LỄ CHÚA THĂNG THIÊN NĂM B

PHẢI HIỂU THẾ NÀO KHI NÓI CHÚA LÊN TRỜI

Ngày còn nhỏ, sống gần vùng có nhiều máy bay Mỹ bay ngang dọc bầu trời. Những chiếc máy bay, dù là tuổi nhỏ, tôi vẫn mơ màng hiểu rằng, chúng đang tác oai, tác oái để phục vụ cho mục đích chiến tranh.

Những lần nghe tiếng gầm rích xé tan bầu trời, bọn trẻ chúng tôi kéo nhau chạy ra khỏi nhà nhìn lên trời xem máy bay bay mà khoái chí, lắm lúc còn hun đúc ước mơ được phóng lên trời bay như máy bay, oai biết mấy.

Vẫn là thời trẻ con, ngày lễ Chúa Giêsu lên trời, tôi lại ra sân tìm kiếm. Không phải đi tìm máy bay nhưng là tìm Chúa Giêsu xem Chúa lên trời thế nào. Trong tưởng tượng, tôi cảm nhận, chắc Chúa đẹp lắm, không đen sì như máy bay, chắc Chúa hiền từ lắm, không ồn ào như máy bay…

Trong tư tưởng non nớt của tôi làm sao hiểu nổi chuyện Chúa lên trời. Tìm kiếm trên bầu trời chán và mỏi, tôi đến gặp mẹ. Mẹ tôi cũng chẳng thể cho tôi một điều gì khá hơn. Bà chỉ biết có mỗi một chuyện: “Hôm nay Chúa lên trời”, và không giải thích gì thêm để một thằng bé như tôi hiểu được.

Và trong tôi còn mãi một thắc mắc, Chúa đã lên trời sao không thấy. Máy bay lên trời còn thấy bay đi bay lại kia mà! Ngày ấy, hình như tôi hiểu Chúa lên trời quá là nghĩa đen. Dù vậy, bây giờ đã có một hiểu biết nhất định, sao tôi vẫn không thể thay thế được cái nghĩa đen ấy!

Đúng là ngôn ngữ của Thánh Kinh cho phép chúng ta hiểu Chúa lên trời theo ngĩa đen. Chẳng hạn bài đọc một, trích sách Công vụ Tông đồ cho biết: “Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông” (Cv 1, 9).

Nhưng với một sự kiện của lòng tin lớn như biến cố Chúa thăng thiên mà lại chỉ dừng lại ở nghĩa đen, thì quả là làm thiệt hại đức tin biết bao nhiêu.

Bạn và tôi có quyền hiểu Chúa thăng thiên theo nghĩa đen, nhưng bạn và tôi không được quyền dừng lại ở đó.

Ta không bao giờ được phép xem Chúa lên trời như là một chiến thắng đang say trong men chiến thắng, một cao ngạo, một sự trả thù của người bị hại đối với những người đã từng treo Chúa lên thánh giá. Nếu chỉ như thế thì chắc Chúa đã không lên trời!

Lên trời là một sự chiến thắng, một vinh quang. Đúng! Nhưng chiến thắng và vinh quang theo nghĩa nào?

Bài Tin Mừng cho biết, “Chúa Giêsu lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Hội Thánh không ngừng lặp lại lời tuyên xưng này qua mọi thời, mọi thế hệ trong lời tuyên tín của mình.

Cụm từ “Chúa lên trời” đủ để cho thấy VINH QUANG THIÊN CHÚA của Chúa Giêsu. Chúa đã một lần làm người. Nghĩa là đã một lần Chúa hạ mình hóa nên nhục thể.

Vinh quang của Ngài là vinh quang Thiên Chúa. Nhưng vinh quang ấy bị che lấp trong cuộc đời trần thế, đến nỗi có lần thư gởi tín hữu Do thái phải bộc bạch: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu vang khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết… Dù là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”.

Hôm nay về trời cũng là lúc Chúa về lại với vinh quang mà Ngài vẫn có. Nói dễ hiểu: Về trời chính là lúc Chúa Kitô trở lại “kiếp Chúa” của Ngài. Vinh quang bị che lấp, giờ đây tỏ lộ.

Nếu trong quá khứ, “Ngài đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn”, thì giờ đây, “Ngài được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên” (Dt 2, 9).

Vinh quang danh dự mà Chúa Kitô lãnh nhận hôm nay là vinh quang cao cả, là chiến thắng lớn lao: Chúa bước vào vĩnh cửu.

Trong vinh quang vĩnh cửu, chính “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Để khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phil 2, 9-11).

Cũng chính trong vinh quang Đức Chúa của mình, Chúa Giêsu làm chủ mọi loài, làm vua toàn vũ trụ. Vì nơi Ngài, chính “Thiên Chúa đã đưa thời gian tới hồi viên mãn, đã quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Eph 1, 10).

Hay như bài đọc hai diễn tả: Chúa Kitô “Vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này, lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người” (Eph 1, 21- 23).

Nhưng vinh quang thiên quốc của Chúa Kitô, không chỉ quy tụ nơi bản thân mà thôi. Vinh quang của Chúa Kitô là ánh sáng chói ngời chiếu thẳng vào niềm hy vọng của chúng ta. Chúa thăng thiên để nhờ Chúa, trong Chúa và với Chúa, ta cũng được thăng thiên. Vì nếu đã có một con người mang tên Giêsu được vinh thăng, thì mọi người có quyền hy vọng nếm hưởng vinh quang Thiên Chúa với Ngài.

Như vậy, lễ thăng thiên là lễ thực hiện giấc mơ lớn nhất của con người: sống đời đời trong hạnh phúc và vinh quang vĩnh cửu.

Vì thế, mừng lễ Chúa thăng thiên, hướng lòng về Thiên Chúa, chiêm ngắm vinh quang của Chúa Kitô, loài người chỉ còn biết cúi đầu cảm tạ. Xin dâng muôn lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa. Bởi thân phận bé nhỏ là thế, nhưng loài người lại có vận mạng được đặt nơi Thiên Chúa. Do đó dẫu thuộc về đất thấp, loài người vẫn mang nơi mình chiều cao thăm thẳm: vận mạng được vĩnh cửu hóa. Thiên Chúa là chủ mọi vĩnh cửu đã thương trao ban cho loài người, cho từng người một, một vận mạng không bao giờ có thể lạc mất.

Chúc tụng tình yêu vô ngần của Chúa, vì nhờ đó, thân phận bụi tro được "hóa thần" nhờ ơn thánh hóa Chúa ban. Amen.