1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nâng Las Vegas lên thành tổng giáo phận

Hôm thứ Ba 30 Tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập một giáo tỉnh mới tại Hoa Kỳ bằng cách nâng cấp Las Vegas lên hàng tổng giáo phận.

Vatican đã thông báo vào ngày 30 tháng 5 rằng Đức Giám Mục George Leo Thomas sẽ là tổng giám mục đầu tiên của thành phố Las Vegas. Đức Cha Thomas đã phục vụ với tư cách là giám mục của Las Vegas kể từ năm 2018.

Giáo Tỉnh mới Las Vegas sẽ bao gồm các giáo phận phụ thuộc Reno và Thành phố Salt Lake.

Las Vegas, nơi có biệt danh khét tiếng là “Thành phố tội lỗi” từ những năm 1930, là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất ở Mỹ

Theo thống kê của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Tổng giáo phận Las Vegas có tổng dân số 2,3 triệu người, trong đó có 620.000 người Công Giáo,

Trong Giáo Hội Công Giáo, một giáo tỉnh là một lãnh thổ bao gồm ít nhất một tổng giáo phận và một số giáo phận nhỏ hơn được gọi là “suffragan diocese”, hay “giáo phận hạt” hay “giáo phận phụ thuộc” của một giáo tỉnh.

Trước đây, các giáo phận Las Vegas, Reno và Thành phố Salt Lake đều là các giáo phận hạt của Tổng giáo phận San Francisco. Với những thay đổi mới, giáo tỉnh San Francisco vẫn có 14 triệu dân, trong đó 3,3 triệu người Công Giáo.

Giáo phận Las Vegas được thành lập vào năm 1995 khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chia Giáo phận Reno-Las Vegas thành hai giáo phận riêng biệt Reno và Las Vegas.

Đức Cha Thomas, 73 tuổi, là giám mục thứ ba của Las Vegas. Ngài được tấn phong giám mục vào năm 2000 và trải qua bốn năm với tư cách là Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Seattle trước khi Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục Helena, nơi ngài đã phong chức linh mục cho Cha Stu Long.

Xuất thân từ Montana, Đức Cha Thomas đã viết luận án tiến sĩ về “Người Công Giáo và Truyền giáo của vùng Tây Bắc Thái Bình Dương” trong khi hoàn thành bằng Tiến sĩ tại Đại học Washington. Ngài cũng nhận được bằng thạc sĩ về tư vấn và sức khỏe tâm thần cộng đồng sau khi được thụ phong linh mục cho Tổng giáo phận Seattle vào năm 1976.

Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ hiện có 35 tổng giáo phận đô thị, trong đó có hai tổng giáo phận theo nghi thức Đông phương.


Source:Catholic News Agency

2. Nhật Ký Trừ Tà #242: Ho Ra Quỷ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #242: Coughing Up Demons”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 242: Ho ra quỷ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

“M” liên tục bị nguyền rủa bởi các phù thủy và hiện đang bị ma quỷ ám ảnh. Vài đêm trước, cô ấy nhận được một tin nhắn đe dọa từ lũ quỷ: “Mày sẽ bị đau nửa đầu cả đêm vì đã dám ném tao vào chỗ chết tiệt.” Một vài giờ trước khi nhận được tin nhắn này, M đã bị ma quỷ áp bức rất nhiều nên chúng tôi đã cầu nguyện cho cô ấy. Sau đó, cô nôn ra một chất lỏng đen, đặc, xấu xí. Những con quỷ đã rời đi và cô ấy trở lại với sự tỉnh táo hoàn toàn.

Ho và nôn mửa bất thường trong khi trừ tà thường là một diễn biến tích cực vì chúng là dấu hiệu cho thấy ma quỷ đang bị trục xuất. Trong tin nhắn, lũ quỷ thừa nhận rằng cô đã nôn chúng ra và chúng đe dọa sẽ cho cô đau nửa đầu để trả đũa.

Từ lâu chúng ta đã biết rằng, trong giai đoạn cuối cùng của sự giải thoát, người bệnh thường nôn ra những thứ kỳ lạ. Các nhà trừ quỷ đã báo cáo rằng những đồ vật bất thường bị đẩy ra như đinh, dây xích, tượng ma quỷ, đồ vật bị nguyền rủa và thậm chí cả rắn. Những vật phẩm này không nằm trong dạ dày của người bị bệnh mà được vật chất hóa một cách bất thường trong miệng.

Đồ vật trong chất nôn sẽ liên quan đến nguyên nhân hoặc những gì ma quỷ chiếm hữu. Nó không phải là ngẫu nhiên. Trong trường hợp này, M đã bị nguyền rủa bởi một mụ phù thủy. Những gì cô ấy ho ra là một loại thuốc phù thủy hoặc chất của lời nguyền.

Chúng tôi có những người khác cũng đang phải chịu đựng những lời nguyền của phù thủy hoặc những linh hồn tà ác của bói toán. Một số người trong số họ cũng đã bài tiết các chất xấu xí từ những phần trên cơ thể khác nhau. Tin tốt là sau khi bài tiết, những người đau khổ luôn nói rằng họ cảm thấy nhẹ nhàng và tự do hơn.

Có một lời cầu nguyện liên quan dành cho những người trừ tà trên trang web của chúng tôi, “Cầu nguyện cho người đã nuốt phải một vật thể bị nguyền rủa,” kết thúc bằng câu này:

“Tôi trừ tà cho bạn để mọi điều ác sẽ bị tiêu diệt theo bất kỳ cách nào nó đã gây ra cho người tôi tớ của Chúa đây. Hãy ra ngay khỏi các cơ quan nội tạng của đương sự và đẩy tà ác ra ngoài, ngươi phải được nhổ ra một cách tự nhiên mà không gây tổn hại cơ thể hoặc tâm trí của đương sự. A-men.”*

Những lời nguyền của phù thủy rất có thật.** Chúng triệu hồi sức mạnh đen tối của ác quỷ. Nhưng chúng chẳng là gì so với quyền năng giải thoát của Chúa Kitô.
Source:Catholic Exorcism

3. Ý cầu nguyện tháng 6 của Đức Thánh Cha: Hãy bãi bỏ việc tra tấn!

Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi thế giới chú ý đến thực tế là Chúa Giêsu Kitô, đã bị tra tấn; và biết bao nhiêu người đang chịu đựng những đau khổ như vậy, và ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy dấn thân để xóa bỏ sự đau khổ này.

Đức Thánh Cha tự hỏi làm sao con người có thể tàn ác với đồng loại như vậy.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng có những hình thức tra tấn cực kỳ bạo lực, bao gồm cả “những hình thức tinh vi”, chẳng hạn như “hạ thấp ai đó, làm tê liệt các giác quan, hoặc giam giữ hàng loạt trong những điều kiện vô nhân đạo đến mức tước đi phẩm giá của con người.”

Đức Thánh Cha nói: “Hãy nghĩ về việc chính Chúa Giêsu đã bị tra tấn và đóng đinh như thế nào.

“Chúng ta hãy chấm dứt sự tra tấn kinh hoàng này. Điều cần thiết là phải đặt phẩm giá của con người lên trên hết.”

Nếu không, Đức Thánh Cha cảnh báo, “các nạn nhân không còn là con người, mà là ‘đồ vật’, có thể bị ngược đãi không thương tiếc, gây ra cái chết hoặc tổn thương tâm lý và thể chất vĩnh viễn kéo dài suốt đời”.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải hỗ trợ các nạn nhân và gia đình của họ.

Thời điểm Đức Thánh Cha lên án thực hành tàn bạo này không phải là ngẫu nhiên.

Ngày 26 tháng 6 là Ngày Quốc tế của Liên hợp quốc hỗ trợ các nạn nhân bị tra tấn, vì vào ngày này năm 1987, Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, bắt đầu có hiệu lực. Công ước đã được 162 quốc gia phê chuẩn sau khi được thông qua vào năm 1984.

Tra tấn là một tập tục có từ thời cổ đại. Vào thế kỷ 18 và 19, các nước phương Tây đã chính thức bãi bỏ việc xử dụng chính thức thông qua hệ thống tư pháp.

Ngày nay, nó hoàn toàn bị cấm bởi luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục được thực hiện ở nhiều quốc gia.

Kể từ năm 1981, Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân bị Tra tấn của Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ trung bình 50.000 nạn nhân bị tra tấn mỗi năm, tại các quốc gia trên toàn thế giới.