Theo Elise Ann Allen của tạp chí CruxNow, Hôm thứ Năm, Vatican đã công bố tài liệu làm việc cho giai đoạn tiếp theo của Thượng hội đồng Giám mục đang diễn ra, trong đó đưa ra một cái nhìn hoàn cầu về những gì mà tín hữu ở mọi bình diện của Giáo hội tin rằng cần phải diễn ra để Giáo Hội trở thành nơi thực sự bao gồm.



Tài liệu, được công bố ngày 27 tháng 10 và có tiêu đề “Mở rộng không gian Lều của bạn”, là bản tóm tắt các báo cáo từ các hội đồng giám mục quốc gia, những Hội Đồng đã biên soạn các báo cáo dựa trên đóng góp của từng giáo phận sau giai đoạn tham vấn ban đầu với các cộng đồng giáo xứ địa phương.

Nó sẽ là tài liệu làm việc cho giai đoạn lục địa tiếp theo của Thượng hội đồng, trong đó các hội đồng giám mục trên cả bảy lục địa sẽ tổ chức các cuộc họp để suy gẫm và thảo luận về nội dung của văn kiện. Các hội đồng này sau đó sẽ đệ trình một báo cáo mới dựa trên cuộc thảo luận đó, bản báo cáo này sẽ được sử dụng để soạn thảo tài liệu làm việc cho giai đoạn cuối cùng, phổ quát ở Rome.

Chính thức được triệu tập “Cho một Giáo hội đồng nghị: Hiệp thông, tham dự, sứ mệnh”, Thượng hội đồng đã được khai mạc bởi Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 10 năm ngoái và, thay vì cuộc họp điển hình kéo dài một tháng của các giám mục tại Vatican mà một thượng hội đồng thường có, cuộc họp này sẽ diễn ra trong một diễn trình gồm nhiều giai đoạn kéo dài đến năm 2024.

Một giai đoạn ban đầu mang tính cấp giáo phận của tiến trình kéo dài từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022 và được thiết kế như một diễn trình tham vấn diễn ra theo một số hướng dẫn nhất định do Thượng Hội đồng Giám mục ban hành. Giai đoạn thứ hai, cấp lục địa, bắt đầu vào tháng 9 và sẽ kéo dài đến tháng 3 năm 2023, khi các hội đồng giám mục lục địa sẽ điều hợp và đánh giá kết quả của các cuộc tham vấn cấp giáo phận.

Một giai đoạn cuối cùng, phổ quát đã được thiết lập để kết thúc diễn trình trong phiên họp từ ngày 4-29 tháng 10 năm tới tại Rome, nhưng với việc Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã kéo dài diễn trình này thêm một năm, có nghĩa là giai đoạn phổ quát cuối cùng sẽ kết thúc vào năm 2024.

Mặc dù có tiếng là khó định nghĩa, nhưng “tính đồng nghị” thường được hiểu là để chỉ một phong cách quản trị hợp tác và tham vấn, trong đó tất cả các thành viên, giáo sĩ và giáo dân, tham gia vào việc đưa ra quyết định về đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

Văn kiện cấp châu lục được công bố hôm thứ Năm đã đưa ra một đánh giá tích cực tổng thể về tiến trình của Thượng hội đồng cho đến nay, nói rằng sự tham gia trên hoàn cầu “vượt quá mọi kỳ vọng”, mặc dù tỷ lệ tham gia rất thấp, đặc biệt là ở các quốc gia phương Tây.

Tổng cộng, sự đóng góp đến từ 112 trong số 114 hội đồng giám mục và tất cả 15 Giáo Hội Công Giáo Đông phương, cũng như 17 trong số 23 cơ quan của Giáo triều Rôma và một số cơ quan quốc tế của các bề trên dòng và các phong trào giáo dân.

Nói chung, tài liệu nêu bật những vấn đề tồn tại lâu nay trong đời sống Giáo hội, chẳng hạn như thiếu sự tham gia của phụ nữ và thiếu hòa nhập và chào đón những người được gọi là “bị gạt ra ngoài lề xã hội”, như cộng đồng LGBTQ và các gia đình trong hoàn cảnh bất hợp lệ, kể cả các cặp vợ chồng đã ly hôn và tái hôn.

Nó cũng nhấn mạnh các vấn đề đang diễn ra liên quan đến các vụ tai tiếng giáo sĩ lạm dụng, tranh chấp phụng vụ, và vấn đề giáo sĩ trị, cũng như sự chênh lệch giàu nghèo, với nhiều báo cáo của hội đồng giám mục cho thấy các tín hữu cảm thấy rằng các gia đình và cá nhân giàu có và có học thức được lắng nghe nhiều hơn những người thất học và kém khá giả.

Trong số những thách thức đối với tiến trình thượng hội đồng, văn kiện nói rằng một năm trôi qua, vẫn còn khó khăn trong việc “hiểu tính đồng nghị nghĩa là gì,” và có sự phản đối từ một số tín hữu và giáo sĩ, những người hoài nghi tiến trình này, tin rằng thượng hội đồng được triệu tập với ý định rõ ràng là thay đổi giáo huấn của Giáo Hội.

Nó cũng yêu cầu những nỗ lực đại kết và liên tôn lớn hơn, đặc biệt là ở những nơi mà người Công Giáo là một thiểu số nhỏ, hoặc nơi có nhiều nghi lễ hoặc Giáo Hội Kitô giáo khác nhau.

Lắng nghe những người bị loại trừ

Trong khi tài liệu đưa ra một số giải pháp, nó cho biết nhiều báo cáo từ các hội đồng giám mục rõ ràng cho biết trong tầm nhìn của họ, cần một Giáo Hội là “một ngôi nhà rộng rãi, nhưng không thuần nhất, có khả năng đón tiếp mọi người, mở cửa, cho phép ra vào”.

Nó nhấn mạnh, Giáo Hội phải “có khả năng hòa nhập triệt để, cùng chung thuộc về, và lòng hiếu khách sâu sắc theo giáo huấn của Chúa Giêsu, là trọng tâm của tiến trình thượng hội đồng”.

Về khía cạnh lắng nghe và hòa nhập, tài liệu cho biết các nhóm thường cảm thấy bị loại trừ là phụ nữ, những người ly hôn tái hôn, cha mẹ đơn lẻ, những người sống trong liên hệ đa hôn, những người LGBTQ và những người đàn ông đã rời bỏ chức linh mục, cũng như người nghèo, người già, người bản địa và người di cư, người nghiện ma túy và rượu, và nạn nhân của nạn buôn người.

Tài liệu cho biết, tiếng nói của những nhóm này thường “vắng mặt trong tiến trình của Thượng hội đồng, và họ chỉ xuất hiện trong các báo cáo vì những người khác nói về họ, than phiền về việc họ bị loại trừ”.

Tài liệu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải lắng nghe sâu sắc hơn nữa đối với những người trẻ tuổi và người khuyết tật, và cung cấp sự “chào đón cũng như bảo vệ” nhiều hơn cho phụ nữ và trẻ em của các linh mục đã phá bỏ lời thề độc thân của họ, và những người “có nguy cơ phải chịu sự bất công và kỳ thị nặng nề”.

Các nhóm bị loại trừ khác được đề cập bao gồm những người sống sót sau lạm dụng, bao gồm việc giáo sĩ lạm dụng và lạm dụng xảy ra ở các môi trường khác, cũng như các tù nhân và những người bị kỳ thị và bạo lực dựa trên chủng tộc, sắc tộc, giới tính, văn hóa và tình dục.

Bản báo cáo cho biết, “Tính đồng nghị là một lời kêu Thiên Chúa kêu gọi cùng đồng hành với toàn thể gia đình nhân loại,” bất kể tín ngưỡng hay hậu cảnh văn hóa.

Cuối cùng, nó nêu bật các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa bộ lạc, chủ nghĩa bè phái, phân biệt chủng tộc, nghèo đói và bất bình đẳng phái tính trong đời sống Giáo Hội và thế giới, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Giáo Hội trong các nỗ lực xây dựng hòa bình.

“Nhiều báo cáo nhấn mạnh rằng không có tính đồng nghị hoàn toàn nếu không có sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu,” báo cáo nói như thế, và thêm rằng đối với nhiều hội đồng giám mục, sự hiệp nhất này “bắt đầu với lời kêu gọi hiệp thông chặt chẽ hơn giữa các Giáo hội theo các nghi lễ khác nhau”.

Chủ đề hội nhập văn hóa cũng được đề cập, với một số Hội Đồng, chẳng hạn như hội đồng giám mục Lào và Campuchia, yêu cầu “một cách tiếp cận liên văn hóa có ý nghĩa hơn” đối với đời sống và mục vụ của Giáo hội, và để hội nhập nhiều hơn các nền văn hóa địa phương, đặc biệt trong phụng vụ.

Chủ nghĩa giáo sĩ trị cũng được cho là một vấn đề chính trong tài liệu, vì tài liệu này cho biết nhiều báo cáo của hội đồng giám mục nói lên mong muốn "các linh mục được đào tạo tốt hơn, đồng hành tốt hơn và ít bị cô lập hơn," và gọi chủ nghĩa giáo sĩ trị là một hình thức "bần cùng hóa tinh thần, tước đoạt các thiện ích đích thực của thừa tác vụ thụ phong, và là một nền văn hóa cô lập hàng giáo sĩ và gây hại cho giáo dân”.

Tài liệu cho biết, não trạng giáo sĩ trị ngăn cách tín hữu với Thiên Chúa và làm tổn hại mối liên hệ giữa những người đã được rửa tội, "tạo ra sự cứng ngắc, gắn bó với quyền lực pháp lý và thực thi một thẩm quyền chỉ là quyền lực hơn là phục vụ".

Lưu ý rằng chủ nghĩa giáo sĩ trị có thể là “một cám dỗ đối với giáo dân cũng nhiều như đối với giáo sĩ,” tài liệu cho biết giải pháp là hình thành các hình thức lãnh đạo mới có tính chất cộng tác hơn.

Phụ nữ

Một trong những vấn đề nổi bật nhất được đề cập trong tài liệu là các tín hữu mong muốn có “sự hoán cải nền văn hóa của Giáo hội”, đặc biệt là đối với phụ nữ.

Tài liệu cho biết, “Ý thức và sự nhạy cảm ngày càng gia tăng đối với vấn đề này đã được ghi nhận trên toàn thế giới”. Đồng thời tài liệu lưu ý rằng các báo cáo từ khắp các châu lục bao gồm lời kêu gọi phụ nữ, cả giáo dân và tu sĩ, được coi trọng như “những thành viên bình đẳng của dân Chúa”.

Tài liệu nêu rõ hai thách thức cụ thể đối với phụ nữ, trong đó thứ nhất là sự kiện: phụ nữ chiếm đa số những người tham dự phụng vụ và tham gia vào các hoạt động của Giáo Hội, trong khi nam giới là thiểu số, nhưng hầu hết vai trò ra quyết định và lãnh đạo lại do nam giới nắm giữ.

Tài liệu cho biết, “Rõ ràng là Giáo hội phải tìm cách thu hút nam giới trở thành thành viên tích cực hơn trong Giáo hội và cho phép phụ nữ tham gia đầy đủ hơn vào mọi bình diện của đời sống Giáo hội”, nhưng lưu ý rằng mặc dù tất cả các báo cáo đều đề cập đến vấn đề này, không ai đồng ý về "một giải pháp duy nhất hoặc hoàn chỉnh".

Nhiều báo cáo cho biết, đã yêu cầu Giáo Hội tiếp tục suy nghĩ về cách phụ nữ có thể được giao những vai trò tích cực trong các cơ quan điều hành Giáo Hội, và họ có khả năng “được đào tạo đầy đủ để giảng trong môi trường giáo xứ,” và được phong chức nữ phó tế.

Tài liệu cho biết có nhiều ý kiến khác nhau về việc phong linh mục phụ nữ, “điều mà một số báo cáo kêu gọi, trong khi một số báo cáo khác coi đó là vấn đề đã được đóng lại”. Đồng thời, tài liệu lưu ý rằng cũng có lời kêu gọi công nhận nhiều hơn những gì phụ nữ đã làm.

Cấu trúc đồng nghị

Tài liệu lưu ý rằng có một số căng thẳng đối với các khác biệt quan điểm về một số khía cạnh của đời sống Giáo Hội, nhưng nhấn mạnh rằng các căng thẳng này không có gì đáng sợ, nhưng nên được khai thác "như một nguồn năng lực mà chúng không trở nên có tính phá hoại".

Tài liệu nhấn mạnh rằng một số thay đổi pháp lý có thể sẽ xẩy đến, nói rằng giáo hội "cần phải đem lại cho các định chế và cấu trúc của mình, nhất là liên quan đến quản trị, một hình thức và phương thức tiến hành đồng nghị", và Giáo luật sẽ cần phải song hành với tiến trình này, “tạo ra những thay đổi cần thiết đối với các sắp xết hiện đang được áp dụng”.

Mặc dù nó không định nghĩa "thực hành đồng nghị" hoặc cấu trúc đồng nghị là gì, tài liệu cho biết hiện đang có việc thiếu "Các thực hành đồng nghị lâu đời" ở bình diện lục địa và cho biết điều này phải được giải quyết.

Tài liệu cho biết, ở bình diện địa phương, các hội đồng mục vụ và các hội đồng kinh tế và giáo phận là một bước tiến tốt sẽ giúp phát huy cả tính đồng nghị lẫn tính minh bạch, những thực thể này là “không thể thiếu” và phải là “những nơi ngày càng có tính định chế để hòa nhập, đối thoại, minh bạch, biện phân, lượng giá và trao quyền cho mọi người”.

Nó cho biết, để điều đó xảy ra, các quyết định phải được đưa ra "trên cơ sở các diễn trình biện phân cộng đồng hơn là dựa trên nguyên tắc đa số vốn được sử dụng trong các chế độ dân chủ".

Tài liệu cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các chuyên gia có năng lực hơn làm việc trong các lĩnh vực kinh tế và quản trị, và đề nghị rằng các trường đại học và các tổ chức học thuật nghiên cứu và soạn thảo các chương trình giáo dục dựa trên tính đồng nghị.

Tài liệu cho biết, các báo cáo từ các hội đồng giám mục đã yêu cầu “liên tục giáo dục để hỗ trợ một nền văn hóa đồng nghị rộng rãi,” và đưa ra ý tưởng thành lập “các tác nhân và toán đồng nghị” và các khóa học về tính đồng nghị cho những người nắm quyền lãnh đạo, đặc biệt là các linh mục.

Phụng vụ

Cũng được nhấn mạnh trong tài liệu là những căng thẳng liên tục về phụng vụ, với việc Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) đặc biệt chỉ ra những chia rẽ về những cải cách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với Thánh lễ Latinh Truyền thống.

Trong báo cáo của họ, các giám mục Hoa Kỳ tuyên bố rằng “chia rẽ liên quan đến việc cử hành phụng vụ đã được phản ảnh trong các cuộc tham vấn đồng nghị”, và “Đáng buồn thay, việc cử hành Thánh Thể cũng được trải nghiệm như một lĩnh vực chia rẽ trong Giáo hội. Vấn đề phổ biến nhất liên quan đến phụng vụ là việc cử hành Thánh lễ trước Công đồng".

Theo các giám mục Hoa Kỳ, “Việc tiếp cận Sách Lễ năm 1962 bị hạn chế đã khiến người ta than thở; nhiều người cảm thấy rằng sự khác biệt về cách cử hành phụng vụ ‘đôi khi đạt đến mức thù địch. Người ở mỗi bên của vấn đề cho biết cảm thấy bị phán xét bởi những người khác biệt với mình".

Dưới góc độ những tranh chấp này, văn kiện nhấn mạnh rằng Bí tích Thánh Thể, với tư cách là bí tích của sự hiệp nhất và tình yêu trong Chúa Kitô, “không thể trở thành lý do cho sự đối đầu, ý thức hệ, rạn nứt hay chia rẽ”.

Theo tài liệu, nhiều báo cáo ủng hộ việc thực hiện “một phong cách cử hành phụng vụ đồng nghị cho phép tất cả các tín hữu tham gia tích cực vào việc chào đón mọi khác biệt, đánh giá cao mọi thừa tác vụ và công nhận mọi đặc sủng”.

Nó cho biết, các vấn đề cần giải quyết trong việc theo đuổi điều này, bao gồm “xem xét lại việc phụng vụ quá tập trung vào vị chủ tế, đến các phương thức tham gia tích cực của giáo dân, việc phụ nữ tiếp cận với các vai trò thừa tác vụ”.

Các vấn đề khác liên quan đến phụng vụ cũng được đề cập, chẳng hạn như “chủ nghĩa chủ đạo” của linh mục và nguy cơ sau đó của cộng đoàn trở nên quá thụ động, và chất lượng của các bài giảng, vốn “được báo cáo gần như nhất trí là một vấn đề”.

Một số người, chẳng hạn như các cặp đã ly hôn và tái hôn, và những người trong liên hệ đa hôn, không có khả năng lãnh nhận các bí tích cũng được nhấn mạnh như một mối quan tâm.

Các bước tiếp theo

Về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, tài liệu cho biết giai đoạn lục địa của Thượng hội đồng vừa bắt đầu sẽ tập trung vào ba câu hỏi chính:

• “Sau khi đọc và cầu nguyện với Tài liệu Cho Giai đoạn Lục địa, trực giác nào vang vọng mạnh mẽ nhất với những kinh nghiệm sống và thực tại của Giáo hội ở lục địa của bạn? Những trải nghiệm nào là mới mẻ hoặc soi sáng cho bạn?”

• “Sau khi đọc và cầu nguyện với Tài liệu Cho Giai đoạn Lục địa, căng thẳng hoặc sự khác biệt đáng kể nào xuất hiện như đặc biệt quan trọng trong quan điểm của lục địa của bạn? Do đó, đâu là những câu hỏi hoặc vấn đề cần được giải quyết và xem xét trong các bước tiếp theo của diễn trình?”

• “Xem xét những gì xuất hiện từ hai câu hỏi trước, đâu là ưu tiên, các chủ đề lặp lại và lời kêu gọi hành động có thể được chia sẻ với các Giáo hội địa phương khác trên toàn thế giới và được thảo luận trong Phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2023?”

Là một phần của giai đoạn này, các phiên họp sẽ được tổ chức trên tất cả bảy lục địa, và mỗi đại hội ở các lục địa sẽ soạn thảo một văn bản cuối cùng dựa trên những phản ảnh của các phiên họp này.

Các tài liệu cuối cùng của các phiên họp của bảy lục địa này sẽ được sử dụng làm cơ sở để soạn thảo Instrumentum Laboris (tài liệu làm việc chính thức) cho giai đoạn phổ quát. Instrumentum Laboris phải được hoàn thành trước tháng 6 năm 2023.

Tài liệu cho biết, tín hữu ở mọi bình diện sẽ tham gia vào các phiên họp lục địa, yêu cầu các nhóm họp “phải mang tính giáo hội chứ không chỉ mang tính giám mục, bảo đảm bảo rằng thành phần của chúng đại diện đầy đủ cho tính đa dạng của dân Chúa”.

Trước giai đoạn phổ quát của Thượng hội đồng vào năm tới, tài liệu giai đoạn lục địa sẽ được gửi đến tất cả các giám mục giáo phận, những người sẽ được yêu cầu tiến hành một “tiến trình biện phân” dựa trên ba câu hỏi chính.

Sau đó, các hội đồng giám mục sẽ thu thập và tóm tắt những phản ảnh này, và những bản tóm tắt sau đó sẽ được chia sẻ với các hội đồng châu lục. Vào cuối mỗi phiên họp, một tài liệu cuối cùng dài 20 trang sẽ được soạn thảo và gửi đến Rome, với hạn chót là ngày 31 tháng 3 năm 2023.