1. Đức Hồng Y Zuppi cử hành thánh lễ với cộng đoàn Công Giáo Mạc Tư Khoa
Chiều thứ Năm, ngày 29 tháng Sáu năm 2023, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng giám mục Giáo phận Bologna, Phái viên hòa bình của Đức Thánh Cha, đã kết thúc chuyến đi tại Mạc Tư Khoa, với thánh lễ với cộng đoàn Công Giáo tại thủ đô Nga. Trong bài giảng, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng: “Đức Thánh Cha không cam chịu và tìm cách làm tất cả những gì có thể cho hòa bình”.
Bài giảng của Đức Hồng Y Zuppi hoàn toàn nói về hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Ngài nhận xét về tính tình khác nhau của hai đại tông đồ, và khẳng định rằng: “Giáo hội không làm cho bình đẳng, liên kết, khác biệt nhưng cùng nhau. Thiên Chúa dựng nên chúng ta mỗi người là duy nhất, không thể lập lại, với một khả năng đặc sắc nơi mỗi người, với linh hồn”.
Đức Hồng Y Tổng giám mục Bologna cũng nói về sự hiệp nhất: đây là điều không do quyền bính trao ban, nhưng từ sự phục vụ nhau. Nó không đến từ liên hệ máu mủ, nhưng từ liên kết do Chúa sinh ra, làm cho chúng ta trở nên con cái Chúa, thành phần trong gia đình của Chúa. Vì thế không bao giờ chúng ta được ngưng tìm kiếm hiệp nhất, vì sự chia rẽ gia tăng trong sự dửng dưng. Chia rẽ luôn là một điều xìcăngđan đối với Chúa Giêsu, Đấng cầu nguyện cho các con cái của Chúa được hiệp nhất”.
Từ những tiền đề trên đây, Đức Hồng Y Zuppi tái kêu gọi hòa bình: “Như một người mẹ, Giáo hội không ngừng cầu xin ơn hòa bình, tìm kiếm hòa bình không biết mệt mỏi, vì đau khổ của mỗi người cũng là đau khổ của Giáo hội. Giáo hội luôn là người mẹ, vì thế “động lực duy nhất của sứ mạng chúng ta đang sống trong những ngày này, do ý muốn của Đấng kế vị thánh Phêrô, là không cam chịu, nhưng tìm cách làm tất cả những gì có thể để sự chờ đợi hòa bình từ trái đất sớm được mãn nguyện”.
Chiều ngày 30 tháng Sáu, Đức Hồng Y Zuppi đã rời Mạc Tư Khoa để trở về Roma.
2. Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chiến tranh Ukraine dường như 'không có hồi kết'
Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết cuộc chiến ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc rõ ràng khi đặc phái viên hòa bình của ngài kết thúc hai ngày đàm phán tại Mạc Tư Khoa, Reuters đưa tin.
“Thực tế bi thảm của cuộc chiến dường như không hồi kết này đòi hỏi mọi người phải có một nỗ lực sáng tạo chung để hình dung và tạo ra những con đường hòa bình,” Đức Thánh Cha nói với một phái đoàn từ Tòa Thượng phụ Constantinople đến chúc mừng nhân ngày lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ.
Vatican cho biết trong một tuyên bố sau đó rằng đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, đã hoàn thành các cuộc tham vấn của mình tại Mạc Tư Khoa, nơi ông đã gặp Yuri Ushakov, một trong những cố vấn của Tổng thống Putin, và Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga.
“Chuyến thăm nhằm mục đích xác định các sáng kiến nhân đạo, có thể mở ra con đường dẫn tới hòa bình,” tuyên bố cho biết. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Vào tháng 5, Tổng thống Zelenskiy đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ kế hoạch hòa bình của Kyiv, và Đức Thánh Cha cho biết Vatican sẽ giúp hồi hương những trẻ em Ukraine bị người Nga bắt đi.
Trong cuộc gặp gỡ với Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, Đức Hồng Y Zuppi, nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha Phanxicô rất muốn nghe trực tiếp quan điểm của Kirill về tình hình Ukraine.
Quan điểm của Thượng Phụ Kirill được trình bày trong cuộc gặp gỡ là hòa bình sẽ được lặp lại một khi các quốc gia phương Tây ngưng tức khắc các viện trợ khí tài chiến tranh cho Ukraine. Với tất cả sự tôn trọng cần thiết, cần phải nói thẳng rằng Thượng Phụ Kirill nói chuyện như một thằng trẻ con. Người Ukraine đã nhiều lần nói thẳng rằng nếu không có viện trợ của phương Tây, họ sẽ mất nước trước một quốc gia xâm lược mà tất cả mọi chỉ số từ nhân lực đến các khí tài chiến tranh đều ít nhất là gấp 10 lần họ. Tuy nhiên, sau khi mất nước họ sẽ tiếp tục đánh chiến tranh du kích. Nền hòa bình mà Thượng Phụ Kirill đề cập đến không phải là một nền hòa bình công chính và cũng chẳng lâu dài. Bản thân Thượng Phụ Kirill cũng nhiều lần nhấn mạnh đến cái gọi là Russian Mir hay thế giới Nga. Nói cho dễ hiểu là mơ ước tái lập lại Liên Bang Xô Viết. Sau Ukraine, chắc chắn sẽ đến các nước khác, Nga không dừng lại ở đó.
Nếu nói chuyện như một người lớn trưởng thành, Thượng Phụ Kirill phải nói rằng quân đội của Putin phải rút hết về nước. Hòa bình sẽ đến ngay ngày hôm nay.
3. Đức Thánh Cha chủ sự Đại lễ kính thánh Phêrô và Phaolô
Lúc gần 9 giờ 30 sáng, thứ Năm, ngày 29 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ thánh lễ trọng thể kính hai thánh Phêrô và Phaolxe hơing đồ, tại Đền thờ thánh Phêrô, đồng thời làm phép dây Pallium để trao cho ba mươi hai vị Tổng giám mục chính tòa được bổ nhiệm trong những tháng qua, ít hơn năm trước đây mười vị.
Dây Pallium làm bằng lông chiên màu trắng, có sáu hình thánh giá màu đen, vị Tổng giám mục chính tòa đeo ở cổ, tượng trưng vị mục tử vác chiên lên vai. Dây này cũng biểu tượng quyền bính của vị Tổng giám mục chính tòa và sự hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô.
Ba mươi hai vị Tổng giám mục thuộc mười chín quốc tịch và có ba vị từ Á châu, trong đó hai vị người Philippines và một vị người Hàn Quốc là Đức Cha Simon Ngọc Hiền Tiến - Ok Hyun-Jin-, Tổng giám mục Giáo phận Quang Châu (Gwangju).
Đồng tế thánh lễ, có khoảng bảy mươi lăm Hồng Y và giám mục, bốn trăm năm mươi linh mục, tất cả trong phẩm phục màu đỏ.
Vì Đức Thánh Cha đau đầu gối, đi lại khó khăn, nên Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, thay ngài cử hành các việc tại bàn thờ, như xông hương bàn thánh và phần Kinh nguyện Thánh Thể.
Hiện diện trong thánh lễ, có hơn 6.000 tín hữu và đặc biệt có đoàn đại biểu của Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople ở Thổ Nhĩ Kỳ, do Đức Tổng Giám Mục Telmissos Job, Đại diện Đức Thượng phụ Bartolomaios làm trưởng đoàn, cùng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.
Nghi thức làm phép dây Pallium diễn ra vào đầu thánh lễ. Sau khi được giới thiệu lên Đức Thánh Cha, các vị Tổng giám mục đã đọc lời tuyên thệ luôn luôn trung thành và vâng phục Đức Thánh Cha đương nhiệm cũng như các Đấng kế vị, rồi ngài đọc lời nguyện và làm phép các dây Pallium, được đưa từ bàn thờ trước mộ thánh Phêrô.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đi từ hai chi tiết trong các bài đọc để nêu bật hai nét đặc thù của hai vị đại tông đồ, trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”
Đáp câu hỏi đó, ông Phêrô nói: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Đức Thánh Cha nhận xét: “Câu trả lời này là kết quả của một hành trình: chỉ sau khi sống cuộc phiêu lưu kỳ thú theo Chúa, sau khi bước đi cùng với và theo Chúa trong lâu dài, ông Phêrô mới đi tới sự trưởng thành tinh thần, đưa tới một sự tuyên xưng đức tin rõ ràng như vậy”.
Và thánh sử Matthêu còn cho biết ban đầu, một hôm Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilea, ngài đã kêu gọi Phêrô cùng với Anrê, và họ đã bỏ lưới ngay để theo Chúa (Xc 4,20). Ông Phêrô đã không viện cớ nào để thoái thác. Và Đức Thánh Cha nhận xét: “Ông Phêrô nói với chúng ta rằng đối với câu hỏi “Ai là Đức Giêsu đối với tôi?”, nếu chỉ trả lời bằng một công thức đạo lý hoàn hảo thì không đủ. Trái lại, chính nhờ đi theo Chúa mà mỗi ngày chúng ta biết Chúa nhiều hơn, chính nhờ trở thành các môn đệ và đón nhận lời Chúa mà chúng ta trở thành bạn hữu và cảm nghiệm tình thương của Chúa biến đổi chúng ta... Tuy chúng ta có thể hoãn lại bao nhiêu điều trong cuộc sống, nhưng việc theo Chúa không thể hoãn lại; đối với việc này, ta không thể do dự, không thể viện cớ thoái thác. Cần chú ý, vì một số cớ thoái thác được ngụy tạo bằng linh đạo, như khi chúng ta nói “Tôi không xứng đáng”, “Tôi không có khả năng”, “tôi có thể làm gì được?”. Đó là một mưu chước tinh quái của ma quỷ. Hắn cướp mất của chúng ta sự tín thác nơi ơn thánh của Chúa, làm cho chúng ta tưởng rằng mọi sự đều tùy thuộc khả năng của chúng ta”.
“Chúng ta hãy từ bỏ những an ninh trần thế của chúng ta, ngay lập tức, và theo Chúa Giêsu mỗi ngày: đó chính là mệnh lệnh mà thánh Phêrô trao cho chúng ta hôm nay, mời gọi chúng ta hãy là một Giáo hội đang theo Chúa, Giáo hội muốn là môn đệ của Chúa và là một nữ tỳ khiêm hạ của Tin mừng...”.
Sang đến thánh Phaolxe hơing đồ dân ngoại, Đức Thánh Cha nhận xét rằng câu trả lời của thánh nhân là việc loan báo Tin mừng. Tất cả bắt đầu bằng ơn thánh: trên đường đi Damasco, ông Phaolô vốn “bị khép kín trong sự kiêu ngạo do việc giữ luật cứng nhắc, đã khám phá nơi Chúa Giêsu sự viên mãn của mầu nhiệm cứu độ... Nhờ đó, Phaolô tận hiến cả đời rong ruổi khắp các nơi, bất kể những đau khổ và bách hại, miễn là để loan báo Chúa Giêsu Kitô.
“Sự loan báo Lời Chúa cho người khác cũng giúp thánh nhân đi sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng đối với câu hỏi “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?” ta không thể trả lời bằng một lối sống đạo duy thân mật, thứ sống đạo để chúng ta được yên hàn, không thao thức mang Tin mừng cho tha nhân. Thánh Tông đồ dạy chúng ta rằng chúng ta tăng trưởng trong đức tin và trong sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô, khi chúng ta càng trở thành những người loan báo và làm chứng nhân. Điều này luôn xảy ra khi loan báo Tin mừng, chúng ta được Tin mừng hóa. Lời Chúa mà chúng ta mang cho người khác, trở về cùng chúng ta, thì theo mức độ chúng ta cho đi mà chúng ta nhận lại được nhiều hơn (Xc Lc 6,38). Đó là điều cần thiết cho cả Giáo hội ngày nay, đó là: đặt việc loan báo ở trung tâm. Là một Giáo hội không mệt mỏi lập lại: “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô” và “khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin mừng”.
Thánh lễ trọng thể kính hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ kết thúc lúc 10 giờ 50 phút.