BÀI 4 : ĐỔI MỚI CÔNG TÁC



LINH MỤC LÀ NGƯỜI DÂNG LỄ

Linh mục được sai đi không phải là để đến 'ngồi' ở họ nào, nhưng để đến với mọi loài thụ tạo (Mc 16,16), thâu nạp môn đồ khắp muôn dân (Mt 28,19). Chúa đã nói điều này với các môn đệ khi người thâu nhận họ. Sách Tin mừng Mátthêô viết: "Đang đi dọc bờ biển Ga-li-lê, Ngài thấy hai anh em Simon gọi là Phêrô và Anrê em ông đang quăng chài dưới biển, vì họ là ngư phủ. Và Ngài nói với họ: 'Hãy theo Ta và Ta sẽ cho các ngươi nên ngư phủ bắt người'. Lập tức họ đã bỏ cả chài lưới mà theo Ngài" (4,18-20). Không hiểu Lời Người có sức mạnh thế nào mà những người lao động kia có thể bỏ ngay dụng cụ nghề nghiệp mà đi theo Ngài tức khắc, cho dù và chắc chắn như vậy, họ chưa hiểu cái nghề mới mà Ngài muốn tập cho họ là nghề gì? Họ đã làm sao có thể hiểu được những chữ 'ngư phủ bắt người'? Có thể nói chúng ta có phúc hơn họ. Chúng ta hiểu những điều bấy giờ họ chưa hiểu. Chúng ta biết ngư phủ bắt người là những người sẽ được sai đi đến với mọi loài thụ tạo, thâu nạp và biến đổi họ nên môn đệ của Ngài và cho Ngài. Đó là sứ mạng xây dựng Hội Thánh là Thân thể mầu nhiệm của Ngài.

Sứ mạng ấy tất nhiên bao hàm nhiều công tác mà chúng ta phải vất vả thi hành, chang chang dưới ánh nắng mặt trời như những người lao động được tuyển vào vườn nho (Mt 20,1-16). Tuy nhiên đó là những công việc đem lại nhiều hoa trái và những hoa trái tồn tại đến muôn đời (Ga 15,16). Không những lời hứa này khích lệ chúng ta, mà ngay cả dụ ngôn về những người thợ làm vườn nho trên cũng vậy. Lúc nào cũng kịp để làm việc cho Chúa để được lãnh công, vì những người lao động chỉ có một giờ cũng được trả công quá sức dự đoán. Điều quan trọng muốn nói trong bài này là chúng ta cần có những quan niệm mới mẻ về công việc và cách thức làm việc của chúng ta. Chúng ta phải có tinh thần và hành động đổi mới công tác được trao phó. Và trước hết chúng ta phải biết bắt tay ngay vào công việc phải làm.

Tuy nhiên, nhưng lại thật không tốt, nếu bắt tay vào việc chúng ta có thái độ quan tâm thu xếp, sửa sang nơi ăn chốn ở cho mình. Chúng ta có thể không thoải mái tí nào với cái giường cái ghế đã có sẵn. Tôi nhớ thái độ của các cha giáo sư cũ. Sau đêm đầu tiên ngủ trên những chiếc giường gỗ cứng y như các chủng sinh, họ vẫn tươi cười chấp nhận và như thế làm chứng ngay được họ muốn là môn đệ của Đấng đến 'không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ' (Mt 20,28), để thành người y hệt mọi người ngoại trừ tội lỗi.

Thái độ chấp nhận "nhập thể" ấy rất quan trọng. Thái độ ngược lại lo cho mình trước không những không giữ lệnh Chúa (Lc 12,22-32), mà lập tức còn để lộ ra mặt kẻ chăn chiên xấu. Thánh Au-gút-ti-nô viết : "Những mục tử chân thật không tìm cách bảo đảm của ăn nuôi sống mình, nhưng quan tâm tìm kiếm thức ăn cho đàn chiên". Và lời khiển trách đầu tiên nói về các mục tử xấu, là họ nghĩ đến vinh thân mà không lo cho sự sống của con chiên. Họ là những kẻ mà thánh Tông đồ nói: Chúng tìm tư lợi chứ không phải lợi ích của Đức Giêsu Kitô (xin xem Bài đọc II kinh Sách lễ thánh Ni-cô-la,06.12). Do đó, linh mục phải rất cẩn thận trong thái độ đầu tiên quan tâm đến những cái gì.

Không những phải tránh mọi hình thức tham lam (như nhà cụ chưa có bộ trà đẹp như thế này), và mọi hoạt động có vẻ làm ăn thương mại (Can. 286). Hơn nữa người còn phải biết dùng tài sản riêng một cách chính đáng và tránh hết mọi nếp sống vật chất gây cản trở cho sứ mạng (LM 17/825). Nhất là linh mục nên bắt đầu tỏ ra quảng đại; và quý hơn nữa, nếu người tỏ ra muốn đi vào đời sống khó nghèo vì đó là con đường thuận lợi nhất để đi vào mục vụ Phúc Âm. Đức Giêsu và các Tông đồ đã làm như thế. Do đó đừng sống hào hoa kẻo người nghèo không dám đến gần (LM 17); và cũng đừng có vẻ thu vén khiến ai cũng muốn đóng cửa nhà và nhất là khép cửa lòng lại. Phúc Âm ngay từ đầu không còn được rao giảng cho người nghèo nữa; trong khi chỉ có hạng người này mới sẵn sàng đón nhận Phúc Âm.

Ngược lại, chúng ta phải tỏ ra nhiệt thành lập tức với công tác chủ yếu của sứ mạng : việc cử hành Thánh lễ và tôn sùng Thánh Thể. Đối với rất nhiều người, lương cũng như giáo, linh mục là người làm lễ. Và hiện nay giáo dân khao khát có linh mục cũng vì nhất là họ muốn có lễ. Đức Thánh Cha hiện nay của chúng ta đã có lần viết : "Xin anh em hãy nghĩ đến những nơi đang cảm thấy vắng linh mục và không ngừng ao ước sự hiện diện của linh mục. Nhiều khi người ta tụ họp lại trong một thánh đường bỏ trống. Rồi đặt trên bàn thờ một dây choàng cổ (stola) họ còn giữ được, đoạn đọc mọi kinh của phần phụng vụ Thánh Thể. Đến chỗ tương đương với lúc Truyền phép thì họ im lặng hoàn toàn, có khi bị dán đoạn bằng những tiếng khóc nức nở... Họ khát khao được nghe những lời mà chỉ có môi miệng linh mục mới có thể đọc cách hữu hiệu. Họ cảm thấy thấm thía sự thiếu vắng linh mục" (Thư gửi linh mục, thứ Năm Tuần thánh 1979). Không ai có thể thay thế linh mục ở điểm này. Nên linh mục hãy biết quý trọng việc cử hành thánh lễ hơn hết và hãy qui tụ mọi hoạt động vào trung tâm này. Thường ra chúng ta không ngại làm lễ đâu; bất đắc dĩ chúng ta mới chịu bỏ lễ; nhưng chúng ta có luôn luôn ý thức sự cao cả và những đòi hỏi của việc dâng lễ không ? Đây là lúc nên xem kỹ lại những khoản luật 897-944. Can.905 §2 cho phép khi nhu cầu mục vụ đòi hỏi được làm 3 lễ các ngày Chủ Nhật và lễ buộc. Nhưng Thánh bộ Phúc âm hóa cho chúng ta được làm 4 lễ. Can.909 cũng nhắc nhở "linh mục không nên bỏ qua việc dọn mình xứng đáng trước khi dâng lễ, và cám ơn sau Thánh lễ". Giáo luật mới còn nói rất nhiều về bổng lễ (945-958). Tất cả những kỷ luật ấy chỉ nhằm mục đích phục vụ sự cao cả của Thánh lễ.

Tuy nhiên muốn khỏi rơi vào trạng thái dâng lễ theo thói quen, chúng ta hãy cố gắng thỉnh thoảng lại nhờ sách vở tìm hiểu thêm về mầu nhiệm đức tin mà chúng ta cử hành hàng ngày và phải liệu có lòng thật sự tôn sùng Thánh Thể. Mọi lời khuyên khác sẽ vô ích, những kỷ luật đặt ra để tuân thủ cũng ít có hiệu lực, nếu chúng ta không cố gắng làm hai công việc vừa nói. Thiếu chúng, không những chúng ta sẽ dâng lễ thiếu đức tin và thiếu lòng mến, dĩ chí còn có thể vì hám lợi và phạm thánh nữa, như tác giả cuốn 'Những cánh chim ẩn mình chờ chết' đã có lần nói đến (trang 300). Khi ấy, mầu nhiệm cứu độ thay vì cứu chuộc chúng ta, lại lên án chúng ta; và thay vì là Bí tích xây dựng Hội thánh, lại là cớ, như lời thánh Phaolô nói, khiến "trong anh em có lắm người yếu liệt ốm đau, và người chết cũng nhiều" (1Cr 11,30). "Vì mỗi lần anh em ăn bánh ấy và uống chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến. Cho nên kẻ ăn bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng, tất sẽ mắc tội với Mình và Máu Chúa" (1 Cr 11,26).

Thế nên trách nhiệm của chúng ta ở đây thật lớn, vì không phải chỉ có hệ đến mình mà còn đến cả giáo dân. Ước gì chúng ta ý thức thật sâu xa điều Giáo luật nói trong Can. 904 : Chính khi cử hành Thánh lễ, các tư tế chu toàn nhiệm vụ chính yếu của mình; vì nếu linh mục được sai đi để xây dựng Thân thể Chúa Kitô, thì như Công đồng dạy rõ: "Không một cộng đoàn Kitô hữu nào được thiết lập mà không đặt nền tảng và trọng tâm vào việc cử hành phép Thánh Thể Chí Thánh" (LM 6/795). Và Công đồng thêm: "Cho nên mọi nền giáo dục về tinh thần cộng đoàn phải bắt đầu từ đó" (nt). Chính điều này khiến tôi nói về việc cử hành Thánh lễ trước khi nói về bất cứ công tác nào của sứ mạng linh mục.

Vậy chúng ta hãy tin vào ơn của Chúa đi kèm với ơn gọi. Khi gọi và sai chúng ta đi, Ngài bảo chúng ta không được mang theo gì cả (Lc 9,3), nhưng Ngài đã ban cho chúng ta quyền tế lễ. Và như thế là đủ rồi, vì Thánh lễ là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của toàn thể công việc rao giảng Phúc Âm (LM 5/791). Chúng ta hãy nhớ lại, sau khi hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu đã truyền cho môn đệ đi thu lại những mẩu bánh dư. Và sách Tin Mừng nào cũng khẳng định, họ đã thu được 12 thúng đầy (Mt 14,20; Mc 6,43; Lc 9,17; Ga 6,13), để ám chỉ Mình Thánh Chúa sẽ ở mãi với dân Chúa hàng ngày cho đến tận thế và nhất là Hội Thánh xây trên nền tảng các Tông đồ không bao giờ thiếu bánh bởi trời là lương thực thiêng liêng để nuôi dưỡng dân Chúa. Ngài trao quyền tế lễ cho chúng ta để ơn cứu độ tiếp diễn không ngừng. Chúng ta được làm lễ là vì lợi ích của tất cả loài người, cách riêng vì toàn thể Hội Thánh. Có chức tư tế thừa tác, đặc biệt trong cử hành Thánh Thể, là để xây dựng và hoàn chỉnh chức tư tế của toàn dân Thiên Chúa, để "các tín hữu biết dâng lên Chúa Cha lễ vật chí thánh và hợp cùng của lễ đó hiến dâng lễ vật cuộc sống mình" (LM 5/791). Họ làm sao được việc đó khi chúng ta không dạy dỗ và hướng dẫn họ, và nhất là làm gương sáng cho họ ?

Ở đây chúng ta có thể đọc lại đoạn sách Sáng thế chương 22 nói về việc Abraham tế hiến con mình là Isaac. Hai cha con tiến lên núi Chúa, như linh mục với giáo dân tiến lên bàn thờ ngày nay. Con hỏi cha : "Này đây đã có lửa và củi vậy hy sinh thượng hiến ở đâu ?". Cha đáp : "Chính Thiên Chúa sẽ tự liệu ra hy sinh thượng hiến con ạ". Ôi ước gì cha con chúng ta khi dâng lễ biết thao thức như vậy, và biết đâu là chính lễ vật hiến dâng ! Chúng ta biết thao thức như Isaac và có tinh thần hy tế như Abraham. Ông đã giơ tay cầm lấy dao phay để tế sát con. Lòng ông không như sắp bị đâm sao ? Ông sắp chết với lễ vật ở trước mặt. Còn Isaac cũng bằng lòng để cho cha trói lại đặt lên đống củi cũng là tế đàn. Nếu cả linh mục và giáo dân biết dâng lễ như vậy, tức là biết chết cho con người xác thịt như thế, thì khi ra khỏi nhà thờ mới được như Abraham và Isaac ngày xưa, mà Sách Thánh đã mô tả trong một câu nói mà cha Thuấn đã nắm được ý nghĩa để diễn tả một cách sâu sắc, ít ai đọc mà nhận ra được. Đó là câu Abraham nói với tôi tớ trước khi lên núi : "Các anh ở lại đây với con lừa; còn ta và đứa trẻ, chúng ta phải đi tới đàng kia mà thờ lạy, rồi chúng tôi sẽ trở về lại với các anh" (22,5). Dùng hai đại từ khác nhau để nói về cũng hai cha con, tác giả và dịch giả cũng không có ý gì sao, đó là hai trạng thái trước và sau khi dâng lễ. Hy tế sẽ làm và thực tế đã làm cho hai người trở nên những con người mới và liên kết họ nên một ở bình diện cao hơn trước vì cả hai đã không tiếc mạng sống mình vì Chúa. Ở đây rõ ràng Abraham là chủ tế. Nhưng đồng thời ông đã có cái nhìn và những lời nói tiên tri, bởi vì ông đã có đức vâng lời làm chủ được bản năng. Ba chức năng tư tế, tiên tri và vương đế đã sáng lên trong hành động của ông để nêu gương sáng cho chúng ta.

Virgil GEORGHIU, tác giả cuốn "Giờ thứ 25", sau đó đã viết cuốn "Từ giờ thứ 25 đến giờ vĩnh cửu" có một chương (ch. V) rất đẹp nói về ngày Chủ Nhật, dies octava, ngày Chúa sống lại. Ông diễn tả con người của vị tư tế và của giáo dân sau giờ Thánh lễ. Mọi người như đã biến đổi hoàn toàn. Ngay đến các phụ nữ xấu xí cũng trở nên xinh đẹp; còn các em nhỏ thì như các thiên thần. Bởi vì tất cả đều đã rước lễ, và đã trở thành những người mang Thiên Chúa (Théophores). Khi người ta cầm một cây đèn hay một cây nến cháy, mặt người ta được rạng rỡ và rực sáng lên. Huống nữa là khi người ta mang Thiên Chúa là Ánh sáng của mọi ánh sáng ! Ánh sáng của Ngài tỏa ra từ bên trong nên thân xác người ta cũng biến dạng và đẹp đẽ hơn.

Chúng ta hãy cố gắng dâng lễ được như vậy và giúp giáo dân dự lễ, nhất là lễ Chủ nhật, được như thế. Chắc chắn phần phụng vụ Lời Chúa có vai trò gần của nó mà chúng ta sẽ nói sau. Nhưng quan niệm đổi mới của linh mục và giáo dân về Thánh lễ cũng là yếu tố quan trọng. Nếu linh mục thâm tín rằng chính khi cử hành Thánh lễ, người chu toàn nhiệm vụ chính yếu của mình, thì mọi công việc khác người làm, phải hy sinh và phục vụ cho hành động cao cả này. Không thể coi đây là một việc trong các việc. Quan niệm đây là việc quan trọng nhất cũng chưa đủ. Phải xác tín đây là gốc rễ, là trọng tâm, là đỉnh cao của chức năng linh mục, vì "là tác động của Chúa Giêsu và Hội thánh" (LM 13 tr. 814), là quyền năng Thánh Thần kiện toàn công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Mọi sự chuẩn bị đều không dư thừa. Nhà thờ phải đẹp và xứng hợp cho việc dâng lễ (LM 5/792); Bàn thờ phải xứng đáng và phải hiến thánh (Can. 932 §2) bố trí và trang hoàng cung thánh thế nào cho đạt về phụng vụ và nghệ thuật thánh; chỗ của giáo dân phải thuận lợi cho việc tham dự; nghi lễ và lễ nhạc cần chuẩn bị chu đáo để khỏi gây bực bội và loạn tâm. Trên hết chính tâm hồn của chủ tế biểu thị ra trong phong cách khi cử hành là nhân tố rất quan trọng.

Công đồng Trente đã làm cho Dân Chúa một thời không tiếc gì với Thánh lễ và Thánh Thể vì giáo lý về hy tế rất cao. Vatican II không làm suy yếu giáo lý ấy tí nào và chỉ muốn giúp Dân Chúa biết tham dự tích cực hơn vào hy tế bàn thờ. Tiếc thay nhiều thay đổi đã không được hiểu kỹ! Giá trị hy lễ ít được đào sâu, đang khi tổ chức tham dự nhiều khi muốn biến Thánh lễ thành cuộc họp mặt huynh đệ. Phải chăng không phải là lúc nên đọc kỹ lại 1Cr 11,17-29, để không nói theo ý riêng nhưng theo ý Đấng đã sai ta, để như Phaolô chỉ truyền lại cho người khác điều đã chịu lấy nơi Chúa (1Cr 11,23), hoặc như người ký lục nào đã được thụ giáo về Nước Trời, thì cũng giống như gia chủ biết rút tự trong kho của ông ra điều mới và điều cũ (Mt 13,51), để luôn luôn biết dâng lễ cho chính mình và cho người khác đúng với ý của Chúa lúc trao chén cho các môn đệ và nói : "Đây là Chén Máu Ta, Máu Tân ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội".