Theo VatricanNews, trên chuyến bay từ Slovakia trở lại Vatican ngày 15 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời nhiều câu hỏi của các ký giả tháp tùng, trong đó, câu trả lời về việc rước lễ của các chính trị gia ủng hộ phá thai được ngài quảng diễn nhiều hơn cả.



Có lẽ cũng vì thế, Thông tin chính thức của Tòa Thánh đã cho đăng tải trọn vẹn cuộc phỏng vấn trên không bằng tiếng Ý, một điều hiếm khi nào diễn ra, và được VaticanNews tạm dịch sang tiếng Anh.

Trước nhất ngài cho biết năm tới, ngài sẽ trở lại thăm Hung Gia Lợi một cách chính thức. Về liên hệ với Thủ tướng Orbán của Hung Gia Lợi, ngài cho biết trong cuộc gặp gỡ với Ông này cũng như với Tổng thống Hung Gia Lợi, Tổng thống nói nhiều hơn và họ không bàn tới vấn đề di dân. Nhân cơ hội này, ngài nói tới Âu Châu, đúng hơn Liên hiệp Âu Châu: nó không phải là một hội đồng để làm việc này việc nọ, mà có một tinh thần làm cơ sở.

Đề cập tới vấn đề chích ngừa COVID-19, Đức Phanxicô cho hay trước đây, chích ngừa bệnh sởi, bệnh tê liệt, có ai phản đối đâu. Lần này có phản đối có lẽ vì tính cực hại của căn bệnh, vì không biết chắc không những về đại dịch mà còn về các loại thuốc chích khác nhau. Ngài bảo có những thuốc chích “không là gì khác hơn là nước cất”. Nên người ta sợ, sợ bị hại bởi thuốc chích. Ngài chỉ khuyên mọi người nên “minh giải và nói một cách thanh thản về việc này”.

Về “hôn nhân” đồng tính, ngài cho biết ngài đã nhiều lần nói rõ: hôn nhân là một bí tích nên Giáo Hội không có quyền thay đổi. Nó là thế vì Chúa đã thiết lập như thế cho chúng ta”. Nhưng ngài cho hay có những đạo luật nhằm giúp hoàn cảnh của nhiều người có xu hướng tính dục khác nhau. Điều này quan trọng, tức việc giúp đỡ những người này. Nhưng không được áp đặt những điều tự bản chất của chúng không thể du nhập vào Giáo Hội được. Nếu người ta muốn trợ giúp một cặp đồng tính sống với nhau, nhà nước có khả thể trợ giúp họ về mặt dân luật, cung cấp an toàn cho họ qua việc thừa kế, bảo hiểm sức khỏe. Pháp còn cung cấp các phương tiện này cho cả những người sống chung không liên hệ gì tới tình dục.

Nhưng ngài quả quyết hôn nhân là hôn nhân. Điều này không có nghĩa phải lên án những người như trên, “Không phải thế, xin làm ơn, họ là anh chị em của chúng ta và chúng ta phải đồng hành với họ. Nhưng hôn nhân như một bí tích là điều rõ ràng, nó rất rõ ràng... hôn nhân như một bí tích phải là giữa một người đàn ông và một người đàn bà”.

Ngài thú nhận, “Đôi khi, điều tôi nói gây hoang mang. [Tuy nhiên] Tất cả như nhau, tôn trọng mọi người. Chúa tốt lành muốn cứu mọi người, đừng nói to điều này [cười], nhưng Chúa muốn cứu mọi người. Xin vui lòng, đừng bắt Giáo Hội phải bác bỏ chân lý của mình”. Ngài cho biết nhiều người có xu hướng đồng tính tìm đến Bí Tích Giải tội xin ý kiến linh mục, và Giáo Hội giúp họ tiến tới trên đường đời. “Nhưng bí tích hôn nhân thì...”. Tường trình ngưng ở đó.

Câu hỏi đáng chú ý nhất được Gerard O’Connell của tạp chí America nêu ra là về việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai. Câu hỏi đó như sau: “Chính Đức Thánh Cha từng nói rằng tất cả chúng ta đều là kẻ có tội và Thánh Thể không phải là phần thưởng của người hoàn thiện, nhưng là thuốc và của nuôi dưỡng dành cho kẻ yếu. Như Đức Thánh Cha đã thấy, tại Hoa Kỳ, sau những cuộc bầu cử vừa qua, nhưng cả từ năm 2004, vẫn có một cuộc tranh luận giữa các Giám Mục về việc cho rước lễ các chính trị gia ủng hộ các đạo luật phò phá thai và quyền của phụ nữ được lựa chọn. Và như Đức Thánh Cha đã tường, có những Giám Mục muốn từ khước việc rước lễ đối với tổng thống và nhiều người khác, có những Giám Mục khác chống lại việc này, lại có một số Giám Mục nói rằng không nên sử dụng Thánh Thể như một vũ khí. Đức Thánh Cha nghĩ gì về thực tại ấy và Đức Thánh Cha có lời khuyên nào với các Giám Mục? Và rồi câu hỏi thứ hai, trong tư cách một Giám Mục, suốt trong những năm qua, có bao giờ Đức Thánh Cha từ khước Thánh Thể đối với bất cứ ai không?”

Cách và thứ tự đặt câu hỏi của O’Connell hẳn là cố ý. Nhưng cách và thứ tự các câu trả lời của Đức Phanxicô không hẳn là không có nghĩa. Ngài trả lời câu hỏi thứ hai trước nhất. Dành phần chính cho câu hỏi đầu về phá thai. Sau đây là câu trả lời của Đức Phanxicô:

Tôi chưa bao giờ từ chối Thánh Thể cho bất cứ ai. Không một ai. Tôi không biết có ai đến với tôi trong hoàn cảnh đó hay không, nhưng tôi không bao giờ từ chối Thánh Thể. Cho đến ngày nay với tư cách là một linh mục, không bao giờ. Nhưng tôi chưa bao giờ rõ liệu có người nào đến trước mặt tôi như ông mô tả hay không. Đúng như thế.

Đơn giản, lần duy nhất tôi gặp chuyện buồn cười là khi tôi đi cử hành thánh lễ trong một viện dưỡng lão. Và chúng tôi đang ở trong phòng khách và tôi nói: "Ai muốn Rước lễ, hãy giơ tay lên". Và tất cả mọi người, họ lớn tuổi, đều giơ tay lên. Và tôi đã cho rước lễ một mệnh phụ, và [sau đó] bà ấy nắm lấy tay tôi và nói, "Cảm ơn Cha, cảm ơn Cha, con là người Do Thái." Bà ấy nắm lấy tay tôi. Ngay cả người mà tôi đã nói với bạn là một phụ nữ Do Thái, tuy nhiên, vẫn cứ tiến hành. Điều kỳ lạ duy nhất. Nhưng sau đó người phụ nữ mới nói với tôi.

Rước lễ không phải là một giải thưởng cho những người hoàn thiện, hãy nghĩ đến [...], phái Jansen, chỉ những người hoàn thiện mới được rước lễ. Rước lễ là một hồng ân, một hồng ân, là sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Người. Nó nằm trong cộng đồng. Đó là thần học. Vậy thì những ai không ở trong cộng đồng không thể rước lễ - như mệnh phụ Do Thái này, nhưng Chúa muốn ban thưởng cho bà ấy mà tôi đâu có biết. Tại sao [họ không thể rước lễ]? Bởi vì họ ở ngoài cộng đồng, bị vạ tuyệt thông, họ bị “vạ tuyệt thông”, người ta nói như thế. Đó là một thuật ngữ khắc nghiệt, nhưng ý nghĩa của nó là họ không ở trong cộng đồng, hoặc bởi vì họ không thuộc về hoặc họ đã được rửa tội nhưng đã trôi dạt khỏi một số điều.

Thứ hai, vấn đề phá thai. Phá thai không chỉ là một vấn đề. Phá thai là giết người. Phá thai, không nói bóng gió: kẻ nào thực hành việc phá thai đều giết người. Ông lấy bất cứ cuốn sách giáo khoa nào về phôi thai học của các sinh viên học trong trường y khoa. Ở tuần thứ 3 thai kỳ, thứ 3, nhiều khi bà mẹ chưa để ý, tất cả các cơ quan đều đã có rồi. Tất cả các cơ quan. Ngay cả DNA. [...]

Đó là một sự sống con người, không lôi thôi gì cả. Sự sống con người này phải được tôn trọng. Nguyên tắc này quá rõ ràng. Và đối với những người không thể hiểu nó, tôi muốn hỏi hai câu hỏi: Có đúng không, có công bằng không, khi giết một mạng người để giải quyết một vấn đề? Về mặt khoa học, đó là một sự sống con người. Câu hỏi thứ hai: Có đúng không khi thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề? Tôi đã nói điều này một cách công khai [...] khi tôi làm vậy, tôi đã nói điều đó với COPE, tôi muốn lặp lại điều đó. Và chấm hết. Đừng tiếp tục với những cuộc thảo luận kỳ dị nữa: Về mặt khoa học, đó là một sự sống con người rồi. Sách giáo khoa dạy chúng ta điều đó. Nhưng có đúng không khi lấy nó ra để giải quyết một vấn đề? Đây là lý do tại sao Giáo hội rất nghiêm khắc đối với vấn đề này bởi vì chấp nhận điều này giống như chấp nhận giết người hàng ngày.

Một nguyên thủ quốc gia đã nói với tôi rằng sự suy giảm dân số bắt đầu với thời đại phá thai. Bởi vì trong những năm đó có luật phá thai mạnh mẽ đến nỗi có sáu triệu ca phá thai được thực hiện và điều này đã để lại một sự suy giảm rất lớn trong xã hội của đất nước đó.

Bây giờ chúng ta hãy quay lại với người không ở trong cộng đồng và không thể rước lễ vì người đó ở ngoài cộng đồng. Đây không phải là một hình phạt: bạn đang ở bên ngoài. Rước Lễ là để hợp nhất cộng đồng.

Nhưng vấn đề không phải là một vấn đề thần học, một vấn đề đơn giản. Vấn đề là một vấn đề mục vụ: làm thế nào các giám mục chúng ta quản lý nguyên tắc này về mặt mục vụ. Nếu nhìn vào lịch sử của Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi khi các giám mục không quản lý một vấn đề như các mục tử, họ đã đứng về phía sinh hoạt chính trị, về vấn đề chính trị. Vì không quản lý tốt một vấn đề, nên họ đã đứng về phía mặt trận chính trị.

Chúng ta hãy nghĩ tới đêm đen của Thánh Bartholomêô: Dị giáo, vâng, dị giáo là điều rất nghiêm trọng [...] mọi người, đó là một sự kiện chính trị. Hãy nghĩ tới Gioan thành Arc, với sứ mệnh này. Hãy nghĩ tới các cuộc săn phù thủy. Chúng tôi luôn nghĩ tới Campo de ’Fiori, Savonarola, tất cả những thứ ấy. Khi, để bảo vệ một nguyên tắc, Giáo hội không thực hiện nó về mặt mục vụ, thì, Giáo hội đứng về phía chính trị. Và điều này đã luôn luôn như vậy. Chỉ cần nhìn vào lịch sử.

Mục tử phải làm gì? Hãy là một người chăn chiên, đừng đi loanh quanh để lên án, đừng lên án, nhưng hãy là một mục tử. Nhưng có phải ngài cũng là mục tử của người bị vạ tuyệt thông không? Có, ngài là mục tử và ngài phải chăn dắt họ, và ngài phải là người chăn dắt theo phong cách của Thiên Chúa. Và phong cách của Thiên Chúa là sự gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Toàn bộ Kinh thánh nói điều đó. Sự gần gũi. Ngay trong sách Đệ nhị luật, Ngài nói với Israel: Dân tộc nào có các thần minh gần gũi như ngươi có Ta? Sự gần gũi. Lòng cảm thương: Chúa thương xót chúng ta. Chúng ta đọc tiên tri Êdêkien, chúng ta đọc tiên tri Hôsê, ngay từ đầu. Và sự dịu dàng - chỉ cần nhìn vào Tin Mừng và các việc làm của Chúa Giêsu.

Một mục tử không biết cách xoay xở theo phong cách của Thiên Chúa sẽ trơn trượt và sẽ thêm thắt nhiều điều không phải là mục vụ. Đối với tôi, tôi không muốn nói đặc thù tới [...] Hoa Kỳ vì tôi không biết rõ các chi tiết, tôi đưa ra nguyên tắc.

Ông có thể nói với tôi: nhưng nếu Đức Thánh Cha gần gũi, dịu dàng và cảm thương một ai đó, Đức Thánh Cha phải cho họ Rước lễ - nhưng đó chỉ là giả dụ. Hãy là một mục tử và vị mục tử biết mình phải làm gì mọi lúc, nhưng phải như một người chăn chiên. Nhưng nếu ngài ngưng việc chăn dắt Giáo hội này, ngay lập tức ngài trở thành một chính khách. Và ông sẽ thấy điều này trong tất cả những lời kết án, trong tất cả những lời lên án phi mục vụ mà Giáo hội đưa ra. Với nguyên tắc này, tôi tin rằng một mục tử có thể hành động tốt. Các nguyên tắc là từ thần học, việc chăm sóc mục vụ là thần học và Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt ông làm điều đó với phong cách của Thiên Chúa. Tôi dám mạo hiểm nói xa đến thế...

Nếu ông bảo tôi: nhưng Đức Thánh Cha có thể cho hay không thể cho [Rước lễ]? Như các nhà thần học vốn nói, đó là lối giải nghi học. Ông còn nhớ cơn bão đã được gây ra bởi Tông huấn Niềm vui Yêu thương (Amoris laetitia) khi chương nói về việc đồng hành với các cặp vợ chồng ly thân, ly dị xuất hiện không: "Dị giáo, dị giáo!" Cảm ơn Chúa đã có Đức Hồng Y Schönborn, một nhà thần học vĩ đại đã làm sáng tỏ mọi điều.

Nhưng luôn luôn có kết án, kết án, vạ tuyệt thông đã đủ rồi. Xin vui lòng, chúng ta đừng đặt thêm bất cứ vạ tuyệt thông nào nữa. Tội nghiệp người ta. Họ là con cái của Thiên Chúa. Họ tạm thời ở bên ngoài, nhưng họ là con cái của Thiên Chúa và họ muốn, và cần sự gần gũi mục vụ của chúng ta. Sau đó, các mục tử phải giải quyết mọi sự nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa.