BÀI 3 : ĐỔI MỚI SỨ MẠNG



LINH MỤC LÀ NGƯỜI XÂY DỰNG NHIỆM THỂ

Được chia sẻ tông đồ vụ với hàng giám mục (GH 28/223-224), chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu bản chất tông đồ vụ là gì ? Câu trả lời có sẵn trong cách sách Tin Mừng. Thánh Mác-cô viết: "Ngài đã đặt một nhóm mười hai, để họ ở với Ngài, và để Ngài sai đi rao giảng và được quyền năng trừ quỷ" (3,14-15). Câu văn ngắn gọn nhưng mà phong phú. Nhóm mười hai phải ở với Chúa để biết Người, hiểu Người, tin Người, mến Người, rồi xứng đáng được Người sai đi, thay mặt cho Người, làm những việc Người chỉ định, để sự nghiệp của Người được tiếp tục. Việc ở với Chúa để có thể đại diện Chúa quan trọng biết bao! Nhưng đó mới chỉ là điều kiện tiên quyết để đi đến mục đích là sẽ được sai làm tông đồ, vì chữ Tông đồ chỉ có nghĩa là được sai đi. Do đó, tông đồ vụ chính là nhiệm vụ của người được sai đi: "Cũng như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các ngươi" (Ga 20,21) và Gio-an viết tiếp : "Nói thế rồi, Ngài thổi hơi trên họ". Như vậy việc được hiến thánh và sai đi là hai việc không thể tách rời trong ơn gọi của những người được Chúa chọn, trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước.

Chỉ cần đọc lại Gs 6,7-8 : "Với than ấy Ngài sờ miệng tôi và nói : 'Này, cái này đã sờ môi ngươi, lỗi ngươi được cất, tội ngươi được tha' (đó là hiến thánh). Đoạn tôi nghe tiếng Đức Chúa phán : 'Ta sẽ sai ai ? Ai sẽ đi cho chúng ta ?'. Và tôi thưa : 'Này tôi đây, xin Người sai tôi'. Rồi Người phán : 'Hãy đi'…". 'Hãy đi', đó cũng là lệnh cuối cùng Chúa để lại cho Hội Thánh nơi các Tông đồ (Mt 28,19) và tiếp tục được truyền lại cho các thế hệ đi tìm Chúa.

Chính chúng ta đang đau khổ về chuyện này : nhiều anh em chúng ta đã được thụ phong mà chưa được sai đi hoặc không được sai đi nữa. Nhưng cũng chính hiện tượng thương tâm này thêm cho chúng ta có một cớ để có một quan niệm mới mẻ hơn về việc được sai đi. Và chúng ta sẵn sàng đổi mới sứ mạng đã lãnh nhận.

Không phải chúng ta sẽ thay đổi sứ mạng vì đổi mới không phải là thay đổi, nhưng là làm sáng tỏ sứ mạng hơn. Chúng ta vẫn đã là những người được sai đi, khi lãnh nhận thánh chức, cho dù sau đó chúng ta chẳng được đi đâu cả. Chịu chức xong, chúng ta có thể vẫn cứ ở lại nơi chủng viện hoặc tu viện : chúng ta có thể chỉ được giao cho một cái máy chữ để làm thư ký hoặc một cái chìa khóa để bảo quản thư viện. Tuy nhiên trong tất cả trường hợp như vậy, linh mục chịu chức xong vẫn là người được sai đi để thi hành chương trình cứu độ của Chúa cho nhiều người, nếu không muốn nói là cho tất cả mọi người và cho toàn thể thế giới. Chúng ta hết thảy đều là những tông đồ của các dân tộc, bởi vì chúng ta đã được đưa vào tông đồ vụ của Chúa Giêsu đang tiếp diễn cho đến muôn muôn thế hệ. Những phận sự, hoặc công tác cụ thể, chỉ là những công việc rất nhỏ, bề ngoài có thể rất vô nghĩa, nhưng bên trong, nơi Lịch sử cứu độ, lại có giá trị bao la vì nằm trong sứ mạng lớn lao mà Chúa và Hội Thánh đã trao cho tân chức.

Đó chính là sứ mạng được sai đi làm công việc (đúng hơn, công cuộc, nhiệm cục cứu độ) toàn diện, bao quát vô số lĩnh vực của chính Đức Giêsu cứu thế. Khi sống ở trần gian, Người đã chỉ đi đến một số nơi nhất định và làm một số rất ít công việc nhất định; nhưng cuộc đời với những hành động như thế vẫn là vì tất cả loài người vượt mọi giới hạn của không gian và thời gian. Vatican II nói rõ với chúng ta : "Tuy giữ những chức vụ khác nhau, nhưng các linh mục vẫn thi hành một thừa tác vụ linh mục duy nhất cho loài người. Thật thế, tất cả các linh mục đều được sai đi để cùng cộng tác vào một công việc : hoặc thi hành thừa tác vụ ở giáo xứ hay liên xứ, hoặc giúp vào công cuộc nghiên cứu khoa học hay dạy học, hoặc làm việc chân tay khi được giáo quyền hữu trách chấp thuận và được coi là có lợi ích để chia sẻ số phận của chính các công nhân, hoặc sau hết chu toàn những công việc tông đồ khác hay những công việc chuẩn bị cho công cuộc tông đồ. Tất cả các linh mục đều phải hướng về một mục đích duy nhất là xây dựng Thân thể Chúa Kitô. Việc này đòi hỏi rất nhiều phận vụ khác nhau, cũng như nhiều thích nghi mới mẻ, nhất là trong thời đại chúng ta. Bởi thế điều rất quan trọng là tất cả các linh mục, triều cũng như dòng, phải giúp đỡ nhau để luôn luôn là những cộng tác viên của chân lý" (LM 8/800). Những chữ cuối cùng là của thánh Gioan (3Ga 8), rất sâu sắc, cần được suy niệm. Ở đây chúng ta có thể nói đơn giản, là ở bất cứ hoàn cảnh nào và làm bất cứ việc nào, linh mục chúng ta phải coi cuộc đời của mình liên đới mật thiết với Đức Giêsu là Sự thật (Ga 14,6) và cộng tác với Người trong sứ mạng làm chứng về Sự thật, những Người đã tuyên bố trước mặt Phi-la-tô (Ga 18,38), vì chúng ta đã được tác thành trong sự thật (Ga 17,17) để làm gì nếu không phải là sống cho sự thật ? Chúng ta nhận tông đồ vụ không phải để làm việc này việc kia, nhưng qua những việc ấy, đạt tới và đưa người khác tới sự thật.

Điều này không phải chỉ muốn an ủi một số anh em, nhưng hết thảy chúng ta, vì không ai không có lúc cảm và thấy rõ ràng công việc mình đang làm chẳng có nghĩa lý gì trước mặt thế gian, nhưng chúng ta không thuộc về thế gian nữa; Chúa đã đưa chúng ta ra khỏi thế gian rồi, để có con mắt đức tin, chúng ta nhìn mọi sự khác hẳn với thế gian và đẹp hơn nhiều vì trong ánh sáng vĩnh cửu. Nhất là sự thật nói trên hướng dẫn chúng ta nhìn sứ mạng linh mục một cách mới mẻ, đổi mới sứ mạng chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta không còn bị giới hạn và tù hãm trong một nơi, một việc, kẻo không ý tứ chúng ta làm mất chân tính tông đồ của mình ngay khi mới đến nhiệm sở và bắt tay vào nhiệm vụ. Người ta có thể thấy chúng ta muốn đến 'ngồi' ở họ nào, hoặc muốn đến làm một công việc nào đó. Vatican II rất khôn ngoan đã nói với chúng ta: "Là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng cụ của hàng giám mục, linh mục được kêu gọi để phục vụ Dân Chúa… Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục là hiện thân của giám mục… lãnh nhận phần chức vụ cùng chia sẻ nỗi lo lắng của giám mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy… làm cho người ta thấy được Giáo hội phổ quát tại ngay địa phương mình, góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng toàn thân thể Chúa Kitô" (GH 28/225).

Chưa bằng lòng với giáo lý thâm thúy ấy, Vatican II là Công đồng mục vụ, còn nói tiếp một cách cụ thể hơn : "Luôn mưu cầu ích lợi cho con cái Thiên Chúa, linh mục phải hăng hái tham gia công cuộc mục vụ của cả Giáo phận, hơn nữa của toàn thể Hội Thánh" (GH 28/225).

Tất nhiên chúng ta muốn biết ngay mục vụ của cả Giáo phận và của toàn thể Hội thánh hiện nay là gì ? Thưa cũng là mục vụ tông truyền thôi, nhưng được cụ thể hóa cho thời đại chúng ta. Đó là mục vụ xây dựng Thân thể Chúa Kitô như đã nói ở trên, mà Vatican II có lần đã diễn tả một cách cụ thể hơn khi nói: đó là xây dựng Dân Thiên Chúa. Ý tưởng này có thể bị hiểu lầm. Tự nhiên nó gợi đến công việc của Môsê, xây dựng một Dân cho Thiên Chúa. Nhưng chính công việc của Môsê cũng bị các thế hệ sau làm hỏng. Người ta đã xây dựng một dân tộc ở giữa các dân tộc, theo kiểu các dân tộc. Đức Giêsu đến không làm như vậy. Thánh Phêrô nói đến Vương quốc, Dân sở hữu của Thiên Chúa, có tính thiêng liêng. Phaolô nói đến Nhiệm thể. Và chúng ta không được quên tính cách thiêng liêng này.

Mục vụ hiện nay của Hội Thánh, và cũng phải là mục vụ của mọi Giáo phận, quan tâm đến Dân Chúa, đến người dân trong Nước Chúa, đến việc làm cho người ta trở nên Dân Chúa. Đức Gioan Phaolô II đã có một châm ngôn thoạt đầu khó hiểu khi người nói : "Con người là mọi nẻo đường của Hội Thánh". Tức là mọi ngả đường của Hội Thánh, mọi hoạt động của Hội Thánh đều nhằm vào con người để phục vụ họ (không phải cho mục tiêu trần gian, nhưng theo lệnh Chúa truyền để "trừ quỷ cho họ" và biến họ nên lễ vật thanh sạch).

Là hậu quả của Năm Đức Mẹ (1987-1988), Giáo hội cùng với Đức Maria sửa soạn những kỷ niệm giáp năm 2000 ngày Chúa Cứu thế mang ơn cứu độ xuống cho trần gian, cần phải chuẩn bị cho Chúa một dân sẵn sàng (Lc 1,17), Giáo hội sẽ vận động mọi khả năng và vận dụng mọi phương tiện để loan báo cho nhiều người biết Chúa Giêsu, mến Chúa Giêsu, theo Chúa Giêsu và trở nên môn đệ của Người. Nhiều dòng tu chiêm niệm đã đăng ký cầu nguyện và hy sinh. Nhiều bộ óc đang suy nghĩ vận dụng các phương tiện truyền thông. Và trước hết, cần thức tỉnh các tâm hồn tông đồ. Sẽ có cuộc tĩnh tâm lớn tại Rôma trong năm 1989 cho khoảng 3.000 giám mục và một lần khác cho khoảng 7.000 linh mục. Sẽ có nhiều cuộc hội thảo và chia sẻ tổ chức cho các phong trào và hội đoàn. Tất cả nhằm mục đích khơi dậy ý thức lên đường, nhiệm vụ được sai đi, đến với mọi tạo vật.

V. GEORGHIU trong cuốn "Từ giờ thứ 25 đến giờ vĩnh cửu" có những trang rất cảm động về thái độ của một cha xứ Chính thống giáo, vừa nghe tiếng vó ngựa đã vội bỏ bàn ăn hoặc bàn giấy, lấy mau 'túi kẻ liệt', mở cửa chờ người giáo hữu đến tìm là đi ngay. Cha mang Mình Thánh Chúa nên phải đi bộ theo sau người giáo dân cỡi ngựa, vượt qua những chặng đường băng giá… Phải, 'cái túi đi kẻ liệt' của chúng ta là hình ảnh của tiếng gọi: phải sẵn sàng và lên đường vào bất cứ giờ phút nào, nhưng đâu phải chỉ có kẻ liệt mới khẩn thiết kêu gọi chúng ta ! Chúa sai chúng ta đến với mọi tạo vật, mở đường cho chính Ngài đến (Lc 10,1).

Cũng như viết trong đoạn Phúc Âm trên, lập tức chúng ta thấy ngay : "Lúa chín nay đồng, thợ gặt thì ít", sức của chúng ta bị giới hạn. Giải pháp là, như giám mục cần phải có linh mục, thì linh mục cũng cần phải có giáo dân.

Rất tiếc, chúng ta chưa thể nói nhiều về Thượng Hội đồng Giám mục năm 1987; nhưng biết sứ mạng của chúng ta dẫn chúng ta đến con người để giúp họ nên Dân của Thiên Chúa, chúng ta bó buộc phải hiểu giáo dân hơn, trước khi bắt tay thi hành sứ mạng. Họ là những người đã được nhờ máu của Con Thiên Chúa lôi từ chốn tối tăm đưa vào Nước ánh sáng y hệt chúng ta (1 Pr 2,9). Hơn nữa, sau khi được thanh tẩy, họ cũng là dòng dõi được lựa chọn, hàng tư tế hoàng vương, Nước thánh thiện, dân được chọn làm sử hữu (nt). Họ là anh em của chúng ta, là chi thể với chúng ta trong Thân thể của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta đừng vội coi họ như bề dưới, hãy quan tâm đến tính bình đẳng với họ trước. Chính Đức Giêsu đã cảnh giác với chúng ta về điểm này khi nói : "Còn các ngươi thì chớ cho gọi mình là Rabbi, vì Thầy của các ngươi chỉ có một, còn các ngươi hết thảy đều là anh em. Và các ngươi đừng xưng hô với ai dưới đất là 'cha' của các ngươi, vì Cha của các ngươi chỉ có một, Cha ở trên trời. Các ngươi cũng chớ cho gọi mình là 'vị chỉ đạo', vì Vị chỉ đạo của các ngươi chỉ có một: Đức Kitô"(Mt 23,8-10). Chúng ta hãy thi hành những lời này trước đi, nghĩa là chúng ta hãy để ý đến tính bình đẳng của con cái Thiên Chúa để có thật nhiều cộng sự viên trong sứ mệnh tông đồ bao la.

Thánh Augustinô đã có những câu thời danh mà chúng ta đều biết. Người nói với giáo dân nhân dịp kỷ niệm ngày thụ phong giám mục của người : "Chúng ta phải phân biệt hai điều : một điều chúng ta đều là tín hữu và điều khác tôi đây là giám mục. Làm tín hữu là một vinh dự, còn làm giám mục là một gánh nặng. Là giáo dân tôi cũng phải lo cho linh hồn mình; là giám mục tôi phải lo cho linh hồn anh em". Thánh nhân đã nhìn thấy sự bình đẳng trước, rồi mới xét đến sự khác biệt. Cái nhìn bình đẳng khiến người hân hoan, cái nhìn khác biệt khiến người lo sợ. Chúng ta hãy bắt chước người vì người đã nghe lời Chúa và lời thánh Phaolô mà Vatincan II đã rõ ràng nhắc lại: "Trong Chúa Kitô và trong Giáo hội, không còn sự hơn kém về nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ, bởi lẽ 'không còn Do thái hoặc Hy lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì anh em hết thảy đều là một trong Chúa Giêsu Kitô' (Ga 3,28)" (GH 32/233).

Không phải Công đồng không nhấn mạnh đến sự khác biệt vì theo ý Chúa, có những người được chọn để dẫn dắt linh hồn người khác. Nhưng không ai được quên chính mình cũng phải được dẫn dắt, vì theo lời thánh Au-gút-ti-nô: "Dưới một Chúa chiên trong một đoàn chiên, chính những kẻ chăn chiên cũng là con chiên". Và để không ai khó chịu về điều này, người nói tiếp: "Chính Đức Giêsu cũng đã trở thành con chiên để chịu đau khổ cho tất cả". Do đó chúng ta hãy sống hiệp thông, bình đẳng huynh đệ với giáo dân trước và thường xuyên, hơn là cách biệt. Và chính sự cách biệt này, theo ý Chúa, lại chỉ thêm quyền cho chúng ta được ở dưới anh em để phục vụ mà thôi.

Các giám mục Hoa kỳ trong Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua cứ lập đi lập lại từ 'đồng môn' (codisciple) để nhắc nhở mọi người nghĩ đến phẩm giá của người tín hữu nhiều hơn. Và như vậy cũng phải công nhận những quyền lợi của họ, như sự được tôn trọng, được công nhận khả năng, được chia sẻ việc xây dựng Hội Thánh... Dĩ nhiên, ngược lại, họ cũng có những nghĩa vụ đối với chúng ta, vì xét theo sự khác biệt, chúng ta vẫn là cha là thầy của họ. Nhưng như Đức Phaolô VI nói trong thông điệp Ecclesiam suam : "Phải là anhh em của mọi người đã, mới có thể trở nên chủ chăn, cha và thầy của họ được". Và nếu chúng ta có làm gương thi hành nghĩa vụ trước, chúng ta mới kêu gọi họ thi hành phận sự của họ một cách hữu hiệu.

Phải chăng những kinh nghiệm mục tử đã khiến thánh Phêrô viết như sau: "Với hàng niên trưởng nơi anh em, tôi một kẻ đồng hàng niên trưởng, một chứng nhân về những sự thống khổ của Đức Kitô... tôi có lời khuyên này: hãy chăn dắt đàn chiên của Thiên Chúa nơi anh em, không phải như thể miễn cưỡng, nhưng là sẵn lòng, thể theo ý Thiên Chúa, không hám trọc lợi, nhưng cách nhiệt thành. Đừng như thể làm chúa trên phần cơ nghiệp đã lĩnh, nhưng là làm gương mẫu cho đàn chiên" (1Pr 5,1-3). Tôi nghĩ, vị Tông đồ trưởng đã viết như vậy không nguyên vì kinh nghiệm, nhưng như người đã nói, vì là một chứng nhân về những thống khổ của Đức Kitô. Phải, chính Ngài là vị tông đồ đầu tiên, đã lãnh sứ mạng từ Chúa Cha để hoàn thành rồi trao lại cho Hội thánh. Ngài đã biết phải trở thành Thượng tế như thế nào khi hóa thành người tôi tớ, không phải chỉ là người tôi tớ của Thiên Chúa, mà còn là của các Tông đồ (Ga 13), của hết thảy mọi người như Ngài nói : "Con người không đến để được hầu hạ nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người" (Mt 20,28). Chính sự chết của Ngài minh chứng những lời Ngài về việc phục vụ không phải là những câu hoa mỹ và những nét Ngài tả về thân phận tôi tớ phải được hiểu theo bối cảnh lịch sử thời chế độ nô lệ. Và vì tôi tớ không thể hơn chủ, nên trong thời các Tông đồ, hai danh từ thường được dùng để nói về những con người tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, là 'doulos' (= tôi tớ) và 'diaconos' (= phục vụ). Phải, chúng ta được sai đi, đến với mọi tạo vật để phục vụ và làm tôi tớ, để họ nhìn thấy tình thương thí mạng sống của Chúa mà trở lại và trở nên những người phục vụ mới.

Các thánh linh mục Tử đạo Việt Nam đã ý thức, chấp nhận và sống chức linh mục như vậy. Các ngài đã luôn ở trong tư thế lên đường phục vụ rất tận tâm không sợ hiểm nguy, nên xây dựng được một Giáo hội đầy sức sống. Hoàn cảnh hiện tại khiến chúng ta có lý để đọc lại Mt 20,20-28 để làm sáng tỏ sứ mạng của chúng ta là những người được sai đến với con người để phục vụ phần rỗi của con người qua cuộc đời của người tôi tớ trung tín. Dù được trao phó bất cứ nhiệm sở nào, dù chẳng được trao phó cho một công việc nào, đã được hiến thánh là đã được sai đi; không được để cho người ta thấy mình là vô công rỗi nghệ hoặc luôn luôn Vespa lả lướt như kiểu anh hùng đi xa lộ; nhưng luôn luôn có tư thế, tác phong của người lên đường làm việc cho Chúa, siêng năng chăm sóc gia nhân của gia đình Ngài, xua đuổi tà thần ra khỏi thế gian, đồng hành và hơn nữa đi hàng đầu với Hội thánh trong công cuộc truyền giáo đổi mới mặt đất này. Phúc cho người tôi tớ nào chủ về mà thấy đang làm như vậy ! Phúc cho Giáo phận nào có nhiều tông đồ như thế, vì ở đó sức truyền giáo sẽ rất năng động và sứ mạng của Chúa Cứu thế trao lại cho Hội Thánh sẽ đạt được nhiều thành quả.

Năm nay Giáo Hội kỷ niệm 10 năm triều đại Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Có lẽ nét nổi bật nhất của Người là một vị Giáo hoàng đi nhiều hơn cả, sau thời xa xưa của những vị tiền nhiệm tự giam mình ở Vatican. 10 năm Giáo hoàng đã dành 1 năm đi công du Nước Ngoài... Đi để làm mục vụ, đến với mọi tạo vật, xua đuổi tà thần ra khỏi lòng họ và môi sinh của họ. Và khi ngồi ở nhà, Người vẫn có tinh thần ấy, muốn đến với mọi người bằng lời cầu nguyện, bằng tư tưởng, bằng tiếp xúc, bằng câu nói bất hủ : Đừng sợ ! Hãy mở cửa cho Chúa Cứu Thế đến ! Đó là gương mẫu sống động về người tông đồ ý thức mạnh mẽ sứ mạng được sai đi, phục vụ mọi hạng người, thâu nạp môn đồ của Chúa ở khắp nơi, đưa cả Hội thánh vào quỹ đạo hướng về năm 2.000 và xa hơn mãi... Chúng ta đã đi vào quỹ đạo ấy chưa để thật sự đang có tinh thần tông đồ?