1. 50 nữ tu của một tu viện ở Ingenbohl, Thụy Sĩ nhiễm coronavirus

Đại dịch coronavirus đang trở lại tấn công Âu châu và trong nhiều dòng tu các tu sĩ cao niên đang là nạn nhân của đại dịch kinh hoàng này. Hôm 11 tháng 11 hãng tin Công Giáo Thụy Sĩ đưa tin cộng đoàn nhà mẹ của các sơ Thánh giá ở Ingenbohl, bang Schwyz, bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch. Hơn 50 sơ đã được xét nghiệm dương tính với coronavirus và một sơ đã qua đời.

Sơ Tobia Ruttimann, Bề trên Giám tỉnh cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã nghĩ đến việc bảo vệ chống lại coronavirus từ mùa xuân, và chúng tôi đang thực hiện một cách nhất quán, nhưng chúng tôi cũng lo ngại. Chúng tôi có nhiều chị em tuổi đã cao. Tuổi trung bình là 81.”

280 nữ tu sống trên đồi Ingenbohl; chỉ có một sơ phải nhập viện, trong khi các sơ khác được điều trị tại chỗ. Các nữ tu có kết quả xét nghiệm dương tính có thể được ra khỏi nơi cách ly trong những ngày tới.

Các sơ ở Ingenbohl không thể tham dự các Thánh lễ mỗi ngày, vì để chống lại sự lây lan của coronavirus, bang Schwyz chỉ cho phép 30 người tham dự Thánh lễ mỗi lần. Ðể ngăn chặn sự lây lan của virus, 9 cộng đồng của tu viện đã được tách biệt với nhau để giúp ngăn ngừa các ca nhiễm mới. Các biện pháp phòng vệ rõ ràng đã có hiệu quả. Mấy ngày gần đây không có ca nhiễm mới, hầu hết các sơ đều khỏi bệnh.

Trước khi làn sóng coronavirus thứ hai bùng phát, tu viện Ingenbohl đã ngưng việc đón tiếp khách hành hương và khách trọ, và chỉ cử hành Thánh lễ trong nội bộ.


Source:20 minutes swiss

2. Tình cảnh của Úc nếu Tổng thống Trump không tái đắc cử

Người dẫn chương trình Sky News, Paul Murray nói rằng nếu Donald Trump mất chức tổng thống, Trung Quốc sẽ bắt đầu tính sổ với Úc. Bình luận của ông được đưa ra liên quan đến các tin tức gần đây theo đó Trung Quốc đã đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng loạt các hàng xuất khẩu của Úc như một áp lực để chính quyền Úc hiện nay phải đổ theo chính quyền Trump.

Ông Murray nói: “Trung Quốc sẽ trừng phạt chúng ta để làm gương cho thế giới thấy về những gì sẽ xảy ra nếu bạn làm họ không hài lòng, những gì sẽ xảy ra nếu bạn đòi hỏi trách nhiệm giải trình của họ đối với các quốc gia khác”.

Úc Đại Lợi chỉ muốn được biết rõ những gì Trung Quốc đã biết về đại dịch ở đất nước của họ. “Chúng ta phải biết tại sao họ đã quyết định ngưng các chuyến bay nội địa từ Vũ Hán, nhưng tại sao các chuyến bay từ Hoa Lục đi khắp thế giới, lại có thể tiếp tục sau đó”.

“Cả một triệu người đã chết vì một bệnh dịch không kiểm soát được ở Trung Quốc. Nhưng Úc Đại Lợi lại đang bị trừng phạt vì chúng ta muốn được giải trình. Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia độc tài, phản ứng với trách nhiệm giải trình… như thể họ nói điều ấy là điều xúc phạm nhất đến cả các bà mẹ của các nhà lãnh đạo. Họ tắt vòi để trừng phạt bạn. Trung Quốc hôm nay đã quyết tâm tìm cách trừng phạt Úc Đại Lợi. Trung Quốc muốn coi Úc là quốc gia bất hảo, một tấm gương cảnh cáo thế giới mà muốn gởi đến nước Mỹ của Biden và nước Anh của Johnson”.

Trong khi đó, Trình Tĩnh Nghiệp (Cheng Jingye, 程静业) Đại Sứ Trung Quốc tại Úc, đã lên tiếng tấn công những lời bình luận của bà Bronwyn Bishop, Cựu Chủ tịch Hạ viện Úc Đại Lợi.

Trong một chương trình truyền hình của Sky News Australia vào sáng thứ Sáu 13 tháng 11, bà Bronwyn Bishop nói rằng “Trung Quốc không chỉ xuất khẩu vi rút, mà còn xuất khẩu cả nỗi sợ hãi, và chính ‘yếu tố gây sợ hãi’ đã cho phép các thủ hiến của Úc Đại Lợi kiểm soát dân chúng”.

“Những người hoàn toàn bình thường có thể nghĩ sẽ thu mình vào nỗi sợ hãi, và nghĩ rằng ‘chúng ta cần phải bị nhốt, chúng ta cần bị cách ly ‘hay gì gì đó’”, bà Bishop nói.

Chủ ý của bà Bishop là tấn công Daniel Andrews, thủ hiến của Victoria, vì các biện pháp quá đáng liên quan đến đại dịch coronavirus đang làm điêu đứng nền kinh tế của tiểu bang này. Tuy nhiên, vì bà có nhắc thoáng qua đến Trung Quốc nên chỉ vài giờ sau Trình Tĩnh Nghiệp đã lên tiếng phản đối.


Source:Sky News Australia

Source:Sky News Australia

3. Tại sao Tổng thống Trump bị nhiều người trên thế giới căm ghét?

Theo báo cáo chính thức của cộng sản Trung Quốc, vào tháng 6 năm 2020, khoảng 1.71 triệu người đã bị giam giữ ở Trung Quốc [1]. Con số này ít hơn thường lệ vì Trung Quốc đã phải trả tự do cho một số lớn tù nhân vì e ngại sự bùng phát coronavirus bên trong các nhà tù quá đông người. Số tù nhân nói trên không bao gồm con số từ 1 đến 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại cải tạo tại Tân Cương [2].

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường ca ngợi điều họ cao rao là “một tính năng độc đáo của hệ thống đền tội ở Trung Quốc”, đó là việc cải tạo thông qua lao động, mặc dù điều này đã bị chỉ trích nhiều vì sự lạm dụng thể chất của các tù nhân để làm giàu cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trước thời Tổng thống Trump, hàng loạt các công ty Hoa Kỳ và Âu Châu đổ xô vào Trung Quốc để tận dụng giá nhân công rẻ mạt. Theo ước tính của Qũy Tiền Tệ Thế Giới, gọi tắt là IMF, mức lương của các tù nhân tham gia vào các dự án lao động sản xuất là 2 Mỹ kim một giờ, là giá mà các công ty Hoa Kỳ và Âu Châu không thể nào thuê mướn được ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, với các điều kiện kinh tế và cơ sở hạ tầng tương tự.

Mỗi tù nhân bị buộc phải lao động từ 12 đến 14 giờ một ngày, và số tiền thu được nộp hết cho nhà nước, nghĩa là đem lại cho Đảng Cộng sản Trung Quốc một lợi nhuận từ 24 đến 30 Mỹ kim mỗi ngày. Nếu chỉ tính trên con số 2 triệu tù nhân, Đảng Cộng sản Trung Quốc thu vào mỗi ngày không dưới 48 triệu Mỹ Kim. Và điều này diễn ra hết năm này sang năm khác dưới các triều đại kéo dài của Obama, Bill Clinton, và cả thời ông Bush con. Chính vì thế, Đảng Cộng sản Trung Quốc giầu lên rất nhanh.

Với chính sách American First, Tổng thống Trump buộc các công ty phải đưa công việc trở lại Hoa Kỳ. Chính sách này cũng có tác động cả trên các công ty của quốc gia khác. Các nhà tư bản khổng lồ, cùng với Đảng Cộng sản Trung Quốc thiệt mất hàng ngàn tỷ mỗi năm.

Chưa hết, Tổng thống Trump còn dám tăng 25% mức thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trao đổi mậu dịch của Hoa Kỳ với Trung Quốc ước tính đạt 634.8 tỷ Mỹ Kim trong năm 2019. Hoa Kỳ xuất khẩu sang Trung Quốc 163 tỷ Mỹ Kim; và nhập khẩu là 471.8 tỷ Mỹ Kim. Với mức thuế tăng 25%, Trung Quốc thiệt mất khoảng 118 tỷ Mỹ Kim hàng năm[3].

Chính vì thế, Trung Quốc và các nhà tư bản khổng lồ đều coi Tổng thống Trump là kẻ thù không đội trời chung. Ở Hoa Kỳ, các phương tiện truyền thông thường khích bác nhau. Sự thống nhất đoàn kết chống Tổng thống Trump một cách bất ngờ của các phương tiện truyền thông tại Mỹ trong suốt bốn năm qua minh chứng cho thấy lòng căm ghét này.

[1]
Source:Statistica.

[2]
Source:Wiki

[3]
Source:USTR

4. Thánh lễ cầu cho người Công Giáo bị an ninh Belarus đánh tới chết trong một cuộc biểu tình

Hôm thứ Sáu, Đức Cha Yuri Kasabutsky, Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Minsk–Mohilev đã cử hành thánh lễ để tưởng nhớ một người biểu tình bị lực lượng an ninh ở Belarus đánh đến chết. Đó là thánh lễ quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Thánh lễ cho anh Raman Bandarenka đã diễn ra tại Nhà thờ Danh Thánh Đức Trinh nữ Maria ở Minsk, Belarus, vào ngày 13 tháng 11.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết một ngày trước đó, hôm 12 tháng 11, anh Bandarenka đã bị đánh đập dã man bởi những người đàn ông đeo mặt nạ không rõ danh tính khi anh cố gắng ngăn cản họ gỡ cờ và ruy băng biểu tình trong khu phố của anh ở thủ đô Minsk.

Sau khi bị đánh đập, Bandarenka bị xe cảnh sát đưa đi. Vài giờ sau, người nghệ sĩ 31 tuổi này phải nhập viện với vết thương ở đầu và bị dập phổi. Bất chấp những nỗ lực của các bác sĩ phẫu thuật để cứu anh ta, anh ta đã chết tại bệnh viện.

Trong Thánh lễ được truyền trực tiếp, Đức Cha Kasabutsky kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện cho linh hồn Bandarenka được yên nghỉ trong Chúa.

“Làm người, đặc biệt là ngày nay, không phải là một việc dễ dàng. Chúng ta và cả thế giới đang kinh hoàng theo dõi những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta.”

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vào tháng 8, chính quyền Belarus đã tung các băng nhóm đeo mặt nạ mặc thường phục trà trộn vào những người biểu tình ôn hòa.

“Nhiều người cho rằng chúng là các nhân viên an ninh, điều này thường được chứng thực là đúng. Chẳng có ai chính thức bị nêu đích danh và chẳng có ai bị truy tố.”

Đức Cha Kasabutsky lưu ý rằng cái chết của Bandarenka đã gây chấn động cả nước vì mức độ tàn bạo của tổng thống Alexander Lukashenko. Ngài ca ngợi tình đoàn kết mà người Belarus đã thể hiện đối với nhau kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu. Ngài nói rằng đoàn kết dân tộc là sự tôn vinh tốt nhất mà người dân có thể cống hiến cho Bandarenka và các nạn nhân khác của những cuộc đàn áp.

Liên minh châu Âu đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Belarus sau cái chết bi thảm của anh Bandarenka.

“Đây là một hậu quả đáng xấu hổ và đáng phẫn nộ trong các hành động của chính quyền Belarus, những người đã không chỉ trực tiếp chỉ đạo các hành vi bạo lực nhằm đàn áp dân chúng của họ, mà còn tạo ra một môi trường trong đó những hành vi bạo lực, phi pháp như thế có thể xảy ra. Do đó, họ không chỉ chà đạp các quyền và tự do cơ bản của người dân Belarus nhưng còn coi thường tính mạng của họ”, phát ngôn viên cơ quan ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu cho biết trong một tuyên bố ngày 13 tháng 11.

“Liên minh Âu châu gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và bạn bè của ông Bandarenka. Âu Châu đoàn kết với tất cả những người Belarus đã phải chịu đựng và tiếp tục chịu đựng dưới bàn tay của các nhà chức trách Belarus sau kết quả gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9 tháng 8”.

Liên minh Âu châu trước đó đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 55 cá nhân phải chịu trách nhiệm về các cuộc đàn áp bạo lực và những lời đe dọa sau cuộc bầu cử, trong đó đương kim tổng thống Alexander Lukashenko tuyên bố chiến thắng với 80% số phiếu bầu. Người thách thức ông, là cô Sviatlana Tsikhanouskaya, đã phải bỏ trốn khỏi đất nước ngay sau đó vì sợ bị cầm tù.

Cô Tsikhanouskaya cũng gửi lời chia buồn đến gia đình Bandarenka.

“Anh ấy đã trở thành nạn nhân của sự vô nhân đạo và khủng bố của chế độ chỉ vì là một người Belarus yêu nước và tích cực dấn thân vì tự do,” cô viết trên Twitter hôm 12 tháng 11.

Cuộc khủng hoảng sau cuộc bầu cử tranh chấp đã nhấn chìm Giáo Hội Công Giáo ở Belarus – thực thể tôn giáo lớn thứ hai ở nước này sau Giáo hội Chính thống - và lôi cả Vatican vào cuộc.


Source:Catholic News Agency