Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hôm 20 tháng 9, ông đã có một bài nhận định nhan đề “Pope Francis, ‘Estranged’ Catholics, and Holy Communion”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng Phanxicô, những người Công Giáo “xa đàn”, và Hiệp Thông Thánh Thể”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Một số cơ quan truyền thông Công Giáo thường hoạt động như phần mở rộng trên thực tế của Văn phòng Báo chí Tòa Bạch Ốc của Jen Psaki đã liên tục thúc giục các giám mục Hoa Kỳ tránh đề cập đến vấn đề rước lễ của các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai. Về phần mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một số nhận xét hữu ích về vấn đề gây tranh cãi này trong cuộc họp báo vào tháng 9, được tổ chức khi ngài trở về Rôma sau chuyến thăm Hung Gia Lợi và Slovakia. “Những người không ở trong tình hiệp thông không thể rước lễ,” Đức Thánh Cha đưa ra lập trường trên, khi đề cập đến về những người chưa được rửa tội và những người “lạc xa” khỏi Giáo Hội.

Chính xác. Và đó là thực tế chính yếu của Giáo Hội khi các nhà lãnh đạo chính trị Công Giáo cố tình thúc đẩy phá thai theo yêu cầu — giống như khi các quan chức Công Giáo từ chối chấm dứt tệ phân biệt đối xử đối với các trường học Công Giáo trong khu vực pháp lý của họ. Trong cả hai trường hợp, những người được đề cập, bằng hành động của họ phủ nhận một chân lý thiết yếu của đức tin Công Giáo: đó là phẩm giá bất khả nhượng của mỗi con người. Hành động của họ công khai tuyên bố rằng họ không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội.

Đó là thực tế khách quan; nó không phải là một phán xét về lỗi lầm chủ quan hoặc tình trạng đạo đức của một công chức nhất định. Không một thừa tác viên Rước Lễ nào có thể biết chắc chắn rằng viên chức đó đang ở trong tình trạng mắc tội trọng khi người đó đến gần bàn thờ để lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Viên chức được đề cập có thể không được dạy giáo lý đến nơi đến chốn, hoặc thiếu hiểu biết một cách bất khả kháng, hoặc bị suy giảm khả năng nhận thức. Nhưng tình trạng đạo đức chủ quan của chính trị gia ủng hộ phá thai – liệu người này có đang trong tình trạng mắc trọng tội hay không - không phải là mấu chốt của vấn đề. Và vấn đề rước lễ của các chính trị gia Công Giáo thúc đẩy phá thai không nên được đóng khung trong những thuật ngữ đó.

Điều mà thừa tác viên bí tích Thánh Thể có thể biết, vì không thể nào mà lại không biết, đó là khi quan chức Công Giáo ấy quảng bá điều mà Đức Giáo Hoàng, trong cùng cuộc họp báo đó, gọi là “thảm sát” những đứa trẻ chưa chào đời, thì quan chức ấy, một cách khách quan, đang trong tình trạng xa lánh Giáo Hội một cách nghiêm trọng, bất kể tình trạng đạo đức cá nhân hay tình trạng giáo luật của người đó. Những người xa lánh Giáo Hội nghiêm trọng vẫn là thành viên của Giáo Hội vì lý do họ đã chịu phép Rửa Tội. Nhưng họ không nên hành động như thể họ đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội.

Cuộc thảo luận này hầu như chỉ tập trung vào các giám mục, linh mục, và các thừa tác viên bí tích Thánh Thể từ chối trao Mình Thánh Chúa cho các chính trị gia ương ngạnh. Đó cũng là một tiêu điểm sai, ít nhất là lúc ban đầu. Những người không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội — những người, bằng những hành động công khai của mình, đã chứng tỏ họ khước từ một chân lý thiết yếu của đức tin Công Giáo — nên có sự liêm chính để đừng lên rước Thánh Thể. Gánh nặng giữ luật đầu tiên thuộc về những con người đó.

Tuy nhiên, công nhận điều này không có nghĩa là các mục tử không có nghĩa vụ; hoàn toàn ngược lại. Như Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói, nghĩa vụ đầu tiên của các mục tử là cố gắng giúp những người Công Giáo lạc đàn một cách khách quan này - những người “tạm thời bên ngoài cộng đồng,” như lời Đức Giáo Hoàng nói - hiểu được sự thật về hoàn cảnh của họ: rằng họ không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội và không nên hành động trong Thánh lễ như thể họ đang làm. Nếu sau khi có sự hướng dẫn thích hợp được thực hiện với lòng bác ái và sự minh bạch, mà người Công Giáo xa đàn một cách khách quan này vẫn tiếp tục, bằng những hành động công khai, bác bỏ một số chân lý xác định bản sắc một người Công Giáo, thì một mục tử có tinh thần trách nhiệm phải có nghĩa vụ hướng dẫn người đó không được lên Rước Lễ. Vì như các giám mục của Mỹ Châu Latinh, do vị giáo hoàng tương lai lãnh đạo, đã nói vào năm 2007, các quan chức công quyền khuyến khích “tội ác nghiêm trọng” chống lại sự sống “không thể rước lễ”.

Nói một cách cụ thể: Tôi không có cách nào biết liệu Tổng thống Biden, Chủ tịch Hạ Viện Pelosi, và các quan chức Công Giáo khác đang tích cực thúc đẩy việc phá thai có đang ở trong tình trạng mắc tội trọng hay không. Nhiều yếu tố liên quan đến việc phạm tội trọng. Điều tôi biết — bởi vì Tổng thống Biden, Chủ tịch Hạ viện Pelosi, và những quan chức Công Giáo tích cực cổ vũ cho việc phá thai theo yêu cầu đã nói với tôi như vậy bằng hành động của họ — là những con người này, về mặt khách quan, không ở trong tình trạng hiệp thông với Giáo Hội. Sự xa cách đó, mượn thuật ngữ của Đức Giáo Hoàng, là mức độ nghiêm trọng đến nỗi họ không nên bước lên Rước lễ.

Rước Thánh Thể không chỉ là một biểu hiện của lòng đạo đức cá nhân. Đó là một tuyên bố về sự hiệp thông trọn vẹn của một người với Giáo Hội. Làm rõ điều đó, bằng cách hướng dẫn nếu có thể và hành động kỷ luật nếu cần, là một nghĩa vụ mục vụ. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đó không phải là một hình phạt.” Đó cũng không phải là “vũ khí hóa” Bí tích Thánh Thể. Đó là lời kêu gọi người xa cách Giáo Hội hoán cải sâu sắc hơn cho Chúa Kitô. Đó là điều mà những mục tử tốt phải làm.
Source:First Things