1. Tỉnh dòng Đa Minh Ba Lan kết thúc kỷ niệm 800 năm hiện diện và hoạt động
Chúa nhật, ngày 12 tháng Ba vừa qua, Tỉnh dòng Đa Minh tại Ba Lan đã kết thúc Năm thánh mừng kỷ niệm 800 năm hiện diện và hoạt động tại nước này, với thánh lễ tạ ơn trọng thể do cha Bề trên Giám tỉnh Lukasz Wisniewski chủ sự, tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi của dòng ở thành phố Karkow.
Hiện diện tại buổi lễ, cũng có các bề trên của các Tỉnh dòng Đa Minh tại các nước Âu châu khác, như Đức, Áo, Hung Gia Lợi, Tiệp, Slovak, Ukraine, Lithuania, Pháp và Ái Nhĩ Lan, cũng như cha Phụ tá Bề trên Tổng quyền ở Rôma, và đông đảo các tu sĩ và giáo dân.
Thánh lễ này cũng kỷ niệm 800 năm thánh hiến nhà thờ Chúa Ba Ngôi ở Karkow, nơi thánh Giaxintô và các tu sĩ Đa Minh đầu tiên người Ba Lan sinh sống và hoạt động.
Trong bài giảng, cha Giám tỉnh Tỉnh dòng Đa Minh Ba Lan nhận xét rằng vì đoàn sủng Đa Minh đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm, nên đã trở nên một câu trả lời hữu hiệu cho việc công bố Lời Chúa trong nhiều thời đại. Cha cũng nhắc đến ba dấu chỉ chứng tỏ sức sinh động của đoàn sủng này:
Trước tiên là ơn gọi. Những người trẻ trong áo dòng trắng là một dấu hiệu chứng tỏ Chúa tín nhiệm chúng ta và thấy sự cần thiết của ơn gọi Đa Minh trong Giáo hội tại Ba Lan.
Tiếp đến là sự kết thúc tiến trình điều tra cấp giáo phận để phong chân phước cho cha Giaxinto Woroniecki, là một dấu chỉ chứng tỏ con đường của thánh Đa Minh là một con đường chắc chắn để dẫn tới sự thánh thiện.
Dấu chỉ thứ ba là thời đại khó khăn chúng ta đang sống. Một số người gọi đây là một cuộc khủng hoảng. Những biến chuyển về tôn giáo trong xã hội chúng ta rất mau lẹ. Thời kỳ dòng chúng ta được thành lập cũng là một thời kỳ khủng hoảng. Nhưng chúng ta có tiềm năng trở thành một đơn vị để thi hành những trách vụ đặc biệt trong những thời đại khó khăn, ở thế kỷ thứ XIII cũng như thời nay. Vì thế, theo cha, những khó khăn trong ngoài hiện nay không phải là lý do để lo âu, nhưng là một thách đố làm sao để Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô được rao giảng một cách đáng tín nhiệm, thanh tẩy những gì không phù hợp với Tin mừng.
Năm thánh kỷ niệm 800 năm Dòng Đa Minh tại Ba Lan được khai mạc ngày 19 tháng Hai năm ngoái, 2022, cũng tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi ở Karkow, với sự hiện diện của cha Gerard Timoner, Bề trên Tổng quyền của Dòng.
Xét về mặt nhân sự, với hơn 400 tu sĩ, Tỉnh dòng Đa Minh Ba Lan đứng thứ hai trong Dòng Đa Minh (hay còn gọi là Dòng Anh Em Giảng Thuyết), sau Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam.
2. Tòa Thánh vẫn cố gắng vận động hòa đàm giữa Nga và Ukraine
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên bố rằng: “Chúng ta vẫn hết sức cố gắng sử dụng tinh thần sáng tạo của chúng ta để tái khởi động những cuộc hòa đàm về hòa bình tại Ukraine”, và bước đầu tiên phải là một cuộc ngưng bắn.
Đức Hồng Y Parolin tuyên bố như trên, hôm 13 tháng Ba vừa qua với giới báo chí, bên lề cuộc họp báo để giới thiệu cuốn sách mới của cha Spadaro, Giám đốc Tạp chí “Văn minh Công Giáo”, với tựa đề: “Bản đồ thế giới của Đức Phanxicô. Vatican và chính trị quốc tế”
Đức Hồng Y Quốc vụ khanh nói: “Tòa Thánh có một cái nhìn khác với mỗi quốc gia, vì đó là một cái nhìn bao quát, đại đồng, và có một lối tiếp cận khác để tìm kiếm hòa bình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn đi Mạc Tư Khoa cũng như Kyiv, vì ngài cho rằng một sự phục vụ hòa bình chỉ có thể được thực hiện, nếu gặp được cả hai vị Tổng thống Vladimir Putin và Volodymyr Zekensky”.
Trả lời một câu hỏi khác về vấn đề đối thoại giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin nhắc đến tầm quan trọng của hiệp định đã ký kết giữa Tòa Thánh và Trung Quốc dưới triều đại Giáo hoàng hiện nay. Ngài cho biết có một thái độ hy vọng và một cuộc đối thoại mà cả hai bên đều muốn tiếp tục. Đức Hồng Y nói: “Chúng ta chỉ yêu cầu để các tín hữu có thể là Công Giáo với một liên hệ với Giáo hội hoàn vũ.
Đức Hồng Y cũng nhắc đến cuộc viếng thăm vào cuối tháng Tư tới đây của Đức Cha Stêphanô Chu Thủ Nhân, Giám mục Hương Cảng, đến Bắc Kinh sau nhiều năm trời. Ngài nói: Cuộc viếng thăm này là một sự thực hiện chiều kích tiêu biểu của Giáo hội tại Hương Cảng, là một cây cầu giữa Giáo hội ở Hoa Lục và Giáo hội hoàn vũ, “vì thế đó là một cử chỉ tích cực mà tôi rất hài lòng”.
Được hỏi về việc các giám mục Công Giáo Đức đã bỏ phiếu chấp thuận việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái, Đức Hồng Y Parolin nói: “Vấn đề này Tòa Thánh đã bày tỏ lập trường rõ ràng”, và ngài nói là người ta “sẽ tiếp tục đối thoại trong Con đường Công nghị của Giáo hội hoàn vũ”. Và Đức Hồng Y kết luận rằng: “Một Giáo Hội địa phương không thể đưa ra một quyết định như vậy có liên hệ tới kỷ luật của Giáo hội hoàn vũ”.
3. Những phụ nữ lớn tuổi ở lại Ukraine trong chiến tranh chia sẻ câu chuyện về sự kiên cường của họ
Ukraine có một lượng lớn người lớn tuổi — cứ bốn cư dân thì có một người trên 60 tuổi — và hầu hết trong số họ là phụ nữ. Một số người đã sống qua Thế chiến II khi còn nhỏ, và đang thấy cuộc sống của họ bị gián đoạn một lần nữa vào năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea và cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bắt đầu.
Khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm ngoái, nhiều người trong số những phụ nữ này đã không thể hoặc không muốn rời đi. Trong số 4,8 triệu người Ukraine đã ghi danh tị nạn ở các nước Âu Châu khác kể từ khi chiến tranh bắt đầu, hầu hết là các phụ nữ trẻ và trẻ em, trong khi phụ nữ lớn tuổi ở lại Ukraine.
Dưới đây là một số câu chuyện của họ.
Valentina Tokariova, 85 tuổi, sinh ra ở Nga. Bà đã sống ở Donbas ở miền đông Ukraine trong 60 năm cho đến năm 2014, khi bà trốn sang Kyiv:
Tôi là người Nga bẩm sinh, sinh ra ở Novosibirsk. Vì vậy, trong đầu tôi, tôi vẫn không hiểu chuyện này xảy ra như thế nào và làm sao có thể xảy ra chiến tranh. Tôi nghĩ rằng nó là không thể.
Tôi đến Donbas năm 1962. Lúc đó tôi 23 tuổi và theo một chàng trai trẻ. Anh ấy không đáng để tôi nói với bạn. Chúng tôi sống với nhau bảy năm rồi anh ta bỏ rơi tôi và con trai.
Trong 60 năm, tôi đã sống ở Ukraine. Tôi đã làm việc cả đời cho Ukraine, đây là gia đình tôi, nhà của tôi, đây là đất nước của tôi. Bây giờ tôi là người Ukraine. Tôi coi văn hóa Ukraine là của riêng mình.
Yulia Hermanovska 79 tuổi và sống một mình ở Kyiv kể từ khi chồng bà qua đời cách đây 5 năm:
Tôi bị ung thư giai đoạn bốn. Tôi đã chiến đấu với nó được ba năm rồi, đây là năm thứ tư của tôi.
Bác sĩ của tôi đã di tản vào đúng thời điểm tôi bắt đầu điều trị, vào tháng 2 năm 2022. Cô ấy chỉ quay lại vào tháng Năm. Lúc đó tôi cảm thấy rất tệ, nhưng đến cuối tháng 5, tôi bắt đầu trị liệu chuyên sâu. Giờ tôi cảm thấy khá hơn nhiều rồi! Khi tôi được chẩn đoán vào năm 2020, tôi được thông báo rằng mình sẽ có từ hai đến năm năm.
Tôi luôn thích tiếng Ukraine hơn, nhưng tôi buộc phải nói tiếng Nga vì hồi đó nói tiếng Ukraine không được phổ biến. Nó được coi là ngôn ngữ của dân làng.
Bảy năm rưỡi cuối cùng trong sự nghiệp của mình, tôi làm thủ thư tại Học viện Đại học Quốc gia Kyiv-Mohyla. Khi tôi phỏng vấn xin việc, họ nói với tôi nếu tôi muốn làm việc ở đó, tôi chỉ có thể sử dụng hai ngôn ngữ: tiếng Anh hoặc tiếng Ukraine. Vì vậy, tôi phải chuyển trở lại tiếng Ukraine ở tuổi 50, sau khi đã nói tiếng Nga trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình.
Klara Rozkishna, 94 tuổi, đã có 40 năm giảng dạy hóa học ở Donetsk, miền đông Ukraine. Bà sống ở Kyiv với con gái:
Chúng tôi rời Donetsk vào ngày 29 tháng 5 năm 2014. Ngay khi nhìn thấy xe tăng Nga, chúng tôi đi ngay lập tức.
Donetsk từng là một thành phố xinh đẹp. Nơi đây được mệnh danh là thành phố triệu hoa hồng. Người ta sẽ nghĩ đó là thành phố của những người thợ mỏ, nhưng có rất nhiều hoa hồng! Chúng tôi từng sống ở trung tâm thành phố và tôi thích đi bộ dọc Đại lộ Pushkin. Nó rất xanh. Tôi và chồng tôi sống trong một ngôi nhà gần sông Kalmius. Đó là một nơi tuyệt đẹp, rất nhiều hoa!
Chúng tôi từ bỏ mọi thứ chúng ta có ở đó và khóa căn hộ của mình. Chồng tôi mất năm 2009 và được chôn cất ở Donetsk. Tôi thậm chí đã mua một chỗ cho mình ngay bên cạnh anh ấy. Nhưng nghĩa trang đã bị đánh bom. Vì đây không phải là một cuộc chiến. Đây là một lò mổ. Họ là những kẻ man rợ.
Nhưng không sao, Ukraine sẽ thắng - tôi chắc chắn như thế.