy của Kinh Lạy Cha.

{13} 2 Cr. 1:8.

{14} Ibid., 7:6.

{15} Xem Rm. 5:3.

{16} In Orat. Domin. Expositio (Marietti), n. 1102 (cô đọng).

{17} Rm. 8:22-23.

Còn 1 kỳ: Chương IV: Lời Kinh của Chúa Giêsu