Đức Giêsu, nhà truyền giáo đầu tiên và vĩ đại

(Suy niệm lễ Giáng Sinh)

Trong kho tàng truyện cổ nước Nga, có câu chuyện sau đây: Vào thời trung cổ, có hoàng tử Alexis cũng như các vua khác, sống trong đền đài nguy nga, sang trọng, trong khi dân chúng sống nghèo đói tàn tệ. Nhưng hoàng tử biết cảnh khổ cực của dân chúng, nên ngày ngày ông đến thăm viếng họ, cốt ý chia sẻ nỗi khốn cùng của họ. Song ông chẳng thấy hiệu quả gì. Ngày kia, dân chúng thấy xuất hiện một người lạ, tự xưng là thầy thuốc. Anh ăn mặc như họ, sống đơn sơ như mọi người. Ngày đêm anh tận tuỵ hy sinh săn sóc người già yếu, kẻ ốm đau, giúp đỡ người nghèo khổ. Đặc biệt thầy thuốc này không nhận thù lao, và còn phát thuốc miễn phí…Ngoài ra, thấy ai tranh giành, cãi vã, thù oán, anh đến dàn xếp, giải hoà, giúp họ sống thương yêu hoà nhã với nhau.

Sau cùng, dân chúng khám phá ra thầy thuốc nhân hậu đó chính là hoàng tử Alexis. Ông đã bỏ cung điện giàu sang đến sống với thần dân nghèo khổ, giúp đỡ họ, phục vụ họ. Mọi người đều yêu mến kính phục, nghe lời ông…

Kính thưa, Ngôi Lời là vua trên trời dưới đất, đã Giáng sinh làm người ở giữa mọi người, sống nghèo khó khổ cực như mọi người, sẵn sàng hy sinh phục vụ con người, hy sinh phục vụ cho đến chết, và chết đau khổ trên thập giá: “Con người không đến để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống cứu chuộc mọi người”.

Nhưng khổ nỗi, con người vô ơn bạc nghĩa, đã chẳng biết ơn Người còn từ chối Người, khinh mạc Người: “ Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 10-11).

Đức Giê-su, vị truyền giáo đầu tiên và vĩ đại:

Là Thiên Chúa Ngôi Hai, Đức Giê-su đã vâng lời Chúa Cha để xuống thế làm người nhằm cứu độ loài người. Ngài cũng được sinh ra bởi một người nữ tên là Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Nhưng Ngài cũng có một người cha nuôi tên là Giuse. Là Thiên Chúa thật, Đức Giê-su đã trở nên người thật, người trọn vẹn với ý nghĩa đầy đủ. Ngài làm người giống con người mọi sự ngoại trừ tội lỗi. (Dt 4,15). Ngài đã được sinh ra tại làng Belem trong hang nghèo hèn được sưởi ấm bởi hơi bò lừa. Sự ra đời của Ngài đã được ánh sao lạ dẫn đường cho 3 vua dân ngoại đến bái thờ. Sự ra đời của Ngài đã loan báo cho các mục đồng bởi sứ thần “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Quả thật, sự chào đời của Hài Nhi Giê-su là niềm vui cho toàn nhân loại. Vì từ nay, muôn dân đang nằm trong bóng tối tử thần đã được nhìn thấy ánh sáng huy hoàng rực rỡ, đó là Đức Giê-su Ki-tô, Người là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Ngài là vị truyền giáo đầu tiên khi dám chấp nhận bỏ mình, bỏ địa vị Thiên Chúa để hạ mình làm người như mọi người ngoại trừ tội lỗi để cứu loài người khỏi tay thần chết và đưa con người từ bóng đêm tội lỗi đến ánh sáng rạng ngời.

Ngài là vị truyền giáo đầu tiên khi công khai giảng dạy và làm nhiều phép lạ để người câm nói được, người điếc nghe được, người mù được nhìn thấy, người què đi được, người bệnh tật được chữa lành, người chết được sống lại. Ở đâu Ngài hiện diện là ở đó được thi ân giáng phúc. Ở đâu Ngài hiện diện là ở đó đầy tràn Thần Khí và niềm vui hạnh phúc. Ở đâu Ngài hiện diện là ở đó được chữa lành và được cứu sống. Ở đâu Ngài hiện diện là ở đó có sự gặp gỡ và quy tụ.

Ngài là vị truyền giáo đầu tiên và vĩ đại khi Lời Ngài nói với việc Ngài làm ăn nhập với nhau, thống nhất với nhau. Ngài là vị truyền giáo vĩ đại khi tim Ngài luôn thổn thức, chạnh lòng thương và quan tâm đến tất cả mọi người, nhất là những hoàn cảnh éo le bệnh hoạn tật nguyền.

Ngài là vị truyền giáo đầu tiên khi Ngài làm việc liên lỉ vì các linh hồn. Ngài đã khẳng định: Cha Ta làm việc Ta cũng làm việc…”.

Ngài là vị truyền giáo vĩ đại khi Ngài chịu thương chịu khó, hăng say dấn thân trong mọi ngõ ngách miễn sao Tin Mừng được loan báo và Lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ hiện.

Kính thưa,

Giê-su Hài Nhi Giáng sinh có thật sự đem lại lợi ích thiêng liêng, lợi ích cứu độ của mỗi chúng ta không? Ngài là Thiên Chúa hữu hình ở với chúng ta trong mọi nơi mọi lúc, nhất là Ngài đang hiện diện với chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể, nơi Thánh lễ chúng ta dâng, nơi Lời Chúa chúng ta đọc, suy niệm và sống, Ngài hiện diện khi chúng ta cầu nguyện. Hơn thế nữa, Ngài hiện diện với chúng ta nơi tha nhân, nhất là nơi những người nghèo, người già cả neo đơn, người bệnh tật, người bị loại ra khỏi lề xã hội,…Tất cả những gì chúng ta làm hay không làm cho những kẻ bé mọn đó là chúng ta đã làm hay không làm cho chính Chúa vậy. Thế nhưng mà như Tin mừng đã nói “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận…(Ga 1, 10-11).

Ngôi Lời làm người, Ngài là Vầng đông đến thăm viếng ta. Thăm viếng là đến và hiện diện cách thân thiện, gần gũi và trao ban bình an chứ không phải hiện diện để gieo rắc điều xấu và sự bất an cho tha nhân. Quả thật, truyền giáo là thăm viếng. Thăm viếng là ra đi và dấn thân. Ra khỏi chính mình để đến với tha nhân. Thăm viếng là tạo niềm vui, đem niềm vui và trao niềm vui. Thăm Viếng là phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Thăm viếng là chạnh lòng thương, quan tâm và cảm mến tha nhân thay vì vô cảm, ích kỷ và khó thương. Tuy nhiên, để có được cuộc thăm viếng đúng nghĩa và cảm hoá được người khác, mỗi chúng ta cần gặp và đón nhận sự thăm viếng của Thiên Chúa, cụ thể là đón nhận sự thăm viếng của Đức Giê-su để có sức mạnh và nguồn ân sủng của Ngài.

Nguyện xin Hài Nhi Giê-su hiện diện nơi hang đá tâm hồn của chúng ta và ban muôn ơn lành, sức mạnh và bình an để chúng ta trở nên những Giê-su thứ hai đáng yêu và dễ mến nơi môi trường sống nhằm thu hút được nhiều tâm hồn trở về với Chúa. Amen.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương