NGÔN SỨ CỨ LÊN TIẾNG

Năm hết Tết đến, người Việt Nam có câu rất hay: “Về nhà ăn Tết, gia đình trên hết.” Và thật là một sự trùng hợp thú vị, Phúc Âm tuần giáp Tết này kể chuyện Chúa Giêsu về quê. Chỉ tiếc là Chúa về quê nhưng không được vui lắm. Tại sao vậy? Có người nói đùa vì Chúa nghèo quá không có tiền đem về quê lì xì dân làng nên mất vui! Hihii Chúa không được đón nhận đó chính là số phận của ngôn sứ loan báo Tin Mừng, luôn gặp nhiều chống đối.

1. Sự thật mất lòng. Tục ngữ có câu “Sự thật mất lòng.” Chúa Giêsu là ngôn sứ công bố sự thật về một nhân loại tội lỗi cần sám hối nên người ta không muốn đón nhận. Chính thánh Gioan đã nói về Chúa Giêsu: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” Không chỉ dân làng Nadarét, mà ngôi làng toàn cầu ngày nay cũng đang tìm cách loại bỏ Chúa. Các ý thức hệ, các trào lưu xã hội chỉ muốn nghe những lời hợp ý thích của mình, chứ không muốn nghe Lời Chúa là lời sự thật về Thiên Chúa, về phẩm giá con người, về công lý xã hội.

2. Quen quá hóa nhàm. Người Việt Nam có câu “Bụt chùa nhà không thiêng,” hay nôm na là “quen quá hoá nhàm.” Dân làng Nadarét thấy Đức Giêsu quen quá, biết rõ cả gia đình Ngài. Quen quá đâm ra hóa nhàm, khiến Ngài phải thốt lên: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” Trong đời sống gia đình, chúng ta thấy rõ điều này: Những người thân yêu của ta cũng duyên dáng, giỏi giang đấy chứ, nhưng vì ngày nào cũng ở với nhau, giáp mặt nhau, quen quá lại hóa nhàm. Trong đời sống Giáo hội, chính những quốc gia đã tin theo Chúa hàng ngàn năm, vậy mà quen quá nên lại đang coi thường Chúa.

Sứ mệnh của ngôn sứ là lên tiếng. Dù bị chống đối thì ngôn sứ vẫn cứ lên tiếng bênh vực sự thật, lên án bất công, loan báo Tin Mừng. Ngôn sứ bị chống đối nhưng không gục ngã vì ác không thể thắng thiện. Phúc Âm kể người ta định xô Chúa xuống vực, nhưng Chúa đã băng qua giữa họ mà đi. Amen.

----- Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ Lời Chúa NGÔN SỨ CỨ LÊN TIẾNG https://youtu.be/HdTczcP7wP4?t=209