MÔN ĐỆ TRÊN ĐƯỜNG EMMAUS



A. Đọc lại đoạn Tin Mừng.

Hai người môn đệ không tin lời những người loan tin Chúa Giêsu đã phục sinh. Họ bỏ đi với tâm tình buồn sầu tuyệt vọng.

Sách Tin Mừng thứ ba kể hai lần Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng: lần thứ nhất Chúa sai nhóm muời hai đi từng hai người một, “loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi” Lc 9,1-6); lần thứ hai Chúa sai 72 môn đệ, cũng từng hai người một “đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ tới” (Lc 10,1). Hôm nay hai người môn đệ này tự ý ra đi, không phải để loan báo tin mừng, vì họ đâu có tin mừng nào để loan báo, họ chỉ có một nỗi sầu tuyệt vọng để ôm theo. “Họ trò truyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra”. Một người khách lạ dấn bước lên cùng đi và xin được dự vào câu chuyện của họ. Họ ngạc nhiên vì người khách lạ có vẻ không biết gì về những chuyện mới xảy ra mà họ cho rằng mọi người ở Giêrusalem đều phải biết.

Người khách lạ gợi cho họ trút hết nỗi lòng. Có lần Chúa đã hỏi Nhóm Mười Hai rằng “Người ta bảo Thầy là ai?... Phần anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?”. Lần này Chúa chỉ cần hỏi “Chuyện gì thế?”, và được nghe họ nói một cách rất chân thành và tự phát những gì họ suy nghĩ về Chúa. Có lẽ những lời khiến Chúa đau lòng nhất là khi họ bày tỏ nỗi thất vọng :”Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng… Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.” Ngày thứ ba đối với họ là cái mốc của tuyệt vọng trong khi trước đây Chúa Giêsu đã nói rằng ngày thứ ba Ngài sẽ chỗi dậy. Họ không tin những người phụ nữ báo lại tin mừng do thiên thần công bố tại mồ. Họ tin lời chứng cũa những người anh em đã chạy ra mộ và thấy mọi sự như các phụ nữ đã loan báo, nghĩa là cửa mồ đã mở toang và xác Ngài không còn trong mồ. Nhưng họ không bận tâm về chuyện xác Ngài còn hay mất. Họ bỏ đi vì “còn chính người thì các ông kia không thấy”. Chúng ta đã được người kể chuyện cho biết rằng người khách lạ chính là Chúa Giêsu, chúng ta không thể không mỉm cười, bởi vì họ đang thấy Ngài và đang nói chuyện với Ngài mà họ không nhận ra Ngài, sao họ lại chê những người kia vì “chính Người thì họ không thấy”.

Người khách lạ bỗng trở thành người thày giảng giải Kinh Thánh cho họ và họ say mê nghe, quên cả đường dài. Chỉ khi dến chỗ rẽ vào làng, người khách lạ tỏ vẻ như muốn đi xa hơn, họ mới bộc lộ niềm khao khát Ngài ở lại với họ. Sau này họ sẽ nói lý do tại sao họ nài nỉ Ngài ở lại với họ:”Thảo nào, dọc đường khi Ngài nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên đó sao?”

Trong quán trọ, khi ngồi ăn, Ngài làm người “chủ tiệc”, khai mạc bữa ăn bằng những lời và cử chỉ giống như trong bữa Tiệc Ly, “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”.

“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem”. Dọc đường, hẳn là họ rảo bước với lòng rộn ràng niềm vui mong mau về tới nơi để chia sẻ với anh em, mang cho anh em diều họ tưởng anh em chưa được. Về tới Giêrusalem họ thấy gì? “Họ gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó”. Họ chưa kịp mở miệng thì “những người này bảo hai ông : Chúa chỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn”. Thế là những anh em khác tuy chưa thấy Chúa nhưng đã tin lời chứng của ông Si-môn, vì ông Si-môn đã thấy Chúa. Dầu vậy hai ông vẫn hào hứng kể lại chuyện của mình và mọi người vẫn thích thú nghe.

“Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: bình an cho anh em! Các ông kinh hồn bạ vía, tưởng là thấy ma”. Nhưng Chúa Giêsu đến không phải để quở trách mà để củng cố lòng tin của các ông, nên Chúa như người mẹ hiền tìm mọi cách lay tỉnh đứa con đang mê hoảng. Chúa nói với họ, cho họ xem vết thương, chân tay Ngài, mời họ sờ vào Ngài và Ngài ăn trước mặt họ. Khi họ đã hoàn hồn, thì Chúa mới ôn tồn dậy bảo họ về những gì đã xảy ra cho Chúa và về sứ mạng của họ. Chúa không giải thích từng câu trong Sách Thánh, nhưng “bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Sách Thánh”. Cuối cùng Ngài bảo các ông phải “ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”. Chỉ khi nào đã nhận được Sức Mạnh từ Trời họ mới có thể lên đường thi hành sứ mạng “nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội”.

B. Vài suy nghĩ.

  • 1- Chúa Giêsu Phục Sinh là Mục Tử nhân lành. Chúa đi tìm hai con chiên lạc đưa về. Chúa không dung quyền uy để bắt họ quay về, nhưng Chúa đồng hành với họ trên con đường họ đang đi do nỗi thất vọng đua bước chân họ. Chúa dung lời Sách Thánh làm cho lòng họ bừng cháy, rồi cho họ nhận ra Chúa qua cử chỉ bẻ bánh. Bay giờ thì lòng tin và niềm vui đưa gót họ quay về sum họp với đoàn chiên.
  • 2- Với Nhóm Mười Một và những bạn hữu khác, Chúa cũng là Mục Tử ở giữa bầy chiên Chúa đã gom về, dịu dàng như mẹ hiền ấp ủ con thơ, âu yếm vỗ về, nâng niu.
  • 3- Lời thổ lộ của hai người trên đường Emmaus “còn chính Người thì họ không thấy”ngầm nêu một vấn nạn: nghe nói xác Người không còn trong mồ, vì Người đã chỗi dậy, nhưng có ai thấy Người đâu mà tin. (Sách Tin Mừng theo Thánh Gioan để cho tông đồ Tô-ma phát biểu trực tiếp vấn nạn ấy). Thánh Luca trả lời vấn nạn qua câu chuyện hai người trên đường Emmaus: hai người này thấy Chúa thì tưởng là một người khách lạ. Khi Chúa đứng giữa tất cả các môn đệ đang quây quần nghe chuyện, thì các ông kinh hồn bạt vía tưởng mình thấy ma, mặc dù trước đó các ông đã tin lời chứng của ông Phêrô. Vậy thì đừng đòi thấy Chúa nữa, vì có thấy cũng không nhận ra hay là cũng lại kinh hồn bạt vía vì tưởng mình thấy ma. Chúa Giêsu Phục Sinh không phải để làm ma đi hù thiên hạ, nhưng để làm Mục Tử ở giữa đoàn chiên.
  • 4- Câu trả lời thứ hai, hay phần thứ hai của câu trả lời là những cách thức hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh. Cách thứ nhất là Lời Chúa. Mắt không thấy được Chúa vì Chúa phục sinh không còn lệ thuộc vào quy luật của vật chất nữa. Nhưng Lời Chúa có thể thấm nhập và làm cho lòng chúng ta bừng cháy lên, như hai người trên đường Emmaus đã cảm nghiệm. Cách thứ hai là bí tích Thánh Thể, Chúa đã truyền làm như Chúa đã làm để tưởng nhớ đến Chúa. Bánh và Rượu là Mình và Máu Chúa đã trở thành của ăn của uống, đó là cách hiện diện mãnh liệt nhất. “Bấy giờ mắt họ mở ra và họ nhận ra Người”.
Cách thứ ba là qua sứ vụ của thánh Phêrô. Chính khi Chúa Giêsu báo trước rằng thánh Phêrô sẽ chối Chúa, thì Chúa lại cam kết: “Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh ” (Lc22,31). Chúa không hứa giữ cho ông Phêrô khỏi vấp ngã, nhưng Chúa bảo đảm cho ông không mất lòng tin để ông có thể thi hành sứ mạng làm cho anh em vững mạnh. Sau khi ông Phêrọ chối Chúa đủ ba lần, Chúa đã quay lại nhìn ông. Thế là ông Phêrô đã cảm nghiệm được sự yếu đuối của mình và lòng thương xót của Chúa. Như thế ông s4e cảm thông được những yếu đuối của anh em và dựa vào lòng thương xót của Chúa mà làm cho anh em vững mạnh chứ không phải dựa vào sự vững mạnh của bản thân mình. Sau khi Phục Sinh, Chúa đã cho ông được gặp Chúa để ông có thể bắt đầu thi hành sứ mạng. Anh em đã đón nhận sứ mạng của ông.

“Khi các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông”, thánh Luca không nói Chúa Giêsu đến, ahy Chúa Giêsu vào. Coi như Chúa vẫn đứng giữa các ông, nhưng chỉ khi Chúa cho thấy thì các ông mới thấy. Vậy thì đúng như lời Chúa hứa, “đâu có hai, ba người tụ họp nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa”. Khi cộng đoàn Hội Thánh qui tụ nhau nhân danh Chúa thì có Chúa ở giữa. Đó là cách hiện diện thứ tư của Chúa Giêsu Phục Sinh.