1. Đức Thánh Cha viếng thăm Mông Cổ, nơi chỉ có 1300 người Công Giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị đến thăm Mông Cổ, một trong những nơi xa xôi nhất mà ngài từng đến và chỉ có khoảng 1300 người Công Giáo nhưng có ý nghĩa chiến lược đối với Giáo Hội Công Giáo vì gần Trung Quốc.

Vatican đã thông báo về chuyến đi, từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9, trong một tuyên bố ngắn gọn hôm thứ Bảy, nói rằng chuyến đi được thực hiện theo lời mời của tổng thống và các nhà lãnh đạo Công Giáo của đất nước.

Thông tin chi tiết sẽ được công bố trong vài tuần tới, phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni cho biết.

Tháng 8 năm ngoái, Đức Phanxicô đã nâng Đức Tổng Giám Mục Giorgio Marengo, người Ý, lên hàng Hồng Y. Hiện nay ngài là Giám Quản Tông Tòa của Miền Giám Quản Tông Tòa Ulaanbaatar

Đức Hồng Y Marengo đã ở Rôma vào tháng trước và gặp gỡ Đức Giáo Hoàng để thảo luận về chuyến đi.

Lần đầu tiên Đức Phanxicô nói về khả năng đến Mông Cổ trong một cuộc trò chuyện với các phóng viên trên máy bay trở về sau chuyến đi đến Phi Châu vào tháng Hai.

Theo Fides, cơ quan thông tấn về hoạt động truyền giáo của Vatican, có khoảng 1300 người Công Giáo đã được rửa tội ở Mông Cổ trong tổng dân số khoảng 3,3 triệu người.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, khoảng 60 phần trăm dân số được xác định là có tôn giáo trong khi phần còn lại không có bản sắc tôn giáo.

Trong số những người thể hiện bản sắc tôn giáo, 87,1% xác định là Phật tử, 5,4% là người Hồi giáo, 4,2% là người theo đạo Shaman, 2,2% là Kitô hữu và 1,1% là tín hữu của các tôn giáo khác.

Mặc dù số lượng người Công Giáo ở Mông Cổ ít hơn so với hầu hết các nhà thờ giáo xứ riêng lẻ ở nhiều quốc gia, nhưng quốc gia này rất quan trọng đối với Vatican.

Nước này có đường biên giới dài và quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, nơi Vatican đang cố gắng cải thiện tình hình của người Công Giáo ở quốc gia cộng sản này.

Mông Cổ, từng được gọi là Ngoại Mông, là một phần của Trung Quốc cho đến năm 1921, khi nước này giành được độc lập với sự giúp đỡ của Liên Xô khi đó.

Nội Mông vẫn là một phần của Trung Quốc.

Đến thăm những nơi mà người Công Giáo là thiểu số cũng là một phần trong chính sách của Đức Giáo Hoàng nhằm thu hút sự chú ý đến con người và các vấn đề trong những gì ngài gọi là vùng ngoại vi của xã hội và thế giới.

Ngài vẫn chưa viếng thăm hầu hết các thủ đô của Tây Âu trong 10 năm với tư cách là người đứng đầu Giáo hội có 1,3 tỷ tín hữu.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Bồ Đào Nha từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 8 để tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon và viếng thăm Đền thờ Fatima.

Đức Thánh Cha nói ngài có thể sẽ đến Ấn Độ vào năm tới.


Source:newcastleherald.com.au

2. Báo cáo: Đức Tổng Giám Mục Gänswein được lệnh rời Vatican, trở về giáo phận quê hương mà không có vai trò mới

Theo một báo cáo của Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh cho Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein rời Vatican và trở về Đức vào cuối tháng Sáu.

Thư ký riêng lâu năm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã được yêu cầu trở về giáo phận Freiburg, Tây Nam nước Đức, nhưng không được giao bất kỳ vai trò hay nhiệm vụ nào, tờ báo Welt đưa tin hôm thứ Sáu.

Theo CNA Deutsch, cơ quan đối tác tiếng Đức của CNA, báo cáo khẳng định rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo cho Gänswein, 66 tuổi, về quyết định của ngài trong buổi tiếp kiến riêng vào ngày 19 tháng Năm.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã không trả lời yêu cầu của CNA Deutsch vào thời điểm xuất bản và Vatican đã không đưa ra bất kỳ thông báo nào về vấn đề này.

Vai trò tương lai của thư ký của cố Bênêđictô đã trở thành chủ đề của tin đồn và bàn tán khắp Rôma và Giáo hội ở Đức trong nhiều tháng. Những suy đoán trước đây bao gồm tuyên bố rằng Đức Cha Gänswein sẽ phục vụ với tư cách là Sứ thần Tòa Thánh ở Costa Rica. Vị Giám Mục có tài hùng biện thông thạo nhiều ngôn ngữ, kể cả tiếng Đức và tiếng Ý.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô “đã đề cập đến phong tục rằng các cựu thư ký riêng của các Đức Giáo Hoàng đã qua đời không ở lại Rôma”.

Là thư ký lâu năm của Đức Bênêđictô, Đức Cha Gänswein cũng từng là chủ tịch Phủ Giáo hoàng cho cả Đức Bênêđictô và người kế nhiệm ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô, cho đến tháng 2 năm 2020.

Đức Cha Gänswein đến từ vùng Black Forest của Đức, là con trai của một người thợ rèn đã được Đức Tổng Giám Mục Oskar Saier ở Freiburg truyền chức linh mục vào năm 1984 và có bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại học Ludwig-Maximilian ở Munich.

Đức Cha Gänswein đã đến Đức vào cuối tuần này để chủ sự Thánh lễ vào Chúa nhật, ngày 4 tháng 6, cho cuộc hành hương hàng năm đến tu viện Xitô Stiepel gần Bochum, miền Tây nước Đức.


Source:Catholic News Agency

3. Chế độ độc tài Nicaragua tiếp quản trường Công Giáo; ba nữ tu có thể sớm bị trục xuất

Chế độ độc tài Nicaragua đã tiếp quản một trường Công Giáo vào rạng sáng ngày 29 tháng 5 và có lẽ sẽ sớm trục xuất ba nữ tu nước ngoài thuộc cộng đoàn quản lý trường này.

Theo hãng truyền thông địa phương Mosaico, cảnh sát của chế độ đã tiếp quản các cơ sở của Học viện Kỹ thuật St. Louise de Marillac, là trường trung học duy nhất ở thị trấn San Sebastián de Yalí thuộc khu hành chính Jinotega.

Ngôi trường có khoảng 100 học sinh đang theo học, được quản lý bởi Dòng Nữ tử Thánh Louise de Marillac trong Chúa Thánh Thần, được thành lập vào năm 1992.

“Đó là một ngôi trường nhỏ, nhưng có lịch sử lâu đời và rất có uy tín,” một cư dân của San Sebastián de Yalí nói với Mosaico.

Theo các phương tiện truyền thông Nicaragua, các viên chức cảnh sát đã biện minh cho việc tiếp quản trường bằng cách tuyên bố rằng họ phải xem xét tài liệu của trường.

“Có khoảng sáu nữ tu, trong đó có một sơ lớn tuổi bị mù. Họ rất tốt, cũng rất hay giúp đỡ những người nghèo trong khu phố, và họ chưa bao giờ có bất kỳ vấn đề gì với bất kỳ ai, bởi vì họ luôn phục vụ Chúa và tha nhân,” người dân kể lại.

Ba trong số các nữ tu là người nước ngoài có thể bị trục xuất trong vài ngày tới.

Vào ngày 31 tháng 5, Martha Patricia Molina, một luật sư và nhà nghiên cứu người Nicaragua sống lưu vong, nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, rằng việc phong tỏa và khám xét ngôi trường sẽ là bước trước khi chế độ độc tài tịch thu nó.

Cô cảnh báo: “Trong vài ngày tới, chúng ta sẽ có thể thấy lệnh tịch thu nó tới từ văn phòng tổng chưởng lý.

“Đối với chế độ độc tài, vốn luôn hành động tùy tiện, thì một văn bản xác lập việc tịch thu là không cần thiết, bởi vì tất cả những hành động mà họ thực hiện đều đã nằm trong luật của họ”

Báo cáo nêu chi tiết rằng trong 5 năm qua đã có ít nhất 529 cuộc tấn công của chế độ Ortega chống lại Giáo hội, 90 vụ đã xảy ra từ đầu năm 2023 cho đến nay.

Cô đặc biệt ghi nhận việc bỏ tù oan Đức Giám Mục Rolando Álvarez, người đã bị kết án 26 năm 4 tháng vì tội phản quốc; 32 nữ tu bị trục xuất khỏi đất nước; bảy tòa nhà Giáo hội bị chế độ tịch thu; và các phương tiện truyền thông khác nhau bị đóng cửa.


Source:Catholic News Agency