Rome 26/01/06. – Trả lời cuộc phỏng vấn của nhật báo La Stampa ở Ý, nhà thần học ly khai Hans Kung đã ca ngợi tông thư Deus Caritas Est của đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là tích cực, nhưng cũng thêm rằng ĐGH nên có một lập trường can đảm hơn là thay đổi một số giáo huấn của Giáo Hội.

Thần học gia Hans Kung
Nhà thần học người Thụy Sĩ trước đây là bạn đồng nghiệp của đức đương kim Giáo Hoàng, tuy nhiên, luôn luôn lên tiếng phê bình Ngài. Ông cho rằng tông thư mới là là một dấu hiệu tích cực nhưng nếu có thêm một tông thư nữa thì tông thư thứ hai nên bàn đến những cơ cấu công lý trong cơ chế Giáo Hội. Đồng thời cũng bàn đến mối tương quan giữa Vatican và những người bất đồng ý kiến với giáo huấn của Giáo Hội.

Một cách cụ thể hơn, nhà thần học Hans Kung đề nghị đức Giáo Hoàng chấp nhận các cặp vợ chồng dùng thuốc ngừa thai, những người ly dị và tái hôn, các linh mục bỏ ra đi lấy vợ, các người lên tiếng phê bình Giáo Hội, thừa nhận nghi thức rước lễ của Tin Lành và Anh Giáo là có giá trị. Cuối cùng nhà thần học này kết luận: “Nếu đức Giáo Hoàng làm được các việc trên thì con người Joseph Ratzinger là một Giáo Hoàng vĩ đại”.

Ông cũng châm biếm khuyên đức Giáo Hoàng nên thiết lập “Bộ Yêu Thương” hoạt động song hành với Bộ Giáo Lý và Đức Tin tại Vatican để mối nghị định của Tòa Thánh đưa ra sẽ phụ hợp với lòng yêu thương của Kitô Giáo.

Thần học gia Hans Kung sinh năm 1928, trẻ hơn ĐGH một tuổi, là cố vấn về thần học cho công đồng Vatican II, đồng thời cũng là giáo sư thần học tại đaị học Tubingen như đức đương kim Giáo Hoàng. Vào năm 1979, sau một cuộc nghiên cứu và điều tra cẩn thận của Bộ Giáo Lý và Đức Tin, Tòa Thánh Vatican đã rút lại huấn quyền của nhà thần học Hans Kung. Và khi Hồng Y Ratzinger nắm bộ Giáo Lý và Đức Tin vào năm 1981 thì Hans Kung lại càng tấn công bộ này hơn nữa.

Sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, vào ngày 24 tháng 9 năm 2005, ĐGH Bênêđictô XVI là người bạn năm xưa của Hans Kung đã mời ông tới dùng cơm tối tại Castel Gandolfo. Kết quả cuộc hội kiến giữa hai bên được báo chi ghi nhận là “thân thiện” vì cuộc họp mặt đã không đề cập gì đến những bất đồng quan điểm về thần học của hai bên