Thật là may mắn, tôi được vinh dự quen biết và gần gũi Cha Giáo Giuse trong vòng vài chục năm trở lại đây. Mặc dầu đã 93 tuổi, nhưng từ tâm, thể tới trí lực, Chúa cho ngài còn rất vững vàng, tinh anh, và minh mẫn. Những năm trước, cha vẫn còn tự lái xe qua các thành phố nối liền hai Giáo Phận Los Angeles và Orange, nam California. Nhưng từ hai năm gần đây, sau tai nạn xe, nghe lời khuyến cáo của thân nhân, cha bỏ lái xe. Khi có việc di chuyển có người đưa đón. Tuy vậy, vì khu nhà tiền chế cha đang ở không xa Thánh Đường Đức Mẹ La Vang, nên cha vẫn thường đi bộ qua dâng Thánh Lễ hoặc giúp cha xứ làm mục vụ.

Cha sinh trưởng tại Vinh, khởi đầu ơn gọi tu trì từ năm 1942. 14 năm sau, Giáo Phận gửi ngài qua du học tại Hoa Kỳ. Cha thụ phong LM năm 1961 tại Ohio và được cử làm Tuyên Úy cho Hội Sinh Viên Việt Nam trong khi vẫn tiếp tục con đường học vấn.

Năm 1968 Cha tốt nghiệp Tiến Sĩ Triết Lý Khoa Học tại Đại học St. John, New York. Năm 1969, Cha qua Anh du học. Năm 1973 Tốt nghiệp Tiến Sĩ về Văn Hoá và Lịch Sử Á Đông tại Đại Học London, Anh Quốc.

Dưới cái nhìn của các du sinh viên Việt Nam thời ấy, cha Đức Minh là một Giáo sĩ thông minh, lanh lợi trái hẳn với lối sống đơn giản, khiêm hạ của ngài. Với riêng tôi, cha Giáo còn có một trí nhớ tuyệt luân. Ngài thường chia sẻ với tôi nhiều chuyện về những giai thoại nói lên tinh thần quật cường của đồng bào Nghệ-Tĩnh trước cuộc di cư năm 1954 và sau đó. Thuở sinh thời nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tôi có nhiều dịp cùng anh tới thăm cha tại nhà hoặc mời ngài ra ngoài để nhân đấy hỏi han cha về những chi tiết chưa thông tỏ, liên quan tới phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở Trảng Đình và sau đó là cuộc khởi nghĩa kinh thiên động địa ở Ba Làng.

Cha quen biết Linh Mục Nguyễn Việt Cường từng là bạn tù của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, tác giả thi phẩm Hoa Địa Ngục thuở cha Cường còn là một chủng sinh. Sau khi ra tù, thày Cường trở lại chủng viện tiếp tục tu học và sau mấy năm được thụ phong Linh Mục. Khoảng năm 2006/07, cha Cường qua Mỹ ghé thăm Cha Giáo Đức Minh. Sau khi ngài cho tin, tôi và anh Thiện đã ghé nhà cha Minh đón hai cha ra nhà hàng dùng bữa trưa, nhân tiện để hai người bạn tù thăm hỏi, đàm đạo với nhau.

Cũng nhờ trí nhớ và những am hiểu của Cha Giáo, tôi biết được gốc gác, hành trạng của khá nhiều nhân sĩ, trí thức Công Giáo từng có chân trong Liên Đoàn Công Giáo Vinh, vốn là một tổ chức được họ Hồ vì nể nang uy tín của Đức Cha Lê Hữu Từ công khai cấp giấy phép hoạt động. Chính từ cái nôi mang danh nghĩa Liên Đoàn này, cuộc nổi dậy có một không hai thời ấy đã nổ ra làm rung chuyển chế độ độc tài CS.

Bản thân tôi đã từng gặp hai nhân vật gốc Nghệ Tĩnh, vì bị săn đuổi đã phải trốn chạy tìm về vùng tự trị Bùi Chu, Phát Diệm tá túc vào những năm đầu thập niên 50. Đó là các ông Bùi Quang Nga, bút danh Văn Ngọc và ông Châu Xuân Phan. Cả hai ông đã một thời được Đức Giám Mục Phêrô Phạm Ngọc Chi cử làm đầu tỉnh cai quản khu tự trị Bùi Chu.

Sau ngày ký kết Hiệp Định Genève 20-7-1954, đất nước bị chia đôi, đại gia đình tôi bỏ cộng sản di cư vào niềm Nam. Tại đây, tôi gặp lại ông Bùi Quang Nga. Ít lâu sau sau ông đắc cử trở thành Dân Biểu trong Quốc Hội Lập Hiến thời cụ Ngô Đình Diệm, Tổng thống sáng lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, mở ra một thời kỳ vàng son cho dân tộc Việt. Cũng dịp này, tôi được biết tới người thứ hai cũng xuất thân gốc Nghệ Tĩnh, từng là một trong những thủ lãnh của Liên Đoàn Công Giáo Vinh. Cũng như nhiều đồng hương cùng cảnh ngộ, đương sự bị cộng sản săn đuổi gắt gao phải trốn ra Bắc. Đó là cụ Đỗ La Lam trong vai trò Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút nhật báo Cách Mạng Quốc Gia ở thủ đô Sàigòn.

Sau ngày mất miền Nam qua Hoa Kỳ tị nạn, tôi gặp lại cụ Đỗ và trở thành người thân trong một trường hợp khá hi hữu. Con gái lớn của tôi và thứ nữ cụ Đỗ La Lam trở thành chị em dâu. Gia đình thông gia chúng tôi, và cũng là thông gia cụ Đỗ, hiện ở Costa Mesa. Trong đám hỏi, đám cưới cháu Đỗ La Phương Chi, thứ nữ nhà họ Đỗ, chúng tôi nhận ra nhau.

Do những chuyện tình cờ trong đời sống, 15 năm trước, một người bạn bên Đức gửi cho tôi bản thảo cuốn hồi ký “Cuộc Phiêu Lưu Của Một Gia Đình Nông Dân”, tác giả là Thập Lang, để nhờ tôi đọc và viết Lời Tựa*.

Nhân vật chính trong hồi ký là hậu duệ của một trong những khuôn mặt lãnh đạo đã bị án tử trong cuộc nổi dậy ở Ba Làng thập niên 50 thế kỷ trước. Càng đọc tôi càng bị lôi cuốn vào những tình tiết bất ngờ của câu chuyện. Trong một đoạn, tác giả nói tới những danh tính Phạm Tuyên, Bùi Quang Nga, Đỗ La Lam. Riêng cụ Đỗ, phát giác trong hồi ký khiến tôi không khỏi giật mình thảng thốt khi được biết họ tên thật của cụ là Đậu Quang Tâm, một khuôn mặt đấu tranh được tác giả đánh giá rất cao về nhân cách và tài năng trong hàng ngũ lãnh đạo thanh niên Công Giáo lúc bấy giờ.

Ngày nay cụ Lam đã được Chúa gọi về. Nhưng ngay thuở sinh thời cụ, dù câu chuyện đã được công khai hóa trong một cuốn hồi ký, sớm muộn nhiều người cũng sẽ biết, nhưng vì quý mến và tôn trọng cụ, tôi chưa hề một lần nói ra sự thật này. Hôm nay cụ đã ra người thiên cổ. Sau lần trao đổi với Cha Giáo về chuyện thay tên đổi họ của một nhân vật không xa lạ với ngài, tôi thấy có bổn phận mở miệng, như một cách vinh danh muộn một anh hùng dân tộc của một thời trong quá khứ đau thương của dân tộc.

Sau này khi có dịp tìm hiểu thêm về dòng họ Đậu vùng Nghệ Tĩnh, tôi nhận ra không phải chỉ trong cuộc nổi dậy ở Ba Làng mới xuất hiện nhiều nhân vật mang họ Đậu đầy bản lĩnh mà ngay trong cuộc đấu tranh hiện nay, cụ thể là nhìn vào danh sách những sinh viên Công Giáo và Tin Lành gốc Nghệ-Tĩnh bị cộng sản bắt rồi kết án tù trong mấy năm gần đây, hẳn độc giả nhận ra trong đó không thiếu những chàng trai họ Đậu**.

Đọc qua tiểu sử tóm gọn của Cha Đức Minh, tôi thấy tự bằng lòng với mình.

Trong khi hầu như tất cả mọi giáo dân đều có thói quen dùng danh xưng “Đức Ông” để xưng hô hay nói về ngài, thì như một phản ứng từ vô thức, cá nhân tôi lại rất tâm đắc với danh xưng “Cha Giáo”. Tự thâm tâm, tôi linh cảm thấy dường như chính bản thân ngài cũng hài lòng với cung cách xưng hô “Cha/Con, Thày/Trò” thân mật ấy.

Cũng như đa số giáo dân quen biết Cha Giáo, cá nhân tôi kính trọng và quý mến cha không phải chỉ vì ngài là người thông minh, ham học hỏi, có hai bằng Tiến sĩ từ hai Quốc gia hàng đầu thế giới là Mỹ và Anh (mà để tỏ lòng trân quý, người xưa thường mệnh danh những nhân vật đạt được vị thế tương tự là “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”), nhưng còn vì sau khi hội đủ điều kiện tối thiết về tài năng cũng như học vị, cha đã dành trọn xấp xỉ ba thập niên dài, -chính xác là 29 năm tròn (từ 1975 đến 2004) để dốc hết tâm lực chia sẻ kiến thức đạo đời cho nhiều thế hệ Linh Mục hôm qua và hôm nay tại các đại chủng viện trong Giáo Hội Hoa Kỳ. Trong nhiều lần trao đổi với anh em, cha luôn bày tỏ niềm tiếc nuối không giây phút nào nguôi: vì hoàn cảnh khó khăn, cay nghiệt của đất nước dưới chế độ cộng sản vô thần, cha đã không có cơ hội tìm về chốn cũ để trực tiếp đóng góp phần mình vào công cuộc xây dựng Giáo Hội và Quê Hương. Tuy vậy, dù không thực hiện được mộng lớn, Cha Giáo vẫn không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để gửi tiền bạc và phương tiện về giúp đỡ những giáo xứ những họ đạo nghèo.

Một đặc điểm đáng kính nể khác là ngay sau khi rời phấn bảng, rời giảng đường các đại học, cha vui vẻ trở về với thiên chức của người Mục Tử trực tiếp chăn giắt đoàn chiên ở nhiều giáo xứ kh ác nhau. Tại những nơi này, cha luôn vui vẻ, không nề hà đảm nhận các chức vị khiêm tốn như Phó Xứ hoặc Quản nhiệm các Cộng đoàn Việt Nam liên tiếp từ năm 1991 cho tới năm 2007 khi đã hồi hưu.

Dù trên nguyên tắc đã về hưu, nhưng với tâm trạng của một Mục tử còn nặng lòng với giáo dân, -nói theo ngôn ngữ nhà đạo- là “còn nhớ mùi chiên”, trong hơn 10 năm hưu dưỡng cha vẫn cố gắng tìm nơi cư trú gần các Giáo Đường trong địa hạt Quận Cam để tiện dâng Thánh Lễ hàng ngày, tiếp tay các Linh Mục trao ban các Bí Tích cho giáo dân hoặc các bệnh nhân, đặc biệt trong những dịp Lễ Trọng.

Là một thành viên trong Nhóm Gioan Tiền Hô và nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân mà hầu hết anh chị em đều là người thân cận với Cha Giáo, trong hầu hết các dịp đặc biệt như Tết Nguyên Đán, Lễ Kính Thánh Thomas More, bổn mạng DĐGD, Thánh Gioan Tiền Hô, gần như chưa bao giờ tôi thấy vắng mặt Cha Giáo.

Đêm nay, gục đầu bên bàn phiếm, ngồi viết những giòng này để mừng Cha Giáo nhân kỷ niệm 60 năm Linh mục của ngài, nhớ lại những lần tham dự Lễ Tang, Lễ Giỗ, Lễ Kỷ Niệm Hôn nhân 25 năm, 50, 60 năm tại tư gia hay tại Thánh Đường của bạn bè thân sơ, dường như lần nào tôi cũng gặp cha, khi là Chủ tế, khi là Phụ tế.

Trong trí nhớ mỏi mòn của tôi, tôi chưa quên được ít nhất có ba buổi tối trong các Thánh Lễ Giỗ cầu cho linh hồn Thomas More nhà thơ Nguyễn Chí Thiện được tổ chức tại tư gia một cặp vợ chồng trẻ có sự hiện diện của hai Linh Mục là Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng, nguyên Bề Trên DCCT từ Việt Nam qua và Cha Giáo Giuse Nguyễn Đức Minh.

Nét đặc biệt của những Thánh Lễ bất bình thường này là do hai LM cùng Chủ Sự với số tham dự viên vỏn vẹn chỉ có 8/9 người bao gồm hai vợ chồng chủ nhà. Cả hai cha và những người tham dự ngồi quây quần diện đối diện quanh một chiếc bàn dài dùng làm Bàn Thánh. Nét đặc thù đáng ghi nhớ khác là trong số 8/9 tham dự viên, có hai người không cùng tôn giáo. Một trong hai vị này lại là người đưa đón Cha Giáo Đức Minh.

Trước khi kết thúc bài viết vội vã vào phút chót này để mừng 60 năm Linh Mục Cha Giáo, người viết cố gắng ghi lại những lời phát biểu dí dỏm của cha sau đây tại Hội trường nhật báo Người Việt nhiều năm trước.

Đọc bài “Tất cả là Hồng Ân” của Khánh Linh, khi tác giả đề cập tinh thần hòa đồng tôn giáo của cha Giuse Đức Minh, gợi nhớ cho tôi tới buổi sinh hoạt của báo Người Việt vinh danh GS Nguyễn Ngọc Bích và Phu nhân –GS Đào Thị Hợi-, cách nay hơn một thập niên.

Những tiết lộ bất ngờ của cha Đức Minh khi ngài được mời lên phát biểu trong buổi sinh hoạt hôm ấy đã tạo nên một bầu không khí tưng bừng, náo nhiệt với những tràng pháo tay tưởng chừng làm nổ tung hội trường.

Mở đầu phần phát biểu, Linh mục Giuse Nguyễn Đức Minh cho hay:

“Sự hiện diện của tôi chiều nay không phải do lời mời chung chung qua thông tri của nhật báo Người Việt, mà do hai vị khách mời danh dự của Người Việt là Giáo sự Nguyễn Ngọc Bích và người bạn đời của anh là chị Đào Thị Hợi”.

Hướng tầm mắt về cặp GS Bích/Hợi trên hàng ghế đầu kèm theo một cử chỉ chào kính, LM Đức Minh tười cười, vui vẻ nói tiếp:

-Xin hai vị Giáo sư cho phép tôi được dùng lại hai danh xưng thân mật là “anh”, là “chị” từ ngót nửa thế kỷ trước, khi chúng ta cùng là du sinh viên tình cờ gặp gỡ và quen biết sinh hoạt với nhau tại xứ sở này.

Tiếp theo những lời mở đầu úp mở, ý nhị ấy, cha kể cho mọi người nghe về những giai thoại trong mối tương quan giữa một bên là một Giáo sĩ, Tuyên Úy Hội Ái Hữu Sinh Viên Công Giáo tại Mỹ và bên kia là những sinh viên không cùng niềm tin từ miền nam Việt Nam, cùng nhau … “đem chuông đi đấm xứ người” của một thời đã xa.

Câu chuyện xoay quanh “cây đinh” của buổi sinh hoạt bữa ấy là cặp đôi GS Nguyễn Ngọc Bích và Đào Thị Hợi.

Sau khi hết lời ca ngợi tài năng, đức độ và bản tính hiếu khách của GS Nguyễn Ngọc Bích thuở còn là sinh viên, sống đơn độc trong một căn hộ ở miền đông Mỹ quốc, từng được anh chị em sinh viên từ khắp nơi mặc nhiên coi như quán trọ bên đường, mỗi khi có dịp hội hè hoặc tình cờ ghé ngang, ngài nói tiếp:

“Có vài chi tiết khá lạ lùng hiếm ai biết đến.

Nhớ lại thời ấy, hầu hết anh chị em chúng tôi với tấm lòng rộng mở, không phân biệt lương giáo, chỉ bằng vào một điểm chung duy nhất là đều xuất thân từ miền Nam Việt Nam Tự Do, cùng sát cánh sinh hoạt bên nhau.

Là người trong cuộc, tôi xin tiết lộ cùng bà con một điều rất khó tin nhưng là sự thật.

Là một Linh mục, tôi được trao phó vai trò Tuyên Úy Hội Ái Hữu Sinh Viên Công Giáo trong các niên khóa 1963/64/65 thế kỷ trước. Lúc bấy giờ, Hội có ra một tờ báo mang tên Chuông Việt.

Ấy vậy mà điều tréo cẳng ngỗng là Chủ Bút của Chuông Việt lại là một người ngoài Công Giáo. Và người đó là ai các bạn biết không?. Xin thưa, người đó chính là GS Nguyễn Ngọc Bích, người được Nhật báo Người Việt vinh danh hôm nay.”


Một tràng pháo tay kéo dài bất tận cùng với tiếng nói cười oà vỡ, rung chuyển Hội trường, sau tiết lộ hi hữu của vị LM già. Chờ cho không khí buổi sinh hoạt lắng xuống, LM cựu Tuyên Úy Hội Ái Hữu Sinh viên Công Giáo một thời tại Mỹ nói tiếp:

“Chuyện lạ chưa hết đâu, thưa quý vị và các bạn.

GS Bích không chỉ được bầu chọn làm Chủ bút tờ Chuông Việt. Hơn thế, ông còn được tuyệt đại đa số Sinh viên Công Giáo khi ấy dồn phiếu cho ông vào chức vụ Phó Chủ Tịch Hội”.


LM Đức Minh chưa kịp dứt lời thì hội trường đã nhất loạt vang lên những tràng pháo tay tán thưởng. Cha nói tiếp.

“Lẽ ra thày Bích được bàu làm Chủ Tịch chứ không phải Phó Chủ Tịch”.

Cử tọa tỏ dấu ngạc nhiên, mọi cặp mắt hướng về diễn giả chờ đợi.

Đưa mắt nhìn bao quát cử tọa hiện diện, cha nói.

“Lý do vì anh Âu Ngọc Hồ, Chủ Tịch tiền nhiệm nhận thấy những khó khăn vì những thủ tục nhiêu khê trong khi tiếp xúc với các cơ sở trong Giáo Hội Công Giáo Mỹ để vận động chuyện này chuyện nọ thường gây nhiều khó khăn, trở ngại cho một Chủ Tịch không phải Công Giáo.

Do đó, vào cuối nhiệm kỳ, anh Âu Ngọc Hồ đã đưa đề nghị sửa Nội Qui.

Và vì thế Thày Bích của chúng ta mất chức Chủ Tịch mà chỉ được làm Phó thôi!”


Miền nam California rạng sáng Thứ Tư, 19-5-2021

* Đáp lời yêu cầu của người bạn bên Đức, nhận được bản thảo tôi đã dành thì giờ đọc kỹ tập hồi ký và cẩn thận viết một bài tựa nghiêm túc rồi gửi qua Đức để anh bạn chuyển cho tác giả. Nhưng bẵng đi mấy năm không nghe tin hơi gì. Cho đến một chiều cuối năm 2013, tôi nhận được thư anh bạn cùng với tập sách mới in còn thơm mùi giấy mực. Sách dày 628 trang. Bìa trước, bìa sau trình bày trang nhã. Hậu cảnh bìa trước tràn qua ôm bìa sau là cảnh núi đồi xanh ngắt. Bìa trước nổi bật lên ngôi Thánh Đường mà tôi được cho biết là nơi đã nổ ra cuộc nổi dậy vào những năm đầu hậu bán thế kỷ 20. Trong thư anh bạn chuyển lời xin lỗi của tác giả vì nội dung sách được chỉnh sửa nhiều, thu gọn cho bớt số trang và chỉ in giới hạn, nên không tiện giữ lại Lời Tựa của tôi.

*Theo dõi thời sự liên quan tới tình hình đấu tranh trong nước, hẳn độc giả chưa quên, cách đây mấy năm một nhóm sinh viên Công Giáo và Tin Lành thuộc Giáo Phận Vinh đã bị cộng sản săn bắt và truy tố ra tòa lãnh án. Trong số có anh Đức và anh Đậu Văn Dương. Sau khi ra tù, anh Đức được bảo lãnh qua Mỹ cách đây vài năm. Riêng anh Đậu Văn Dương, hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua mới được can thiệp qua tị nạn và hiện hai anh đang tạm cư ở San Jose, miền bắc California. Trong một dịp trao đổi. chuyện trò với tôi, hai anh đều mong mỏi có dịp qua miền nam California để diện kiến Cha Giáo Đức Minh.