42. GIÁ ÁO TÚI CƠM

Có một năm mùa màng thất thu, gạo rất quý, nên giá cả tựa hồ như ngọc quý.

Có một phú ông ăn cơm no, hễ hả đắc ý khác thường, cười nhạo nói với một học trò nhà nghèo:

- “Chữ không trị được đói, học có đầy bụng cũng không bằng gấm vóc”.

Anh học trò trề môi nhạo lại, nói:

- “Học không cần cầu no, hổ thẹn (vì) không một túi văn chương”.

Câu giễu cợt này chính là nói ông phú ông kia chẳng qua là phường giá áo túi cơm mà thôi.

(Khán Sơn Các Nhàn bút)

Suy tư 42:

Có tiền của mà không có chữ nghĩa thì...hơi buồn một chút, nhưng có tiền của mà không có chữ nghĩa, cũng không có đạo đức thì đúng là phường giá áo túi cơm. Tại sao vậy? Thưa, tại vì những phường giá áo túi cơm thì luôn tỏ ra hách dịch với người nghèo và khúm núm quỵ lụy với người sang trọng quyền quý, loại này thì có nhiều trong xã hội hôm nay.

Người không có đức tin thì dựa vào của cải vật chất và danh vọng, cho nên khi của cải vật chất và danh vọng không còn nữa thì họ không con muốn sống nữa; người có đức tin thì đem cuộc sống của mình phó thác cho Thiên Chúa, cho nên dù giàu hay nghèo thì họ vẫn cứ là người Ki-tô hữu sống kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình vậy.

Ông phú hộ dựa vào của cải để khinh chê anh học trò nghèo, người Ki-tô hữu dựa vào đức tin để nhận biết người nghèo là hình ảnh của Đức Chúa Giê-su.

Có đức tin và không có đức tin thì khác nhau xa lắm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info