1. Các Giám Mục Hoa Kỳ đẩy mạnh án tuyên thánh cho 2 vị có các nhân đức anh hùng

Với một sự đồng thuận tuyệt đối, các giám mục Hoa Kỳ đã cho phép hai giáo phận mở cuộc điều tra tuyên thánh ở cấp giáo phận cho trường hợp của một linh mục và một thầy.

Hai vị đang được cứu xét là Cha Joseph Verbis Lafleur của Giáo phận Lafayette, Louisiana, một tuyên úy quân đội đã chết trong Thế chiến thứ hai; và thầy Leonard LaRue, một thuyền trưởng hải quân, người sau này trở thành một tu sĩ Biển Đức lấy tên là Thầy Marinus. Hai vị được tôn kính vì các nhân đức anh hùng thể hiện trong Thế chiến thứ Hai và Chiến tranh Triều Tiên.

Án tuyên thánh cho các vị đã được trình bày vào ngày 17 tháng 6, tức là ngày thứ hai trong cuộc họp khoáng đại mùa xuân từ 16 đến 18 tháng 6 của các giám mục Hoa Kỳ, được tổ chức trực tuyến.

Sử dụng tính năng thăm dò ý kiến trên Zoom, mỗi nguyên nhân đều nhận được sự chấp thuận 100% từ các giám mục. Đức Ông Jeffrey Burrill, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ cho biết như trên. Thực ra, chỉ cần quá bán là đủ để có thể bắt đầu tiến trình điều tra ở cấp giáo phận.

Cha Joseph Verbis Lafleur, một tuyên úy trong Thế chiến thứ Hai, là người đã hy sinh mạng sống của mình khi cứu những người khác trên một con tàu chở tù của Nhật Bản. Ngài bị quân Nhật bắt làm tù binh. Ngày 7 tháng 9 năm 1944, khi ngài cùng khoảng 750 bạn tù đang ở trên một con tàu của hải quân Nhật giữa biển Ấn Độ Dương, một tàu ngầm Hoa Kỳ đã phóng ngư lôi vào con tàu Nhật Bản này. Ngài đã thiệt mạng trong vụ tấn công này.

Trong số 750 tù binh được nhồi nhét trên thuyền, chỉ có 80 người vào bờ an toàn. Cha Lafleur từ chối di tản để có cơ hội sống sót, thay vào đó, ngài giúp những người đàn ông khác lên các thuyền con chèo vào bờ.

Cha Lafleur được thụ phong linh mục năm 1938 và gia nhập Lực lượng Không quân năm 1941, khoảng sáu tháng trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bắt đầu. Đơn vị của ngài trú đóng ở Sân bay Clark cách Manila 90km. Một ngày sau khi quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng, họ ném bom Clark, nơi vị linh mục trẻ chăm sóc những người bị thương và thiệt mạng. Được lệnh di tản bằng tàu, Cha Lafleur và những người sống sót sau cuộc tấn công khác lại bị quân Nhật bắt làm tù binh.

Trong thời gian là tù binh chiến tranh, Cha Lafleur phục vụ với tư cách là tuyên úy của các bạn tù, giúp phân phối lại thực phẩm và quần áo khan hiếm cho những người cần thiết nhất.

Mẹ của vị linh mục cho biết bà đã linh tính biết ngài đã chết ngay cả trước khi nhận được thông báo chính thức, vì cây thông mà bà đã trồng vào năm 1927 sau chuyến thăm chủng viện đầu tiên của bà để gặp gỡ con trai mình đã chết cùng ngày con tàu Nhật Bản gặp nạn.

Đức Cha Douglas Deshotel, Giám mục giáo phận Lafayette, Louisiana, trong một thông điệp được ghi âm trước, cho biết nhân đức anh hùng của Cha Lafleur đã khiến ngài giành được các huy chương cao quý của Hoa Kỳ.

Thầy LaRue đã chỉ huy tàu Merchant Marine Meredith Victory vào năm 1950 để giải cứu 14,005 người tị nạn Triều Tiên đang chạy trốn cuộc tấn công dữ dội của quân đội Trung Quốc. Ước tính hiện có 1 triệu con cháu của những người Hàn Quốc được Thầy LaRue cứu, bao gồm cả Tổng thống Văn Tại Dần của Nam Hàn hiện nay.

Con tàu đã thực hiện hành trình 450 dặm một cách an toàn qua vùng nước đầy mìn ở Biển Nhật Bản trước khi đến Đảo Geoje, nơi các hành khách xuống tàu, trong đó có 5 trẻ em sinh ra ngay trong chuyến hành trình.

Chuyến hành trình cứu người vượt biển thành công. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến bao nhiêu những khổ đau của nhân sinh, anh LaRue rời thuyền Merchant Marine, gia nhập dòng các Tu sĩ Biển Đức ở Newton, New Jersey, và lấy tên là Thầy Marinus vào năm 1954. Thầy rung chuông mỗi sáng để đánh thức các tu sĩ cầu nguyện, và làm những công việc ít được ca tụng hơn, như rửa chén, quét nhà và làm việc trong cửa hàng quà tặng của tu viện.

Năm 2000, tu viện gần như phải đóng cửa vì thiếu các tu sĩ. Khi hay tin này, Tu viện Waegwan ở Hàn Quốc đồng ý gửi bảy linh mục đến New Jersey. Một trong số các vị này là Cha Antonio Kang, là một trong những người tị nạn được LaRue cứu. Ngày 12 tháng 10, 2000, hồ sơ của các linh mục này được chấp thuận. Thầy Marinus qua đời hai ngày sau đó.

Đức Cha Elias Lorenzo Giám Mục Phụ Tá của Newark, New Jersey, một tu sĩ dòng Biển Đức, cho biết hôm 17 tháng 6 rằng ngài đã có mặt tại đám tang của Thầy Marinus. “Người Hàn Quốc từ khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ, cũng như từ Hàn Quốc, đã đến để vinh danh Thầy ấy và bày tỏ lòng biết ơn đối với công việc anh hùng của Thầy trong chuyến hành trình cứu người vượt biển.”

Trong một thông điệp được ghi âm trước, Đức Cha Kevin E. Sweeney của Paterson, New Jersey, cho biết người tiền nhiệm của ngài, là vị Giám mục đã nghỉ hưu Arthur J. Serratelli đã hành động nhanh chóng để Thầy Marinus được tuyên Chân Phước.

Ngài hy vọng Thầy Marinus sẽ là “người thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên được phong chân phước”. Đức Cha Sweeney nói, nguyên nhân tuyên thánh của ngài “sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người đi biển và hành nghề hàng hải theo đuổi một cuộc sống thánh thiện”.
Source:Crux

2. Giáo Hội có thêm 11 Chân Phước

Trong cuộc tiếp kiến hôm thứ Bẩy 19 tháng 6 dành cho Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận một phép lạ nhờ lời cầu bầu của Bậc Đáng Kính Johann Philipp Jeningen, một linh mục Dòng Tên sống ở thế kỷ 17 quê quán ở Bavaria, bên Đức. Việc công nhận này mở đường cho việc phong Chân Phước cho ngài.

Cha Jeningen được biết đến với sự thánh thiện, cuộc sống khổ hạnh và những nỗ lực truyền giáo. Ngài mơ ước được cử đi truyền giáo tại Ấn Độ theo bước chân của vị Thánh anh hùng Phanxicô Xaviê, nhưng ngài lại được kêu gọi để lập một đền thờ Đức Mẹ ở Ellwangen trong vùng lân cận. Ngôi thánh đường này được gọi là Đền thánh Đức Mẹ Schönenberg, nơi thu hút rất nhiều khách hành hương.

Mười nữ tu tử đạo trong thời kỳ Liên Sô chiếm đóng Ba Lan cũng được tuyên phong Chân Phước trong dịp này.

Nữ tu Paschalis Jahn và 9 bạn tử đạo là các Nữ tu của Dòng Thánh Elizabeth đã bị các Hồng quân Liên Sô giết vào năm 1945 khi họ phục vụ những người bệnh tật và dễ bị tổn thương. Một trong những sơ tử đạo, Sơ Rosaria Elfrieda Schilling, đã bị khoảng 30 binh sĩ Hồng quân hãm hiếp trước khi bị bắn.

Như thế, Giáo Hội vừa có thêm 11 vị sắp được tuyên phong Chân Phước.

Trong cuộc tiếp kiến hôm thứ Bẩy 19 tháng 6 dành Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tuyên bố nâng chính trị gia người Pháp Robert Schuman lên hàng Bậc Đáng Kính. Ông được biết đến như “cha đẻ” của Liên minh Âu Châu.

“Tôi tớ Chúa Schuman đã cống hiến cuộc đời mình để phục vụ lợi ích chung, tìm kiếm hòa bình và hòa giải với Đức để tạo ra một cộng đồng các quốc gia Âu Châu,” Cha Bernard Ardura, một linh mục trong Hội Đồng Giám Mục Pháp phụ trách các đề xuất tuyên thánh nói với AFP.

Cha Ardura nhận xét thêm rằng: Những nỗ lực của Schuman là “công việc của một Kitô Hữu, đó là làm một tấm gương”, ngay cả khi chính khách này “vẫn rất kín đáo về đời tư và đức tin của mình”.

Robert Schuman sinh ra tại Luxembourg năm 1886. Nguyên quán ở Lorraine, là vùng lãnh thổ tranh chấp của Pháp mất vào tay người Đức trong Chiến tranh Pháp-Phổ. Sau khi lãnh thổ Lorraine trở về với Pháp, Schuman phục vụ với tư cách là một trong những Thành viên Quốc hội của khu vực, theo truyền thống chính trị của Đảng Dân chủ Kitô Giáo.

Theo tiểu sử của ông trên trang web của Trung tâm Âu Châu, tại một thời điểm trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông bị Gestapo bắt và bị giam giữ bí mật.

Ông là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Pháp khi tuyên bố thành lập Cộng đồng Thép và Than Âu Châu vào ngày 9 tháng 5 năm 1950. Động thái này được coi là bước đầu tiên hướng tới việc thành lập Liên minh Âu Châu.

Schuman cũng là một nhà đàm phán quan trọng cho Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Cộng đồng Than và Thép Âu Châu. Ông từng là Chủ tịch đầu tiên của Nghị viện Âu Châu và được mệnh danh là “Cha đẻ của Âu Châu” khi rời nhiệm sở.

Schuman qua đời tại Giáo phận Matz năm 1963. Án tuyên thánh của ông đã bắt đầu ở đó từ hơn 30 năm trước.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đánh giá cao Robert Schuman trong một lá thư ký ngày 22 tháng 10, khuyến khích người Âu Châu “khám phá lại con đường của tình huynh đệ đã truyền cảm hứng và hướng dẫn những người sáng lập Âu Châu hiện đại, bắt đầu chính xác với Robert Schuman”.

Thánh Gioan Phaolô II cũng ca ngợi Schuman vào năm 2003 vì đã dành cả cuộc đời chính trị của mình “để phục vụ các giá trị cơ bản của tự do và đoàn kết, được hiểu đầy đủ dưới ánh sáng của Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha cũng đã nâng lên Bậc Đáng Kính Tôi tớ Chúa Cha Severino Fabriani sinh năm 1792 và qua đời năm 1857. Ngài là người sáng lập Dòng Các Nữ Tử Quan Phòng cho người khiếm thính ở Ý.

Án tuyên thánh của ba nữ tu khác cũng được nâng lên một bậc theo các sắc lệnh mới. Đức Giáo Hoàng đã công nhận các nhân đức anh hùng của Aniela Róża Godecka sinh năm 1861 và qua đời năm 1937, là người đã thành lập Dòng các nữ tu bé nhỏ của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ ở Ba Lan; Nữ tu người Ý Orsola Donati sinh năm 1849 và qua đời năm 1935 thuộc Dòng Các Nữ Tu Hài Đồng của Đức Mẹ Sầu Bi; và Nữ tu Maria Stella của Chúa Giêsu sinh năm 1899 và qua đời năm 1982 của Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Tây Ban Nha.
Source:Catholic News Agency