1. Nhà tạm bị đánh cắp từ nhà thờ ở Texas được tìm thấy tại tiệm Burger King

Một nhà tạm bị đánh cắp từ một nhà thờ ở Texas đã được nhà chức trách thu hồi bên ngoài một tiệm bán thức ăn nhanh Burger King. Bên ngoài nhà tạm có những dấu hiệu bị hư hỏng vì những tên trộm đã phá nó ra. Bình đựng bánh thánh đã bị lấy mất cùng với các bánh thánh đã được thánh hiến.

Vụ trộm được báo cáo trên trang Facebook của giáo xứ Công Giáo St. Bartholomew vào ngày 9 tháng 5. Thông báo của giáo xứ gọi vụ việc là “một khoảng thời gian đau lòng trong cuộc đời của giáo xứ chúng tôi”. Nhà tạm đã bị mất trong hai ngày trước khi nó được phát hiện bị vứt bỏ bên ngoài nhà hàng thức ăn nhanh.

Phản ứng của anh chị em giáo dân

Anh chị em giáo dân bày tỏ sự hoang mang và bức xúc trước hành vi trộm cắp. Tom McRae, một thành viên của giáo đoàn St. Bartholomew từ năm 1986, đã viết:

“Đối với bất kỳ ai đã đánh cắp nhà tạm từ Nhà thờ Công Giáo St. Bartholomew, đây là một sự xúc phạm, bạn không thể làm tổn thương chúng tôi bằng cách làm điều này. Tôi chân thành hy vọng bạn biết bạn đang làm việc với ai. Chúng tôi đang cầu nguyện cho bạn.”

Theo Tạp chí Katy Online, vụ trộm được cho là diễn ra vào đêm Chúa Nhật. Trong khi cảnh sát đã thu hồi được nhà tạm, họ vẫn chưa tiến hành bắt giữ hay nêu tên nghi phạm. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy cuộc điều tra đang tiến triển.

Một tweet của Adrian Fonseca, một nhà sản xuất của Mạng lưới phát thanh Guadalupe, lưu ý rằng các nhà chức trách đã có “khuôn mặt” và biển số xe của nghi phạm. Trong dòng tweet, Fonseca cũng tuyên bố rằng nhà tạm đã bị mưu toan đánh cắp hai, lần thứ hai kẻ trộm mới lấy được.

Vụ trộm diễn ra vài ngày sau khi các nhóm hoạt động ủng hộ phá thai cố gắng tổ chức các cuộc biểu tình làm gián đoạn các Thánh lễ trong ngày Hiền Mẫu tại các nhà thờ Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ. Nhóm Ruth Sent Us đã tweet những lời kêu gọi phá đám các thánh lễ và đốt Thánh Thể sau khi ý kiến dự thảo của Thẩm Phán Samuel Alito bị rò rỉ, trong đó cho thấy Tòa án Tối cao có thể sớm lật ngược phán quyết Roe kiện Wade.
Source:Aleteia

2. Ngoại trưởng Vatican nói Ukraine có quyền tự vệ, và nhận vũ khí nước ngoài

Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Vatican nói rằng Ukraine có quyền tự bảo vệ mình trước sự xâm lược của Nga, do đó hoàn toàn phù hợp để thế giới gửi vũ khí cho nước này.

Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher nói với đài truyền hình nhà nước RAI của Ý rằng việc giao vũ khí như vậy “phải tương xứng”.

“Chúng ta không muốn một lần nữa tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang. Nhưng cuộc chiến này nguy hiểm hơn so với các cuộc chiến khác từng xảy ra trước đây, bởi vì nó có khía cạnh hạt nhân”, vị tổng giám mục sinh tại Liverpool, người đảm nhận vai trò Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh cho biết như trên.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhấn mạnh “Theo nghĩa này, đúng, Ukraine có quyền tự bảo vệ mình, và họ cần được giúp đỡ để làm như vậy,”.

Đức Cha Gallagher sẽ có mặt tại Kyiv bắt đầu từ thứ Tư và vào ngày thứ Sáu, ngài dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba. Chuyến đi ban đầu được lên kế hoạch trong vài tuần trước, nhưng đã bị hoãn lại sau khi ngài nhiễm COVID-19.

Đức Cha Gallagher đã được hỏi về quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với NATO, liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, sau khi Đức Giáo Hoàng nói rằng liên minh này đang “sủa” trước cửa nước Nga. Vị giám mục trả lời rằng Đức Phanxicô “rất nhạy cảm” với bất kỳ hành động nào có thể “gây nguy hiểm cho các mục tiêu chính là đối thoại và hòa bình.”

“Tôi nghĩ ngài nhận ra giá trị của một hệ thống an ninh đối với thế giới, đối với Âu Châu, nhưng nó phải tương xứng,” Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói. “Và sau đó Đức Giáo Hoàng rất lo lắng, rất chú ý, để ngăn chặn thế giới lần nữa bước vào một thế giới đang chạy đua vũ trang. Nó phải tương xứng, và để lại khả năng đối thoại và thảo luận, để mang lại hòa bình cho quốc gia tử vì đạo này”.

Nói về Hoa Kỳ và Trung Quốc và vai trò của họ trong cuộc chiến này, Đức Cha Gallagher nói rằng “tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đạo đức để hoàn thành vai trò của chính mình tại thời điểm này”.

Ngài nói: “Đúng là các thể chế đã bị suy yếu do cuộc chiến này và không có khả năng nhanh chóng tạo ra hòa bình. Tuy nhiên, chúng ta không được từ bỏ các cấu trúc an ninh và đa phương, nhưng phải củng cố chúng. Rõ ràng, các quốc gia lớn, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có một vai trò rất, rất quan trọng và họ phải hiểu được mức độ cấp bách mà chúng ta phải đối mặt”.

Qua cụm từ “vai trò quan trọng”, ngài không chỉ muốn nói đến vũ khí: “Tôi tin rằng lời nói có tầm quan trọng hàng đầu, đặc biệt là trong ngoại giao và đối thoại.” Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng, ngôn từ có thể và đã được công cụ hóa, dẫn đến việc mọi người không tin tưởng vào các tuyên bố. Tuy nhiên, ngài tin rằng sự chân thành vẫn cần thiết, “đặc biệt là khi, với lời nói của mình, chúng ta có thể khiến cuộc sống của mọi người gặp rủi ro.”

Đức Tổng Giám Mục Gallagher cũng thừa nhận rằng có một chiều hướng tôn giáo trong cuộc xung đột này, trong đó “căng thẳng” giữa Thượng Phụ Kirill của Chính thống giáo Nga ở Mạc Tư Khoa và Thượng phụ Đại kết Bartholomew, gia tăng sau khi cuộc xâm lược bắt đầu.

“Thật không may, phải thừa nhận rằng trong Chính thống giáo có một bản sắc dân tộc mạnh mẽ, đó là các Giáo Hội nhà nước,” ngài nói. “Do đó, Giáo hội Chính thống Nga rất khó đưa ra quyết định chỉ trích hoặc phản đối chính phủ. Nhưng như Đức Giáo Hoàng nói, chúng ta phải vượt qua những quan điểm này để trở thành những người thúc đẩy hòa bình thực sự”.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher cũng giải thích lời cảnh báo gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc Kirill trở thành “cậu bé giúp lễ cho Putin,” trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera. Đức Tổng Giám Mục cho biết Đức Giáo Hoàng đã cảnh báo đây là điều có thể xảy ra với bất kỳ giám mục nào.

Ngài nói, các mối quan hệ đại kết với Chính thống giáo, đặc biệt là Mạc Tư Khoa và Istanbul, là những ưu tiên đối với vị Giáo hoàng Á Căn Đình, và mặc dù cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill đã được dự trù vào giữa tháng 6 sẽ không diễn ra, cuộc đối thoại vẫn sẽ tiếp tục.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher gọi quyết định hoãn cuộc họp của Đức Giáo Hoàng là “khôn ngoan”, bởi vì “Đức Thánh Cha nhận thức được rằng các bước đi của ngài và của Tòa Thánh phải là một đóng góp tích cực, không làm cho mọi thứ tồi tệ hơn mà là nuôi dưỡng các cách thức hòa bình.”

Ngài nói: “Tòa Thánh có một ơn gọi đối thoại. Chúng tôi tìm cách không can dự vào việc ủng hộ bên này hay bên kia, nhưng chúng tôi tìm kiếm không gian đối thoại giữa tất cả mọi người để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột khủng khiếp này.”

Khi được hỏi về tầm quan trọng của những cử chỉ như cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với vợ của hai binh sĩ Ukraine bị mắc kẹt trong một nhà máy thép ở Mariupol, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói rằng “những cử chỉ như vậy là chưa đủ, nhưng chúng rất quan trọng”.

“Tốt hơn là làm tất cả những gì bạn có thể, ngay cả khi bạn không thể thay đổi thực tế,” ngài nói. “Nhưng Đức Giáo Hoàng, người là bậc thầy của các cử chỉ” đã đưa ra một thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ đối với hàng triệu người đã chạy trốn khỏi Ukraine, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

“Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài khóc khi nghĩ đến những tình huống này, và điều này là đúng; ngài có một sự nhạy cảm sâu sắc”, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói. “Cần phải thông báo những hoàn cảnh đau khổ này cho toàn thế giới.”
Source:Crux

3. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói rằng ngài bình thản; vụ giam giữ kích động sự phản đối kịch liệt

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục đã nghỉ hưu của Hương Cảng, trấn an người Công Giáo rằng ngài vẫn ổn sau khi bị cảnh sát an ninh quốc gia bắt giữ vì ủng hộ những người biểu tình chống chính phủ.

“Tôi đã nói chuyện với Đức Hồng Y Quân,” Giám mục Hương Cảng Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ) viết trên trang Facebook của mình. “Ngài nói với tôi rằng hãy cho bạn bè của ngài biết rằng ngài vẫn ổn. Không phải lo lắng. Và ngài muốn chúng ta có một cách tiếp cận khiêm tốn đối với ngài.”

Vị Hồng Y 90 tuổi đã trở về nhà của mình với các tu sĩ dòng Salêsiêng Hương Cảng vào ngày 11 tháng 5 sau khi bị giữ vài giờ.

Đức Hồng Y và ba ủy viên khác của Quỹ cứu trợ nhân đạo 612 đã bị giam giữ riêng biệt vào ngày 10 tháng 5 và ngày 11 tháng 5, và tất cả đều được trả tự do vào ngày 11 tháng 5. Quỹ, hiện không còn tồn tại, được thành lập để hỗ trợ tài chính cho những người tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2019 và đã bị giải tán sau khi bị chính quyền Hương Cảng tung ra luật an ninh quốc gia trong năm qua.

Chính quyền Hương Cảng nói rằng lực lượng cảnh sát an ninh quốc gia được thành lập “để bảo vệ an ninh quốc gia Trung Quốc.” Đức Hồng Y và những người khác đã bị thẩm vấn tại đồn cảnh sát Sài Loan(Chai Wan, 柴灣) vì bị cáo buộc thông đồng với lực lượng nước ngoài.

Luật an ninh năm 2020 của Hương Cảng quy định việc tham gia hoặc ủng hộ phong trào ủng hộ dân chủ là tội phạm lật đổ và cấu kết với các tổ chức nước ngoài, đồng thời cho phép việc dẫn độ đến Trung Quốc đại lục những người bị giam giữ. Hình phạt tối thiểu là ba năm tù, và tối đa là tù chung thân.

Những người chỉ trích cho rằng điều đó vi phạm Luật cơ bản của Đặc khu hành chính Hương Cảng của Trung Quốc. Đạo luật được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc thông qua vào năm 1990, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 1997, khi Anh trao lại quyền kiểm soát Hương Cảng cho Trung Quốc. Luật pháp bảo vệ sự thịnh vượng và ổn định của Hương Cảng, đồng thời cũng bảo vệ các quyền và tự do của người dân Hương Cảng.

Trong một tuyên bố ngày 12 tháng 5, Giáo phận Hương Cảng kêu gọi chính phủ duy trì tự do tôn giáo trong thành phố và nói: “Chúng tôi luôn tôn trọng pháp quyền. Chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục được hưởng tự do tôn giáo ở Hương Cảng theo Luật Cơ bản.”

Tuyên bố cũng kêu gọi “Cảnh sát Hương Cảng và các cơ quan tư pháp xử lý trường hợp của Đức Hồng Y Quân theo công lý, có xem xét đến hoàn cảnh cụ thể của con người chúng ta.” Tuyên bố cho biết họ “vô cùng quan tâm đến tình trạng và sự an toàn của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, và chúng tôi đang cầu nguyện đặc biệt cho ngài.”

Ngày 11 tháng 5, Vatican đã ra một tuyên bố cho biết họ đã “lo lắng về tin tức về vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân” và đang “theo dõi sự phát triển của tình hình với sự chú ý cao độ”. Ngày hôm sau, tờ báo của Vatican, L'Osservatore Romano, đã đăng một câu chuyện về vụ việc với một tựa đề hướng sự chú ý đến “mối quan tâm của Tòa Thánh.”

Đức Cha David J. Malloy của Rockford và là chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã kêu gọi cầu nguyện và cảnh báo người Công Giáo rằng mặc dù Hồng Y Quân đã được tại ngoại nhưng tình hình của ngài vẫn rất bấp bênh.

Đức Cha viết:

Tin tức đáng báo động về vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân ngày 11 tháng 5 tại Hương Cảng do vai trò quản lý quỹ nhân đạo dành cho những người biểu tình trong quá khứ cho thấy xu hướng ngày càng tồi tệ đối với các quyền tự do cơ bản và nhân quyền ở Hương Cảng. Vị mục tử kiên định và là người ủng hộ mạnh mẽ cho dân chủ và công lý này đã bị bắt cùng với những người được ủy thác khác của một quỹ chi trả chi phí pháp lý và y tế cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ, một quỹ đã bị giải tán vào mùa thu năm 2021. Vì sự ủng hộ của Đức Hồng Y Quân cho những điều này và những người biểu tình, ngài đang bị buộc tội 'thông đồng với lực lượng nước ngoài.' Theo luật an ninh quốc gia được ban hành vào tháng 6 năm 2020, 'ly khai, lật đổ và cấu kết với các lực lượng nước ngoài' là tội phạm có thể bị trừng phạt với mức án lên đến tù chung thân. Vì vậy, mặc dù Đức Hồng Y Quân đã được tại ngoại nhưng tình hình của ngài vẫn rất bấp bênh.
Source:Crux