Ngày 12.2.2019, một phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo và dân sự đã vượt biên giới và tiến lên Triều Tiên trong dịp Tết Nguyên Đán, để tạo quan hệ tin tưởng và đưa ra những dự án và hợp tác trong nhiều lãnh vực như du lịch, văn hóa, tôn giáo, giáo dục, thể thao và nghệ thuật với việc trao đổi sinh viên, giáo chức.

Phái đoàn gồm 250 người Hàn quốc gồm các vị lãnh đạo tôn giáo chính cùng với các thành phần nhóm dân sự gồm phụ nữ, thanh niên, hiệp hội canh nông, kinh tế, môi sinh, đại học và phong trào hòa bình. Đức Tổng Giám Mục Hyginus Kim Hee-joong, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn quốc và các vị lãnh đạo thuộc phong trào hòa giải Hàn quốc - Triều tiên.

Đây là biến cố vượt biên giới lần đầu tiên của năm 2019 và đó là kết quả của những hội họp giữ các thành phần của Chính phủ Miền Bắc và Hội đồng Hàn quốc về Hòa giải và Hợp tác của chính phủ Seoul. Tổng trưởng Bộ Thống nhất tại Seoul thông báo, Hàn quốc đã chấp thuận hơn ngàn thỉnh nguyện của công dân từ giữa năm 2017 xin phép được tiếp xúc với Triều Tiên, gia tăng những gặp gỡ về khía cạnh thể thao, văn hóa và tôn giáo.

Ông Kim Hong-qul, Chủ tịch Hội đồng Hàn quốc về Hòa giải và Hợp tác nhấn mạnh đến sự quan trọng của đối thoại và cộng tác trong diễn trình hai quốc gia tiến gần nhau. Mục tiểu của Hội đồng là hỗ trợ chính sách tham gia và hòa giải đã khởi đầu từ năm 2000 do Tổng thống Kim Dae-jung. Nhiều cuộc trao đổi và gặp gỡ dân sự giữa hai quốc gia đã xảy ra vào năm 2018, khi Tổng thống Moon Jae-in và Kim Jong-un gặp nhau 3 lần vào tháng Tư, tháng Năm và tháng Chín.

Nhân dịp Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in đi thăm Italia và Vatican ngày 17 và 18 tháng 10 năm 2018. ĐHY Andrew Yeom Soo-jung tuyên bố: “Tôi rất hài lòng và phấn khởi biết rằng Tổng thống Moon Jae-in trao sứ điệp của Chủ tịch Kim Jong-un cho Đức Thánh Cha Phanxicô, ước ao được mời Đức Thánh Cha thăm Pyongyang.” Đức Hồng Yeom nói: Đức Thánh Cha luôn lo lắng về an ninh của bán đảo và ngài nhớ đến Hàn Quốc và Triều tiên trong lời nguyện khi xảy ra những biến cố quan trọng trong lịch sử gần đây. Tôi mong rằng những cố gắng này sẽ giúp xây dựng hòa bình chân chính tại bán đảo Hàn quốc. Với tư cách là Giám quản Tông toà Pyonyang, tôi thành thực cầu nguyện cho những ngày sắp tới để có thể gửi linh mục và tu sĩ lên miền Bắc và cử hành Bí tích chung tại Triều Tiên.”

Cộng đoàn Công Giáo tại Triều Tiên được gọi là “Giáo hội Thầm lặng” kể từ năm 1948, chế độ Triều tiên bắt đầu giảm bớt những dấu vết của đức tin, đóng cửa nhà thờ, đưa những giáo sĩ và giáo dân vào trại cải tạo. Tính đến năm 1950, Triều tiên có 55 ngàn tín hữu và 57 nhà thờ, với các thừa sai, trường học Công Giáo và hoạt động mục vụ khởi sắc. Hôm nay không có Giám mục Công Giáo hoặc tu sĩ. Từ năm 1989, chế độ thay đổi chính sách nên đã công nhận “Hội Công Giáo” và “Liên đoàn Kitô” với khoảng 3 ngàn giáo dân dưới sự kiểm soát của chính phủ. Nhiều linh mục Hàn Quốc đã lên Triều Tiên trong những năm qua, quả quyết có sự hiện diện của tín hữu nam nữ sống đức tin cách thầm lặng và riêng tư tại Triều Tiên.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP