BÀI 2: ĐỔI MỚI TỔ CHỨC



LINH MỤC LÀ THÀNH PHẦN CỦA HÀNG TƯ TẾ

Như thánh Phaolô, tất cả chúng ta "đã được sung làm tôi bộc của Đức Giêsu, thể theo ân huệ Thiên Chúa, đã ban xuống cho chúng ta, chiếu theo phép mầu quyền năng của Người" (Ep 3,7). Đó là ân huệ lớn lao, nhưng cũng rất đòi hỏi (honor, onus), vì chẳng thể làm tôi bộc của Đức Giêsu, nếu không cố gắng trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Chính Người đã nói : "Môn đệ không lẽ hơn Thầy, và tôi tớ hơn chủ ?" (Mt 10,24); và "hoàn bị là mọi kẻ đã được như Thầy" (Lc 6,40).

Nhưng ai sẽ giúp chúng ta nên giống Thầy? Tôi nghĩ đến câu chuyện Đức Maria đứng dưới chân thập giá với người môn đệ Chúa thương. Chính tình thương vào lúc vĩnh biệt đã khiến Chúa trối môn đệ lại cho thân mẫu để Người chăm sóc, uốn nắn (Ga 19,25-27). Là môn đồ yêu mến của Đức Giêsu, chúng ta hãy lĩnh lấy Đức Maria về nhà mình. Lòng yêu mến Đức Mẹ sẽ giúp ta dần dần đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.

Hơn nữa Đức Maria dưới chân thập giá vừa là Mẹ vừa là hình ảnh của Hội Thánh. Chúng ta cũng có Hội Thánh để giúp đỡ chúng ta nên người môn đệ Chúa thương. Bài này muốn nhắc chúng ta đang sống chức linh mục trong tổ chức của Hội Thánh mà hàng tư tế giữ vai trò lãnh đạo và chúng ta cần đổi mới tư duy về quan hệ với hàng tư tế này.

Chúng ta biết trong Tân Ước, lúc đầu có vẻ như Chúa gọi từng môn đệ; nhưng lập tức Người đã quy tụ họ lại thành đoàn; và đặc biệt sau một đêm cầu nguyện, Người đã đặt một lúc mười hai người làm Tông đồ (Lc 6,12-16). Con số 12 này có một ý nghĩa sâu sắc đến nỗi khi mất một, lập tức Mátthia đã được chọn để bổ sung vào ngay (Cv 1,15-26). Tính tập đoàn này đã được Công đồng Vatincan II bàn giải rộng rãi và đưa vào cụ thể trong những sáng kiến mới như Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, các Hội đồng Giám mục, Hội đồng Linh mục, Hội đồng mục vụ… Như vậy hết rồi những thời thi hành chức năng linh mục một cách đơn thương độc mã ngay trong thực tế. Và điều này bó buộc chúng ta phải có một tư duy mới vì chúng ta không ở trong một tổ chức hoàn toàn vô hình nhưng hữu hình nữa.

Bởi vì theo lý thuyết chẳng bao giờ ở bất cứ thời đại nào có ai có ý tưởng không thi hành chức năng linh mục trong tinh thần hiệp thông. Không phải đợi đến Vatican II, linh mục mới biết mình là cộng sự viên của hàng giám mục và là thành viên của hàng linh mục. Lễ nghi phong chức ngày xưa cũng như ngày nay mô tả việc tiến chức linh mục dựa trên ý Chúa đã phán dạy Môsê : "Hãy triệu tập lại cho Ta 70 người trong các kỳ mục của Ít-ra-en… Ta sẽ rút Thần khí có trên ngươi mà đặt trên chúng và chúng sẽ gánh vác với ngươi gánh nặng là dân này và ngươi sẽ không còn phải gánh lấy một mình"(Ds 11,16-17). Do đó, "tuy được Thiên Chúa ban ân sủng để làm thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân" (LM 2), các linh mục vẫn phải đón nhận các ân sủng ấy từ việc đặt tay của các giám mục. Hơn nữa chức vụ thừa hành của các linh mục ở một cấp độ tùy thuộc và phải thi hành liên kết với chức giám mục.

Điều này không làm suy yếu những khẳng định của chúng ta trong bài trước. Do Bí tích Truyền chức, linh mục là một Kitô mới có đủ khả năng tham dự vào quyền bính mà chính Chúa Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản thân thể của Người (LM 2). Quan hệ giữa giám mục và linh mục có thể được hình dung một cách khá chính xác dựa và lời Tv 2,7 : "Ngươi là Con Ta, chính Ta, hôm nay, Ta đã sinh ra Ngươi". Đó là lời phong vương, truyền ngôi báu chứ không phải chỉ là lời loan báo có thêm một hoàng tử hoặc mới có một hoàng thái tử. Một cách nào đó cũng vậy, giám mục phong chức linh mục cho ai là để người đó có đủ quyền năng và sứ mệnh của Đức Kitô đối với Nhiệm thể của Người, "đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động" (LM 2).

Tuy nhiên, linh mục vẫn là người con và là cộng sự viên của giám mục, bởi vì sứ đồ vụ mà Đức Giêsu đã thiếp lập trong Hội Thánh đã được trao cho hàng giám mục, mà nhờ Bí tích Truyền chức, các linh mục được chia sẻ và tham gia, nhưng luôn luôn trong tinh thần liên kết và vâng phục. Chính lời hứa vâng phục trong Thánh lễ truyền chức nói lên ý nghĩa này và đưa chúng ta vào mầu nhiệm của chức tư tế. Giám mục đòi hỏi sự vâng phục lúc đó không lấy danh nghĩa cá nhân, nhưng thay mặt cho hàng giám mục và cho truyền thống tông đồ. Chính giám mục khi nhậm chức cũng phải thề hứa như thế đối với Đức Thánh Cha, khiến chúng ta nhớ lại bản chất của tông đồ vụ là sự vâng phục. Sứ mạng tông đồ quả thật bắt nguồn từ Đức Kitô, được Chúa Cha thánh hóa và sai vào thế gian. Người đã lãnh nhận trong tinh thần vâng phục và đã truyền đạt lại cho chúng ta cũng trong tinh thần ấy. Do đó, nếu linh mục đã thấy vinh dự của mình được đồng hóa với Đức Kitô để trở nên một Kitô mới cho toàn thể dân Chúa, thì cũng thấy mình nhỏ bé trong truyền thống tông đồ và trở thành một phần tử trong hàng tư tế duy nhất mà Chúa Kitô đã thiết lập nơi đoàn Mười hai. Có thể nói, càng xa hàng giáo phẩm bao nhiêu, càng xa sứ mạng của Đức Kitô bấy nhiêu và càng đánh mất vinh dự là một Alter Christus.

Như vậy, linh mục phải yêu mến hàng giáo phẩm, trung thành gắn bó với hàng giáo phẩm, mà việc chăm chỉ theo dõi, học hỏi, thi hành các chỉ thị của hàng giám mục là dấu chỉ cụ thể đã có quan niệm đổi mới về tổ chức.

Thế mà buồn thay đôi khi có những tiếng nói linh mục không những không đồng tình mà còn công khai tỏ ý bất mãn chống đối ý kiến của hàng giáo phẩm (khi chưa hiểu rõ), dĩ chí của cả Đức Thánh Cha nữa. Ít nhất, tại sao lại không bình tĩnh, kiên nhẫn, yên lặng tìm hiểu thêm và nếu cần trình bày thẳng thắn với những người cha của mình ? Dù sao cũng chẳng nên tý nào khi không lường lời và lựa lời, a dua với những người khác để công kích hàng tư tế mà hiện tại mình đang được vinh dự tham gia. Thật không phải vô lý mà Can. 273 viết : "Các giáo sĩ có nghĩa vụ đặc biệt là phải tỏ lòng kính trọng và vâng lời Đức Thánh Cha và Đấng Bản Quyền địa phương". Và đáng khen biết bao thái độ của các linh mục Việt Nam đầu tiên đã được phong hiển thánh. Khi bị tra hỏi cùng với các giám mục thừa sai, dù ăn nói dễ dàng hơn, các linh mục ấy vẫn giữ thái độ im lặng và để cho các giám mục trả lời với vua quan.

Đức Gioan XXIII nổi tiếng là hiền lành, mà nhật ký của Người không ngớt đề cao giá trị của đức vâng lời. Người đã trích câu sau đây của Đức Piô XII : "Nền tảng và rường cột của sự thánh thiện bản thân cũng như của hiệu năng trong việc tông đồ, là sự vâng lời thường hằng và đúng đắn với hàng giáo phẩm"; rồi Người viết tiếp : "Lại nữa, thưa chư huynh đáng kính, chắc hẳn chư huynh còn nhớ những vị tiền nhiệm gần nhất của Ta đã tố cáo mạnh mẽ đến mức nào và nguy cơ trầm trọng của tinh thần đòi tự lập nơi hàng giáo sĩ trong việc giảng dạy giáo lý, cũng như trong phương cách thực thi việc tông đồ và trong vấn đề kỷ luật giáo sĩ" (x. LM 7). Để nói một cách tích cực, chúng ta hãy mượn lại lời thánh Ignace d'Antioche muốn cho giám mục và linh mục hòa hợp như dây đàn với cây đàn để gẩy nên những điệu nhạc êm ái tôn vinh Thiên Chúa và đem lại hạnh phúc cho mọi người (thư gửi giáo đoàn Smyrne).

Dĩ nhiên các giám mục cũng phải nhớ và thi hành các nghĩa vụ đối với anh em linh mục. Và tôi xin anh em hãy cầu nguyện cho các giám mục chúng tôi. Việc đọc tên Đức Thánh Cha và Đức Giám mục trong Thánh lễ, chắc chắn không phải chỉ muốn nói lên sự hiệp thông cụ thể, mà nhất là để nhắc nhở mọi người cầu cho các vị lãnh đạo của mình biết chu toàn tốt mọi nghĩa vụ. Riêng tôi, một đàng tôi muốn anh em thi hành chức năng cao quý của anh em đối với hàng giám mục là làm cố vấn khôn ngoan, là viện trưởng lão của giám mục, và tôi chờ đợi một sự cộng tác chân thành; đàng khác, tôi không muốn chất thêm trên vai anh em một gánh nặng nào nữa. Nhưng những gì của Hội Thánh và của hàng giám mục, thì khi biết tôi phải chia sẻ với anh em để chúng ta cùng được hiệp thông trong tổ chức của Đức Giêsu. Tôi hết sức tránh việc lấy ý riêng mình làm luật cho anh em, nhưng chúng ta hãy thi hành 'tự nguyện chứ không miễn cưỡng' các luật phụng tự, mục vụ và kỷ cương của Hội Thánh mà mục đích là phục vụ con người, vì "ngày hưu lễ vì con người… chứ không phải con người vì ngày hưu lễ" (Mc 2,27). Tôi càng không có ý tưởng xây dựng giáo phận chúng ta giống như một xã hội có tổ chức nghiêm minh, nhưng tất cả chúng ta có nghĩa vụ làm cho giáo phận biểu thị được Hội thánh địa phương của Đức Kitô mà nét đầu tiên chính là sự duy nhất, bắt đầu từ nơi chúng ta, không nguyên trong tương quan giữa giám mục và linh mục, mà còn giữa linh mục với nhau nữa.

Khi gia nhập hàng tư tế nhớ Bí tích Truyền chức, tất cả các linh mục không những liên kết với hàng giám mục mà còn với nhau nữa bằng một tình huynh đệ do Bí tích (LM 8), vì tất cả chúng ta đều được sung vào chức tư tế thượng phẩm của Đức Kitô. Chức tư tế này quá phong phú, gồm ba cấp bậc, nhưng đều hướng về một mục đích là xây dựng Thân thể Chúa Kitô và chăm sóc đoàn chiên cho Thiên Chúa. Nhiệm vụ phải phân phối ra nhiều, hoạt động đòi phải phân chia thành nhiều lĩnh vực, nhưng Giáo hội địa phương nào cũng phải biểu thị Hội Thánh toàn cầu và các giáo hội phải sống như chi thể của nhau. Do đó, nếu chúng ta có nghĩa vụ hiệp thông và liên kết với tất cả hàng giám mục và linh mục thế giới để sống đúng chức năng là "tư tế của muôn dân" (LM 2/782).

Chúng ta vẫn có phận sự đặc biệt hơn sống tinh thần ấy trong một giáo phận. Thi hành điều này mới thể hiện được điều trên. Công đồng viết rõ : "đặc biệt trong một giáo phận, khi được chỉ định phục vụ dưới quyền giám mục của mình, các linh mục hợp thành một linh mục đoàn duy nhất" (LM 8/779). Đúng hơn, giám mục với các linh mục của người là một hàng tư tế duy nhất mà người là Cha (GH 28/225). Điều này đã được biểu hiện trong phụng vụ ngay từ thời xa xưa khi các linh mục hiện diện được mời cùng với giám mục chủ phong đặt tay trên vị tiến chức. Và một lần thay vì tất cả, tôi tha thết mời tất cả các linh mục sốt sắng hiện diện mỗi khi có lễ phong chức. Tôi cũng muốn rằng mỗi khi giám mục cử hành Thánh lễ, càng đông đủ các linh mục đồng tế càng tốt. Nhất là khi đến làm lễ cho cộng đoàn một giáo xứ, tôi rất ước ao linh mục quản xứ và các linh mục xung quanh đến đồng tế với tôi để biểu thị một chức tư tế sung mãn của Đức Giêsu Kitô. Ôi, giả như chúng ta có thể cử hành các lễ đồng tế đẹp hơn nữa ! Chúng ta chưa thể theo được các lễ đồng tế do Đức giám mục Rôma chủ sự : mọi vị đều có lễ phục như nhau. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể cố gắng thêm để sự đồng nhất bên ngoài về lễ phục cũng như về thái độ, nói lên được tính duy nhất phong phú của chức tư tế thừa tác.

Tôi quá đi vào chi tiết ư ? Có lẽ Công đồng còn làm hơn tôi khi khuyên chúng ta không những hãy yêu thương, cầu nguyện và hợp tác với nhau, mà còn gợi lên cả những vấn đề thông cảm tính tình, tuổi tác của nhau, biết tiếp đón nhau và chia sẻ với nhau những nhu cầu vật chất, đặc biệt với những anh em ốm đau và đang gặp khó khăn. Công đồng cũng bảo chúng ta phải biết giải trí với nhau, tránh cho nhau tình trạng cô đơn bị bỏ rơi (LM 8/800-801). Những người đàn ông khác có những E-và để an ủi; những người độc thân như chúng ta cần nhất sự thông cảm của nhau, vì sau Chúa, có lẽ chẳng ai hiểu chúng ta bằng chính anh em linh mục. Do đó những lời dèm pha, nói xấu, hại nhau là những lưỡi gươm đâm dần vào sự sống linh mục của anh em ta. Nó làm tê liệt tinh thần anh em, có thể đẩy anh em xa chức linh mục, hoặc làm suy yếu hoạt động của anh em là hoạt động xây dựng Nhiệm thể Đức Giêsu Kitô, khiến có thể nói, Ngài lại bị đóng đinh một lần nữa. Mc 9,50 viết: "Hãy có muối nơi các ngươi và các ngươi sẽ được an hòa với nhau". Câu văn tối nghĩa. Nhưng có thể hiểu : hãy ướp tính xác thịt (là có tinh thần hy sinh), thì sẽ có bình an hòa hợp.

Nhưng nói gì thì nói, vẫn không tránh được hết mọi cảnh đau lòng đó đâu. Lúc ấy, ước gì linh mục lại nhớ đến cảnh đồi Can-va-ri-ô: Người được trao cho Đức Mẹ; Người đi vào trái tim đau đớn của Mẹ để cùng Mẹ hy tế với Đức Giêsu. Đó không phải là lúc dâng lễ có giá trị cứu độ trần gian sao ? Và linh mục có thể dâng lễ như thế hàng ngày, vì có ngày nào mà đời sống linh mục không gặp nhiều thử thách đớn đau để đem vào đĩa thánh, cộng với biển cả mênh mông nước mắt và mồ hôi của loài người ? Những Thánh lễ như vậy sẽ biến đổi chúng ta càng ngày càng xứng đáng là môn đệ Chúa thương và khiến chúng ta dần đần không còn cần những lời lẽ an ủi kiểu thế gian nữa. Chúng ta sẽ thấy giá trị của những lời lẽ đức tin, mà không phải chỉ Kinh Thánh đem lại, nhưng Chúa cũng dùng anh em để nói với chúng ta nữa.

Ước gì trong những ngày này chúng ta biết nói với nhau những lời tốt đẹp đó, để không những chúng ta có tư duy mới về ơn gọi và bản thân chúng ta, mà còn đưa chúng ta thích thú đi và quan niệm tư duy mới về tổ chức, khiến từ nay chúng ta hân hoan thi hành lời Công đồng nói sau đây : "Không một linh mục nào có thể chu toàn đầy đủ sứ mệnh của mình một cách lẻ loi và hầu như riêng rẽ, nhưng phải hợp với các linh mục khác, dưới sự điều khiển của vị lãnh đạo trong Giáo Hội" (LM 7/799).

Ở trên tôi đã nói đến gương của các thánh linh mục Tử đạo Việt Nam khi bị bắt: dù ăn nói hoạt bát hơn các giám mục thừa sai, khi bị hỏi về đạo, các Ngài vẫn nhường lời để bề trên nói; ở đây tôi muốn bổ sung bằng gương sáng của cha thánh Ngân đối với cha thánh Nghi. Hai cha cùng học với nhau. Cha Nghi chóng được làm cha xứ, cha Ngân về sau được sai đến làm phó. Cha cư xử rất khiếm tốn và hoàn toàn vâng phục cha Nghi. Bị bắt ở những địa điểm khác nhau, nhưng cuối cùng hai cha cùng bị đeo gông đến trước mặt quan Trịnh Quang Khanh. Bị hỏi, cha Ngân vẫn dành quyền trả lời cho cha Nghi là bề trên và chỉ nói vắn tắt đồng ý với tất cả những lời tuyên xưng đức tin đầy can đảm của cha xứ… Thế là cả hai cùng phải ăn đòn như nhau, bị chang nắng như nhau. Hai anh em an ủi, khích lệ nhau và giảng đạo cho những người đứng xem. Cuối cùng cả hai cùng lãnh án như nhau, để đã sống thi hành chức năng linh mục với nhau, thì cũng đồng hành sát cánh nhau đi đến nơi bị chém đầu, cùng nhau dâng mạng sống làm lễ hy sinh cứu độ. Và thật là đẹp đẽ khi hai cha được an táng bên cạnh nhau để bây giờ được đứng gần nhau trên thiên quốc. Xin hai cha giúp chúng ta biết sống chức linh mục trong tình huynh đệ duy nhất như vậy !