Đào tạo

Henri de Lubac sinh ngày 20 tháng 2 năm 1896 tại Cambrai, miền Bắc nước Pháp, là con thứ ba trong số sáu người con của Maurice Sonier de Lubac (1860-1936) và Gabrielle de Beaurepaire (1867-1963). Mặc dù cha của de Lubac ban đầu đến từ vùng phía nam của Lyons, ông đã làm việc cho Banque de France (Ngân hàng Pháp Quốc), nơi đã chuyển ông đến các chức vụ ở phía đông và phía bắc nước Pháp, đặc biệt là đến Cambrai trong những năm 1895-1898. Theo Georges Chantraine (1), có những lý do khác đằng sau việc thuyên chuyển này. Theo luật ngày 29 tháng 3 năm 1880, các thành viên của các cộng đồng tôn giáo bị trục xuất khỏi nhà và cơ sở của họ. Tại Lyons, việc trục xuất các Tu sĩ Dòng Phanxicô ngành Capuchin đã dẫn đến các cuộc biểu tình vào ngày 3 tháng 11 năm 1880, trong đó một người biểu tình đã bị giết. Cha của De Lubac, cùng với một số bạn bè, đang hộ tống các tu sĩ bị trục xuất và tham gia vào một cuộc ẩu đả, trong đó ông đã làm bị thương nhẹ vào mặt một trong những người biểu tình phản đối bằng một thanh gươm. Vì điều này, ông đã bị kết án tù và bị phạt mười sáu franc. Tòa phúc thẩm ở Lyons công nhận rằng ông đã hành động để tự vệ, nhưng vẫn trừng phạt ông vì tội mang vũ khí trái phép và giữ nguyên tiền phạt. Trong gia đình Sonier, phán quyết này được coi là một vinh dự. Tuy nhiên, Maurice de Lubac nghĩ rằng tốt nhất nên rời Lyons trong lúc này; cuối cùng, vào năm 1898, cả gia đình chuyển đến Bourg-en-Bresse, và cuối cùng, vào năm 1902, họ trở lại Lyons.



De Lubac viết về cha mẹ và gia đình trong cuốn hồi ký Phục vụ Giáo hội của ngài:

“Cha mẹ tôi khó mà gọi là khá giả.... Các ngài đã nuôi dạy chúng tôi theo các nguyên tắc của một nền kinh tế nghiêm ngặt, nhưng chúng tôi được tắm gội trong sự dịu dàng âu yếm của các ngài. Mẹ tôi là một người phụ nữ giản dị. Toàn bộ giáo dục của bà đã được tiếp nhận trong vùng quê và trong 4 bức tường của đan viện Thăm viếng, theo phong tục của thời đại. Toàn bộ sự dưỡng dục của bà dựa trên nền tảng của truyền thống và lòng mộ đạo Kitô giáo. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy gì ở bà ngoài sự quên mình và tốt bụng. Sau cái chết của cha tôi, kiệt sức vì lao động hàng ngày, một ngày nọ, bà nói với tôi, “Ba má chưa bao giờ có bất đồng nào dù nhỏ nhất” (Phục vụ Giáo Hội, trang 152).

Những ngày thơ ấu và đi học

Henri de Lubac đã trải qua thời thơ ấu của mình ở Bourg-en-Bresse và Lyons và được giáo dục tiểu học tại các cơ sở khác nhau do các dòng tu điều hành: lúc đầu tại trường Christian Brothers [Tu huynh Kitô giáo] ở Bourg-en-Bresse vào năm 1901-1902, và sau đó ở một trường khác ở Lyons của cùng dòng này cho đến năm 1904. Năm 1905, ngài được chuyển đến Trường Dự bị Thánh Giuse của Dòng Tên ở Lyons. Từ năm 1909 đến năm 1911, ngài tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Notre Dame de Mongré của Dòng Tên ở Villefranche-sur-Saône, cách Lyons hai mươi lăm km về phía bắc, được coi là một học viện ưu tú. (Vài năm trước đó, vào năm 1897, chàng trai trẻ Teilhard de Chardin đã tốt nghiệp trường Mongré với thành tích học tập xuất sắc). Trong số những cuốn sách yêu thích của de Lubac khi còn đi học là tác phẩm của các tác giả Công Giáo đương thời Charles Péguy và Paul Claudel (2), Nhà thơ Latinh Virgil và cả tiểu thuyết gia người Nga Dostoyevsky. Thời gian ngài ở Villefranche rất quan trọng đối với sự nghiệp sau này của Henri de Lubac. Dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của Cha Eugene Hains, SJ., người mà ngài hết sức quý trọng trong suốt quãng đời còn lại, ngài đã biện phân được ơn gọi sống noi gương Chúa Kitô một cách đặc biệt (Phục vụ Giáo Hội, trang 402). Nhưng việc đầu tiên là hoàn thành việc học của ngài. Bắt đầu từ năm 1911, de Lubac học tại Cao đẳng Moulins Bellevue, lấy bằng tú tài và do đó là bằng tốt nghiệp trung học năm 1912. Ngài đăng ký học các khóa luật học tại Institut Catholique ở Lyons hai lục cá nguyệt và sau đó vào mùa thu năm 1913 nộp đơn để được gia nhập Dòng Tên. Ngài vào nhà tập ngày 9 tháng 10 năm 1913 (3); tuy nhiên, vào thời điểm đó, nhà tập không được tiến hành ở Pháp, mà là ở St Leonards-on-Sea, ngoại ô Hastings, trên bờ eo biển Manche. Trong những năm này, bất cứ ai gia nhập Tỉnh Lyons của Dòng Tên, hoặc một trong ba tỉnh khác ở Pháp của Dòng, đều phải đến nhà tập và theo đuổi việc học ở Anh; điều này không nhằm mục đích học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài, mà là vì lý do chính trị. Đây là tình hình điển hình của Giáo Hội tại Pháp trong những năm đó. Cũng nên ghi nhớ điều này như một phần của bối cảnh để hiểu công việc của de Lubac. Nhân tố này vốn được đặt tên là la séparation [sự tách biệt].

Bầu khí trí thức

Sự tách biệt không những nói đến mối liên hệ giữa Giáo hội và Nhà nước, từ góc độ chính trị, mà còn về mặt trí thức, tức mối liên hệ giữa triết học và thần học, và giữa trật tự tự nhiên và trật tự siêu nhiên của ân sủng.

Mặc dù nước Pháp từng được ca ngợi là “trưởng nữ của Giáo hội” vì lòng trung thành và các mối liên hệ chặt chẽ với Rôma, những phát triển trong thế kỷ thứ mười tám, đỉnh cao là Cách mạng Pháp, đã khiến mối liên hệ giữa Giáo hội và Nhà nước trở nên hoàn toàn xáo trộn. Người Công Giáo, và tất nhiên là giới quý tộc nói riêng, nhìn tất cả các khuynh hướng cộng hòa bằng một sự nghi ngờ sâu xa, trong khi ngược lại những người ủng hộ Cộng hòa Pháp lại tỏ ra khinh thị sâu xa, đúng là một sự căm ghét hoàn toàn và cuồng nhiệt đối với Giáo hội và các thể chế của Giáo hội, đặc biệt là đối với Dòng Tên. Đúng như thế, nhưng mối liên hệ giữa Nhà thờ và Nhà nước đã được cải thiện nhờ Tông hiệp (Concordat) năm 1801-1802 và sau đó, một lần nữa, trong suốt thế kỷ XIX sau cuộc Khôi phục 1814-1815. Dòng Tên (4) đã bị Đức Clement XIV dẹp bỏ vào năm 1773 và chỉ được tái lập như một dòng tu vào năm 1814; năm 1832, ở Pháp, các tu sĩ Dòng Tên lại đã có thế đứng vững chắc hơn. Năm 1850, có đạo luật cho phép hoàn toàn tự do giáo dục và bắt đầu một thời kỳ củng cố. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19, căng thẳng lại trở nên tồi tệ về mọi mặt. Ngay từ năm 1880, các tu sĩ Dòng Tên, vì không phải là một hiệp hội được chính phủ chấp thuận, nên một lần nữa bị luật pháp tước bỏ quyền giảng dạy. Ba mươi bảy trường cao đẳng đã bị giải thể. Những người bị trục xuất, một số trong số họ bị cưỡng bức, đã đến Anh, Bỉ hoặc Tây Ban Nha, hoặc nếu không, thì đi truyền giáo. Số linh mục còn lại thì ở lại Pháp. Dân chúng nói chung, vốn có truyền thống trung thành với Giáo Hội, do đó có cảm tình với Dòng Tên hơn cơ quan lập pháp, nên đã coi đạo luật này bất hợp lệ. Nhờ thế, được công luận che chở, việc giảng dạy của Dòng tại các trường cao đẳng vẫn đã được tiếp tục, dù ở một mức độ hạn chế.

Thập niên 1890 được đánh dấu bằng nhiều nỗ lực của những người Công Giáo có quan điểm cộng hòa nhằm mang lại sự sáp lại gần nhau hơn với Nhà nước. Chính sách tái hợp [hòa giải] của họ đã được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII thúc đẩy một cách rõ ràng. Tuy nhiên, cuối cùng nó đã thất bại vào năm 1898, khi xã hội Pháp ngày càng trở nên phân cực.

Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, những người không đoàn kết với nhau, chỉ giành được một số ghế không đáng kể trong các cuộc bầu cử năm 1893 và 1898. Vào tháng 6 năm 1898, họ bị loại, không được tham gia chính phủ Pháp. Ngày 26 tháng 6 năm 1899, khi Pierre Waldeck-Rousseau và liên minh của ông là đảng Tập trung Cộng hòa nắm quyền điều hành chính phủ, một chương trình dứt khoát chống giáo sĩ đã được khởi động.

Vụ liên quan đến sĩ quan pháo binh người Pháp gốc Do Thái Alfred Dreyfus là một bước lùi nghiêm trọng cho chính sách hòa giải. Ông này đã bị kết án bị trục xuất vĩnh viễn vào năm 1894 vì bị cáo buộc phản bội, cung cấp các bí mật quân sự cho Đức. Waldeck-Rousseau cho phép mở lại vụ án. Tuy nhiên, vào năm 1899, kết quả chỉ là giảm án và ân xá chứ không phải tha bổng và phục hồi (một điều chỉ xảy ra vào năm 1906), và những người Cộng hòa đã qui kết quả không như ý này cho ảnh hưởng của những người Công Giáo cánh hữu và khuynh hướng bài Do Thái của họ. Chính sách hòa giải đã thất bại, và sự đối lập giữa một bên là những người Cộng hòa phản giáo sĩ và một bên là Giáo Hội Công Giáo trở nên cứng rắn hơn, theo đó các đảng phái Công Giáo tự tách ra thành một phong trào quốc gia (Action française=Tiến hành Pháp) và một nhóm nhỏ hơn cởi mở đối với dân chủ.

Émile Combes kế nhiệm Waldeck-Rousseau vào năm 1902 và tiếp tục các chính sách của ông này. Trong những năm 1903-1904, hai mươi nghìn tu sĩ đã bị trục xuất khỏi Pháp, những vụ trục xuất này thỉnh thoảng tạo dịp cho các cuộc biểu tình phản đối của người dân, chẳng hạn như ở Lyons và Nantes, trong đó có những trường hợp tử vong. Dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng Piô X (1903-1914), liên hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và chính phủ Pháp bị tan vỡ (1904), và vào năm 1905, tông hiệp từng điều hòa các mối liên hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước từ năm 1801-1802 đã bị bãi bỏ. Mặc dù nó đã cho chính phủ một số tiếng nói trong các vấn đề giáo hội, tông hiệp cho đến lúc đó đã dành cho Giáo Hội ở Pháp một phạm vi hoạt động nhất định và đã bảo đảm việc hỗ trợ tài chính cho Giáo hội. Bằng đạo luật thông qua ngày 11 tháng 12 năm 1905, sự tách biệt hoàn toàn giữa Giáo Hội và Nhà nước đã được đóng ấn.

Như thế, sự tách biệt ở bình diện trí thức đi kèm với sự tách biệt ở bình diện xã hội. Sự tách biệt về bình diện trí thức là điều căn bản hơn giữa hai bình diện này. Nó dẫn đến diễn trình thế tục hóa hiện đại, theo nghĩa Giáo Hội tự hạn chế mình trong các lĩnh vực chính trị và xã hội, là các lãnh vực bác bỏ mọi ảnh hưởng của tôn giáo. De Lubac đã đưa ra luận điểm đầy khiêu khích cho rằng không nên đổ hết lỗi này lên một mình triết học hiện đại, mà cả thần học cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì đã phân định ranh giới quá rạch ròi giữa tự nhiên và siêu nhiên (5). Cái nhìn sâu sắc này phát sinh từ các phân tích của cuốn Surnaturel (Siêu nhiên) chứa đựng một lượng rất lớn các chất liệu gay cấn và do đó dễ gây ra nhiều nghi ngờ và buộc tội quy mô lớn chống lại de Lubac.

“Suy nghĩ Hai Câu chuyện”

Như thế, cũng có sự tách biệt trên bình diện trí thức. De Lubac nhiều lần nói đến một philosophie séparée hay một théologie séparée, những kiểu nói rất khó dịch (nghĩa đen: triết học tách biệt và thần học tách biệt). Trong tiếng Đức, nó đã trở thành thông lệ khi sử dụng phép ẩn dụ “suy nghĩ hai câu chuyện” để chỉ ý ngài muốn nói. Điều này ngụ ý rằng trật tự ân sủng siêu nhiên được đột ngột thêm vào trật tự tự nhiên, mà không có khả thể chứng minh bất cứ sự phối hợp nội tại nào giữa hai bình diện (“câu chuyện”). Ân sủng của Thiên Chúa thúc giục con người chấp nhận ân sủng này dựa trên cơ sở thẩm quyền Thiên Chúa. Để bảo toàn đặc tính nhưng không của ân sủng như một hồng ân, thần học về natura pura [bản tính thuần túy], được chấp nhận rộng rãi từ thế kỷ XVII trở đi, cho rằng con người, trong nguyên tắc, có thể hoàn hảo cả khi không có ân sủng trong trạng thái hạnh phúc tự nhiên, một hạnh phúc không bao gồm việc được hưởng nhan Thiên Chúa. Mặc dù lúc đầu, các nhà thần học vẫn nhận thức được rằng điều này đánh dấu sự xa rời khỏi truyền thống của Thánh Tôma Aquinô (6) và của trọn nền thần học Công Giáo trước ngài, nhưng từ đó về sau, khái niệm này ngày càng được coi là đương nhiên, và kể từ thế kỷ XVII, nó đã được cho là thần học của chính Thánh Tôma. Sự phân biệt giữa tự nhiên và siêu nhiên, được coi là hai trật tự không tách rời nhau [của thực tại], là một trong những trụ cột của điều gọi là nền thần học Tân Kinh viện, từng là nền thần học giáo khoa trong các chủng viện và đại học Công Giáo từ cuối thế kỷ XIX và các học giả Dòng Tên và Dòng Đa Minh cũng có mặt trong số những người đề xướng hàng đầu của nó. Kể từ khi Maurice Blondel minh nhiên dẫn nhập khái niệm này như một từ ngữ mới trong cuốn Lịch sử và Tín điều (1904) của ông, các nhà thần học đã nói về thuyết ngoại tại [extrincicism]. Khái niệm này đã được chấp nhận rộng rãi một cách nhanh chóng đáng kinh ngạc. Vượt thắng thuyết ngoại tại là mối quan tâm căn bản mà Henri de Lubac, Karl Rahner (7) và nhiều nhà thần học khác ở thế kỷ 20 cùng nhất trí. Họ coi là ngoại tại lối hiểu mặc khải cho rằng sự tự mạc khải của Thiên Chúa gặp gỡ con người hoàn toàn “từ bên ngoài” (extrinsece), mà, theo quan điểm của người tiếp nhận sự mặc khải, không có bất cứ khả thể nào làm rõ đến mức độ nào họ có thiên hướng tiếp nhận nó, nghĩa là, trên nguyên tắc, họ là “người nghe thấy Lời [Chúa]”, như kiểu nói sau này của Karl Rahner.

Bên cạnh sự tách biệt này giữa triết học và thần học, một sự tách biệt mà đặc biệt vào cuối thế kỷ XIX được đi kèm với sự căng thẳng giữa khoa học tự nhiên và thần học, một sự tách biệt thứ hai đã nảy sinh trong chính thần học dựa trên sự rẽ đường thậm chí còn sớm hơn: đó là sự tách biệt giữa thần học và linh đạo (8). De Lubac và nhiều người cùng thời với ngài đã đau buồn ý thức được tất cả những cuộc tách biệt này.

Đối với sự tách biệt giữa triết học và thần học, hoặc giữa tự nhiên và ân sủng, ý nghĩa thực sự của “Công Giáo” bắt đầu chỉ xuất hiện trên bối cảnh này. Công Giáo, theo nghĩa “bao gồm tất cả” hoặc phổ quát, trong yếu tính, ngụ ý việc xóa bỏ sự tách biệt này, không theo nghĩa một thích ứng rẻ tiền đối với thế giới, mà theo nghĩa của một cái nhìn về con người và xã hội dưới ánh sáng của mặc khải, có thể giải đáp các câu hỏi tối hậu của con người và những “yêu cầu” sâu sắc nhất của tinh thần họ. Tính Công Giáo [catholicity] đích thực (như được phân biệt với đạo Công Giáo) dẫn đến một hình ảnh về con người vừa nâng cao vừa hoàn thiện cả cá nhân lẫn xã hội. Là người Công Giáo có nghĩa, không phải là phủ nhận lý trí, mà đúng hơn, phải hiểu lý trí như một cái ăng-ten nhờ đó, có thể tiếp nhận sự mặc khải của Thiên Chúa (9).

Tất cả những sự tách biệt nói trên chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả rất bất lợi cho cả hai bên.

Chủ nghĩa duy hiện đại

Trong những năm đầu thế kỷ XX, quan tâm của nhiều trí thức Công Giáo là giải quyết các thách thức của việc nghiên cứu lịch sử hiện đại (vốn đóng vai trò chủ yếu trong điều gọi là thần học Thệ phản tự do), cùng với triết học tục hóa và các nghiên cứu tôn giáo so sánh, cũng như các phát hiện của khoa học tự nhiên, và không hẳn chỉ để rút lui vào sự an toàn của các tuyên bố tín lý đã được định tín của đức tin. Không phải mọi vị này đều đã thành công trong việc bảo tồn nguyên vẹn kho tàng đức tin và các nguyên tắc của giáo huấn Công Giáo. Điều này làm xuất hiện một hạn từ chủ chốt khác cần được giải thích: Chủ nghĩa duy hiện đại [Modernism]. Thuật ngữ này là một khẩu hiệu được sử dụng để mô tả một số quan điểm thần học nhất định, nhưng nó thường được những người liên hệ sử dụng để mô tả chủ trương của chính họ. Trong sắc lệnh Lamentabili, ngày 6 tháng 7 năm 1907, và sau đó, đặc biệt trong thông điệp của Đức Giáo Hoàng Piô X, Pascendi dominici gregis, ngày 8 tháng 9 năm 1907, Chủ nghĩa Duy Hiện đại đã được trình bầy một cách có hệ thống và bị lên án. Thông điệp coi là Duy Hiện đại các quan điểm của thuyết bất khả tri [agnosticism] (10) và thuyết nội tại [immanentism] (11) cho rằng Sách Thánh chứa đựng cả sai lầm lẫn sự thật, và cuối cùng, cho rằng giáo huấn của đức tin, với thời gian, đã tự tách ra khỏi các nền tảng Kinh Thánh (gián đoạn trong việc khai triển tín lý). Vấn đề chính dường như là việc chấp nhận lối chú giải lịch sử-phê bình (12) một cách quá ư phi phê phán và nỗ lực nhằm thay thế giáo huấn truyền thống của Giáo hội vào thời điểm đó bằng các phát hiện của chính họ. Mọi người đều đồng ý rằng người đề xướng quan trọng nhất của thuyết Duy Hiện đại là nhà chú giải người Pháp Alfred Loisy (1857-1940), người, trong cuốn L'Évangile et l'Église (Tin mừng và Giáo hội), xuất bản năm 1902, đã cố gắng bảo vệ Giáo Hội Công Giáo và các ý kiến của Giáo Hội liên quan đến nguồn gốc của Giáo hội trong sứ vụ công khai của Chúa Giêsu chống lại lối phê bình của Adolf von Harnack trong Das Wesen des Christentums (Kitô giáo là gì?). “Chúa Giêsu loan báo Tin mừng về Nước Thiên Chúa. Nhưng Giáo Hội đã đến thay vào đó”. Công thức nổi tiếng này, mà Loisy không hề có ý hạ giá, tuy nhiên đã không bảo toàn được tính liên tục giữa Giáo hội và thừa tác vụ công khai của Chúa Giêsu, và do đó đã nhượng bộ quá lớn đối với khoa chú giải Thệ Phản. Việc đưa ra Lời thề chống lại thuyết Duy Hiện đại vào năm 1910, mà tất cả các giáo sĩ bắt buộc phải thực hiện (cho đến năm 1967), cho thấy Chủ nghĩa Duy Hiện đại đã bị Huấn quyền của Giáo hội coi là mối đe dọa nguy hiểm như thế nào.

Kỳ sau: Lịch sử và Tín điều