BÀI 5 : ĐỔI MỚI GIÁO HUẤN



LINH MỤC LÀ NGÔN SỨ

Như chúng ta đã thấy, theo Maccô (3,14-15; 6,7; 12), Đức Giêsu đã đặt Nhóm Mười hai để họ ở với Ngài và để Ngài sai đi rao giảng và được quyền năng trừ quỷ. Đọc Mátthêô chúng ta cũng thấy viết một cách tương tự: "Ngài kêu mười hai môn đồ của Ngài lại, Ngài ban cho họ quyền năng trên trên các thần ô uế... Rồi Ngài sai họ đi và truyền lệnh : Hãy đi và loan báo rằng : 'Nước Trời đã gần bên'" (10,1.7). Luca và Gioan không kể rõ hai công việc như trên. Hai ông thích dùng động từ 'làm chứng'; nhưng muốn làm chứng cũng phải dùng lời nói và việc làm (x. Lc 24,46-48; Ga 15,27). Nói và làm, đó là hai công việc cụ thể mà người có sứ mạng được sai đi công tác phải làm theo gương Chúa Giêsu (Lc 24,19). Hai việc ấy gắn bó với nhau, có thể nói, xoắn vào nhau, lồng vào nhau. Bất đắc dĩ chúng ta phải phân tách ra cho dễ hiểu; và vì thế bài này xin nói về việc Nói, tức là việc rao giảng Lời Chúa, hoặc nói chung hơn, đó là việc huấn giáo mà mục vụ thời nay đang đòi ta phải đổi mới.

Trước hết, đối với Chúa Giêsu và các Tông đồ, nói cũng quan trọng như làm và có khi còn quan trọng hơn. Mátcô cho chúng ta một thí dụ nơi 1,21-38 : Sau một ngày Ngài giảng dạy có uy quyền và chữa nhiều người ốm đau mắc đủ chứng bệnh, và trừ quỷ cũng nhiều tại Ca-phác-na-um, các môn đệ chiều ý người ta muốn ở nán lại; nhưng Ngài bảo họ : "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã lân cận, để Ta rao giảng ở đó nữa, bởi chính vì thế mà Ta đã ra đi". Câu văn có vẻ rao giảng là chủ yếu nhưng nó sẽ được sửa lại trong 10,45 : "Con Người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người". Dù sao, suốt đời, Chúa đã nói và làm. Ngài nói để hướng dẫn người ta đến việc làm của Ngài; và Ngài làm để minh chứng cho lời nói. Và nếu chúng ta hiểu việc làm một cách nông cạn là chỉ nghĩ đến các phép lạ, thì rõ ràng Ngài không làm những việc ấy mà không nói cho người ta hiểu ý nghĩa sâu xa của chúng.

Đến lượt các Tông đồ cũng vậy. Rao giảng và chữa bệnh (Mt 10,7-8); rửa tội và giảng dạy (Mt 28,19-20) cũng là lệnh truyền của Chúa sau khi Ngài sai các Tông đồ đi "thâu nạp môn đệ khắp muôn dân" (Mt 28,19). Phaolô, người tông đồ có ơn gọi đặc biệt, cũng không ra khỏi luật chung ấy. Có lần người khiến chúng ta có cảm tưởng rằng người đã được tuyển chọn để chỉ đi rao giảng, như trong thư gửi Cô-rin-tô : "Đức Kitô đã không sai tôi đi thanh tẩy mà là rao giảng Tin mừng" (1Cr 1,17). Tuy nhiên trước đó người có công nhận là có thanh tẩy cho Krispô và Gaiô và còn thanh tẩy cho gia đình Stêphana nữa; kỳ dư không biết đã thanh tẩy cho ai khác. Hơn nữa, đối với Phaolô, rao giảng đã bao hàm việc làm cho người ta nên con cái Thiên Chúa rồi. Người nói : "Trong Đức Kitô, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra cho anh em" (1Cr 4,15). Dù sao, ngay từ đầu tập thể các Tông đồ đã làm cả hai thứ việc: rao giảng và phục vụ. Cho mãi đến khi thấy không thể kham tất cả được, mới chia sẻ bớt công việc cho các phó tế (Cv 6,1-6). Nhưng thật là sai lầm nếu hiểu rằng từ đó các Tồng đồ chỉ là giảng dạy và các phó tế thì chỉ biết phục vụ. Rõ ràng Stêphanô cũng đã rao giảng rất thành công đến nỗi được vinh dự tử đạo đầu tiên (Cv 6,10); và Phêrô cũng vẫn tiếp tục làm phép lạ (Cv 9,32-43) và nhất là đã thanh tẩy Cornêliô (Cv 10). Tuy nhiên câu truyện đặt các phó tế trên đây vẫn cho chúng ta thấy các Tông đồ ý thức, trên hết phải lo chuyện cầu nguyện và phục vụ Lời (Cv 6,4), cho dù kiểu nói phục vụ Lời ở đây không loại trừ ý nghĩa làm các việc gắn liền với Lời.

Sở dĩ việc rao giảng quan trọng như vậy vì đó là một cách hành động của Thiên Chúa toàn năng, mà bây giờ Ngài ban cho chúng ta được vinh dự tham gia và tiếp tục. Thiên Chúa đã sáng tạo và cứu chuộc bằng Lời. Ngài phán, lập tức có trời đất, vạn vật. Và Ngài cứu chúng ta bằng cách: "Đã lắm phen cùng nhiều kiểu, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông nơi các tiên tri. Vào thời sau hết, tức là những ngày này, Người đã nói với ta nơi một người Con, mà Người đã đặt làm Đấng thừa tự tất cả mọi sự" (Dt 1,1-2). Điều làm cho người dân Cựu Ước lấy làm vinh dự, tự hào đó là việc Giavê đã nói với họ, đang khi thần tượng của các dân "miệng có đó, nhưng chúng không nói" (Tv 115,5). Và điều an ủi nhất cho dân mới là "Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi" (Ga 1,14). Do đó chúng ta cần có quan niệm thật mới mẻ và sâu sắc về giá trị Lời Chúa, để có thể hoàn thành nhiệm vụ rao giảng trao ban cho chúng ta. Có thể nói Lời Chúa là chính Chúa, ít nữa là ý định của Ngài, có thể giết chết và làm cho sống (Hc 43,26; Hs 6,5; Tv 106,29).

Dĩ nhiên không ai nghi ngờ về hiệu quả của Lời khi trực tiếp từ miệng Chúa nói ra, như trong trường hợp Chúa sáng tạo trời đất vạn vật bằng một lời phán của Người, hoặc như trong bao nhiêu trường hợp Đức Giêsu đã nói khi làm các phép lạ. Nhưng Chúa đã khẳng định và biểu thị Lời của Người vẫn có giá trị như thế khi truyền đạt qua miệng các tiên tri (Gs 55,10-11) và các Tông đồ: "Trời đất sẽ qua đi, nhưng Lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đi" (Mc 13,31; Lc 21,33). Và Người còn nói rõ hơn nữa "Ai nghe các ngươi là nghe Ta" (Lc 10,16). Và quả thật Chúa đã củng cố việc rao giảng Lời bằng rất nhiều điềm thiêng dấu lạ (x. Cv 3,1-10: người què; 5,1-11: Ananya; 10,44 : Cornêliô).

Thế nên, chúng ta hãy cầu xin như các tín hữu sơ khai rằng : "Xin ban cho các tôi tớ Người được tất cả dạn dĩ mà nói lời của Người" (Cv 4,29). Và chúng ta cần tin tưởng, nhiệt thành hơn nữa đối với việc rao giảng Lời Chúa, như Công đồng viết : "Các Linh mục mắc nợ mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm mà các Ngài đã nhận nơi Chúa" (LM 4/788).

"Có nhiều cách thi hành chức vụ rao giảng theo nhu cầu mỗi lúc khác nhau của các thính giả và tùy theo đặc sủng của các vị giảng thuyết" (LM 4/788-789). Ở đây chúng ta không thể bàn rộng rãi về mọi hình thức rao giảng, nhất là với những người chưa chia sẻ đức tin với chúng ta. Kiểu nói "đối thoại cứu độ" nên được áp dụng cho hoàn cảnh này. Chúng ta chỉ nói đến việc rao giảng Lời Chúa cho các tín hữu thường lui tới với chúng ta. Và tôi xin phân biệt hai lúc rất khác nhau, là trong Thánh lễ và ngoài Thánh lễ. Theo kiểu nói thông thường, chúng ta dùng hai động từ giảng dạy và giáo huấn.

Giảng là thành phần của động tác phụng vụ, phải thi hành một cách trung kiên và đúng theo nghi lễ (PV 35/90). Đó là một việc thuộc phần phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ, cũng để giáo huấn, nhưng chủ yếu là để phục vụ Thánh lễ để tín hữu biết tham dự Thánh lễ và cử hành mầu nhiệm cứu độ. Do đó phải gặt bỏ hẳn ý tưởng muốn lợi dụng bài giảng cho một mục đích răn dạy nào đó không ăn nhằm gì hết với cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, huống nữa là muốn lợi dụng Lời Chúa để phục vụ truyền thống của loài người (Mc 7,8; 13). Đừng bao giờ suy nghĩ bài giảng mà không đọc trước các bài Kinh Thánh của Thánh lễ, vì bài giảng phải được múc nguồn từ Kinh Thánh và phụng vụ (PV 35/90). Đừng mở miệng sau Phúc Âm khi không biết, không nghe, không suy Lời Chúa vừa được công bố. Dùng việc giảng để dạy giáo lý dẫn đến Thánh Thể một cách gượng gạo cũng phải kể như không được phép; ít ra cũng không phù hợp với tinh thần phụng vụ mới. Và đây cũng là một công việc phải đổi mới.

Người ta có thể vịn vào hoàn cảnh hiện tại, không tổ chức huấn giáo được vào những giờ khác, để làm việc này sau khi công bố Tin Mừng của phần phụng vụ Lời Chúa. Lập luận này không đứng vững và không chấp nhận được. Làm như thể Lời Chúa trong Thánh lễ không có giá trị huấn giáo! Hay bảo rằng ít ra nó cũng không phục vụ huấn giáo theo chương trình! Tại sao chúng ta đặt nặng vấn đề chương trình trong huấn giáo như vậy? Làm cho cộng đoàn biết đọc kinh Tin kính trong Thánh lễ không phải là vắn tắt ôn lại hết mọi chương trình huấn giáo sao? Nhất là tôi không thấy các Tông đồ (thánh sử) quá quan tâm giáo huấn theo chương trình như chúng ta. Các Ngài để Chúa huấn giáo một cách tự do, có thể nói, tùy hoàn cảnh cụ thể hơn là theo chương trình. Đọc Tân Ước kỹ hơn nữa, chúng ta còn nhận ra dễ dàng điều này, là giáo huấn của Chúa cũng như của các Tông đồ, luôn hướng về mầu nhiệm tử nạn - phục sinh, mà chúng ta cử hành trong mọi Thánh lễ. Hơn nữa từng đoạn giáo huấn của những sách ấy hầu như vẫn được xây trên mầu nhiệm cứu độ này. Bài tường thuật việc Chúa sinh ra là một thí dụ. Những bài khác về việc Đức Mẹ dâng Con trong Đền thờ, câu truyện lạc mất người ba ngày, tường thuật tiệc cưới Cana... cũng đều như vậy. Ngày xưa hầu như chỉ có sách Mátthêô được dùng trong các ngày Chủ Nhật, và sách của Gioan luôn kể chuyện trong bối cảnh của các ngày lễ. Như vậy không đủ để chúng ta thâm tín giá trị huấn giáo của phần phụng vụ Lời Chúa kết thúc bằng bài giảng sao? Chắc chắn giảng là cao điểm của huấn giáo và chúng ta không được làm mất giá trị này. Công đồng viết : "Ngay trong vấn đề dạy giáo lý, cũng phải dùng mọi phương thế để nhấn mạnh tính cách phụng vụ hơn" (PV 35,3/91). Như vậy, giảng là mẫu gương của huấn giáo. Dù sao chúng ta vẫn phải tuyên tín mọi lời từ miệng Chúa phán ra đều là bánh hằng sống. Con người không ăn theo chương trình. Và kinh nghiệm giảng theo chương trình ngoài phụng vụ dần dần sẽ không kéo dài được và làm cho Thánh Thể hết hương vị những mùi thơm ngon.

Hãy trả cho César phần của César! Hoặc nói như sách Giảng viên: Có lúc để giảng và có lúc để huấn giáo. Dĩ nhiên khi dân Chúa tập họp lại để nghe Lời Chúa, họ đã được giáo huấn; nhưng việc giáo huấn ở đây còn phải đi tới việc cải hóa và đổi mới trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Linh mục làm ý nghĩa này nổi bật lên, khi thật là anh em ở giữa anh em, chăm chú nghe lời Chúa dạy bảo. Người có tự mình công bố Lời Chúa thì cũng còn đóng vai trò người công bố. Chỉ khi mở miệng sau Phúc Âm, người mới làm như Đức Giêsu tại hội đường ở Nadarét (Lc 4,16), ứng dụng Lời Chúa vào ngày hôm nay để Lời Chúa không thuộc dĩ vãng nhưng Chúa đang nói với mọi người để họ tin theo người. Và 'họ' ở đây là cả Hội thánh, trong đó linh mục là một thành viên, thành viên bé nhỏ để cho Người lớn lên (Ga 3,30). Apollô là gì, Phaolô là gì ? Chỉ là những tôi tớ qua họ anh em đã tin. Hơn nữa linh mục càng để cho Lời Chúa đánh động mình như thanh gươm hai lưỡi (Dt 4,12), lời giảng càng có sức mạnh huấn giáo đắc lực. Do đó, giảng phải ít ra đi từ Lời Chúa, đúng ra phải nói lên tác động của Lời Chúa, không phô trương kiến thức riêng (LM 9/788; 19/827), không dùng hoa ngữ và luận lý không ngoan đời này, nhưng khiêm tốn như người đã có đôi tai môn đệ, thân mật như bạn đồng liêu trao đổi với nhau về giáo huấn của Thầy mình. Và như vậy, sự thán phục của thính giả mới là sự thán phục về "ân sủng xuất ra từ miệng người" (Lc 4,22).

Tuy nhiên, giảng chưa đủ để chu toàn nhiệm vụ giáo huấn. "Vì được tham dự chức vụ của các Tông đồ theo phận vụ của mình, nên các linh mục được Thiên Chúa ban ân sủng để làm thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân và thi hành chức vụ thánh rao giảng Phúc Âm hầu việc dâng hiến muôn dân làm của lễ được chấp nhận và thánh hóa" (LM 2/782). Như vậy linh mục có trách nhiệm giáo huấn mọi người và mắc nợ này đối với mọi người, cách riêng đối với những người sắp nhận các Bí tích (LM 4,788). Vatican II không sẻn so gợi ý với chúng ta về cách thức phải làm : "Khi sống một cách tốt lành giữa dân ngoại để làm cho họ tôn vinh Thiên Chúa, khi công khai giảng thuyết để loan truyền mầu nhiệm Chúa Kitô cho những người chưa tin, khi dạy giáo lý Kitô giáo và giải thích giáo thuyết của Hội Thánh, khi chăm lo nghiên cứu những vấn đền thời đại dưới ánh sáng Chúa Kitô: trong mọi trường hợp, phận sự của các linh mục không phải là giảng dạy sự thông thái của mình nhưng là giảng dạy Lời Chúa và phải khẩn thiết mời gọi mọi người cải thiện và nên thánh, hoán cải và tin vào Phúc Âm" (nt). Riêng đối với những con chiên ngoan đạo, linh mục đừng sao nhãng giúp họ biết thêm Lời Chúa, thi hành Luật Chúa, biết dâng hy tế của Đức Kitô và hiến dâng cuộc đời mình, để họ biết cầu nguyện khi lãnh nhận các Bí tích, để tinh thần cầu nguyện thấm nhập đời sống, để họ biết chu toàn phận vụ hằng ngày trong tinh thần bác ái và truyền giáo.

Hoàn cảnh càng khó, lại càng phải ý thức mạnh mẽ hơn về nhiệm vụ và càng phải có nhiều sáng tạo và can đảm. Hãy nghe lời căn dặn khẩn thiết của thánh Phaolô nói với Timôthê "Hãy rao giảng Lời, hãy ứng phó lúc thuận lúc nghịch... hãy thi hành công tác giảng viên, hãy trọn niềm phục vụ" (2Tm 4,2-5). Người cũng nói với Titô : "Còn anh, hãy nói với những gì hợp với đạo lý thuần lương" (2,1).

Hãy bắt chước các thánh Tử đạo Việt Nam. Không những các ngài rao giảng cho con chiên và khi thi hành phận sự linh mục, mà ngay cả khi đã bị bắt, lúc ở trong tù, cho tới khi sắp bị hành quyết nơi pháp trường, các ngài vẫn tìm cách rao giảng các chân lý của đạo. Ai mà không biết cha thánh Vinhsơn Liêm đã đóng vai trò tích cực thế nào trong cuộc tranh luận gọi là "hội đồng tứ giáo" trước mặt vua chúa thời bấy giờ?!

Ước gì khi trung thành 'rao giảng Lời Chúa ở mọi nơi' (chúng ta) có Chúa cùng hành động và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo (Mc 16,20).

Sách vở và phương tiện chỉ giúp đỡ phần nào thôi. Điều cốt yếu là "tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô… phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa..., không ai trong họ sẽ trở thành kẻ huyênh hoang rao giảng Lời Thiên Chúa ngoài môi miệng, bởi không lắng nghe Lời Chúa trong lòng” (MK 5/599). Và câu đáng sợ hơn : “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (nt). Mà chúng ta lại là những đại diện Người sai đi rao giảng cho muôn dân. Nhiệm vụ thánh này không kêu gọi chúng ta phải có những thái độ cụ thể đổi mới sao?