1. Cây thánh giá lớn nhất trên thế giới là ở Colombia

Cho mãi đến gần đây, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng cây thánh giá lớn nhất trên thế giới là một cây thánh giá cao 28 foot, tức là 8.5m, ở Indian River, Michigan. Cây thánh giá cao chót vót này có tên “Thánh giá giữa rừng cây” là tác phẩm của nhà điêu khắc người Mỹ Marshall Fredericks, được xây dựng vào năm 1959 để linh hứng hàng ngày cho những người sống xa nhà thờ.

Tuy nhiên, Bộ Văn Hóa của Colombia vừa cho biết thật ra cây thánh giá có tượng Chúa Kitô dài 262 foot, tức là 80m, nằm trên nóc một nhà thờ tại quốc gia này mới là cây thánh giá lớn nhất thế giới.

Tại thị trấn Huila, khoảng dặm mười bên ngoài thành phố Neiva, Colombia, một cây thánh giá khổng lồ dài 80m được đặt dài trên nóc nhà nguyện tại công viên Parque Espiritual La Sangre de Cristo, nghĩa là Máu Châu Báu Chúa Kitô.

Trong Tuần Thánh và những ngày quan trọng khác theo lịch Công Giáo, công viên thu hút đông đảo các tín hữu và khách hành hương. Ngoài việc tham dự Thánh lễ tại nhà nguyện họ còn đến để thưởng ngoạn tác phẩm điêu khắc Chúa Kitô khổng lồ, vẻ đẹp tự nhiên của khu vực, và các điểm tham quan khác trong công viên này.

Vì cây thánh giá ở Colombia thực sự nằm phẳng thay vì thẳng đứng vuông góc với mặt đất, cho nên các nhà nghiên cứu ở Mỹ vẫn cho rằng cây thánh giá “giữa rừng cây” ở Michigan trên thực tế vẫn có thể coi là cây cao nhất thế giới. Nhưng lớn thì không thể lớn bằng cây thánh giá của Colombia.


Source:Aleteia

2. Giáo phận Brooklyn kiện tiểu bang New York về những hạn chế mới trong Thánh lễ

Giáo phận Brooklyn đang kiện tiểu bang New York về những hạn chế mới liên quan đến thánh lễ trong nhà ở Thành phố New York. Lệnh mới chỉ cho có 10 người bất kể nhà thờ lớn nhỏ cỡ nào trong khi hàng trăm người được phép vào bên trong các cửa hàng.

Giáo phận cáo buộc rằng các hạn chế sức khỏe mới do Thống đốc Andrew Cuomo đưa ra ở Queens và Brooklyn trong bối cảnh có sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus mới là “tùy tiện” bất kể các nhà thờ đã làm việc với các quan chức y tế công cộng vào đầu mùa hè để mở cửa trở lại một cách an toàn.

“Nếu sắc lệnh hành chánh mới nhất này không được rút lại, đa số giáo dân sẽ không thể tham dự Thánh Lễ vào các ngày Chúa Nhật tới, mặc dù Giáo Phận đã làm tất cả mọi thứ để bảo đảm các điều kiện an toàn trong các nhà thờ,” ông Randy Mastro, luật sư của giáo phận, nói.

“Do đó, cộng đồng tôn giáo này sẽ bị từ chối quyền cơ bản nhất của mình – là quyền tự do thực hành niềm tin tôn giáo - mà không có lý do chính đáng nào cả”.

Đầu tuần này, Cuomo đã giới hạn các cử hành tôn giáo trong nhà ở Brooklyn và Queens ở mức tối đa 10 người ở những khu vực được coi là bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi coronavirus, và 25 người ở một số khu vực khác.

Giáo phận Brooklyn đã cùng với tất cả các giáo phận Công Giáo khác của Hoa Kỳ tạm dừng các thánh lễ công cộng vào tháng 3 để giúp làm chậm sự lây lan của virus. Các nhà thờ đã đóng cửa trong suốt 16 tuần cho đến ngày 5 tháng 7 khi tiểu bang và thành phố cho phép mở cửa trở lại với các biện pháp phòng ngừa.

Đức Cha Nicholas DiMarzio, Giám mục Brooklyn, nói rằng các nhà thờ trong giáo phận tuân thủ nghiêm nhặt các biện pháp phòng ngừa mới bao gồm việc những người tham dự Thánh lễ phải đeo khẩu trang y tế và ngồi cách nhau ít nhất sáu feet.

“Các lệnh mới trong tuần này khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác hơn là đưa vụ việc ra tòa,” Đức Cha DiMarzio tuyên bố hôm thứ Năm. Vị giám mục gọi đó là thái độ “xúc phạm của tiểu bang và một lần nữa trừng phạt tất cả những ai đã thực hiện rất tốt công việc phòng ngừa trong các nhà thờ.”

Hôm thứ Hai Coumo đã đe dọa đóng cửa các cơ sở tôn giáo nếu họ không đồng ý với lệnh mới của ông ta, và dọa phạt 15,000 Mỹ kim nếu thấy nhà thờ nào có đến người thứ 11.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Becciu tuyên bố những cáo buộc chống lại ngài là 'hoàn toàn sai sự thật'

Giữa cao trào tung ra ngày càng nhiều những cáo buộc, với các tình tiết ly kỳ ảnh hưởng đến thanh danh Giáo Hội, Đức Hồng Y Angelo Becciu đã ra một tuyên bố cho rằng những cáo buộc chống lại ngài là ‘hoàn toàn sai sự thật’.

Trong một tuyên bố báo chí được đưa ra thông qua luật sư của mình vào ngày 7 tháng 10, cựu quan chức thứ ba của Vatican, chỉ sau Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã phủ nhận một loạt các cáo buộc được đưa ra trên các phương tiện truyền thông Ý sau khi ngài được yêu cầu từ chức và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y một cách đầy kịch tính hôm 24 tháng 9 vừa qua.

Ngài đã bác bỏ cáo buộc gần đây nhất, được tung ra vào tuần này, theo đó ngài đã chuyển tiền của Vatican mà không có sự giám sát thích hợp cho một phụ nữ 39 tuổi cư ngụ ở đảo Sardinia, quê hương của ngài.

“Các liên hệ với Cecilia Marogna hoàn toàn chỉ liên quan đến việc công,” vị Hồng Y cho biết trong tuyên bố được đưa ra bởi Fabio Viglione, người đại diện cho ngài sau khi luật sư trước đây của ngài, là Ivano Iai, từ chức.

Tuyên bố cũng phủ nhận việc Đức Hồng Y Becciu đã tìm cách can thiệp vào phiên tòa xét xử Đức Hồng Y George Pell tại Úc.

Truyền thông Ý tuần trước đưa tin Đức Hồng Y Becciu đã chuyển 700,000 euro từ tài khoản ở Vatican sang một tài khoản ở Úc trong thời gian xảy ra phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell. Hai vị Hồng Y này được tường thuật là đã xung đột về tài chính của Vatican khi Hồng Y Becciu là quan chức thứ hai trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Hồng Y Pell là Tổng trưởng Bộ Kinh tế.

Đức Hồng Y Becciu, cho đến gần đây là tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, cũng phủ nhận một số cáo buộc khác, và khẳng định rằng ngài không tham gia vào bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào.

“Đức Hồng Y Becciu lặp lại rằng các cáo buộc chống lại ngài được lan truyền trên báo chí đều hoàn toàn không đúng sự thật và xác nhận rằng ngài không hề tham gia vào bất kỳ vấn đề bất hợp pháp nào,” tuyên bố cho biết.

“Ngài đang chờ đợi với tâm hồn thanh thản kết quả của mỗi một cuộc đánh giá, trong bất kỳ diễn đàn nào. Cuối cùng các cuộc điều tra ấy sẽ xác nhận lòng trung thành của ngài với Đức Thánh Cha và Giáo hội”.

Thật là một điều đáng mừng nếu các nhà điều tra cuối cùng chứng minh được là Đức Hồng Y Becciu. Cho đến nay, vụ tai tiếng này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh của Giáo Hội.


Source:Catholic News Agency

4. Chương thứ bẩy của thông điệp Fratelli Tutti : Những nẻo đường của cuộc gặp gỡ đổi mới

Tiếp tục giới thiệu thông điệp thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô có tựa đề “Fratelli Tutti”, nghĩa là “Tất Cả Là Anh Em”, trong chương trình này, Kim Thúy xin gởi đến quý vị và anh chị em chương thứ bẩy của thông điệp này.

Giá trị và việc cổ vũ hòa bình được phản ảnh trong chương thứ bảy, “Những nẻo đường của cuộc gặp gỡ đổi mới”, trong đó Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hòa bình được nối kết với sự thật, công lý và lòng thương xót. Khác xa mong muốn báo thù, nó “chủ động” và nhằm tạo ra một xã hội dựa trên việc phục vụ người khác và theo đuổi sự hòa giải và phát triển lẫn nhau. Đức Thánh Cha viết rằng trong một xã hội, mọi người phải cảm thấy “như ở nhà”. Vì vậy, hòa bình là một “nghệ thuật bao gồm và liên quan đến mọi người và trong đó mỗi người phải thực hiện phần việc của mình”. Đức Thánh Cha viết tiếp: Xây dựng hòa bình là “một nỗ lực luôn có đó, một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc”, và do đó điều quan trọng là phải đặt con người, phẩm giá của họ và lợi ích chung ở trung tâm của mọi hoạt động. Tha thứ gắn liền với hòa bình: Thông điệp viết, chúng ta phải yêu thương mọi người, không trừ ai, nhưng yêu một kẻ áp bức có nghĩa là giúp họ thay đổi và không để họ tiếp tục áp bức người lân cận. Ngược lại: người chịu bất công phải mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của mình để duy trì phẩm giá của mình, vốn là một hồng phúc của Thiên Chúa. Tha thứ không có nghĩa là miễn trừng phạt, mà đúng hơn là công lý và tưởng nhớ, vì tha thứ không có nghĩa là quên đi, mà là từ bỏ sức mạnh hủy diệt của cái ác và khát vọng trả thù. Đức Thánh Cha khuyên: Đừng bao giờ quên những “nỗi kinh hoàng” như vụ Shoah, tức là vụ diệt chủng người Do Thái, vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, các cuộc đàn áp và thảm sát sắc tộc. Chúng phải luôn được tưởng niệm, một lần nữa, để ta không bị gây mê và giữ cho ngọn lửa của lương tâm tập thể luôn sống động. Điều cũng quan trọng là phải nhớ đến những người tốt, và những người đã chọn sự tha thứ và tình huynh đệ.

Do đó, một phần của chương thứ bảy tập trung vào chiến tranh: Đức Phanxicô nhấn mạnh, nó không phải là “bóng ma từ quá khứ mà là một mối đe dọa thường xuyên”, và nó đại diện cho “việc phủ nhận mọi thứ quyền”, “một sự thất bại của chính trị và của nhân loại “, và “thất bại nhức nhối trước các thế lực của cái ác” vốn nằm trong “vực thẳm “của chúng. Hơn nữa, vì vũ khí hóa học và sinh học hạt nhân đã tấn công nhiều thường dân vô tội, ngày nay chúng ta không thể nghĩ đến khả thể diễn ra “cuộc chiến tranh chính nghĩa” như trước nữa, mà phải kịch liệt khẳng định lại: “Không bao giờ có chiến tranh nữa!” Và xét rằng chúng ta đang trải qua một “cuộc chiến tranh thế giới từng phần”, vì tất cả các cuộc xung đột đều có liên hệ qua lại với nhau, việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là “một mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo”. Thay vào đó, Đức Thánh Cha đề nghị thành lập một quỹ hoàn cầu để xóa đói bằng số tiền đầu tư vào vũ khí.

Hình phạt tử hình không thể chấp nhận được, phải được bãi bỏ

Đức Phanxicô bày tỏ quan điểm rõ ràng đối với án tử hình: nó không thể chấp nhận được và phải được bãi bỏ trên toàn thế giới, vì Đức Thánh Cha viết, “ngay một kẻ giết người cũng không đánh mất phẩm giá bản vị của họ và chính Thiên Chúa cam kết bảo đảm điều này”. Do đó, có hai lời khuyên bảo sau đây: Đừng nên coi hình phạt như có tính báo thù, mà đúng hơn như một phần của quá trình hàn gắn và tái hòa nhập xã hội, và cải thiện các điều kiện của nhà tù, tôn trọng nhân phẩm của tù nhân, và xem xét điều này “án chung thân là một hình phạt tử hình bí mật”. Người ta nhấn mạnh đến việc cần thiết phải tôn trọng “tính thánh thiêng của sự sống” trong khi hiện nay “một số thành phần trong gia đình nhân loại của chúng ta, dường như, sẵn sàng có thể chịu hy sinh”, chẳng hạn như trẻ chưa sinh, người nghèo, người tàn tật và người già.


Source:Vatican News