1. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trúng phải virus Tầu độc địa

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bị nhiễm coronavirus và đang cố chiến đấu với virus quỷ quái này trong một dinh thự dành cho tổng thống ở Versailles. Các bác sĩ Pháp cảnh báo các gia đình đang chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh nên thận trọng vì tình trạng nhiễm trùng đang gia tăng - đặc biệt là phải cân nhắc trong việc tổ chức hay tham dự các bữa tiệc.

Tổng thống Macron là người thường xuyên đeo khẩu trang y tế và tuân thủ các quy tắc về khoảng cách an toàn xã hội. Tuy nhiên, ông được tường thuật là đã tổ chức hoặc tham gia nhiều bữa tiệc trong những ngày trước khi có kết quả dương tính vào hôm thứ Năm 17 tháng 12.

Những người thường chỉ trích tổng thống Pháp nói rằng ông đã làm gương mù cho đồng bào khi bỏ qua các lời khuyên không nên tụ họp quá sáu người.

Hôm thứ Sáu 18 tháng 12, các quan chức của Phủ Tổng thống cho biết ông đang bị sốt, ho và mệt mỏi. Họ cho biết sẽ không cung cấp chi tiết về cách điều trị của tổng thống.

Ông đang ở tại dinh thự tổng thống La Lanterne ở thành phố Versailles.

Kết quả xét nghiệm dương tính của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan y tế Pháp một lần nữa chứng kiến sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus và cảnh báo nhiều hơn nữa khi các gia đình Pháp chuẩn bị cùng nhau đón Giáng sinh và Năm mới.

Pháp báo cáo chỉ trong 24 giờ của ngày thứ Năm đã có thêm 18,254 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận và số người chết đã đạt đến con số 60,000 người.

Các trợ lý của tổng thống Macron đã cố gắng liên lạc với tất cả những người mà ông đã gặp gỡ trong những ngày gần đây. Bộ trưởng Y tế Pháp gợi ý rằng tổng thống có thể đã bị nhiễm bệnh tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu ở Brussels vào tuần trước, nhưng thực ra tổng thống Macron cũng đã có nhiều cuộc họp ở Paris.

Tổng thống Macron cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn rằng ông đã thử nghiệm coronavirus “ngay khi có các triệu chứng đầu tiên” vào sáng ngày thứ Năm và sẽ tự cách ly trong bảy ngày, theo khuyến cáo của các cơ quan y tế quốc gia.

Trong thông báo đưa ra hôm thứ Sáu, vị tổng thống 42 tuổi cho biết “sẽ tiếp tục làm việc và quan tâm điều hành các hoạt động của mình từ xa”.

Trong khi đó, Nga đã báo cáo rằng chỉ trong 24 giờ của ngày thứ Năm, quốc gia này đã có thêm 28,552 trường hợp nhiễm coronavirus, trong đó riêng tại thủ đô Mạc Tư Khoa đã có 6,937 trường hợp, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh trên toàn quốc lên đến 2,791,220 trường hợp kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Các nhà chức trách cũng báo cáo có 611 người chết trong 24 giờ qua, đẩy số người chết vì virus Tầu lên đến 49,762 người.

Tại Bỉ, số trường hợp nhiễm coronavirus đang có chiều hướng giảm xuống nhưng trong 24 giờ của ngày thứ Năm 17 tháng 12 cũng đã có 3,636 trường hợp nhiễm coronavirus được ghi nhận, và 100 người chết.

Người Công Giáo ở Bỉ đang tìm cách thực hiện các hành động pháp lý nhằm chống lại một quyết định của chính phủ nước này cấm các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự cho đến hết ngày 15 tháng Giêng năm 2021.

Theo một sắc lệnh của Bộ Y Tế Bỉ được công bố hôm 29 tháng 11, khoảng 6.5 triệu người Công Giáo của đất nước này bị buộc phải tổ chức lễ Giáng sinh tại nhà.

Giáo dân đang lên kế hoạch tổ chức các vụ kiện dân sự để thách thức sắc lệnh này.

Phản ứng lại trước các yêu cầu của anh chị em giáo dân muốn có thánh lễ Giáng Sinh, người đứng đầu văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới tại Âu Châu, có trụ sở tại Brussels, thủ đô của Bỉ đã kêu gọi mọi người ở nhà trong dịp Giáng sinh, và nhấn mạnh rằng so sánh với khả năng mắc phải Covid-19 việc tham dự thánh lễ Giáng Sinh là “không đáng để mạo hiểm”.

Bác sĩ Hans Kluge cho biết:

“Vẫn còn một sự khác biệt giữa những gì bạn được phép làm bởi chính quyền của bạn và những gì bạn nên làm”.

“Chúng ta chỉ còn một vài tháng phải hy sinh và hiện tại chúng ta nên hành xử theo cách mà chúng ta có thể tự hào. Khi chúng ta nhìn lại những khoảng thời gian chưa từng có này, tôi hy vọng tất cả chúng ta đều cảm thấy chúng ta đã hành động với tinh thần nhân bản và chia sẻ để bảo vệ những người đang gặp khó khăn”.

Một bức thư ngỏ gửi cho thủ tướng Bỉ, được viết sau sắc lệnh ngày 29 tháng 11 và được đăng trên trang web “Puor La Messe”, nghĩa là “Dành cho Thánh lễ”, đã được 10,000 người ký vào ngày 7 tháng 12.

Bức thư do hai linh mục và một giáo dân viết, lưu ý rằng một số cơ sở kinh doanh “không thiết yếu”, như viện bảo tàng và bể bơi đã được phép mở cửa trở lại với sắc lệnh mới, trong khi sự thay đổi về việc đình chỉ các thánh lễ không hề được đề cập đến.

“Từ thứ Ba này, chúng ta có thể đi mua sắm Giáng sinh hoặc đi bơi vào sáng Chúa Nhật, nhưng chúng ta vẫn không thể tham dự Thánh lễ! Thậm chí lễ Giáng sinh cũng không được!” bức thư viết.

“Giống như tất cả mọi người Bỉ và với tất cả giáo dân của chúng tôi, chúng tôi đã tham gia kể từ ngày 18 tháng 3 trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Sự cam kết của người Công Giáo đã được thực hiện đầy đủ và trọn vẹn trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này, cũng như mong muốn của chúng tôi là phục vụ lợi ích chung đã được thể hiện,” bức thư viết tiếp. “Các quy trình nghiêm ngặt đã được thực hiện trong từng nhà nguyện, nhà thờ hoặc nhà thờ chính tòa, điều chỉnh theo kích thước của cơ sở, để tôn trọng các hướng dẫn được ban hành như đeo khẩu trang y tế, giãn cách xã hội, bôi thuốc sát trùng. Chúng tôi đã cẩn thận, cảnh giác thực thi từng ly từng tí.”


Source:West Australia


2. Lễ Giáng Sinh chính thức là ngày lễ nghỉ tại Iraq

Từ giờ trở đi sẽ có sự khác biệt rất lớn trong ngày lễ Giáng sinh tại Iraq. Năm nay, không chỉ các Kitô hữu của đất nước đang chờ đợi chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô - được ấn định vào tháng 3 - mà giờ đây, lần đầu tiên Giáng sinh sẽ là một ngày lễ chính thức và cố định.

Chính phủ Iraq đã từng tuyên bố Giáng sinh là ngày lễ “một lần” duy nhất vào năm 2008, nhưng trong những năm sau đó, quy định này không được chính thức gia hạn ở cấp quốc gia, chỉ được áp dụng trong những năm gần đây ở tỉnh Kirkuk.

Sau đó, vào năm 2018, nội các chính phủ đã thông qua một tu chính án về các ngày lễ quốc gia, nâng Giáng sinh lên thành một ngày lễ quốc gia cho tất cả công dân, cả các Kitô hữu lẫn người Hồi giáo. Hai năm sau, một cuộc bỏ phiếu cho tu chính án này đã được thông qua tại quốc hội, và tu chính án này có hiệu lực ngay tức khắc, có nghĩa là Giáng sinh cuối cùng đã là một ngày lễ được công nhận chính thức - bắt đầu từ năm nay và tiếp tục trong tương lai.

Vào ngày 17 tháng 10, Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Babylon của Công Giáo nghi lễ Chanđê, đã nhắc lại tu chính án của nội các cũ và đề nghị Tổng thống Iraq Barham Salih đưa sang Quốc hội thảo luận. Nhân dịp tiếp Đức Thượng phụ tại dinh thự của mình, Tổng thống Salih đã nhấn mạnh vai trò của các cộng đồng Kitô Giáo trong công cuộc tái thiết đất nước, sau những năm bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm đóng Mosul và các vùng rộng lớn ở miền Bắc Iraq.

Sau khi biết tin về việc thông qua tu chính án, Đức Hồng Y Sako, đã đưa ra một thông điệp trong đó ngài cảm ơn Tổng thống Salih; Chủ tịch Quốc hội, Muhammad al Halbousi; và tất cả các nghị sĩ “bỏ phiếu vì lợi ích của những người đồng hương,” cầu xin Chúa chúc lành cho họ và trả công bội hậu cho họ.

Tổng thống Salih cũng nhắc lại cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa các tín hữu Kitô di tản trở về quê hương bản quán của họ, bắt đầu từ thành phố Mosul và Đồng bằng Nineveh, là những nơi mà họ buộc phải bỏ chạy trong những năm thống trị của quân thánh chiến.


Source:Vatican News