BÀI 6 : ĐỔI MỚI PHƯỢNG TỰ



LINH MỤC LÀ THỪA TÁC VIÊN CỦA CÁC MẦU NHIỆM THÁNH

“Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện và là Đấng Thánh Hóa duy nhất đã muốn nhận loài người làm cộng sự viên và trợ tá, để họ khiêm tốn giúp vào công việc thánh hóa. Vậy qua tay Đức giám mục, các linh mục được Thiên Chúa hiến thánh để…. trong lúc cử hành các việc thánh, các ngài hành động như những thừa tác viên của Người, Đấng không ngừng thi hành chức vụ linh mục trong phụng vụ, nhờ Thánh Thần Người, để mưu ích cho chúng ta” (LM 5/789–790).

Bản văn trên của Công đồng cho chúng ta những nhân tố thiết yếu để hiểu sâu và đổi mới nhiệm vụ thánh hóa mà Chúa đã trao phó cho chúng ta trong chức linh mục. Đó là chính công việc của Thiên Chúa mà Ngài đã đoái thương chia sẻ cho chúng ta, bởi vì duy chỉ có Người là thánh và việc tác thành cũng chỉ mình Người làm được. Tại sao vậy? Muốn hiểu được, chúng ta phải biết thánh là gì và thế nào là thánh hóa? Đạo chúng ta có quan niệm rất đặc biệt về những vấn đề này, mà diễn tả nhiều khi không dễ dàng đâu.

Đối với chúng ta, thánh thiện không phải chỉ là đạo đức hoặc là ăn ngay ở lành. Có nhiều lời phát biểu trong vụ phong thánh vừa qua tỏ ra tác giả những lời ấy không am hiểu quan niệm thánh trong Thiên Chúa giáo và Kitô giáo. Chúng ta tuyên xưng duy chỉ có Chúa là thánh; còn tất cả mọi loài chỉ được kêu gọi nên thánh. Như vậy, bản chất của Chúa là thánh, còn mọi loài phải được Chúa ban ơn mới nên thánh được. Sự đó nói lên Thiên Chúa khác hẳn mọi loài. Và chính sự khác biệt này là sự thánh. Thánh là Thần, là Chúa, là siêu việt, là tuyệt vời, là gì mà tâm trí không mường tượng được, tai mắt không nghe và nhìn thấy được, và ước nguyện không sao giải thích được. Người Do thái ngày xưa cảm thấy thánh chính là sự khác biệt lớn lao giữa Giavê và mọi loài, nên những con cái Israen phải đứng xa Thiên Chúa (Xh 19,18) mà cả đến Môsê cũng không thể nhìn thấy Ngài mà sống được (Xh 33, 8-3). Êlia là nhà tiên tri vô địch về sự thánh, đã sống tách khỏi mọi người và thế gian, tưởng là có thể nhìn được Đức Chúa, nhưng cuối cùng vẫn run sợ như muốn chết khi cảm thấy Ngài đang đến gần (1V 19,13)… Isaia cũng vậy (Is 6,1-5). Và trong Tân ước khi Phêrô vừa ý thức Đức Giêsu là Đấng thánh, ông vội quỳ mọp xuống xin Ngài ra đi đừng đứng gần con vì con tội lỗi (Lc 5,8).

Tuy nhiên những sự khác biệt không lấp nổi giữa Thiên Chúa và mọi loài cũng chỉ là một phương diện của sự thánh, vì Thiên Chúa tuy cao vời nhưng lại không ở xa. Ngài muốn thông ban sự thánh của Ngài cho chúng sinh. Và trước hết bằng chính việc Ngài tự mạc khải mình ra. Được biết Ngài đã là được đưa vào sự thánh thiện của Ngài. Do đó Lời Ngài có sức thánh hóa và rao giảng lời Ngài đã là thánh hóa người ta. Đặt sách thánh nơi ngai cũng là có đấng thánh ở trước mặt, không khác lắm Mình Thánh Chúa đâu. Trong Thánh Kinh Cựu ước có kiểu nói “Giavê thánh hóa mình” để diễn tả việc Ngài tỏ mình ra là Đấng thánh. Cho nên ngay việc tạo dựng cũng là một cách thánh hóa vì kéo mọi loài ra khỏi hư vô để được hiện hữu trước Thiên Chúa. Và tạo dựng nào lúc đầu cũng đều tốt. Rồi các cuộc hiển linh, các việc Giavê làm trong Cựu ước cũng là những lần Ngài vừa tỏ mình vừa tỏ sự thánh thiện của Ngài ra. Con cái Israel được chứng kiến và được hưởng những ơn cao cả ấy, khác với mọi dân, nên Giavê là “Đấng thánh của họ” và Ngài cũng công nhận “ở giữa ngươi, Ta là Đấng thánh” (Hs 11,9).

Ý thức được ơn gọi đặc biệt ấy, con cái Israel thấy mình có nhiệm vụ phải nên thánh; nói đúng hơn, họ luôn được Giavê kêu gọi nên thánh, chỉ được thờ phượng Ngài, phải tuân giữ lời Ngài, phải đặt mọi tin tưởng ở nơi Ngài. Nhưng dù có các cố gắng của các tiên tri, họ vẫn không giữ nổi, và trở nên ô uế. Rất nhiều lễ nghi thanh tẩy được đặt ra với những chi tiết rất tỉ mỉ cũng là vì thế. Nhưng tất cả đều tỏ ra bất lực cho đến ngày Đức Kitô trở nên con chiên đến gánh tội thiên hạ, tự hiến thánh mình để tất cả được hiến thánh. Khi đi vào mầu nhiệm tử nạn – phục sinh vừa xóa bỏ tội lỗi vừa ban sự sống mới của Thánh Thần.

Như vậy công việc thánh hóa hoàn toàn là của Chúa. Chính Ngài đã nghĩ ra, đã thực hiện, bằng chính các hành động của Ngài, chứ mọi nỗ lực của con người đều vô ích (Rm 3,21–26). Thánh Phaolô nói: Chúng ta được ccng chính hóa không do sự nghiệp riêng nhưng do lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi khi chúng ta đang là còn là tội nhân mà Ngài đã sai Con Một của Ngài đến đền thay tội lỗi chúng ta (Rm 5,8). Thế nên Thánh Phêrô khuyên nhủ mọi người : “Hãy biết rằng không phải bằng những của hư nát, bạc hay vàng mà anh em đã được mua chuộc..., nhưng là nhờ máu châu báu của Con Chiên vô tật, vô tì, Đức Kitô” (1Pl 1,18-19). Vậy, tác giả thư Do thái nói tiếp: “Chúng ta hãy dạn dĩ tiến lại gần ngai ân sủng, hầu được đáp cứu đúng thời” (4,16).

Lời kêu gọi này đã được tung ra ngay trong lời rao giảng đầu tiên của các tông đồ (Cv 2,39), những người được Đức Kitô sai đi thâu nạp môn đồ khắp nơi. Lời ấy cũng đã được lập tức đón nhận và có lối ba ngàn người đã chịu thanh tẩy nhân danh Đức Kitô để được tha thứ tội lỗi và được lĩnh ơn Thánh Thần. Ngày nay chúng ta chính là những người tiếp tục sứ mạng của các tông đồ, được trao nhiệm vụ thánh hóa. Không kể việc chính mình phải nỗ lực nên thánh như tất cả mọi người trong Giáo Hội (GH 39/245) vì 'Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa' (1Tx 4,3) và ai cũng đã được Đức Giêsu kêu gọi “hãy nên trọn lành như Cha trên trời” (Mt 5,48) chúng ta còn phải luôn nhớ những điều trên đây để thi hành lời Công đồng (LM 5/789), khiêm tốn cộng tác vào công việc thánh hóa. Đây là việc của chính Thiên Chúa, vì duy Ngài là Thánh và là Đấng thánh hóa duy nhất. Ngài đã thực hiện nhờ Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta được chọn làm cộng sự viên nhưng thực ra chỉ là những thừa tác viên để làm những việc mà Chúa đã trao cho Hội thánh. Thế nên chúng ta luôn phải khiêm nhường và khiêm tốn thi hành ý muốn và đúng ý của Đấng đã sai đi.

Và “vì ý muốn của Thiên Chúa là sự thánh hóa anh em” (1 Tx 4,3), nên chúng ta luôn phải sẵn sàng và chăm chỉ thi hành nhiệm vụ thánh hóa. Phúc cho đàn chiên nào luôn có vị chủ chăn ngày đêm sẵn sàng phục vụ như vậy! Phúc hơn nữa cho chính “tôi tớ đó, Chủ đến mà gặp nó đang làm như vậy” (Lc 12,43). Các thánh linh mục tử đạo Việt Nam ngày trước đã rất đáng phục về phương diện này. Các ngài đã sẵn sàng và nhiệt tình quá sức, vượt qua mọi gian truân thử thách để thi hành nhiệm vụ thánh hóa: nhiều vị phải sống chui rúc ban ngày để ban đêm làm mục vụ. Đi đôi với lòng nhiệt thành ấy, các ngài còn tỏ ra rất mực khiêm tốn, đúng như thánh Ignatiô tử đạo đã minh chứng: Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, trong khi thi hành các bí tích, các linh mục liên kết trong phẩm trật thánh với giám mục (Thư gửi Smyrne).

Sự liên kết này không những nói lên sự hiệp thông, mà nhất là ý thức về vai trò của mình. Apôllô là gì? Phaolô là gì? Chính Thánh Thần mới là Đấng thánh hóa qua việc làm của các thừa tác viên. Hội thánh là hiền thê trung thành đã bảo vệ và truyền đạt những việc Chúa đã thiết định. Là quản lý trung trực và khôn ngoan, các thừa tác viên phải nhiệt thành nhưng không được tự tiện, phải chăm chỉ nhưng phải tuân giữ kỷ luật của phụng vụ để việc tôn thờ được chân thật và việc làm có giá trị, để không phải thừa tác viên thánh hóa, nhưng là Đức Giêsu đang dâng hy tế duy nhất để Chúa Cha ban ơn công chính hóa cho những kẻ có lòng tin.

Như vậy, thêm vào những tư cách trên, linh mục khi thi hành nhiệm vụ thánh hóa, còn phải chuẩn bị tâm hồn người đón nhận để họ có lòng tin. Kinh Thánh nói Chúa Giêsu không làm được phép lạ ở Nadarét vì người ta không có lòng tin (Mc 6,1-6). Ngài luôn đòi niềm tin khi làm phép lạ. Giáo hội ngày nay muốn có phần Lời Chúa, cho dù vắn tắt, trước mỗi cử hành phụng vụ, cũng nhằm mục đích ấy. Việc này đòi chúng ta có nhiều thái độ đổi mới: từ việc chuẩn bị xa đến việc chuẩn bị gần, từ việc dạy giáo lý đến việc lựa chọn các bài Kinh Thánh, từ việc săn sóc các đồ dùng để cử hành bí tích đến cách thức cử hành để người ta biết đón nhận ơn thánh. Ấy là chưa kể việc còn phải muốn làm sao cho có nhiều người tham dự các cử hành, để làm nổi bật vai trò của Hội thánh trong nhiệm vụ thánh hóa, cũng như để cộng đoàn dân Chúa được giáo huấn thêm và biết hỗ trợ những người lãnh nhận bí tích.

Việc sau cùng này khó một cách đặc biệt nơi bí tích cáo giải. Giáo hội quyết tâm duy trì việc giải tội cho từng hối nhân. Chỉ trong những trường hợp rất đặc biệt và có phép mới được giải tội tập thể. Lý do sâu xa có lẽ là vì mỗi hối nhân là một con bệnh riêng; chẳng có lối chữa bệnh tập thể nào, cho dù trong trường hợp có rất nhiều người mắc cùng một chứng bệnh. Cơ thể mỗi người đều khác nhau, nên lối chữa chung vẫn đòi có sự săn sóc riêng. Dó đó, có giải tội tập thể cũng luôn luôn phải nhắc hối nhân có nghĩa vụ đi xưng tội riêng, sớm nhất khi có tội nặng, và thường không được lãnh ơn tha tội tập thể hai lần liền mà không có việc xưng tội riêng xen vào thời gian giữa hai lần ấy (Can. 961-963).

Tuy nhiên, không vì vậy mà bí tích cáo giải ít có tính “tập thể”, Hội thánh hơn những bí tích khác. Linh mục có nghĩa vụ giảng chung cho nhiều người về bí tích hòa giải này; người hãy giúp họ nhận thức phải cáo lỗi cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em, cũng như phải xin anh chị em cầu nguyện cho mình được ơn tha thứ. Nhất là hối nhân có biết tha thứ mới được thứ tha (Mt 6,14-15). Ngoài ra những cử hành thống hối cộng đồng cũng rất nên được tổ chức, đặc biệt vào những mùa phụng vụ sám hối của Hội Thánh.

Phải thú thật, bí tích cáo giải có lẽ là gánh nặng nhất cho linh mục trong nhiệm vụ thánh hóa. Linh mục vừa ngại xưng tội vừa ngại ngồi tòa. Khác với các linh mục thời tử đạo, ao ước được xưng tội và liều mạng khi đi giải tội lén. Tôi rất biết ơn những cha đã giải tội cho tôi. Tôi muốn mọi hối nhân chia sẻ tâm tình đó. Nhưng biết làm sao được, người ta thường cám ơn rối rít và hậu tạ những linh mục chứng hôn cho người ta, đang khi thừa tác viên của bí tích hôn phối lại là chính họ. Còn vai trò của linh mục ngồi tòa lại thường bị quên lãng đang khi chính nhờ người mà người ta được lĩnh ơn thánh hóa cần thiết và chắc chắn hơn cả. Phải chăng thái độ ấy không vô tình lập lại cách cư xử của người ta trước cảnh Chúa bị đóng đinh sao? Mà quả thật vị linh mục nổi tiếng siêng năng ngồi tòa giải tội đã có bộ mặt hốc hác như thể Chúa bị đóng đinh: cha sở xứ Ars. Có lẽ vì thánh nhân còn muốn đền tội thay cho người ta nữa bằng bao việc hy sinh, hãm xác. Và đó là tấm gương vô cùng quý giá, nói lên tấm lòng của vị thừa tác viên thật sự muốn là cộng tác viên của Thiên Chúa để thánh hóa người ta, vì không có ơn tha thứ mà không có đổ máu (Dt 9,22).

Tuy nhiên nguyên việc nhớ đến câu nói: “Ai nào có thể tha tôi được, trừ phi là một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,7) đủ để khích lệ chúng ta siêng năng và cần mẫn đối với bí tích cáo giải, vì chính Chúa đã ban quyền ấy cho chúng ta (Ga 20,23). Onus, honor. Không những chúng ta được vinh dự của Thiên Chúa, nếu dám nói như vậy, nhiều khi Chúa cũng thưởng công chúng ta một cách khá rõ rệt và ban cho chúng ta được những tâm tình hân hoan như Đức Mẹ khi đi thăm bà chị họ. Người đã đon đả lên đường cho dù biết cuộc hành trình đầy vất vả hiểm nguy và mệt nhọc. Nhưng khi thấy Gioan nhảy mừng, bà Êlisabeth đầy Thánh Thần, Đức Mẹ đã vui mừng và dám nói: “muôn đời sẽ khen tôi có phúc” (Lc 1,48). Đôi khi chúng ta cũng được sự hân hoan tương tự khi bắt được một con “cá xộp”, khi làm cho một người trở lại, một gia đình tìm lại được thuận hòa, một bệnh nhân ra đi về với Chúa với nét mặt rực rỡ tỏa ra ơn được thánh hóa. Và một linh mục siêng năng ngồi tòa khi qua đời sẽ được nhiều người thương tiếc.

Để kết luận, chúng ta hãy đọc kỹ lại câu công đồng nói về ơn gọi linh mục: “Để kết nạp một thân thể duy nhất, trong đó 'mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng' (Rm 12,4), chính Chúa đã cắt đặt giữa các tín hữu một số thừa tác viên. Nhờ chức thánh, họ được trao quyền tế lễ và tha tội trong cộng đồng dân Chúa" (LM 2/781). Tế lễ và tha tội là hai việc nhưng dưới một góc độ nào đó lại chẳng là một sao? Chúa Giêsu tế lễ làm gì nếu không nhằm mục đích tha tội? Chúng ta tham dự lễ tế của Người làm gì, nếu không để được thánh hóa và trở thành lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa. Mọi công việc của linh mục, từ việc rao giảng Phúc âm, cử hành các bí tích, điều hành giáo xứ, đều nhằm mục đích duy nhất, như là Phaolô nói, là “đính hôn anh em với Chúa Kitô làm người bạn trăm năm vẹn sạch không tì ố” (2Cr 11,2). Nghĩ như vậy mà không vui sao? Lẽ nào có thể không vui trong ngày cưới? Dù mệt nhọc sau lễ, linh mục hãy vui lên để tỏ cho dân Chúa biết họ đã nhận được ơn Chúa, như người cha gặp lại đứa con, tìm lại được con chiên lạc… Ngày chủ nhật là ngày lễ, phải vui vì con cái Chúa xum họp; được có Chúa sống lại ở giữa; được gần viễn tượng Chúa trở lại; gần thấy thiên đàng; được thấy sức sống mới của Hội Thánh, Tin Mừng được rao giảng, Thánh Thần đến thay đổi mặt đất. Thật là ngày của Chúa. Chúa đã làm nên, chúng ta hãy hân hoan về ngày đó (Tv 117,24).

Đối với chức năng thánh hóa, đặc biệt trong việc cử hành bí tích cáo giải, không là đổi mới toàn diện thừa tác vụ linh mục sao?