Các bài báo trên một tờ báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc bảo trợ đã tố cáo Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân về những điều mà các nhà hoạt động nhân quyền cho là một dấu hiệu cho thấy tự do “tôn giáo ngày càng lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh”.

Hai nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa đối với tự do tôn giáo ở Hương Cảng, nơi mà việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát gần đây thể hiện một bước ngoặt lớn so với những lời hứa trước đó về việc duy trì các quyền công dân cơ bản.

Nina Shea, thành viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, đã lưu ý rằng vị giám mục đã nghỉ hưu của Hương Cảng, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã được nhắm mục tiêu trong ít nhất bốn bài báo trên một tờ báo chính thức của nhà cầm quyền Hương Cảng, trước đây là lãnh thổ của Anh.

Shea, Thành viên cao cấp và Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, đã viết trong một bài báo được đăng trên tờ Đại Kỷ Nguyên Thời Báo (Epoch Times, 大纪元时报) “Trong tuần cuối cùng của tháng Giêng vừa qua, một loạt bài báo đáng ngại trên Đại Công Báo (Ta Kung Pao, 大公报), một tờ báo Hương Cảng thuộc sở hữu của văn phòng liên lạc của Trung Quốc, đã cáo buộc Đức Hồng Y Quân, giám mục hiệu tòa Hương Cảng, và các Giáo Hội Kitô ở Hương Cảng đã kích động sinh viên bạo loạn chống lại các biện pháp đàn áp vào năm 2019. Bốn bài báo quan trọng, tất cả đều nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát nhiều hơn, xem ra chiến dịch tố cáo loại này đang tiên báo một cuộc đàn áp mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Đức Hồng Y Quân đã thẳng thắn bảo vệ các quyền công dân ở cả Trung Quốc đại lục và ở Hương Cảng. Ngài đã lên án việc Trung Quốc dỡ bỏ các cây thánh giá trên đỉnh của các nhà thờ tại Hoa Lục; và ngài cử hành thánh lễ cho các nạn nhân của vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989.

Giáo Hội “kích động bạo loạn”

Một bài báo trên tờ Đại Công Báo với tiêu đề “Hồng Y Quân sử dụng tư cách giáo sĩ để phá rối Hương Cảng,” cũng nói về phong trào Pháp Luân Công, mà Trung Quốc đã hạn chế nghiêm ngặt, và nói rằng, “Chính phủ rất khó điều chỉnh hoặc loại bỏ các nhóm hoặc các cá nhân tôn giáo này, bất chấp thực tế là họ đã phạm nhiều tội ác”.

Shea viết: “Những lời phàn nàn của các bài báo chống lại vị Hồng Y cũng bao gồm khẳng định rằng nhiều người trong số những người bị bắt trong phong trào ủng hộ dân chủ đã học tại các trường Công Giáo. “Ba bài báo tiếp theo nhắc lại một chủ đề theo đó các Giáo Hội Kitô ở Hương Cảng 'kích động bạo loạn' giữa các sinh viên Hương Cảng và dành sự tôn nghiêm cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Các bài báo này vận động đặt các tôn giáo dưới sự kiểm soát của bọn cầm quyền”.

Shea cho biết cho đến nay, các Giáo Hội ở Hương Cảng phần lớn vẫn nằm ngoài tầm ngắm của bọn cầm quyền. Bà viết: “Không có Giáo Hội 'Yêu nước' nào được bọn cầm quyền hình thành, trong đó các giáo sĩ phải trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc, như ở đại lục. Các giáo sĩ không bị 'cải tạo' theo tư tưởng cộng sản, thánh giá nhà thờ vẫn nguyên vẹn, các bài giảng không bắt buộc phải dựa trên những câu nói của Tập Cận Bình, camera giám sát không được gắn trên các nhà thờ, và người trẻ không bị cấm tham gia các cử hành Phụng Vụ hay nghiên cứu Kinh thánh - tất cả đều là dấu ấn của chương trình Trung Quốc hóa dành cho các tôn giáo tại đại lục”.

Mối quan tâm của Shea được chia sẻ bởi Benedict Rogers, người sáng lập Hong Kong Watch, người đã viết gần đây rằng “có vẻ như tôn giáo đang ngày càng lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh”.

“Sau khi đã đàn áp những người biểu tình, nhốt các nhà dân chủ, đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập, xói mòn tự do học thuật, loại bỏ gần như hoàn toàn không gian tự do của xã hội dân sự, vô hiệu hóa công đoàn và thuần hóa các cơ quan tư pháp, và tôn giáo – nay Trung Quốc đang nhắm đặc biệt đến Giáo Hội Công Giáo - là thể chế bất khuất còn lại” Rogers viết trong một op-ed cho UCANews.

“Sự hoang tưởng” của Bắc Kinh

Ông chỉ ra rằng bốn bài báo nhắm vào Đức Hồng Y Quân không phải là điều gì mới trong chiến dịch khủng bố vị Hồng Y của bọn cầm quyền Trung Quốc. Rogers cho biết vào năm 2019, anh đã tham dự một cuộc họp riêng của các nhà lập pháp Công Giáo ở Fatima, Bồ Đào Nha. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và nhà hoạt động dân chủ lâu năm ở Hương Cảng Lý Trú Minh (Martin Lee, 李柱銘) một người Công Giáo sùng đạo, cũng được mời.

Rogers cho biết: “Đại sứ quán của Trung Quốc tại Lisbon đã cử một phái đoàn gồm khoảng hơn chục nhà ngoại giao chiếm toàn bộ tầng một của khách sạn đối diện với chúng tôi và thực hiện nhiều nỗ lực để xâm nhập vào tụ điểm của chúng tôi. Việc chế độ Cộng sản Trung Quốc vô cùng hoảng sợ khi hai vị tiến sĩ ủng hộ dân chủ Hương Cảng đến thăm một địa điểm hành hương tôn giáo với một nhóm các nhà lập pháp Công Giáo đã nói rất nhiều về sự hoang tưởng của Bắc Kinh và nỗi sợ hãi của họ đối với tôn giáo.”

“Nhưng điều mới mẻ là các phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh hiện đang công khai nói về những hạn chế đối với tôn giáo ở Hương Cảng”. Các bài báo trên tờ Đại Công Báo trích dẫn lời các nhà lãnh đạo dân sự địa phương nổi tiếng và các giáo sĩ thân Bắc Kinh bày tỏ sự cần thiết phải có sự kiểm soát nào đó của chính phủ đối với các tổ chức tôn giáo địa phương để ngăn chặn các hoạt động chống chính phủ.

“Tôi lo sợ rằng chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu tiên báo về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang len lỏi nắm quyền kiểm soát tôn giáo. Một sự thu tóm tinh vi các cơ sở tôn giáo của Hương Cảng vào các hoạt động do Bộ Mặt trận Thống nhất do Bắc Kinh chỉ đạo bao gồm Phong trào Yêu nước Ba tự cho người Tin lành, Hiệp hội Yêu nước Công Giáo cho người Công Giáo, và sự siết chặt tự do tôn giáo một cách từ từ.”

Nhưng nhà lãnh đạo mới của Giáo phận Công Giáo Hương Cảng, người kế nhiệm Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đưa ra một “tia hy vọng mong manh”. Đức Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ), người được bổ nhiệm vào ngày 4 tháng 12, không phải là sự lựa chọn của Bắc Kinh. Trong tất cả các tuyên bố công khai của mình kể từ khi được xác nhận bổ nhiệm, vị tân giám mục “đã cho thấy rằng ngay cả khi phải điều hướng đường đi nước bước một cách cẩn thận, ngài vẫn giữ vững các nguyên tắc về phẩm giá con người và tự do lương tâm.”

Rogers cảnh báo rằng không nên bỏ qua các bài báo trong Đại Công Báo. Ông nói: “Khi Bắc Kinh muốn báo hiệu ý định của mình, họ có thói quen bắn cảnh cáo qua các phương tiện truyền thông của họ. “Các quyền tự do của Hương Cảng đã bị hủy bỏ. Nhưng chúng ta không nên đơn giản coi nó là điều hiển nhiên và chấp nhận nó như đã rồi. Nếu các nơi thờ tự bị hạn chế, tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo bị hạn chế, các nghi lễ bị kiểm duyệt, các giáo sĩ bị bỏ tù hoặc biến mất hoặc chỉ đơn giản là phải im lặng, và nếu các cơ sở tôn giáo của Hương Cảng dần dần bị hấp thụ vào các thể chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và nếu sự thật - hoặc sự theo đuổi sự thật - sau đó bị bao phủ bởi những lời nói dối, chúng ta phải hét lên từ những mái nhà”.
Source:Aleteia