Andreas Illmer của BBC News vừa có bài (https://www.bbc.com/news/world-asia-54097609) nói về việc nhiều nước Á Châu mong Donald Trump cai trị Hoa Kỳ thêm 4 năm nữa.



Ký giả trên cho rằng Donald Trump không phải là một tổng thống Hoa Kỳ o bế sự ủng hộ quốc tế. Với chính sách “Nước Mỹ trước nhất”, ông ta rõ ràng sỉ vả cả một nửa thế giới, từ việc gọi các nhà lãnh đạo Âu Châu là yếu đuối đến việc mô tả người Mễ Tây Cơ là những tên hiếp dâm, thậm chí coi thường toàn bộ lục địa Phi Châu.

Nhưng đối với một số quốc gia Đông Nam Á, có chung một kẻ thù là Trung Hoa có nghĩa là họ sẵng sàng đứng sau lưng ủng hộ ông ta.

Hồng Kông: ‘Chỉ có Trump mới dám đánh Đảng Cộng Sản’

Hồng Kông vốn bị đàn áp dữ dội sau những cuộc biểu tình phò dân chủ và chống Trung Hoa của họ. Luật mới về an ninh đã được đem tới để trừng phạt bất cứ ai bị coi là theo thuyết ly khai hay phá hoại luật lệ của Bắc Kinh.

Erica Yuen nói với BBC, "Khi Donald Trump đắc cử cách đây 4 năm, tôi nghĩ nước Mỹ đã phát khùng. Tôi luôn là người ủng hộ đảng Dân chủ. Tuy nhiên, giờ đây, tôi ủng hộ Trump - cùng với rất nhiều người biểu tình Hồng Kông".

Nhà hoạt động và nữ doanh nhân này nói rằng ưu tiên của Hồng Kông là có được một tổng thống Mỹ, dám "đấm vào Đảng Cộng sản Trung Quốc - đó là điều duy nhất mà những người biểu tình ở Hồng Kông hy vọng".

Những hy vọng này đã được nuôi dưỡng bởi những lời chỉ trích lớn tiếng của Tổng thống Mỹ đối với Trung Quốc, đặc biệt đối với Hồng Kông.

Dưới nhiệm kỳ của ông, Quốc hội đã thông qua luật thu hồi quy chế đặc biệt của Hồng Kông, vốn ưu đãi cho nước này về kinh tế vì họ cho rằng Hồng Kông không còn "tự trị" nữa. Các biện pháp chế tài cũng được áp dụng đối với người đứng đầu ngành hành pháp của Hồng Kông là Carrie Lam và 10 viên chức hàng đầu khác của Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Đối thủ của ông Trump, Joe Biden, cũng tuyên bố sẽ "trừng phạt" Trung Quốc vì các hành động chống lại Hồng Kông, và đã gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là một "kẻ côn đồ".

Nhưng đối với bà Yuen, điều tạo nên sự khác biệt là chính phủ hiện tại là "chính phủ đầu tiên quyết định rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là một mối nguy hại cho thế giới".

"Tôi không biết tại sao chính phủ Obama và Clinton lại không nhận ra điều đó. Họ quá ngây thơ và nghĩ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ chọn con đường dân chủ và trở thành một xã hội hiện đại. Nhưng điều đó đã được chứng minh là không đúng."

Bà rất biết Hồng Kông sẽ bị tổn thương trước bất cứ tác động kinh tế nào do xung đột giữa Washington và Bắc Kinh gây ra.

Bà nói: “Bạn không thể làm hại Đảng Cộng sản Trung Quốc mà không làm hại Hồng Kông. Nhưng chúng tôi sẵn sàng chịu bất cứ đau khổ ngắn hạn nào, chúng tôi sẵn sàng hy sinh."

Trong khi bà nói rằng phần lớn các nhà hoạt động - đặc biệt là những người trẻ tuổi - chia sẻ quan điểm của bà, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nói chung, ông Trump nhận được những đánh giá khá lẫn lộn ở trong nước. Trong một cuộc thăm dò gần đây, gần một nửa trong số những người được thăm dò cho rằng họ dành cho ông một đánh giá "kém", với nhiều người nói rằng việc Washington xử lý đại dịch coronavirus đã ảnh hưởng đến danh tiếng của ông.

Đài Loan: 'Một người anh lớn mà chúng tôi có thể nương tựa’

Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và đảo Đài Loan. Hai bên bị chia cắt trong cuộc nội chiến ở thập niên 1940, nhưng Bắc Kinh khăng khăng cho rằng họ sẽ giành lại đảo quốc vào một thời điểm nào đó, bằng vũ lực nếu cần. Washington nói rằng bất cứ giải pháp nào về sự chia cắt lâu dài của họ phải được thực hiện một cách hòa bình.

Các thuế quan và chế tài cũng đã gây ấn tượng nơi một số người ở Đài Loan.

Victor Lin, người làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử, nói với BBC từ Đài Loan rằng "Thái độ của Donald Trump tốt cho chúng tôi và thật tốt khi có một đồng minh như vậy. Nó giúp chúng tôi tự tin hơn về đối ngoại – về quân sự và thương mại. Chúng tôi có một người anh lớn mà chúng tôi có thể nương tựa".

Ông Trump chắc chắn đã mở rộng vòng tay với Đài Loan. Trong vài tháng qua, hai chính phủ đã thực hiện các bước quan trọng nhằm hoàn tất một thỏa thuận thương mại song phương.

Ông Linh tin rằng thỏa ước thương mại như vậy sẽ cho phép Đài Loan thoát khỏi sự phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc - có thể tiến xa hơn khi "tích cực mời các công ty lớn của Đài Loan thiết lập nhà máy tại Mỹ".

Ông lo ngại rằng ông Biden có thể không thực hiện các bước "khiêu khích như thế này" khi đối mặt với cơn thịnh nộ của Bắc Kinh. Ông Biden từ trước đến nay được biết đến như là người ủng hộ việc can dự vào Trung Quốc. Mặc dù gần đây ông đã thay đổi lập trường của mình về vấn đề này nhưng chưa đến tai nhiều người Đài Loan; họ vẫn lo ngại sắp xẩy ra một cuộc "xâm lược" của Trung Quốc.

Các hành động của ông Trump để hỗ trợ Đài Loan về mặt quân sự cũng đã củng cố sự ủng hộ ông ở đó. Thực thế, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy Đài Loan là quốc gia duy nhất ở đó, những người muốn ông Trump cai trị thêm bốn năm nữa đông hơn hẳn những người muốn ông Biden chiến thắng.

Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ, cảnh báo Mỹ "không được gửi bất cứ tín hiệu sai trái nào tới các phần tử ' độc lập Đài Loan ' để tránh gây tổn hại nặng nề cho liên hệ Trung - Mỹ".

Việt Nam: 'Dũng cảm đến khinh suất'

Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều đã tham chiến trên đất Việt Nam trong 50 năm qua, nhưng trong khi Mỹ đã được tha thứ phần lớn, thì quốc gia Đông Nam Á này vẫn lo sợ về "mối đe dọa Trung Quốc".

Theo nhà báo và người làm video trên blog Linh Nguyễn, những người ủng hộ Trump của Việt Nam chia thành hai nhóm.

Những người thích ông chỉ đơn giản để giải trí và thích hào nhoáng, và những người "sống chết ủng hộ Ông Trump" và theo dõi chính trị Hoa Kỳ vì họ tin rằng - giống như nhiều người ở Hồng Kông và Đài Loan - ông ấy là thành lũy duy nhất chống lại các chính phủ Cộng sản ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam.

Cả ông Trump lẫn ông Biden đều không nói rõ một chiến lược nào về Việt Nam, và ông Trump đã nói rất rõ rằng ông sẽ không vội can thiệp vào các cuộc xung đột và tranh chấp của các nước khác.

Tuy nhiên, một số người như nhà hoạt động chính trị Nguyễn Hữu Vinh tin rằng chỉ một người như Trump "mới dũng cảm đến mức khinh suất và thậm chí hung hăng" mới thực sự có thể tạo ra sự khác biệt.

"Và đó là điều khiến ông ấy khác biệt với những người tiền nhiệm. Đối phó với Trung Quốc cần những người như vậy."

Khi Donald Trump lên nắm quyền, ông Vinh nói rằng ông cảm thấy thế giới cuối cùng sẽ "thức tỉnh trước những nguy cơ của Trung Quốc" và "hình thức mới của chủ nghĩa tư bản nhà nước cộng sản".

Nhưng cũng có mong muốn cải cách kinh tế và chính trị ở Việt Nam, thoát khỏi chế độ độc đảng cộng sản.

Về mặt cá nhân, ông hy vọng lập trường mạnh mẽ của Hoa Kỳ chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tạo ra hậu quả lan tỏa (ripple effect) toàn bộ khu vực - cuối cùng sẽ đến được Hà Nội.

Nhật Bản: 'Đây là chuyện an ninh quốc gia của chúng tôi'

Nhật Bản từ lâu đã được coi là đối tác và đồng minh quý giá của Mỹ, nhưng khi ông Trump đắc cử, nhiều người tỏ ra lo lắng về tác động của chính sách Nước Mỹ trên hết của ông đối với các mối liên hệ. Ông đã dẹp bỏ một thỏa thuận thương mại đa phương xuyên Thái Bình Dương ngay sau khi nhậm chức và khẳng định Nhật Bản phải trả nhiều tiền hơn để hỗ trợ quân đội Mỹ đóng tại đấy.

Yoko Ishii, một người làm video trên blog dưới tên Random Yoko, nói "Donald Trump là đồng minh của chúng tôi. Đối với Nhật Bản, lý do lớn nhất mà chúng tôi ủng hộ ông ấy là an ninh quốc gia".

Cô lưu ý nhiều cuộc xâm nhập thường xuyên của máy bay và tàu quân sự Trung Quốc vào không phận và hải phận Nhật Bản. Phần lớn những hoạt động này tập trung quanh quần đảo Senkaku đang tranh chấp, được cả Tokyo lẫn Bắc Kinh đòi chủ quyền – Bắc Kinh gọi quần đảo này là quần đảo Điếu Ngư (Diaoyu).

"Chúng tôi thực sự muốn một nhà lãnh đạo từ Mỹ có thể chống lại Trung Quốc một cách mạnh mẽ", cô nói như thế và nói thêm "Tôi không nghĩ ai có thể thẳng thắn và có sự hiện diện mạnh mẽ như vậy – người đó thực sự phải là Donald Trump".

Cô Ishii thấy Nhật Bản trong một thế gần như liên minh với các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á khác, muốn Mỹ hỗ trợ chống lại Bắc Kinh.

Nhưng bất chấp sự ủng hộ nhiệt tình của cô để Trump ở lại Nhà Trắng, những người ủng hộ lớn tiếng như cô chiếm thiểu số ở Nhật Bản. Dù nhìn chung, quan điểm tích cực về Mỹ được đa số chia sẻ, chỉ 1/4 người Nhật đặt niềm tin vào Tổng thống Trump.

Không giống như một số nước láng giềng châu Á của họ, nhiều người hy vọng ông Biden, người được coi là người sẽ tương tác với các đồng minh theo cách mà ông Trump đã không làm, sẽ tái tham gia tiến trình Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và gắn bó chặt chẽ hơn với Tokyo, cả về kinh tế lẫn quân sự.